Kịp thời nắm bắt, đánh giá nhu cầu trợ giúp pháp lý thông qua nhiều phương thức, cách thức; tăng cường thực hiện dịch vụ công trực tuyến đối với thủ tục hành chính trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý
Kịp thời nắm bắt, đánh giá nhu cầu trợ giúp pháp lý thông qua nhiều phương thức, cách thức. Tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức về trợ giúp pháp lý để người dân biết và tiếp cận kịp thời khi có vướng mắc, tranh chấp pháp luật bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, bảo đảm hiệu quả, phù hợp với từng nhóm đối tượng (như người nghèo, người thuộc diện chính sách, người yếu thế...), từng vùng, miền. Trong đó, khai thác các vụ việc trợ giúp pháp lý thành công, điển hình được dư luận xã hội quan tâm trên các phương tiện thông tin đại chúng để giới thiệu về quyền được trợ giúp pháp lý và lợi ích, hiệu quả mang lại của công tác trợ giúp pháp lý; cung cấp địa chỉ, số điện thoại của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước cho người dân, người thuộc diện được trợ giúp pháp lý để họ biết và liên hệ khi có nhu cầu. Tăng cường thực hiện dịch vụ công trực tuyến đối với thủ tục hành chính trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong quá trình tiếp cận, sử dụng dịch vụ công theo quy định.
Tập trung thực hiện các vụ việc trợ giúp pháp lý liên quan đến chế độ, chính sách, nhất là các chính sách an sinh xã hội; triển khai hoặc lồng ghép thực hiện hiệu quả nội dung trợ giúp pháp lý trong các Chương trình mục tiêu quốc gia
Tập trung thực hiện các vụ việc trợ giúp pháp lý liên quan đến chế độ, chính sách, nhất là các chính sách an sinh xã hội để người dân yên tâm, phấn khởi đón Tết. Triển khai hoặc lồng ghép thực hiện hiệu quả nội dung trợ giúp pháp lý trong các Chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, đề án, nhiệm vụ khác có liên quan tại địa phương. Thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý bằng hình thức tham gia phiên tòa trực tuyến ở những nơi đủ điều kiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 05/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP ngày 15/12/2021 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Bộ Tư pháp.
Triển khai thực hiện hiệu quả việc trực trợ giúp pháp lý tại Tòa án, trực trợ giúp pháp lý trong điều tra hình sự 24/24 giờ; tiếp tục tham mưu, phối hợp với các cơ quan nhà nước tại địa phương, hướng dẫn Uỷ ban nhân dân cấp xã giải thích về quyền được trợ giúp pháp lý, giới thiệu đến Trung tâm trợ giúp pháp lý
Phối hợp với Toà án nhân dân, Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện hiệu quả việc trực trợ giúp pháp lý tại Tòa án, trực trợ giúp pháp lý trong điều tra hình sự 24/24 giờ theo Chương trình phối hợp số 1603/BTP-TANDTC ngày 19/5/2022 của Bộ Tư pháp và Tòa án nhân dân tối cao về người thực hiện trợ giúp pháp lý trực tại tòa án nhân dân, Chương trình phối hợp số 5789/BTP-BCA ngày 27/11/2023 của Bộ Tư pháp và Bộ Công an về trực trợ giúp pháp lý trong điều tra hình sự. Đồng thời, tiếp tục tham mưu, phối hợp với các cơ quan nhà nước tại địa phương, hướng dẫn Uỷ ban nhân dân cấp xã trong quá trình xử lý, giải quyết vụ việc liên quan đến công dân, trường hợp công dân thuộc diện người được trợ giúp pháp lý thì giải thích quyền được trợ giúp pháp lý và giới thiệu đến Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước theo quy định tại Thông tư số 03/2021/TT-BTP ngày 25/5/2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
Trung tâm thông tin, dữ liệu TGPL