Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc cho biết Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 thể hiện bản chất nhân văn, tiến bộ của Nhà nước ta đối với các đối tượng yếu thế, thiệt thòi trong xã hội. Với nhiều điểm mới, tiến bộ, khắc phục những tồn tại, hạn chế của Luật trợ giúp pháp lý năm 2006, Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 sẽ giúp cho hoạt động trợ giúp pháp lý ngày càng chuyên nghiệp và có bước phát triển mới. Thứ trưởng cũng nhấn mạnh Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 được ban hành với nhiều kỳ vọng lớn, tuy nhiênviệc triển khai thi hành luật có hiệu quả hay không phụ thuộc ấrt nhiều vào việc mỗi người dân, cơ quan, tổ chức hiểu đúng, đầy đủ, trên cơ sở đó tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật.
Tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Minh, Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý đã có bài giới thiệu một số điểm mới của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017. Theo đó, Luật có 08 điểm mới cơ bản đó là: khẳng định rõ nét hơn trách nhiệm của Nhà nước trong hoạt động trợ giúp pháp lý; phân biệt hoạt động trợ giúp pháp lý với việc cung cấp dịch vụ thiện nguyện; mở rộng đối tượng trợ giúp pháp lý; nâng cao chất lượng và chuyên nghiệp hóa hoạt động trợ giúp pháp lý; tập trung thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý; bổ sung các quy định về trình tự, thủ tục tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người được trợ giúp pháp lý; tăng cường cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức; sắp xếp tinh gọn Chi nhánh và quy định chặt chẽ hơn điều kiện thành lập chi nhánh.
Tại bài trình bày, Cục trưởng Nguyễn Thị Minh cũng đã giới thiệu một số hoạt động cơ bản để triển khai Luật như: hoàn thiện thể chế, ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, quản lý hoạt động trợ giúp pháp lý, nâng cao năng lực cho đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý; rà soát người thực hiện trợ giúp pháp lý, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và người thuộc diện trợ giúp pháp ly trên từng địa bàn… Bên cạnh đó, Cục trưởng cũng nhấn mạnh, các địa phương cần chủ động triển khai một số hoạt động như: rà soát, thống kê số lượng người thuộc diện được trợ giúp pháp lý để có kế hoạch cụ thể bố trí kinh phí và nhân lực bảo đảm đáp ứng nhu cầu trợ giúp pháp lý của người dân, đặc biệt các tỉnh chưa tự cân đối được ngân sách cần ưu tiên bố trí ngân sách từ số bổ sung cân đối ngân sách hằng năm để hỗ trợ cho việc thực hiện vụ việc phức tạp, điển hình; người thực hiện trợ giúp pháp lý, đặc biệt là đội ngũ Trợ giúp pháp lý cần dành nhiều thời gian, nâng cao năng lực trau dồi chuyên môn nghiệp vụ để thực hiện nhiệm vụ chính là thực hiện vụ việc.
Ảnh: Thảo luận tại Hội nghị triển khai Luật Trợ giúp pháp lý khu vực phía Nam
Qua các tham luận được trình bày tại Hội nghị cũng như ý kiến phát biểu Lãnh đạo các Sở Tư pháp, Trung tâm trợ giúp pháp lý, luật sư cũng đã sôi nổi trao đổi, thảo luận nêu các giải pháp để triển khai có hiệu quả Luật trợ giúp pháp lý như: sự chủ động của địa phương trong việc rà soát chi nhánh; phối hợp tăng cường công tác phối hợp giữa Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước với các cơ quan tiến hành tố tụng nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc trên thực tế; đa dạng hóa các hình thức truyền thông và mở rộng đối tượng các đối tượng truyền thông; vinh danh, khen thưởng đối với những tổ chức, cá nhân có đóng góp lớn cho hoạt động này.
Một số vướng mắc của các đại biểu về việc Sở Tư pháp ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý, rà soát người thuộc diện được trợ giúp pháp lý, biên chế,… đã được Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc và Cục trưởng Nguyễn Thị Minh giải đáp, hướng dẫn làm rõ.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc khẳng định bên cạnh những cơ hội mới, Luật Trợ giúp pháp lý cũng đặt ra một số thách thức đối với hệ thống trợ giúp pháp lý, đòi hỏi Trung tâm trợ giúp pháp lý cần nỗ lực để làm tốt, có hiệu quả công tác trợ giúp pháp lý, từ đó khẳng định vai trò, vị trí của mình trong ngành tư pháp. Vai trò của Sở Tư pháp trong quản lý nhà nước và tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh trong lĩnh vực này đã được nâng cao, do đó, đề nghị các Sở Tư pháp sớm tham mưu để Ủy ban cấp tỉnh sớm ban hành Kế hoạch triển khai Luật tại địa phương. Trong việc xây dựng Kế hoạch lưu ý thấm nhuần quan điểm lấy người được trợ giúp pháp làm trung tâm, dự toán kinh phí để UBND bố trí nguồn lực thực hiện nhiệm vụ trọng tâm là thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý, có định hướng, biện pháp cụ thể để trợ giúp pháp lý tiến đến tính chuyên nghiệp, hiệu quả. Đồng thời, Thứ trưởng cũng đề nghị các cơ quan tiến hành tố tụng tích cực phối hợp trong công tác này./.
Cục Trợ giúp pháp lý