Bộ Tư pháp tổ chức Đoàn khảo sát về trợ giúp pháp lý tại Hà Lan và Phần Lan

Từ ngày 29/3/2017-05/04/2017, Đoàn công tác của Bộ Tư pháp do Bà Nguyễn Thị Minh - Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý là Trưởng Đoàn đã làm việc với một số cơ quan, tổ chức tại Hà Lan và Phần Lan để học hỏi kinh nghiệm trợ giúp pháp lý tại 02 quốc gia này. Tham gia đoàn Công tác có ông Bùi Văn Xuyền - Ủy viên Thường trực, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; bà Hoàng Thúy Duyên - Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Lạng Sơn; đại diện của Vụ Pháp luật Văn phòng Quốc hội, Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh Vĩnh Phúc, Cục Trợ giúp pháp lý và một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp.

Tại Hà Lan, Đoàn đã làm việc với đại diện của Bộ An ninh và Tư pháp Hà Lan; Hội đồng trợ giúp pháp lý Hà Lan và 02 tổ chức trực tiếp thực hiện trợ giúp pháp lý tại thành phố La Hay. Đoàn đã được ông Krijn de Jonge – Vụ Chính sách và Điều phối, Tổng cục Tư pháp và Thực thi pháp luật, Bộ An ninh và Tư pháp Hà Lan; bà Marceline Heringa - Vụ Công tác châu Âu và quốc tế, Bộ An ninh và Tư pháp Hà Lan; ông Herman Schilperoort – Phụ trách nhân sự, Hội đồng Trợ giúp pháp lý Hà Lan; ông Jan Pieter Verkennis – Phụ trách Bộ phận truyền thông, Tổ chức cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí của nhà nước tại thành phố La Hay; ông Ronald Koelman – Luật sư trưởng Công ty Luật Hofrecht Advocaten đón tiếp, giới thiệu về hệ thống trợ giúp pháp lý và chia sẻ kinh nghiệm về hoạt động trợ giúp pháp lý tại Hà Lan.

Buổi làm việc và chia sẻ kinh nghiệm về hoạt động Trợ giúp pháp lý tại Hà Lan

Tại Phần Lan, Đoàn đã làm việc với Bộ Tư pháp Phần Lan; Đoàn Luật sư Phần Lan và Văn phòng trợ giúp pháp lý nhà nước tại thành phố Helsinki. Đoàn cũng được ông Jussi Tikkanen - Cố vấn Bộ trưởng Tư pháp; bà Kirta Heine - Cố vấn trưởng phụ trách lĩnh vực trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp Phần Lan; bà Minna Melender – Tổng thư ký Đoàn Luật sư Phần Lan, bà Suvi Kukkonen – Trưởng nhóm luật sư tư thực hiện trợ giúp pháp lý, Đoàn luật sư Phần Lan và ông Klas Weckman Luật sư trợ giúp pháp lý - Phó trưởng Văn phòng Trợ giúp pháp lý nhà nước Helsinki đón tiếp và chia sẻ về những kinh nghiệm trợ giúp pháp lý ở Phần Lan.

Buổi làm việc và chia sẻ kinh nghiệm về hoạt động Trợ giúp pháp lý tại Phần Lan

Qua các buổi làm việc, thông tin được phía Bạn chia sẻ cho thấy trợ giúp pháp lý tại Hà Lan và Phần Lan đều là quyền của công dân được quy định trong Hiến pháp, đây là quyền hiến định. Chẳng hạn, Điều 18 Hiến pháp Hà Lan quy định: (1) Mọi người đều có thể được đại diện theo pháp luật trong các thủ tục pháp lý và hành chính. (2) Điều kiện liên quan đến việc cung cấp trợ giúp pháp lý cho một người có khó khăn về tài chính sẽ được quy định bởi một đạo luật của Nghị viện. (Art.18 “(1) everyone may be legally represented in legal and administrative proceedings. (2) Terms concerning the supply of legal aid to persons of limited means shall be laid down by Act of Parliament.”). Để triển khai thực hiện quyền này trên thực tế, nghị viện mỗi quốc gia đều ban hành các đạo Luật và văn bản quy phạm pháp luật cụ thể về lĩnh vực này, trong đó quy định về tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý, người được trợ giúp pháp lý, hình thức, lĩnh vực, trình tự thủ tục thực hiện trợ giúp pháp lý và kinh phí dành cho hoạt động trợ giúp pháp lý. Theo đó, kinh phí bảo đảm cho hoạt động trợ giúp pháp lý chủ yếu do ngân sách nhà nước bảo đảm. Đặc biệt, tại Hà Lan, ngân sách dành cho trợ giúp pháp lý là ngân sách mở được cấp trên cơ sở số vụ việc trợ giúp pháp lý đã thực hiện trong năm.

Hệ thống trợ giúp pháp lý tại hai nước đều là hệ thống các cơ quan, tổ chức được thành lập độc lập theo Luật định nhưng được tổ chức theo 02 mô hình khác nhau.

Tại Hà Lan, hệ thống trợ giúp pháp lý ở Hà Lan có Hội đồng trợ giúp pháp lý Hà Lan (Legal Aid Board - Council) là cơ quan độc lập hoạt động trên cơ sở kinh phí do Bộ An ninh và Tư pháp Hà Lan cấp. Hội đồng trợ giúp pháp lý Hà Lan chịu trách nhiệm quản lý công tác trợ giúp pháp lý và báo cáo Bộ trưởng Bộ An ninh và Tư pháp. Hội đồng trợ giúp pháp lý Hà Lan thành lập, cấp kinh phí và bổ nhiệm người đứng đầu của 30 tổ chức cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí trên toàn lãnh thổ Hà Lan. Việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí tại Hà Lan chia thành 02 cấp độ: (1) trợ giúp pháp lý ban đầu là việc tư vấn pháp luật đơn giản (thường 10-15 phút/vụ việc; trường hợp kéo dài tối đa không quá 01 giờ 30 phút) do nhân viên của Tổ chức cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí của nhà nước thực hiện cho tất cả người dân là cá nhân có vướng mắc pháp luật và cần sự giúp đỡ của Tổ chức cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí của nhà nước; (2) trợ giúp pháp lý thông qua việc tư vấn tiền tố tụng và đại diện trước tòa án do luật sư ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý với Hội đồng trợ giúp pháp lý Hà Lan thực hiện.

Buổi làm việc và chia sẻ kinh nghiệm về hoạt động trợ giúp pháp lý cùng đại diện Hội đồng trợ giúp pháp lý Hà Lan

Tại Phần Lan, so với hệ thống trợ giúp pháp lý ở Hà Lan, hệ thống trợ giúp pháp lý Phần Lan có nhiều nét tương đồng với hệ thống trợ giúp pháp lý Việt Nam gồm cơ quan quản lý trực thuộc Bộ Tư pháp và các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý của nhà nước có chức năng tiếp nhận yêu cầu và trực tiếp cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý. Cụ thể, hiện nay, hệ thống trợ giúp pháp lý Phần Lan chịu sự quản lý trực tiếp của Bộ Tư pháp được chia thành 06 khu vực với 23 văn phòng trợ giúp pháp lý nhà nước và 158 điểm thực hiện trợ giúp pháp lý trong đó một nửa trong số điểm thực hiện trợ giúp pháp lý là nơi tiếp nhận yêu cầu trợ giúp pháp lý của người dân qua điện thoại, một nửa còn lại là nơi người dân có thể đến trực tiếp để yêu cầu trợ giúp pháp lý. Qua các buổi làm việc, phía Bạn chia sẻ từ năm 2007 đến năm 2016, Phần Lan đã tiến hành cải cách mạnh mẽ hệ thống trợ giúp pháp lý và thu gọn tổ chức từ 64 văn phòng trợ giúp pháp lý và các chi nhánh của 64 văn phòng xuống còn 23 văn phòng và 158 điểm trợ giúp pháp lý như đã đề cập. Thay vì duy trì hệ thống cồng kềnh, Phần Lan đã ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong việc quản lý tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý từ quản lý toàn bộ hệ thống; phân công, giao việc cho đội ngũ luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý đến việc tiếp nhận và trả lời yêu cầu trợ giúp pháp lý của người dân và đã thành công trong việc cắt giảm tổ chức, bộ máy, sử dụng có hiệu quả nguồn lực dành cho công tác trợ giúp pháp lý tại đất nước này. Thêm vào đó, người được trợ giúp pháp lý tại Phần Lan có thể gửi đơn yêu cầu đến bất kỳ văn phòng nào trong số 23 văn phòng trợ giúp pháp lý của nhà nước cũng như các điểm trợ giúp pháp lý được đặt tại các tòa án để được trợ giúp pháp lý.

Người thực hiện trợ giúp pháp lý tại hai nước đều là luật sư hoặc có tiêu chuẩn, điều kiện tương đương với luật sư và không sử dụng cộng tác viên trợ giúp pháp lý. Cụ thể, tại Hà Lan, luật sư tư là người tiếp nhận yêu cầu trợ giúp pháp lý và nộp hồ sơ yêu cầu trợ giúp pháp lý để Hội đồng trợ giúp pháp lý Hà Lan xem xét, phê duyệt xem một người có đủ điều kiện được hưởng trợ giúp pháp lý của nhà nước hay không đồng thời trực tiếp thực hiện trợ giúp pháp lý cho đối tượng khi được Hội đồng chấp thuận. Tại Phần Lan, người thực hiện trợ giúp pháp lý bao gồm Luật sư trợ giúp pháp lý nhà nước và luật sư tư ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý.

    Buổi làm việc và chia sẻ kinh nghiệm về hoạt động trợ giúp pháp lý cùng đại diện Bộ Tư pháp Phần Lan

Tại cả hai nước, một trong những điều kiện chính để xét một người có thuộc diện được trợ giúp pháp lý là điều kiện khó khăn về tài chính. Cụ thể, tiêu chí cơ bản để xác định một người có đủ điều kiện để được trợ giúp pháp lý là mức thu nhập và tài sản khác mà người đó đang có. Chẳng hạn, ở Hà Lan, điều kiện được trợ giúp pháp lý của người độc thân là thu nhập dưới 26.000 EUR/năm, của người có gia đình là thu nhập dưới 36.800 EUR/năm và mức thu nhập này có thể được điều chỉnh theo từng năm phụ thuộc và tỷ lệ lạm phát. Phần lớn chi phí trợ giúp pháp lý do nhà nước chi trả, tuy nhiên, người được trợ giúp pháp lý ở Hà Lan vẫn phải đóng góp một phần chi phí đó tùy thuộc vào tính chất vụ việc và mức độ thu nhập, ví dụ: đối với vụ việc hòa giải thì phần đóng góp của người được trợ giúp pháp lý là 53EUR/vụ; đối với vụ việc tham gia tố tụng thì phần đóng góp có thể lên đến 849EUR/vụ. Ở Phần Lan, người độc thân có thu nhập dưới 600EUR/tháng được trợ giúp pháp lý hoàn toàn miễn phí, người độc thân có thu nhập từ 600EUR - 1.300EUR/tháng phải đóng góp một khoản tiền từ 20% - 75% chi phí trả cho luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý và chi phí hành chính là 70EUR/vụ việc… Các chi phí do người được trợ giúp pháp lý phải trả được nộp trực tiếp cho Luật sư.

Việc chi trả thù lao cho luật sư tư thực hiện trợ giúp pháp lý ở hai nước cũng có sự khác biệt. Tại Hà Lan, sau khi kết thúc vụ việc trợ giúp pháp lý, luật sư gửi hồ sơ tài liệu liên quan đến vụ việc kèm theo chứng từ chứng minh quá trình làm việc về Hội đồng trợ giúp pháp lý để đề nghị thanh toán thù lao thực hiện trợ giúp pháp lý đối với vụ việc đó. Thù lao chi trả cho luật sư tư dựa trên các mức khoán cố định cho từng vụ việc theo quy định. Cụ thể là từ 250EUR (đối với vụ việc tư vấn tiền tố tụng thông thường) đến 1.500EUR (đối với vụ việc trong lĩnh vực lao động), đối với những vụ việc phức tạp hoặc những vụ án hình sự nghiêm trọng, Hội đồng trợ giúp pháp lý có thể xem xét và quyết định ở mức cao hơn. Trong khi đó, tại Phần Lan, thù lao cho luật sư tư thực hiện trợ giúp pháp lý được thanh toán theo số giờ thực tế. Mức phí trả cho luật sư tư hiện nay tại Phần Lan là 110EUR/giờ và luật sư được chi trả tối đa 80 giờ để thực hiện một vụ việc trợ giúp pháp lý, đối với vụ việc tham gia tố tụng phức tạp thời gian có thể kéo dài hơn 80 giờ nhưng phải do tòa án quyết định từng trường hợp cụ thể.

Ngoài ra, Đoàn công tác của Bộ Tư pháp cũng được phía Bạn chia sẻ những kinh nghiệm hay trong quá tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý như: quản lý luật sư tham gia trợ giúp pháp lý, đặc biệt là việc ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý với luật sư tư; hệ thống công nghệ thông tin ứng dụng trong hoạt động trợ giúp pháp lý,… Những thông tin đa dạng về tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý của 02 nước Hà Lan và Phần Lan sẽ là kinh nghiệm thực tiễn hữu ích để Việt Nam tham khảo trong quá trình nghiên cứu, xây dựng Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi), bảo đảm đáp ứng tốt nhất nhu cầu trợ giúp pháp lý của người dân./.

Cục Trợ giúp pháp lý