Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình thực hiện hoạt động trợ giúp pháp lý”

Tại Hà Nội, ngày 18/11/2024, Cục Trợ giúp pháp lý (TGPL) tổ chức Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình thực hiện hoạt động trợ giúp pháp lý”. Đây là hoạt động trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng yếu thế” do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ từ Quỹ hỗ trợ Phát triển xã hội Nhật Bản (JSDF).

Ông Cù Thu Anh, Cục trưởng Cục TGPL, khai mạc hội thảo. Bà Vũ Thị Hường, Phó Cục trưởng Cục TGPL chủ trì hội thảo. Tham dự hội thảo có các đại biểu là đại diện Sở Tư pháp tỉnh các Điện Biên, Yên Bái; lãnh đạo và viên chức của của Trung tâm TGPL nhà nước các tỉnh/thành phố: Hà Nội, Điện Biên, Yên Bái, Lạng Sơn, Lào Cai, Sơn La, Cao Bằng, Hà Giang, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Hải Phòng, Hà Tĩnh, Bắc Giang, Phú Thọ; đại diện Trung tâm Tư vấn pháp luật thuộc Trung ương Hội Luật gia Việt Nam; đại diện Phòng Tư pháp quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội; đại diện Ủy ban nhân dân: xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang; xã Yên Thành, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái.
Phát biểu khai mạc, ông Cù Thu Anh điểm lại một số kết quả đạt được sau 27 năm hệ thống TGPL hình thành và phát triển, đến nay hệ thống TGPL được kiện toàn và tăng cường năng lực, hoạt động ngày càng hiệu quả, chất lượng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu TGPL của người dân. Các tổ chức thực hiện TGPL đã tích lũy được khá nhiều kinh nghiệm, có nhiều thành tích trong công tác. Mỗi Trung tâm TGPL có thế mạnh riêng về các mặt hoạt động như: truyền thông, thực hiện vụ việc tham gia tố tụng thành công, phối hợp cơ quan tiến hành tố tụng, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan, ứng dụng công nghệ thông, bồi dưỡng nguồn nhân lực thực hiện TGPL…Đồng thời, ông Cù Thu Anh mong muốn các đại biểu tích cực trao đổi, thảo luận, thẳng thắn nêu lên những khó khăn, vướng mắc, mạnh dạn đề xuất những sáng kiến, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của hoạt động TGPL trong thời gian tới.
Tại Hội thảo, các đại biểu được nghe tham luận chia sẻ kết quả đạt được từ Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình thực hiện trợ giúp pháp lý” do Trung tâm TGPL nhà nước các tỉnh Yên Bái, Điện Biên tổ chức (là 02 trong số các đơn vị thực hiện Dự án) và các tham luận chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình triển khai công tác TGPL như: thẩm định chất lượng vụ việc TGPL; phối hợp với các cơ quan, tổ chức trong truyền thông về TGPL; vụ việc tham gia tố tụng thành công cho đối tượng người nghèo, người dân tộc thiểu số; TGPL cho bị hại là người dưới 18 tuổi; ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động TGPL; công tác bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực hiện TGPL.

 
Đại biểu trình bày tham luận

Các đại biểu tích cực trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm triển khai thực hiện hoạt động TGPL tại địa phương.
Về thẩm định chất lượng vụ việc TGPL, hiện nay các vụ việc TGPL được thẩm định chiếm tỷ lệ lớn so với tổng số vụ việc TGPL (ví dụ, tại Hải Phòng, từ năm 2022 - 2024, tổng số vụ việc TGPL mà Trung tâm TGPL nhà nước thành phố Hải Phòng thẩm định là 1.912/2.114 (chiếm tỷ lệ 90,4 %), kết quả thẩm định chất lượng vụ việc vụ việc đạt chất lượng trở lên, không có vụ việc nào không đạt chất lượng, không có khiếu nại, tố cáo về chất lượng vụ việc hoặc TGPL sai, gây thiệt hại cho người được TGPL và phát sinh trách nhiệm bồi thường).
Đối với công tác truyền thông về TGPL, các đại biểu chia sẻ về những phương thức truyền thông đa dạng, phong phú, nội dung truyền thông tập trung vào những vấn đề, những lĩnh vực pháp luật được người dân quan tâm như: truyền thông về TGPL có lồng ghép hình thức đố vui có thưởng, tổ chức phiên tòa giả định, đăng tải các quy định của pháp luật nói chung và pháp luật về TGPL nói riêng trên các trang mạng xã hội facebook, nhóm zalo (Tuyên Quang, Bắc Giang, Yên Bái); phối hợp với các cơ quan trên địa bàn tổ chức phát sóng, phát thanh về những vụ việc TGPL thành công; tư vấn pháp luật ngoài trụ sở cho người dân, đối tượng là người lao động tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; học sinh, sinh viên của các trường trung học phổ thông, trường cao đẳng nghề…
Thực trạng, kinh nghiệm thực hiện vụ việc tham gia tố tụng (kinh nghiệm trong gặp gỡ, tiếp xúc với người được TGPL, nghiên cứu hồ sơ, thu thập chứng cứ, tham gia tranh tụng…) cho bị hại là người dưới 18 tuổi, người nghèo, người dân tộc thiểu số cũng là chủ đề được nhiều đại biểu quan tâm.
Về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động TGPL, hiện nay các Trung tâm sử dụng tối đa tiện tích của trang Hệ thống quản lý, tổ chức và hoạt động TGPL do Cục TGPL xây dựng. Thông qua Hệ thống này, các Trung tâm thực hiện quản lý trợ giúp viên pháp lý, quản lý vụ việc TGPL, phục vụ công tác báo cáo định kỳ và báo cáo đột xuất về vụ việc TGPL. Lãnh đạo Trung tâm quản lý, chỉ đạo, điều hành nhiệm vụ được giao trên hệ thống; ứng dụng chữ ký số trong ban hành văn bản; lập những nhóm zalo để trao đổi nghiệp vụ, trao đổi thông tin, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc, kịp thời đưa ra giải pháp tháo gỡ; sử dụng hệ thống điểm cầu thành phần trong xét xử trực tuyến để thực hiện họp giao ban trực tuyến, tổ chức tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ trực tuyến giúp tiết kiệm thời gian, nâng cao hiệu quả trong công việc; đưa lĩnh vực TGPL vào nền tảng công dân số.

 
Đại biểu đề xuất giải pháp, sáng kiến

Nhiều sáng kiến, nhiều ý tưởng được các đại biểu đề xuất nhằm nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ TGPL miễn phí của người dân, cụ thể:
Đối với công tác thẩm định chất lượng vụ việc TGPL: (1) nghiên cứu, xem xét tích hợp mẫu thẩm định, đánh giá chất lượng vụ việc tham gia tố tụng và đánh giá vụ việc TGPL tham gia tố tụng hiệu quả, thành công trong một mẫu; (2) bổ sung tiêu chí xác định vụ việc tham gia tố tụng thành công hiệu quả theo Quyết định số 1179/QĐ-BTP cụ thể: trong lĩnh vực hình sự, bổ sung trường hợp phúc thẩm được giảm án so với án sơ thẩm; trong lĩnh vực dân sự, bổ sung trường hợp án phúc thẩm y án sơ thẩm theo hướng có lợi cho người được TGPL; sửa đổi bổ sung tiêu chí tham gia phiên họp mà người được TGPL được Tòa án quyết định thời hạn áp dụng biện pháp xử lý hành chính bằng mức khởi kiểm của đại diện Viện kiểm sát đề nghị.
Về công tác truyền thông về TGPL: (1) đề nghị các cấp các ngành từ trung ương đến địa phương quan tâm hơn nữa đến công tác TGPL; (2) tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, truyền thông về TGPL, hướng tới các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; (3) đổi mới nội dung, hình thức truyền thông; (4) Phòng Tư pháp, Ủy ban nhân dân cấp xã tăng cường hơn nữa công tác phối hợp trong triển khai thực hiện Thông tư số 03/2021/TT-BTP ngày 25/5/2021 của Bộ Tư pháp để giới thiệu kịp thời diện người được TGPL đến Trung tâm; (5) thường xuyên tổ chức các hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nâng cao nhận thức về TGPL cho công chức UBND cấp xã và cán bộ thôn, bản.
Về giải pháp nhằm nâng cao chất lượng thực hiện vụ việc tham gia tố tụng cho bị hại là người dưới 18 tuổi, người nghèo, người dân tộc thiểu số: (1) tăng cường đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng cho đội ngũ người thực hiện TGPL; (2) phân công người thực hiện TGPL phù hợp với người được TGPL (phù hợp về giới tính, về tâm lý, về ngôn ngữ…); (3) tăng cường vai trò của Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong việc triển khai các quy định về phối hợp TGPL trong tố tụng; đặc biệt trong việc nâng cao nhận thức và cơ chế phối hợp trong việc giải thích quyền TGPL, chuyển, gửi vụ việc TGPL của cơ quan, người tiến hành tố tụng.
Về công nghệ thông tin: (1) thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn nâng cao trình độ công nghệ thông tin cho đội ngũ viên chức của Trung tâm; (2) nghiên cứu xây dựng, vận hành đường dây nóng TGPL trở thành tổng đài điện thoại thông minh, là nơi tiếp nhận và cung cấp thông tin pháp luật, giải đáp vướng mắc pháp luật đơn giản cho người dân; (3) tăng cường tổ chức Hội nghị và phiên tòa trực tuyến; (4) ứng dụng CNTT vào theo dõi, đánh giá chất lượng hoạt động người thực hiện TGPL
Về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực hiện TGPL: (1) bám sát tình hình, thực tiễn công tác và hoạt động TGPL tại các địa phương để tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng cao và chuyên sâu cho đội ngũ những người thực hiện TGPL đặc biệt là các kỹ năng thực hiện TGPL cho các đối tượng đặc thù; (2) tiếp tục kiện toàn, tăng cường năng lực Trung tâm TGPL nhà nước tương xứng với vị trí là đơn vị cung cấp sự nghiệp công thiết yếu; có chính sách tuyển chọn nhân lực, đảm bảo người thực hiện TGPL có trình độ, kỹ năng hành nghề, có phẩm chất đạo đức và tâm huyết; (3) tổ chức các hội thảo, tọa đàm, nghiên cứu chuyên đề, học tập kinh nghiệm để người thực hiện TGPL có cơ hội trao đổi về nghiệp vụ và kinh nghiệm thực hiện TGPL.

 
Bà Vũ Thị Hường, Phó Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý

Phát biểu bế mạc, bà Vũ Thị Hường, Phó Cục trưởng Cục TGPL ghi nhận những ý kiến sâu sắc, thiết thực của các đại biểu, trên cơ sở kết quả đạt được từ hội thảo, Cục TGPL sẽ có những đánh giá cụ thể về từng vấn đề được đặt ra để nghiên cứu tiếp tục hoàn thiện thể chế về TGPL phù hợp với yêu cầu thực tiễn; tăng cường và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về TGPL để TGPL luôn là địa chỉ là địa chỉ đáng tin cậy của người nghèo, người dân tộc thiểu số và người thuộc diện TGPL.