Trong quá trình sử dụng đất tại khu dân cư 6 Trực Cát, thửa đất số 344, tờ bản đồ số 22 phường Tràng Cát, quận Hải An, ông Tiến đồng ý để anh Hiệp bán 102 m2 cho ông Nguyễn Văn Nhinh và bán cho ông Phạm Văn Cảnh 95m2 trong số 550 m2 được Hợp tác xã Tràng Cát cấp cho ông. Ông Nhinh và ông Cảnh đã được UBND huyện An Hải (nay là UBND quận Hải An) cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (ông Nhinh được cấp năm 1999, ông Cảnh được cấp năm 2000). Sau đó, anh Hiệp tự làm thủ tục xin cấp GCN và đã được UBND huyện An Hải cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với phần diện tích đất còn lại là 353m2 vào năm 2000.
Ngày 27/8/2013 Ông Nguyễn Văn Tiến có đơn khởi kiện anh Nguyễn Văn Hiệp, đề nghị Tòa án yêu cầu anh Nguyễn Văn Hiệp trả lại 353m2 đất. Anh Hiệp không đồng ý vì cho rằng đất ông Tiến đã đổi cho anh rồi.
Giải quyết vụ việc trên có 03 luồng quan điểm khác nhau trong việc xác định quan hệ pháp luật tranh chấp, cụ thể:
Quan điểm thứ nhất cho rằng: Đây là quan hệ tranh chấp kiện đòi tài sản là quyền sử dụng đất. Bởi, xuất phát từ yêu cầu khởi kiện của ông Tiến, muốn lấy lại 353 m2 đất do anh Hiệp đang sử dụng. Mặt khác, cả ông Tiến và anh Hiệp đều thừa nhận nguồn gốc thửa đất là của ông Tiến. Ông Tiến đòi lại vì cho rằng ông không đổi đất cho anh Hiệp, anh Hiệp đang chiếm giữ đất bất hợp pháp của ông.
Quan điểm thứ hai cho rằng: Đây là quan hệ tranh chấp về quyền sử dụng đất. Bởi, thửa đất đang tranh chấp không phải là tài sản riêng của ông Tiến mà là tài sản chung của ông Tiến và bà Yến – vợ của ông Tiến (được cấp trong thời lỳ hôn nhân giữa ông Tiến và bà Yến). Tại thời điểm khởi kiện bà Yến đã chết, các đồng thừa kế của bà Yến và ông Tiến chưa thỏa thuận phân chia di sản thừa kế nên chưa xác định được phần đất nào là của ông Tiến nên ông Tiến không phải chủ sử dụng đất hợp pháp đối với toàn bộ diện tích 353 m2. Hơn nữa, diện tích đất đang tranh chấp được mang tên anh Hiệp trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Quan điểm thứ ba cho rằng dù là kiện đòi tài sản là quyền sử dụng đất hay tranh chấp về quyền sử dụng đất đều là tranh chấp đất đai thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân theo quy định tại Điều 203 Luật Đất đai năm 2013.
Theo ý kiến của tác giả, việc xác định quan hệ pháp luật tranh chấp theo quan điểm thứ hai là phù hợp. Bởi lẽ, để được coi là quan hệ “kiện đòi tài sản” thì theo quy định tại Điều 256 Bộ luật Dân sự năm 2005, trước hết tài sản kiện đòi phải thuộc quyền sở hữu, sử dụng hợp pháp của người kiện đòi. Đối với vụ việc này, thửa đất mà ông Tiến tranh chấp lại không phải là tài riêng của ông Tiến, các giấy tờ về quyền sử dụng đất cung cấp cho Tòa án hiện mang tên anh Hiệp. Trong khi đó tranh chấp đất đai bao gồm các dạng tranh chấp sau: tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đất; tranh chấp liên quan đến giao dịch về đất và tranh chấp về tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất. Như vậy trong vụ án này ông Tiến và anh Hiệp đều khẳng định quyền sử dụng đất thuộc về mình (tranh chấp ai có quyền sử dụng đất) nên phải được xác định là tranh chấp đất đai hay tranh chấp về quyền sử dụng đất.
Từ những cách hiểu và áp dụng pháp luật khác nhau về xác định quan hệ pháp luật tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất, tác giả xin được nêu ý kiến trao đổi cùng bạn đọc; đồng thời đề nghị các cơ quan có thẩm quyền cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn để việc xác định quan hệ pháp luật tranh chấp trong các vụ án liên quan đến quyền sử dụng đất được thống nhất và chính xác./.
Trợ giúp viên pháp lý Phạm Duy Khoa
Trung tâm TGPL Nhà nước thành phố Hải Phòng