Chia sẻ kinh nghiệm về sự tham gia của các tổ chức xã hội trong cung cấp dịch vụ hỗ trợ pháp lý cho các nhóm yếu thế, ông Phạm Mậu Tài, Giám đốc Quỹ Phát triển Nông thôn và giảm nghèo huyện Quảng Ninh, Quảng Bình cho rằng, Dự án thực hiện phù hợp với Luật Trợ giúp Pháp lý 2017 và chủ trương, chính sách của cấp uỷ, chính quyền địa phương tại Quảng Bình về bình đẳng giới, hôn nhân và gia đình. Dự án được đánh giá có hiệu quả tích cực từ hoạt động truyền thông và trợ giúp pháp lý (TGPL) qua đó đã nâng cao nhận thức cho bà con và những hiểu biết pháp luật được thay đổi, tạo mối quan hệ tốt đẹp và công bằng hơn cho các thành viên trong gia đình. Song song đã tăng hiệu quả, kịp thời do có sự tham gia tự nguyện của các thành viên nòng cốt mạng lưới và văn phòng luật sư. Đồng thời cũng qua đó mở rộng được mối quan hệ và hiểu biết và kĩ năng làm việc với cộng đồng của văn phòng luật sư, TGPL đối với cộng đồng dân tộc vùng sâu vùng xa. Ngoài ra, tạo nên mạng lưới chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về tư pháp giữa các xã dự án với nhau.
Cán bộ dự án đi phỏng vấn người dân tại cơ sở (Ảnh tư liệu)
Từ thực tiễn triển khai, ông Tài kiến nghị, Bộ Tư pháp/nhà tài trợ cần có thêm những chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực cho hệ thống cán bộ tư pháp, mạng lưới tình nguyện nòng cốt cộng đồng, trưởng thôn bản về kiến thức và kĩ năng trong công tác tư pháp, truyền thông pháp luật và TVPL. Thông qua lực lượng nòng cốt để phổ biến hiệu quả, kịp thời chủ trương chính sách pháp luật đến với cộng đồng vùng sâu vùng xa và là giải pháp hiệu quả trong điều kiện hệ thống TGPLNN giảm số lượng thành viên và văn phòng đại diện. Song song, Sở Tư pháp/Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh tạo cơ hội để các mạng lưới nòng cốt cộng đồng được tham gia tập huấn, trao đổi thông tin và kết hợp thực hiện các hoạt động TVPL và TGPL khi cần cho cộng đồng. Hơn nữa, cũng cần có những chính sách pháp luật tạo cơ hội để các tổ chức xã hội dân sự được tham gia và phát huy kinh nghiệm trong các hoạt động nâng cao nhận thức pháp luật và tiếp cận pháp lý cho cộng đồng, đặc biệt với nhóm yếu thế.
Cũng tại Hội thảo, bà Đinh Thị Oanh, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý cho người nghèo, người dân tộc thiểu số tỉnh Hòa Bình khẳng định, trong thực tế, hoạt động TGPL miễn phí là một nhiệm vụ đã được triển khai từ năm 1998 trên địa bàn tỉnh, đây được coi là một chính sách có ý nghĩa nhân văn sâu sắc trong tổng thể các chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân do Nhân dân và vì Nhân dân.
Theo bà Oanh, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh (tên gọi hiện nay) là một trong những tổ chức được thành lập và được Nhà nước giao nhiệm vụ thực hiện TGPL miễn phí đối với các đối tượng thuộc diện được TGPL theo quy định (Luật trợ giúp pháp lý năm 2006 và nay thay thế là Luật TGPL năm 2017) đối với công tác TGPL trên địa bàn tỉnh tập trung chủ yếu trong công tác truyền thông và tố tụng.
Khảo sát của nhóm dự án tỉnh Hòa Bình cho thấy, gần một nửa nhóm yếu thế được rà soát không biết làm gì khi gặp phải các khúc mắc và chỉ hơn một nửa (55%) có tìm đến, tiếp cận tới các dịch vụ hỗ trợ pháp lý. “Người dân có nhu cầu khá cao về HTPL giấy tờ tư pháp như giấy khai sinh, hồ sơ nhà đất, hồ sơ để được hưởng chế độ chính sách, bạo lực gia đình, tranh chấp đất đai… Tuy nhiên, trên thực tế họ chưa nắm được họ cần được tư vấn những gì mà thường tìm cách tự giải quyết hoặc tham khảo người thân, cán bộ cấp cơ sở.” – bà Oanh thông tin.
Cũng theo khảo sát, trong nhóm yếu thế được tiếp cận tại các địa bàn mà các sáng kiến thực hiện, các vấn đề gặp phải của nhóm yếu thế nhiều và đa dạng, do đó, nhu cầu về HTPL là lớn. Nhiều người trong số họ chưa tiếp cận được các dịch vụ hỗ trợ pháp lý; với nhóm tiếp cận, họ chủ yếu sử dụng các dịch vụ tư vấn pháp luật, tư vấn hồ sơ, tìm hiểu về quyền và pháp luật; có sự tham gia nhiều bên (nhà nước, cộng đồng, các tổ chức xã hội, luật sư…) tham gia HTPL cho nhóm yếu thế; mặc dù vậy, mức độ bao phủ khá hạn chế.
Từ đó, dự án của tỉnh Hòa Bình khuyến nghị, cần nghiên cứu có quy định cụ thể để khuyến khích, tôn vinh, động viên cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia, đóng góp cho hoạt động TGPL. Bộ Tư pháp phối hợp với cơ quan trung ương của các tổ chức xã hội nghiên cứu cơ chế chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn trong việc tổ chức hoạt động TGPL và thực hiện TGPL của các tổ chức xã hội, cơ chế phối hợp tập huấn, nâng cao năng lực thực hiện TGPL cho các thành viên, hội viên của các tổ chức xã hội. Ngoài ra, các tổ chức chính trị - xã hội, chính trị - xã hội - nghề nghiệp cần có giải pháp để phát động, động viên thành viên, hội viên của tổ chức có đóng góp cho xã hội thông qua việc tham gia TGPL, coi đây là trách nhiệm xã hội đối với cộng đồng.
Bà Phan Thị Thu Hà, Trưởng phòng Chính sách và quản lý nghiệp vụ, Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp cho biết, sau 24 năm, các tổ chức thực hiện TGPL trên toàn quốc đã thực hiện được 2.304.252 vụ việc trợ giúp pháp lý miễn phí, trong đó có 212.052 vụ việc tham gia tố tụng. Nhiều vụ việc tham gia tố tụng có quan điểm bào chữa, bảo vệ của Trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện TGPL được các cơ quan tiến hành tố tụng chấp nhận, được tuyên mức án nhẹ hơn hoặc chuyển tội danh, thay đổi khung hình phạt thấp hơn so với mức đề nghị của Viện Kiểm sát, thậm chí được vô tội đã góp phần bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho người được trợ giúp pháp lý, củng cố niềm tin vào công lý. Hầu hết các vụ việc trợ giúp pháp lý được thẩm định, đánh giá đều đạt chất lượng trở lên.
TS Tạ Thị Minh Lý, chuyên gia pháp lý, Chủ tịch Hội Bảo trợ Tư pháp cho người nghèo Việt Nam, Nguyên Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp chỉ ra, cần có kế hoạch cụ thể các bước HTPL & TGPL, Luật sư đồng thời nắm bắt rõ đối tượng có trách nhiệm thi hành chính sách; Các diện cần hỗ trợ, danh sách; Hỗ trợ ban đầu kịp thời và hình thức dự kiến yêu cầu hỗ trợ; Các nguồn lực hỗ trợ đã có và thu hút tiếp; Dự kiến chi phí phát sinh có liên quan và khó khăn trong việc thực hiện; Gắn kết với chính quyền/ các cấp ủy Đảng/ các cơ quan Tư pháp; Gắn kết với hòa giải cơ sở và các chi hội cơ sở để thúc đẩy thực thi pháp luật trong giải quyết vụ việc; Theo dõi kết quả vụ việc / hồ sơ vụ việc/ ghi chép kinh nghiệm thành công; Theo dõi việc thực hiện chế tài: Các hình thức xử phạt hành chính; kỷ luật; truy cứu trách nhiệm hình sự, bồi thường dân sự...
Quỹ Thúc đẩy Sáng kiến Tư pháp (Quỹ JIFF) là một trong hai hợp phần của dự án “Tăng cường Pháp luật và Tư pháp tại Việt Nam” (EU JULE) do Liên minh châu Âu tài trợ nhằm góp phần tăng cường xây dựng pháp quyền ở Việt Nam thông qua hệ thống tư pháp tin cậy và dễ tiếp cận. |