Thành phố Hồ Chí Minh cần nghiên cứu sáng kiến truyền thông hiệu quả về trợ giúp pháp lý
Ngày 27/9/2024, Đoàn kiểm tra liên ngành của Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng Trung ương do đồng chí Nguyễn Văn Tiến, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao làm Trưởng đoàn đã kiểm tra công tác phối hợp trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tại thành phố Hồ Chí Minh.
Thiếu tướng Mai Hoàng, Phó Giám đốc Công an thành phố Hồ Chí Minh, Thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố đồng chủ trì buổi làm việc của Đoàn công tác với Công an thành phố Hồ Chí Minh. Tham dự buổi làm việc có đại diện Công an 21 quận, huyện và thành phố Thủ Đức, đại diện các phòng nghiệp vụ của Công an thành phố. Báo cáo tại buổi làm việc, đại diện Công an thành phố cho biết, nhìn chung, công tác phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng và trực trợ giúp pháp lý trong điều tra hình sự là điều kiện thuận lợi để công tác phối hợp đạt hiệu quả cao, kịp thời cung cấp dịch vụ pháp lý cho người được trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, đảm bảo người thuộc diện được trợ giúp pháp lý đều được trợ giúp pháp lý miễn phí. Công tác phối hợp giữa người tiến hành tố tụng, Điều tra viên, Cán bộ điều tra với Trợ giúp viên pháp lý cũng được thực hiện kịp thời, hiệu quả. Việc thông báo người thuộc diện trợ giúp pháp lý có yêu cầu trợ giúp pháp lý đến Trung tâm trợ giúp pháp lý được thực hiện nghiêm túc. Từ 01/01/2023 đến 31/8/2024, Công an thành phố đã thông báo cho Trung tâm trợ giúp pháp lý để cử người thực hiện trợ giúp pháp lý cho1.168 người bị buộc tội, bị hại, đương sự. Thực hiện Chương trình phối hợp số 5789/CTPH/BTP-BCA về trực trợ giúp pháp lý trong điều tra hình sự các đơn vị đã thông tin cho Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước 09 trường hợp.
Tại buổi làm việc Thiếu tướng Mai Hoàng đã kịp thời chỉ đạo Cơ quan cảnh sát điều tra có kế hoạch khắc phục một số hạn chế trong công tác giải thích trợ giúp pháp lý, sớm tập huấn cho đội ngũ điều tra viên, cán bộ trại tạm giam, nhà tạm giữ về Thông tư liên tịch số 10.
Tham dự buổi làm việc của đoàn công tác với Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng thành phố Hồ Chí Minh có đồng chí Dương Ngọc Hải, Ủy viên Ban Thường vụ thành ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, Lãnh đạo Sở Tư pháp và Lãnh đạo các cơ quan, ngành liên quan.
Theo báo cáo của Hội đồng, năm 2023 và 8 tháng đầu năm 2024 Trung tâm TGPL thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện 1.311 vụ việc tham gia tố tụng. Số lượng vụ việc TGPL thông qua hình thức tham gia tố tụng trong các năm qua đều tăng, năm sau cao hơn năm trước. Sở Tư pháp chủ động trong việc triển khai Chương trình phối hợp số 1603/CTPH/BTP-TANDTC về người thực hiện trợ giúp pháp lý trực tại Tòa án và Chương trình phối hợp số 5789/CTPH/BTP-BCA về trực trợ giúp pháp lý trong điều tra hình sự, đã phối hợp với Tòa án nhân dân thành phố và Công an thành phố ký kết các văn bản phối hợp để kịp thời triển khai tại địa phương.
Chất lượng tham gia tố tụng của người thực hiện TGPL ngày một nâng cao, góp phần giúp người có thẩm quyền tiến hành tố tụng tuân thủ hơn các quy định của pháp luật về tố tụng trong quá trình giải quyết các vụ án, bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của người được TGPL. Trong tổng số 1.311 vụ việc tham gia tố tụng có 656 vụ việc thành công đánh giá theo tiêu chí hướng dẫn của Bộ Tư pháp.
Bên cạnh đó, công tác phối hợp trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tại thành phố còn có hạn chế: Nhận thức về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng của một số cơ quan, tổ chức còn chưa thống nhất, có lúc, có nơi xem đây chỉ là nhiệm vụ của ngành tư pháp; trách nhiệm phối hợp của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, cơ sở giam giữ, trại tạm giam chưa thực hiện đầy đủ theo quy định tại Thông tư liên tịch số 10; công tác giới thiệu chuyển gửi người thuộc diện trợ giúp pháp lý trong các vụ án dân sự, hành chính chưa được quan tâm đúng mức.
Tại buổi làm việc, các thành viên Hội đồng phối hợp liên ngành thành phố Hồ Chí Minh đã có những trao đổi về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện. Các thành viên trong Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng Trung ương đã nêu các ý kiến nhằm làm rõ thêm một số nội dung, kết quả, số liệu trong báo cáo, trao đổi, giải đáp những nội dung liên quan đến công tác phối hợp trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng; đánh giá về kết quả phối hợp của các ngành thành viên tại địa phương.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Dương Ngọc Hải, Ủy viên Ban Thường vụ thành ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ vui mừng vì hiện đã có Luật và các văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động trợ giúp pháp lý nhân văn này, trợ giúp pháp lý đã được quan tâm đầu tư bộ máy chuyên trách thực hiện. Đồng thời, đồng chí cũng ghi nhận những đánh giá, nhận định của đoàn công tác, tiếp thu để khắc phục những hạn chế. Đồng chí cũng chỉ đạo: Hội đồng phối hợp liên ngành thành phố cần làm tốt Thông tư liên tịch số 10, Chương trình phối hợp số 1603/CTPH/BTP-TANDTC về người thực hiện trợ giúp pháp lý trực tại Tòa án và Chương trình phối hợp số 5789/CTPH/BTP-BCA về trực trợ giúp pháp lý trong điều tra hình sự. Trung tâm trợ giúp pháp lý và các cơ quan liên quan cần nghiên cứu sáng kiến truyền thông, đặc biệt là truyền thông đến vùng sâu, vùng xa. Trung tâm trợ giúp pháp lý tập trung thực hiện vụ việc. Sở Tư pháp đẩy mạnh công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng nhân lực.
Sau khi nghe các ý kiến đóng góp của các thành viên trong đoàn và báo cáo giải trình làm rõ thêm về công tác trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng, đồng chí Nguyễn Văn Tiến ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được của thành phố Hồ Chí Minh trong công tác phối hợp trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng. Đồng chí đề nghị địa phương quan tâm tăng số lượng và nâng cao chất lượng dịch vụ trợ giúp pháp lý để người dân tin tưởng trợ giúp pháp lý có lực lượng hùng hậu, đủ khả năng giúp đỡ người dân. Đề nghị Thành ủy quan tâm tạo điều kiện để Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Công tác truyền thông về trợ giúp pháp lý cần được đổi mới bằng những phương thức hiệu quả hơn để chính sách nhân văn này đến được với người dân, ngày càng có nhiều người thụ hưởng quyền của mình.