Để có kế hoạch chuyên sâu và kịp thời tổ chức các đợt trợ giúp pháp lý lưu động, định kỳ hàng tháng, Lãnh đạo Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh cử cán bộ, chuyên viên pháp lý, Trợ giúp viên pháp lý trực tiếp xuống cơ sở khảo sát tình hình thực tế ở địa phương để nắm bắt nhu cầu tìm hiểu pháp luật cũng như những vướng mắc pháp luật của nhân dân nói chung và các đối tượng thuộc diện được trợ giúp pháp lý nói riêng.
Trong năm 2014, Trung tâm TGPL đã phối hợp với Phòng Tư pháp, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ các huyện, thành phố, thị xã và Hội Luật gia tỉnh tổ chức được 29 cuộc trợ giúp pháp lý lưu động tại 29 xã, phường, thị trấn với sự tham dự của 2432 người. Tại các cuộc trợ giúp pháp lý lưu động, các Trợ giúp viên pháp lý, Cộng tác viên của Trung tâm đã thực hiện tư vấn pháp luật được 553 vụ việc liên quan đến các lĩnh vực pháp luật như: Trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, tranh chấp quyền sử dụng đất, tranh chấp dân sự, chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng, chính sách người có công, chính sách bảo trợ xã hội…Đồng thời, thông qua các cuộc trợ giúp pháp lý lưu động, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh còn phối hợp với chính quyền địa phương, các hội, đoàn thể tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề pháp luật. Với cách làm này, các Trợ giúp viên pháp lý, Báo cáo viên pháp luật đã tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật như: Luật Trợ giúp pháp lý, Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Khám chữa bệnh, Luật Nuôi con nuôi, Luật Bảo vệ người tiêu dùng, Chương trình mục tiêu xóa đói giảm nghèo…cho 1496 người tham dự, thông qua đó đã tạo điều kiện cho người dân tìm hiểu pháp luật, nâng cao kiến thức, nhận thức, hiểu biết pháp luật, hạn chế những vi phạm pháp luật và khiếu kiện không cần thiết. Cũng qua các cuộc trợ giúp pháp lý lưu động, Trung tâm đã tiến hành cấp phát 12.000 tờ gấp pháp luật liên quan đến quyền, lợi ích của người dân.
Hiện nay, nhu cầu tìm hiểu pháp luật của nhân dân ngày càng tăng cao nhưng việc tiếp cận pháp luật, khả năng nhận thức và hiểu biết pháp luật của phần lớn nhân dân còn hạn chế, tình trạng trẻ em vi phạm pháp luật, phụ nữ bị bạo lực gia đình, tranh chấp đất đai, tranh chấp dận sự…Vẫn còn diễn ra ở các địa phương trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, trong thời gian tới, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh sẽ củng cố tổ chức ở các phòng, Chi nhánh thuộc Trung tâm, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực thực hiện trợ giúp pháp lý cho đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý, Cộng tác viên thuộc Trung tâm, tiếp tục tăng cường hoạt động trợ giúp pháp lý hướng về cơ sở trong đó tập trung nhất là các xã nghèo, các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số cư trú và sinh sống, các xã bãi ngang ven biển, các xã đặc biệt khó khăn.
Đoàn Thị Ngọc Hải
Sở Tư pháp tỉnh Ninh Bình