Chương trình phối hợp giữa Bộ Tư pháp và Tòa án nhân dân tối cao về người thực hiện trợ giúp pháp lý trực tại Tòa án

Ngày 19/5/2022, tại trụ sở Tòa án nhân dân tối cao, đồng chí Mai Lương Khôi Thứ trưởng Bộ Tư pháp và đồng chí Nguyễn Huy Tiến Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã ký kết Chương trình phối hợp giữa Bộ Tư pháp và Tòa án nhân dân tối cao về người thực hiện trợ giúp pháp lý trực tại Tòa án. Lễ ký kết có sự tham gia của Uỷ viên Bộ Chính trị, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình và Ủy viên trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long và các đồng chí lãnh đạo hai ngành.

Bài viết xin giới thiệu về sự cần thiết xây dựng Chương trình và những nội dung cơ bản của Chương trình:
I. Sự cần thiết xây dựng Chương trình
Hiện nay, Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật tố tụng dân sự, Luật tố tụng hành chính và Luật thi hành tạm giữ, tạm giam (các Bộ luật, luật về tố tụng) đã có nhiều quy định mới về bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý: Trách nhiệm cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền của cơ sở giam giữ, trại giam trong việc thông báo, giải thích, hướng dẫn và bảo đảm thực hiện quyền được trợ giúp pháp lý của đối tượng thuộc diện được trợ giúp pháp lý; yêu cầu hoặc đề nghị Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước (Trung tâm) cử trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý (người thực hiện trợ giúp pháp lý) bào chữa cho người thuộc diện được trợ giúp pháp lý.     
Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 cũng quy định trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng phối hợp, tạo điều kiện cho người được trợ giúp pháp lý được hưởng quyền trợ giúp pháp lý, tạo điều kiện cho người thực hiện trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng.
Để triển khai cơ chế phối hợp theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý, Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC đã hướng dẫn cụ thể các nội dung về phối hợp trợ giúp pháp lý trong tố tụng (Điều 7), đặc biệt giải thích về quyền được trợ giúp pháp lý cho đối tượng thuộc diện trợ giúp pháp lý; yêu cầu ra văn bản thông báo cho Trung tâm khi đối tượng có yêu cầu trợ giúp pháp lý, ra văn bản thông tin cho Trung tâm khi đối tượng chưa có yêu cầu trợ giúp pháp lý.
Có thể khẳng định công tác phối hợp giữa Trung tâm TGPL nhà nước với các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng về trợ giúp pháp lý ngày càng chặt chẽ và đạt hiệu quả, đạt được kết quả rất đáng ghi nhận, tuy nhiên hiện còn một số vấn đề cần tiếp tục tháo gỡ như: số lượng vụ việc trợ giúp pháp lý dưới hình thức tham gia tố tụng so với số lượng người thuộc diện được trợ giúp pháp lý và số lượng vụ án do Tòa án thụ lý, giải quyết còn thấp, do đó sẽ có khả năng bỏ sót người thuộc diện được trợ giúp pháp lý[1]; Số lượng vụ việc trợ giúp pháp lý do cơ quan tiến hành tố tụng chuyển gửi cho Trung tâm tại nhiều địa phương còn thấp so với số vụ việc do các cơ quan này thụ lý, giải quyết[2]...
Nắm bắt được thực tế này, Cục Trợ giúp pháp lý đã phối hợp với Vụ Pháp chế và quản lý khoa học, Tòa án nhân dân tối cao xây dựng dự thảo Chương trình phối hợp giữa Bộ Tư pháp và Tòa án nhân dân tối cao về người thực hiện trợ giúp pháp lý trực tại tòa án. Chương trình được xây dựng nhằm bảo đảm đối tượng thuộc diện trợ giúp pháp lý trong vụ việc mà Tòa án nhân dân thụ lý được giải thích đầy đủ, bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý, được tiếp cận, cung cấp và sử dụng dịch vụ trợ giúp pháp lý kịp thời, giảm thiểu tối đa việc bỏ sót đối tượng; Tăng cường công tác phối hợp giữa Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước với các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc trợ giúp pháp lý cho đối tượng thuộc diện được trợ giúp pháp lý, đặc biệt trong việc thông tin, thông báo về trợ giúp pháp lý.
Chương trình phối hợp đã được lấy ý kiến bằng văn bản của một số đơn vị, địa phương có liên quan và được sự đồng thuận cao.
II. Một số nội dung cơ bản của Chương trình
1. Về hình thức trực:
Việc trực được thực hiện tại trụ sở Tòa án nhân dân (TAND) hoặc trực qua điện thoại. Căn cứ điều kiện cụ thể tại địa phương, TANC tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ phối hợp với Sở Tư pháp trao đổi, thống nhất hình thức trực phù hợp.
2. Về nhân lực thực hiện:
 Người trực: người thực hiện trợ giúp pháp lý là trợ giúp viên pháp lý, luật sư ký hợp đồng với Trung tâm TGPL. Người hỗ trợ trực: Chuyên viên của Trung tâm TGPL nhà nước thuộc Sở Tư pháp.Căn cứ điều kiện thực tế, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước sẽ phân công người thực hiện trợ giúp pháp lý trực theo thời gian nhất định (hàng ngày hoặc theo lịch linh hoạt)
3.  Về cơ chế tiếp nhận yêu cầu trợ giúp pháp lý và nhiệm vụ của người trực, người hỗ trợ trực:
- Trực tại trụ sở TAND: Người tiến hành tố tụng, công chức TAND làm việc tại các bộ phận tiếp nhận đơn có trách nhiệm giới thiệu người thuộc diện được trợ giúp pháp lý tới gặp người trực, thông tin, thông báo về trợ giúp pháp lý được chuyển đến cho người trực. Người trực trực tiếp nhận nguồn tin, yêu cầu trợ giúp pháp lý từ người tiến hành tố tụng, công chức TAND, người thuộc diện được trợ giúp pháp lý, người thân thích của họ hoặc từ cơ quan, tổ chức khác. Người trực giải quyết vụ việc trợ giúp pháp lý, ghi chép, thống kê vào Sổ trực trợ giúp pháp lý (theo mẫu của Bộ Tư pháp), thực hiện các công việc khác phát sinh từ hoạt động trực. Người hỗ trợ trực giúp người trực thực hiện các nhiệm vụ theo phân công của người trực.
- Trực qua điện thoại: Người tiến hành tố tụng, công chức TAND khi phát hiện người thuộc diện được trợ giúp pháp lý thì thông tin và cung cấp số điện thoại của người được trợ giúp pháp lý hoặc người thân thích của họ (nếu có) ngay cho người trực. Đồng thời, hướng dẫn người thuộc diện được trợ giúp pháp lý đến nơi niêm yết danh sách, số điện thoại của người trực. Người trực tiếp nhận nguồn tin, yêu cầu trợ giúp pháp lý từ người tiến hành tố tụng, công chức TAND, từ người thuộc diện được trợ giúp pháp lý, người thân thích của họ hoặc từ cơ quan, tổ chức khác thì liên hệ với người thuộc diện được trợ giúp pháp lý hoặc người thân thích của họ để thực hiện các hoạt động trợ giúp pháp lý. Người trực ghi chép, thống kê vào Sổ trực trợ giúp pháp lý (theo mẫu của Bộ Tư pháp).
 4. Trách nhiệm của các cơ quan
 Bộ Tư pháp có trách nhiệm: (1) Chủ trì, phối hợp với TAND tối cao ban hành văn bản hướng dẫn theo yêu cầu, theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, tổng kết việc triển khai Chương trình; (2) Chỉ đạo Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức triển khai các nội dung cụ thể trong Chương trình.
Tòa án nhân dân tối cao có trách nhiệm: (1) Phối hợp với Bộ Tư pháp triển khai thực hiện các nội dung phối hợp tại Chương trình; (2) Chỉ đạo TAND cấp tỉnh triển khai các nội dung cụ thể trong Chương trình.
5. Tổ chức thực hiện
Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp; Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học, TAND tối cao là các đơn vị đầu mối làm nhiệm vụ thường trực, tham mưu triển khai thực hiện, theo dõi, đánh giá việc triển khai thực hiện Chương trình, tham mưu trong việc hướng dẫn, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, kiểm tra, sơ kết, tổng kết Chương trình.
 Sở Tư pháp, TAND cấp tỉnh chủ động phối hợp, xây dựng Kế hoạch để tổ chức, triển khai thực hiện Chương trình tại địa phương.
6. Về thời gian triển khai thực hiện: Dự kiến 05 năm kể từ ngày ký Chương trình.
7. Địa điểm thực hiện: Chương trình được triển khai trong toàn quốc tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Đặt lợi ích của người thuộc diện TGPL làm trung tâm, Chương trình người thực hiện trợ giúp pháp lý trực tại tòa án được ký kết và triển khai thực hiện sẽ giúp bảo đảm tiếp cận và thụ hưởng trợ giúp pháp lý kịp thời trong tố tụng cho người bị buộc tội, bị hại, đương sự thuộc diện được trợ giúp pháp lý; hạn chế việc người dân thuộc diện trợ giúp pháp lý bị bỏ lỡ cơ hội được hỗ trợ pháp lý miễn phí. Đồng thời, sự phối hợp chặt chẽ và nỗ lực của cán bộ ngành tư pháp và ngành Tòa án sẽ giúp người dân tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại và giúp quá trình tố tụng khách quan, đúng quy định của pháp luật, bảo đảm tiếp cận công lý cho người dân.

 
Phan Thu Hà, Trưởng phòng Chính sách và quản lý nghiệp vụ trợ giúp pháp lý
 

[1]  Năm 2018, các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý thực hiện được 16.886 vụ việc tham gia tố tụng, chiếm 3,4% số lượng vụ việc do Tòa án đã giải quyết (457.024 vụ việc). Năm 2019, các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý thực hiện được 21.235 vụ việc tham gia tố tụng, chiếm 4,6% số vụ việc do Tòa án giải quyết (466.862 vụ việc).
[2] Khi đánh giá thực trạng để xây dựng Thông tư liên tịch số 10 năm 2016: cơ quan tiến hành tố tụng giới thiệu 36 vụ việc/6.000 vụ án tố tụng Hưng Yên; 19/119 đối tượng được trợ giúp pháp lý tại Hà Tĩnh; 07/146 vụ việc tham gia tố tụng tại Sóc Trăng…