Kết quả thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi năm 2014 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2015

Nhằm triển khai thực hiện hiệu quả chính sách trợ giúp pháp lý (TGPL) cho người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi theo tinh thần Quyết định số 1019/QĐ-TTg ngày 05/8/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012 – 2020, Quyết định số 640/QĐ-BTP ngày 21/3/2014 của Bộ Trưởng Bộ Tư pháp về việc ban hành Kế hoạch năm 2014 triển khai thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật, Quyết định số 464/QĐ-UBND ngày 23/3/2013 của Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch thực hiện Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2013 – 2015 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi và Kế hoạch số 1692/KH-UBND ngày 29/4/2014 của Chủ tịch UBND tỉnh triển khai thực hiện Chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật trên địa bàn tỉnh năm 2014; trong năm qua, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Quảng Ngãi (Trung tâm) đã chủ động tổ chức thực hiện đồng bộ nhiều hoạt động TGPL cho người khuyết như: tư vấn, tham gia tố tụng, trợ giúp pháp lý lưu động, tập huấn,…. Bước đầu, đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, kịp thời đáp ứng nhu cầu TGPL của đối tượng là người khuyết tật, giúp họ tiếp cận và thụ hưởng chính sách TGPL miễn phí của Nhà nước, qua đó góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng, xã hội trong việc hỗ trợ người khuyết tật hòa nhập với cuộc sống.

Về những kết quả đã đạt được

Về công tác tham mưu, xây dựng kế hoạch: Căn cứ các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện chính sách TGPL cho người khuyết tật của Thủ tướng Chính phủ, Bộ tư pháp (Quyết định số 640/QĐ-BTP ngày 21/3/2014) và Uỷ ban nhân dân tỉnh, Trung tâm đã trực tiếp tham mưu giúp Giám đốc Sở Tư pháp xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện chính sách TGPL cho người khuyết tật trên địa bàn tỉnh năm 2014 trình Chủ tịch UBND tỉnh ban hành (Kế hoạch số 1692/KH-UBND ngày 29/4/2014). Đồng thời, trong năm 2014, trên cơ sở Quyết định số 464/QĐ-UBND ngày 23/3/2013 của Chủ tịch UBND tỉnh, Trung tâm đã chủ động phối hợp với các tổ chức liên quan xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch TGPL cho người khuyết tật năm 2014 trên địa bàn tỉnh (Kế hoạch số 01/KH-TGPL ngày 20/2/2014).

Về tổng số vụ việc và số người khuyết tật được TGPL: Trong năm 2014, Trung tâm đã thực hiện 25 vụ việc TGPL cho 25 đối tượng là người khuyết tật (trong đó, 02 vụ việc TGPL bằng hình thức tham gia tố tụng và 20 vụ việc TGPL bằng hình thức tư vấn và 3 vụ việc TGPL bằng hình thức khác); trong đó, lĩnh vực hôn nhân, gia đình và trẻ em: 16 vụ, lĩnh vực dân sự: 08 vụ và 01 vụ thuộc lĩnh hình sự.

Về trợ giúp pháp lý lưu động: Trung tâm đã thực hiện 06 đợt TGPL lưu động về cơ sở lồng ghép với chương trình TGPL khác do Quỹ TGPL hỗ trợ (theo Quyết định số 52/2010/QĐ-TTg) để truyền thông về hoạt động TGPL và thực hiện tư vấn pháp luật cho đối tượng là người khuyết tật (tư vấn 12 vụ việc), thu hút hơn 300 người tham dự.

Về công tác truyền thông, thông tin về TGPL: Nhằm tạo điều kiện cho người khuyết tật tiếp cận và thụ hưởng chính sách TGPL miễn phí, Trung tâm đã đặt 35 Bảng thông tin về TGPL tại các cơ quan, tổ chức có người khuyết tật; biên soạn và cấp phát miễn phí 7.084 tờ gấp pháp luật, cuốn sách hỏi đáp pháp luật về người khuyết tật.

Về công tác tập huấn: Trên cơ sở nguồn kinh phí cấp cho hoạt động TGPL đối với người khuyết tật năm 2014, Trung tâm phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức thành công 01 lớp tập huấn kỹ năng TGPL cho người khuyết tật với 120 cộng tác viên TGPL tham gia.

Những khó khăn, hạn chế cần khắc phục

Trong năm 2014, các hoạt động TGPL cho người khuyết tật trên địa bàn tỉnh luôn đảm bảo theo đúng văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tư pháp, Ủy ban nhân dân tỉnh và quy định của pháp luật; kịp thời đáp ứng nhu cầu TGPL của đối tượng là người khuyết tật, giúp họ tiếp cận và thụ hưởng chính sách TGPL miễn phí của Nhà nước. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được nêu trên, công tác TGPL cho người khuyết tật thời gian qua vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế như:

Thứ nhất, người khuyết tật phần lớn sống ở nông thôn, có đời sống kinh tế - xã hội khó khăn nên nhận thức hạn chế, một số người khuyết tật có nhiều dạng tật phức tạp và chưa hoà nhập vào cộng đồng nên công tác tuyên truyền pháp luật và thực hiện trợ giúp pháp lý gặp không ít trở ngại.

Thứ hai, đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh còn hạn chế về số lượng, chưa được đào tạo bài bản về ngôn ngữ của người khuyết tật, nên gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận, trao đổi và tiến hành trợ giúp pháp luật cho đối tượng này.

Thứ ba, các tổ chức của người khuyết tật chưa có sự phối hợp chặt chẽ với các tổ chức thực hiện TGPL trong việc tìm hiểu nhu cầu và thực hiện trợ giúp pháp lý cho đối tượng là người khuyết tật khi cần thiết. 

 Thứ tư, Trung tâm chưa có Trụ sở làm việc và phòng tiếp dân riêng nên chưa đáp ứng được yêu cầu trợ giúp pháp lý của đối tượng là người khuyết tật.

Phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian đến

Để đảm bảo quyền được TGPL của người khuyết tật khi có yêu cầu, trong thời gian tới, Trung tâm tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động TGPL cho người khuyết tật như:

a) Xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật năm 2015 trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

b) Tăng cường truyền thông về TGPL, xây dựng nội dung trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật trong các chuyên trang, chuyên mục chung về trợ giúp pháp lý trên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Quảng Ngãi; in ấn, cấp phát tờ rơi, tờ gấp và sách pháp luật để cấp phát miễn phí cho người khuyết tật.

c) Khảo sát, đánh giá nhu cầu trợ giúp pháp lý của người khuyết tật; tăng cường phối hợp với các Hội người khuyết tật, cơ sở bảo trợ xã hội, trường học, cơ sở kinh doanh, các tổ chức khác của người khuyết tật trên địa bàn tỉnh để phát hiện nhu cầu TGPL và kịp thời thực hiện TGPL.

d) Chú trọng thực hiện các hoạt động trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật thông qua các hình thức: tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng; tổ chức trợ giúp pháp lý lưu động và hướng dẫn sinh hoạt Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý tại các xã, phường, thị trấn.

d) Đẩy mạnh công tác tổ chức tập huấn, bồi dưỡng về kiến thức và kỹ năng nghiệp vụ TGPL cho người khuyết tật đối với đội ngũ thực hiện TGPL và thành viên Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ TGPL./.

                       Phạm Thanh Quang (PTQ)

                    Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Quảng Ngãi