Toạ đàm “Chia sẻ kinh nghiệm về người thực hiện trợ giúp pháp lý trực tại Tòa án nhân dân và trực trợ giúp pháp lý trong điều tra hình sự”
Để đánh giá kết quả triển khai Chương trình phối hợp số 1603/CTPH-BTP-TANDTC ngày 16/5/2022 giữa Bộ Tư pháp và Tòa án nhân dân tối cao về người thực hiện trợ giúp pháp lý trực tại Tòa án nhân dân và Chương trình phối hợp số 5789/CTPH-BTP-BCA ngày 27/11/2023 giữa Bộ Tư pháp và Bộ Công an về trực trợ giúp pháp lý trong điều tra hình sự, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai hai Chương trình phối hợp, từ đó đề xuất những giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả các Chương trình phối hợp trong thời gian tới.
Ngày 19/11/2024, tại Hà Nội, Cục Trợ giúp pháp lý (TGPL) tổ chức Tọa đàm “Chia sẻ kinh nghiệm về người thực hiện trợ giúp pháp lý trực tại Tòa án nhân dân và trực trợ giúp pháp lý trong điều tra hình sự”. Bà Vũ Thị Hoàng Hà, Phó Cục trưởng Cục TGPL, chủ trì Tọa đàm. Tham dự Tọa đàm có các đại biểu là lãnh đạo và viên chức của Trung tâm TGPL nhà nước các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Lạng Sơn, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Ninh Bình, Hà Nam, Hưng Yên, Thái Bình, Hòa Bình, Gia Lai, Phú Yên, Đắk Lắk.Phát biểu khai mạc Tọa đàm, bà Vũ Thị Hoàng Hà đã điểm lại một số kết quả đạt được của hai Chương trình phối hợp. Năm 2022 và 2023, hai Chương trình phối hợp được bình chọn là một trong 10 sự kiện nổi bật ngành Tư pháp. Đến nay, đã có 63/63 tỉnh, thành phố ký kết Kế hoạch/Chương trình phối hợp với Tòa án nhân dân cấp tỉnh và 57/63 tỉnh, thành phố ký kết Kế hoạch/Chương trình phối hợp với Công an cấp tỉnh. Tại Tọa đàm, các đại biểu được nghe các tham luận của Cục TGPL; Sở Tư pháp tỉnh Ninh Bình, Tòa án nhân dân tỉnh Thái Nguyên, Công an quận Hà Đông, Trung tâm TGPL nhà nước các tỉnh: Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Lạng Sơn. Các tham luận cho thấy, Tòa án nhân dân hai cấp đã tạo điều kiện thuận lợi để công tác phối hợp đạt hiệu quả cao, kịp thời cung cấp dịch vụ pháp lý cho người được TGPL theo quy định của Luật TGPL năm 2017, đảm bảo không bỏ sót, bỏ lọt đối tượng được TGPL, đồng thời nâng cao chất lượng tranh tụng tại Tòa án. Các địa phương chủ động triển khai trực theo hai hình thức là trực tại trụ sở Toà án và trực qua điện thoại. Theo thống kê, từ khi Chương trình phối hợp số 1603 được ban hành đến 31/10/2024, các Trung tâm TGPL trong cả nước đã tiếp nhận 3.014 lượt thông tin từ Tòa án nhân dân, trong đó có 2.550 vụ việc TGPL. Công tác phối hợp giữa người tiến hành tố tụng, Điều tra viên, cán bộ điều tra, người có thẩm quyền của cơ sở giam giữ, Công an cấp xã với Trung tâm cũng được thực hiện kịp thời, hiệu quả, đảm bảo các đối tượng thuộc diện được TGPL được giải thích đầy đủ, được tiếp cận, cung cấp và sử dụng dịch vụ TGPL kịp thời phù hợp với người dưới 18 tuổi, các đối tượng đặc thù khác. Từ khi Chương trình số 5789 được ban hành đến ngày 31/10/2024, các Trung tâm TGPL trên toàn quốc đã tiếp nhận 2.504 lượt thông tin từ cơ quan điều tra, trong đó có 2.392 vụ việc TGPL.
Tại Tọa đàm, các đại biểu tích cực thảo luận, chia sẻ những kết quả đạt được, kinh nghiệm thực tiễn khi triển khai thực hiện 02 Chương trình phối hợp tại địa phương, cụ thể:
Đối với Chương trình phối hợp số 1603: (1) Tòa án nhân dân bố trí địa điểm, phòng làm việc cho người trực ở nơi dễ dàng nhận biết, có biển tên, bàn ghế và các phương tiện thiết bị khác tạo điều kiện cho người trực hoàn thành nhiệm vụ được phân công; (2) ngoài đội ngũ trợ giúp viên pháp lý, chuyên viên, có Trung tâm đã phân công luật sư ký hợp đồng thực hiện TGPL trực tại trụ sở Tòa án nhân dân; (3) một số Trung tâm bố trí một máy điện thoại di dộng dành riêng cho việc trực; người trực, người hỗ trợ trực được trang bị máy tính xách tay; Bảng Thông tin về TGPL tại trụ sở Tòa án nhân dân có mã QR để người dân dễ dàng truy cập vào Trang thông tin điện tử của Trung tâm; (4) người trực, người hỗ trợ tích cực, chủ động trong thực hiện nhiệm vụ; bên cạnh công tác bồi dưỡng kỹ năng về chuyên môn, nghiệp vụ TGPL, các Trung tâm còn chú trọng phát triển những kỹ năng mềm như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng phối hợp giữa người trực, người hỗ trợ trực với cán bộ Tòa án; (5) khi phân công người trực chính thức nhưng phải có người trực dự phòng.
Đối với Chương trình phối hợp số 5789: (1) lồng ghép trong các Hội nghị giao ban đơn vị, Hội nghị tổng kết định kỳ cơ quan Cảnh sát điều tra; gặp gỡ, làm việc với người được TGPL của các đơn vị trong đợt kiểm tra toàn diện công tác Công an năm 2024; (2) người bị tình nghi ngay khi có thông báo của cơ quan cảnh sát Điều tra, không kể ngày lễ, ngày nghỉ, thậm chí đến 2-3 giờ sáng, người trực cũng kịp thời có mặt để nắm bắt thông tin về đối tượng; (3) Công an xã, phường, thị trấn cũng đã quan tâm hướng dẫn, giải thích, thông báo, thông tin đối tượng TGPL đến Trung tâm TGPL, ngay trong giai đoạn tin báo, tố giác; (4) trong quá trình thực hiện việc giải thích cho đối tượng thuộc diện được TGPL, nếu người được TGPL không đề nghị TGPL điều tra viên, cán bộ thụ lý vụ việc nhanh chóng liên hệ với người trực, người hỗ trợ trực để cùng vận động, giải thích, thuyết phục họ yêu cầu TGPL nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ…
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai hai Chương trình phối hợp, vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc: (1) vẫn còn tình trạng một số cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng chưa nhận thức đúng về hoạt động TGPL nên việc giải thích cho người được về quyền TGPL chưa đầy đủ, thấu đáo dẫn tới việc đối tượng được TGPL chưa thật sự hiểu hết quyền lợi của mình nên không yêu cầu TGPL; (2) nhiều Tòa án nhân dân không đủ phòng để bố trí phòng trực TGPL; số lượng vụ việc tiếp nhận qua trực tại trụ sở Tòa án còn hạn chế; (3) nguồn nhân lực thực hiện trực còn mỏng, nhất là đối với trường hợp cần phải thực hiện xác minh tại cơ quan điều tra, cơ sở giam giữ, công an cấp xã nhưng địa bàn lại cách xa Trung tâm, đi lại khó khăn; nhiều Trung tâm không đủ nhân lực để bố trí trực tại trụ sở Tòa án nhân dân.
Trên cơ sở nhận diện được những khó khăn, vướng mắc, các đại biểu đã đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả triển khai hai Chương trình phối hợp: (1) nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng tại địa phương; xem xét trách nhiệm của từng ngành trong trường hợp bỏ lọt người thuộc diện TGPL; nâng cao năng lực cho cán bộ Tòa án, Điều tra viên, người có thẩm quyền của cơ sở giam giữ, công an cấp xã trong việc giới thiệu, thông tin, thông báo về TGPL, nhất là trong giai đoạn tiếp nhận thông tin, xác minh diện người được TGPL. (2) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa về cơ sở vật chất, kinh phí, nguồn nhân lực cho hoạt động TGPL; (3) Sở Tư pháp các tỉnh/thành phố lồng ghép nội dung sơ kết, tổng kết 02 Chương trình phối hợp này vào các Hội nghị sơ kết hoặc tổng kết khác có liên quan; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao năng lực thực hiện TGPL, kỹ năng phối hợp với cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng cho người trực, người hỗ trợ trực; hướng tới giao chỉ tiêu tiếp nhận vụ việc TGPL trại trụ sở Tòa án nhân dân cho người trực, người hỗ trợ trực để việc trực được thực chất, hiệu quả hơn; (4) các cơ quan tiến hành tố tụng ở địa phương đưa nội dung TGPL thành một nội dung trọng tâm trong kế hoạch công tác hàng quý, 6 tháng và hàng năm của đơn vị, phân công trách nhiệm, thời gian thực hiện và phương thức báo cáo kết quả.
Phát biểu bế mạc, bà Vũ Thị Hoàng Hà ghi nhận những ý kiến của đại biểu tham dự Tọa đàm, đây là cơ sở để Cục TGPL nghiên cứu, hoàn thiện thể chế về công tác TGPL, đồng thời mong muốn các đại biểu kịp thời phản ánh những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện hai Chương trình phối hợp tại địa phương để Cục TGPL kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hoặc đề xuất cơ quan có thẩm thẩm quyền có biện pháp tháo gỡ.
Tuyết Minh