Nâng cao hiệu quả hoạt động trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính

Đến nay, Việt Nam có khoảng 7 triệu người khuyết tật, chiếm 7,06% dân số từ 2 tuổi trở lên, trong đó có 58% là nữ, 28,3% là trẻ em; hơn 1 triệu người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng. Mỗi năm, Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam sẽ đưa ra một chủ đề với thông điệp khác nhau và năm 2024 chủ đề được đưa ra là “Cùng hành động để người khuyết tật tiếp cận và sống độc lập”

Nhằm hưởng ứng Ngày Quốc tế Người Khuyết tật 03/12, bài viết giới thiệu đến Quý độc giả các nội dung: (i) Quyền được trợ giúp pháp lý miễn phí của người khuyết tật có khó khăn về tài chính, (ii) Thực trạng hoạt động trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính giai đoạn từ 2018 – 2024, (iii) Một số giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính.
  1. QUYỀN ĐƯỢC TRỢ GIÚP PHÁP LÝ MIỄN PHÍ CỦA NGƯỜI KHUYẾT TẬT CÓ KHÓ KHĂN VỀ TÀI CHÍNH
Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật và các văn kiện quốc tế đã quy định các quyền quyền của người khuyết tật, trong đó có quyền được tiếp cận hệ thống tư pháp: “Các quốc gia thành viên phải bảo đảm cho người khuyết tật được tiếp cận hệ thống tư pháp một cách hữu hiệu, trên cơ sở bình đẳng với những người khác, trong đó bằng cách quy định về sự tiện lợi trong tố tụng và sự bố trí phù hợp với lứa tuổi, nhằm mục đích tạo điều kiện cho người khuyết tật đóng vai trò hiệu quả khi tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp, như với tư cách người làm chứng, vào mọi tiến trình pháp lý, kể cả ở giai đoạn điều tra hoặc các giai đoạn đầu khác” (khoản 1 Điều 13 Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật).
Trong thời gian qua, Việt Nam đã nội luật hóa và ghi nhận các quyền của người khuyết tật trong các văn bản quy phạm pháp luật khác nhau. Một trong những quyền đó là quyền được trợ giúp pháp lý miễn phí được quy định tại Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017. Theo quy định tại Luật Trợ giúp pháp lý, người khuyết tật có khó khăn về tài chính (bao gồm người khuyết tật thuộc hộ cận nghèo và người khuyết tật được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo quy định) được Nhà nước cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý miễn phí trong các vụ việc trợ giúp pháp lý cụ thể, qua đó, góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật. Đồng thời, với các quy định trợ giúp pháp lý cho các diện người này cũng góp phần thực hiện cam kết quốc tế về quyền của người khuyết tật tại Việt Nam.
Đến nay, hệ thống văn bản pháp luật về TGPL gồm 20 văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có 01 Luật, 01 Nghị định, 04 Thông tư liên tịch và 14 Thông tư. Bên cạnh đó, nội dung về TGPL cũng đã được quy định trong các Bộ luật, luật khác có liên quan (như Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính và Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam, Luật Trẻ em, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình...).
Lễ ký Chương trình phối hợp giữa Bộ Tư pháp với Bộ Công an về trực trợ giúp pháp lý trong điều tra hình sự

Có thể kể đến như: Chính phủ đã ban hành Nghị định số 144/2017/NĐ-CP ngày 15/12/2017 quy định chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý, trong đó quy định điều kiện khó khăn về tài chính của người được trợ giúp pháp lý quy định tại khoản 7 Điều 7, trong đó có người khuyết tật có khó khăn về tài chính. Tại Thông tư số số 08/2017/TT-BTP ngày 15/11/2017 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý và hướng dẫn giấy tờ trong hoạt động trợ giúp pháp lý (sửa đổi bởi Thông tư số 09/2022/TT-BTP), theo đó đã hướng dẫn giấy tờ chứng minh người được trợ giúp pháp lý là người khuyết tật có khó khăn về tài chính. Bộ Tư pháp đã phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao ban hành Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC ngày 29/6/2018 quy định cụ thể hơn về phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng, Chương trình phối hợp số 1603/CTPH-BTP-TANDTC ngày 19/5/2022 với Tòa án nhân dân tối cao về người thực hiện TGPL trực tại Tòa án nhân dân, Chương trình phối hợp số 5789/CTPH-BTP-BCA ngày 27/11/2023 giữa Bộ Tư pháp với Bộ Công an về trực TGPL trong điều tra hình sự 24/24 giờ, trong đó quy định về trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trong việc phát hiện, thông báo, thông tin, giải thích về quyền của người được trợ giúp pháp lý (trong đó có người khuyết tật có khó khăn về tài chính), tạo điều kiện cho họ tiếp cận trợ giúp pháp lý kịp thời, có chất lượng trong quá trình tố tụng.

Thông tư liên tịch số 05/TTLT/TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP ngày 15/12/2021 của Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành tổ chức phiên tòa trực tuyến đã tạo điều kiện thuận lợi cho người được trợ giúp pháp lý, trong đó có người khuyết tật có khó khăn về tài chính được trợ giúp pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình ngay cả trong những điều kiện đặc biệt như dịch bệnh, do thời tiết hoặc điều kiện địa lý khó khăn…. Các văn bản này đã tạo điều kiện cho việc bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý của người thuộc diện trợ giúp pháp lý, trong đó có đối tượng là người khuyết tật có khó khăn về tài chính.

Bên cạnh đó, hàng năm, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đều ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật, người khuyết tật có khó khăn về tài chính. Đồng thời, Bộ Tư pháp, Cục Trợ giúp pháp lý cũng đã ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các Sở Tư pháp, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai chính sách trợ giúp pháp lý liên quan đến các đối tượng đặc thù, trong đó có người khuyết tật có khó khăn về tài chính như Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021 – 2030, Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030 và Chương trình về phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới đến năm 2025; triển khai Chương trình phòng, chống mua bán người; … và triển khai các hoạt động trợ giúp pháp lý nhân Ngày Người khuyết tật Việt Nam, Ngày Quốc tế Người khuyết tật.

 
Cục Trợ giúp pháp lý tổ chức tập huán kỹ năng trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật

Các văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hướng dẫn, chỉ đạo trên đã tạo cơ sở cho việc triển khai các hoạt động trợ giúp pháp lý với mục đích bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý, trong đó có người khuyết tật có khó khăn về tài chính.
 Năm 2024 chủ đề được Liên hiệp Hội về người khuyết tật Việt Nam đưa ra là “Cùng hành động để người khuyết tật tiếp cận và sống độc lập”. Ngày 30/7/2024, Cục Trợ giúp pháp lý đã có Công văn số 464/CTGPL-CS&QLNV yêu cầu các Trung tâm trợ giúp pháp lý tích cực triển khai một số hoạt động cụ thể hưởng ứng Ngày Quốc tế Người Khuyết tật 03/12 trong thời gian từ ngày 01/12/2024 – 15/12/2024 như sau: (i) tiếp tục đổi mới, tăng cường tổ chức truyền thông về trợ giúp pháp lý hiệu quả phù hợp với từng nhóm đối tượng, từng vùng, miền; (ii) kịp thời nắm bắt, đánh giá nhu cầu trợ giúp pháp lý, thực hiện có hiệu quả các vụ việc trợ giúp pháp lý, đặc biệt là các vụ việc tham gia tố tụng; (iii) phối hợp với Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ký kết, cụ thể hoá chương trình trực trợ giúp pháp lý trong điều tra hình sự; tiếp tục phối hợp với Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai có hiệu quả Chương trình người thực hiện trợ giúp pháp lý trực tại tòa án nhân dân; phối hợp với các cơ quan nhà nước tại địa phương, Uỷ ban nhân dân cấp xã trong giải thích quyền được trợ giúp pháp lý và giới thiệu đến Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước; (iv) tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin có hiệu quả trong công tác trợ giúp pháp lý, đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến đối với một số thủ tục hành chính trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương…
  1. THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG TRỢ GIÚP PHÁP LÝ CHO NGƯỜI KHUYẾT TẬT CÓ KHÓ KHĂN VỀ TÀI CHÍNH GIAI ĐOẠN TỪ 2018-2024
  1. Kết quả đạt được
Trong thời gian qua, các cơ quan, tổ chức đã đẩy mạnh và triển khai nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức, thông tin về trợ giúp pháp lý, tăng cường khả năng thụ hưởng dịch vụ trợ giúp pháp lý của người được trợ giúp pháp lý nói chung và của người khuyết tật có khó khăn tài chính nói riêng. Cụ thể như:
- Các cơ quan, tổ chức trợ giúp pháp lý tổ chức các phương thức truyền thông để tiếp cận đến người dân thông qua (i) việc tổ chức các lớp tập huấn, hội nghị, hội thảo, các đợt truyền thông về trợ giúp pháp lý; (ii) tổ chức biên soạn và phát hành các tài liệu truyền thông và phát đến người dân như tờ rơi, tờ gấp pháp luật, cẩm nang, sách bỏ túi trợ giúp pháp lý hoặc các tài liệu truyền thông khác về trợ giúp pháp lý; (iii) hoạt động hỗ trợ thông tin về trợ giúp pháp lý giúp người dân nắm bắt được các thông tin, địa chỉ, số điện thoại của các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý để liên hệ khi có yêu cầu trợ giúp; (iv) việc đặt Bảng tin, hộp tin trợ giúp pháp lý được niêm yết công khai tại các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, ủy ban nhân dân cấp xã, tại nhà tạm giam, tạm giữ…; (v) việc tổ chức xây dựng và phát hành các thông điệp, tiểu phẩm về trợ giúp pháp lý được xây dựng, phát hành trên đài truyền thanh VOV…; các phim ngắn diễn án, phóng sự, phỏng vấn về trợ giúp pháp lý được xây dựng, phát sóng trên các kênh truyền hình đa dạng; (vi) qua việc công bố công khai thông qua danh sách các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý, các tin tức, video, bài viết… về trợ giúp pháp lý được đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Tư pháp, Trang thông tin điện tử trợ giúp pháp lý Việt Nam và các Trang thông tin điện tử của Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, chỉ dẫn trợ giúp pháp lý từ Cổng thông tin điện tử Tòa án nhân dân cấp tỉnh.

 
Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Bạc Liêu giới thiệu một số quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý và pháp luật về người khuyết tật

Ở một số nơi khi triển khai các hình thức này đã thể hiện theo nhiều cách thức khác nhau để phù hợp với người khuyết tật như các tài liệu truyền thông về quyền được trợ giúp pháp lý như tờ gấp, tờ rơi.. được in chữ nổi, hoặc khi phát sóng các phóng sự thì có sử dụng người phiên dịch cho người khuyết tật…
 
Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Hà Tĩnh truyền thông về TGPL cho người dân

- Người dân được các cơ quan, người tiến hành tố tụng, các cơ quan nhà nước giải thích về quyền được trợ giúp pháp lý, giới thiệu đến tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý thông qua hoạt động của mình. Hình thức này được thực hiện dựa trên các quy định Luật Trợ giúp pháp lý, Bộ luật tố tụng hình sự, bộ luật tố tụng dân sự, luật tố tụng hành chính, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam… và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.
- Người dân được các tổ chức đoàn thể như các cơ sở bảo trợ xã hội, Hội người khuyết tật, Hội Bảo trợ trẻ em, Hội Nông dân, Hội người cao tuổi, Hội Phụ nữ…, người có uy tín trong cộng đồng như già làng, trưởng bản, trưởng thôn... giải thích về quyền được trợ giúp pháp lý và giới thiệu đến tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý.
Về kết quả cung cấp vụ việc trợ giúp pháp lý người khuyết tật có khó khăn về tài chính từ 2018 – 2024:
Bằng việc triển khai đồng bộ, hiệu quả các cách thức trên, trong thời gian qua, nhiều người dân yếu thế, dễ tổn thương đã thụ hưởng quyền được trợ giúp pháp lý miễn phí. Đặc biệt, từ khi triển khai Luật Trợ giúp pháp lý 2017, đến nay các địa phương đã tập trung vào nhiệm vụ trọng tâm của công tác trợ giúp pháp lý là thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý, nhất là vụ việc tham gia tố tụng, qua đó triển khai hiệu quả quyền được trợ giúp pháp lý cho người dân.
Theo báo cáo của các địa phương giai đoạn từ 01/01/2018 - 31/5/2024, các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý thực hiện 12.041 lượt người khuyết tật có khó khăn về tài chính được trợ giúp pháp lý. Trong đó, số vụ việc được trợ giúp pháp lý bằng hình thức tham gia tố tụng là 3.684 vụ việc (chiếm 30,6%); 8.208 vụ việc tư vấn pháp luật (chiếm 68,2% số vụ việc trợ giúp pháp lý) và 149 vụ việc đại diện ngoài tố tụng (chiếm 1,2% số vụ việc trợ giúp pháp lý). Số lượng vụ việc trợ giúp pháp lý trong lĩnh vực hình sự chiếm 19,8%, lĩnh vực dân sự, hôn nhân gia đình chiếm 40,4%, lĩnh vực hành chính chiếm 5,2%, lĩnh vực khác chiếm 34,6%).
Phiên tòa có Trợ giúp viên pháp lý thuộc Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Lai Châu bào chữa

Từ những số liệu trên có thể thấy rằng, trong thời gian qua trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính thì chủ yếu là tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, nhiều nhất là trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình, sau đó mới tới lĩnh vực hình sự. Các số liệu trên là số liệu trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính, số liệu này mới chỉ phản ánh một phần số vụ việc trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật. Bởi vì ngoài trường hợp người khuyết tật có khó khăn về tài chính thì có trường hợp người khuyết tật đồng thời thuộc các diện trợ giúp pháp lý khác và được thống kê ở diện trợ giúp pháp lý khác, ví dụ như hộ nghèo hoặc người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn….
Về chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý ngày càng được quan tâm, chú trọng. Qua báo cáo của các địa phương và qua kiểm tra, theo dõi của Cục Trợ giúp pháp lý thì thấy rằng, các vụ việc trợ giúp pháp lý (trong đó có vụ việc trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính) được đánh giá là đạt chất lượng trở lên. Đặc biệt, có những vụ việc người khuyết tật có khó khăn về tài chính có tính thành công, hiệu quả rõ rệt như bị hại được bảo vệ, tăng mức bồi thường thiệt hại hoặc người bị buộc tội được bào chữa giảm hình phạt, được chuyển tội danh nhẹ hơn hay là đương sự được thắng kiện, đòi được đất hoặc tài sản của mình…
Có thể thấy rằng, hoạt động trợ giúp pháp lý đã đi vào nề nếp và tập trung thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm của công tác trợ giúp pháp lý hơn, nhất là thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý. Số lượng và chất lượng dịch vụ trợ giúp pháp lý ngày càng được nâng cao, thực sự trở thành công cụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý nói chung và người khuyết tật có khó khăn về tài chính nói riêng. Thông qua các vụ việc trợ giúp pháp lý cho thấy đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý nói chung và trợ giúp viên pháp lý nói riêng ngày càng khẳng định được vai trò của mình trong việc giúp người yếu thế tiếp cận công lý, góp phần quan trọng trong việc xác định sự thật khách quan của vụ án, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người nghèo, đối tượng chính sách và các nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội qua đó góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân.
  1. Khó khăn, tồn tại
- Mặc dù đạt được kết quả đáng khích lệ trong việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho nhóm người yếu thế trong xã hội, tuy nhiên có thể thấy rằng trong xã hội vẫn còn rất nhiều người chưa biết đến dịch vụ trợ giúp pháp lý, chưa biết về quyền được trợ giúp pháp lý của người khuyết tật có khó khăn về tài chính và những người thuộc diện được trợ giúp pháp lý khác. Do đó, vẫn còn nhiều người thuộc diện được trợ giúp pháp lý chưa tiếp cận, thụ hưởng dịch vụ trợ giúp pháp lý miễn phí này. Chất lượng, hiệu quả vụ việc trợ giúp pháp lý còn chưa đồng đều.
- Thực tế vẫn còn một số đối tượng thực sự có nhu cầu trợ giúp pháp lý, không có đủ điều kiện để sử dụng dịch vụ pháp lý có thu phí nhưng chưa được quy định thuộc diện trợ giúp pháp lý ví dụ như người khuyết tật thuộc hộ mới thoát nghèo, người khuyết tật thuộc hộ nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình, hoặc trường hợp khác thực sự có nhu cầu trợ giúp pháp lý nhưng chưa được quy định thuộc diện được trợ giúp pháp lý…
Khó khăn, tồn tại nêu trên có thể xuất phát từ những nguyên nhân sau:
  • Quy định về quyền được trợ giúp pháp lý của người khuyết tật tại Luật Người khuyết tật chưa đồng bộ với Luật Trợ giúp pháp lý.
  • Quy định về điều kiện có khó khăn về tài chính của người thuộc diện được trợ giúp pháp lý tại khoản 7 Điều 7 Luật Trợ giúp pháp lý nói chung và của người khuyết tật nói riêng vẫn còn bất cập, cụ thể, điều kiện có khó khăn về tài chính hiện được quy định bao gồm người thuộc hộ cận nghèo hoặc người được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, trong khi trên thực tế điều kiện có khó khăn về tài chính rất đa dạng.
- Nguồn lực thực hiện trợ giúp pháp lý ở một số địa phương còn ít so với nhu cầu được trợ giúp pháp lý của người dân, nhất là số lượng Trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý ở một số địa phương còn chưa được bảo đảm. Hoạt động thẩm định, đánh giá chất lượng, hiệu quả vụ việc trợ giúp pháp lý đôi lúc còn chưa được quan tâm đúng mức.
- Việc bố trí kinh phí, cơ sở vật chất cho công tác trợ giúp pháp lý ở một số địa phương còn chưa được kịp thời, đầy đủ, nhất là so với nhu cầu vụ việc TGPL và cho việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động trợ giúp pháp lý, xây dựng điểm cầu thành phần và tham gia phiên tòa trực tuyến, phương tiện làm việc phục vụ hoạt động nghề nghiệp bảo đảm tính kịp thời, chủ động.
- Vẫn có tình trạng phối hợp giữa các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý với các cơ quan, tổ chức, đoàn thể khác còn chưa chặt chẽ, thực chất nên hoạt động trợ giúp pháp lý chưa phát huy được hiệu quả cao trong phối hợp giới thiệu, giải thích quyền được trợ giúp pháp lý, thực hiện hoạt động trợ giúp pháp lý, huy động các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trợ giúp pháp lý, bố trí kinh phí và cơ sở vật chất…
- Một bộ phận người dân vẫn chưa quan tâm đến quyền được trợ giúp pháp lý, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, giao thông đi lại khó khăn hoặc phong tục tập quán, tâm lý, thói quen khi gặp vướng mặc pháp luật của người dân nên đã phần nào ảnh hưởng đến việc tiếp cận quyền trợ giúp pháp lý miễn phí của họ.
  1. MỘT SỐ GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG TRỢ GIÚP PHÁP LÝ CHO NGƯỜI KHUYẾT TẬT CÓ KHÓ KHĂN VỀ TÀI CHÍNH
  1.  Một số yêu cầu trong tình hình mới
- Yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới: “Xây dựng mạng lưới, nâng cao năng lực của hệ thống trợ giúp pháp lý để người dân dễ tiếp cận pháp luật”; “Nâng cao vai trò, tính chuyên nghiệp và chất lượng trợ giúp pháp lý, nhất là trong hoạt động tố tụng tư pháp; hiện đại hóa, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hệ thống trợ giúp pháp lý; mở rộng đối tượng được trợ giúp pháp lý phù hợp với điều kiện của đất nước” (Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII).
- Yêu cầu "Phát huy vai trò của TGPL trong thực hiện các chính sách an sinh xã hội: của Đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp tại Thông báo số 108-TB/TPTW ngày 18/11/2024 của Văn phòng Trung ương Đảng. 
- Yêu cầu tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong giai đoạn mới: kết nối, đẩy mạnh các hoạt động trợ giúp pháp lý trong các chương trình, chính sách về an sinh xã hội” (Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 09/5/2024 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24/11/2023, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành trung ương Đảng khóa XIII).
- Yêu cầu “…Bảo đảm xuyên suốt việc cung ứng dịch vụ sự nghiệp công, nhất là dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu cho Nhân dân, nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo; tạo thuận lợi cho Nhân dân trong tiếp cận dịch vụ sự nghiệp công” (Kết luận số 62-KL/TW ngày 02/10/2023 của Bộ Chính trị về thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập)[1].
  1.  Một số giải pháp cụ thể
- Tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện pháp luật, chính sách liên quan đến trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật. Cụ thể:
+ Đề nghị nghiên cứu, đề xuất sửa đổi quy định về trợ giúp pháp lý trong Luật Người khuyết tật theo hướng quy định rõ việc trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật được thực hiện theo quy định pháp luật trợ giúp pháp lý để bảo đảm tính đồng bộ, tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.
+ Đề nghị nghiên cứu, sửa đổi Nghị định số 144/2017/NĐ-CP ngày 15/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý theo hướng mở rộng điều kiện có khó khăn về tài chính của nhóm người quy định tại khoản 7 Điều 7 Luật Trợ giúp pháp lý. Cụ thể có thể nghiên cứu theo hướng, sửa đổi Điều 2 Nghị định thành: Điều kiện có khó khăn về tài chính là người thuộc hộ cận nghèo, người được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, người thuộc hộ mới thoát nghèo, hộ có mức sống trung bình làm nông nghiệp, diêm nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, người lao động có thu nhập thấp, người có khó khăn đột xuất… được trợ giúp pháp lý miễn phí khi có nhu cầu giúp đỡ pháp luật… Việc mở rộng thêm điều kiện có khó khăn về tài chính nhằm mở rộng quyền được trợ giúp pháp lý cho nhóm người thuộc quy định tại khoản 7 Điều 7 Luật Trợ giúp pháp lý, trong đó có người khuyết tật có khó khăn về tài chính được tiếp cận quyền trợ giúp pháp lý miễn phí.
- Đề nghị quan tâm kiện toàn số lượng, chất lượng trợ giúp viên pháp lý trong số lượng người làm việc được giao tại địa phương, phù hợp với vị trí việc làm được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ thực hiện trợ giúp pháp lý về kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng thực hiện trợ giúp pháp lý, về công tác phối hợp, thông tin về trợ giúp pháp lý nhằm nâng cao chất lượng hoạt động trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính trong những vụ việc tham gia tố tụng, nhất là trường hợp người khuyết tật bị xâm hại, bị bạo lực, bị mua bán…
- Tiếp tục chủ động trong việc nắm bắt thông tin, nhu cầu về trợ giúp pháp lý, nhất là trong các vụ việc dư luận xã hội quan tâm để kịp thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý cần tiếp tục tập trung thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý, nhất là vụ việc tham gia tố tụng, bảo đảm thuận lợi cho người dân tiếp cận và sử dụng dịch vụ sự nghiệp công thiết yếu trợ giúp pháp lý xuyên suốt, kịp thời, hiệu quả. Tăng cường chất lượng, hiệu quả vụ việc trợ giúp pháp lý thông qua việc tổ chức thẩm định, đánh giá chất lượng, hiệu quả vụ việc trợ giúp pháp lý.
- Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, đơn vị có liên quan trong việc nâng cao hiệu quả công tác trợ giúp pháp lý trong toàn quốc.
+ Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý, đặc biệt là trợ giúp pháp lý trong tố tụng trong giới thiệu, thông tin, thông báo người được trợ giúp pháp lý là người khuyết tật có khó khăn về tài chính đến các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý. Bảo đảm thực hiện hiệu quả phiên tòa trực tuyến, các chương trình phối hợp người thực hiện trợ giúp pháp lý tại tòa án nhân dân, thực hiện trực trợ giúp pháp lý trong điều tra hình sự. Tăng cường theo dõi, kiểm tra công tác phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong tố tụng tại các địa phương, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc phối hợp. Phối hợp trong việc chia sẻ kết nối dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu của các cơ quan tiến hành tố tụng và cơ sở dữ liệu chuyên ngành của các Bộ, ngành, cơ quan có liên quan, giúp người dân tiếp cận và được trợ giúp pháp lý sớm khi có nhu cầu.
+ Tăng cường hơn nữa công tác phối hợp giữa các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý với các cơ quan (như Sở Lao động- Thương binh và xã hội, Phòng Lao động – Thương binh và xã hội…) và các cấp chính quyền cơ sở cũng như các tổ chức đoàn thể (Hội người khuyết tật, các cơ sở bảo trợ xã hội…) trong hoạt động hỗ trợ và trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính. Tăng cường các lớp bồi dưỡng nâng cao kiến thức, hiểu biết về trợ giúp pháp lý của đội ngũ cán bộ cơ sở, người có uy tín trong cộng đồng trong việc hỗ trợ người dân tiếp cận dịch vụ trợ giúp pháp lý.
  • Nâng cao khả năng tiếp cận, sử dụng quyền được trợ giúp pháp lý miễn phí cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính bằng cách tăng cường truyền thông về quyền được trợ giúp pháp lý cho họ và người thân của họ; cơ quan, tổ chức xã hội có liên quan bằng nhiều cách thức khác nhau bảo đảm hiệu quả, phù hợp với từng vùng, miền, từng nhóm đối tượng yếu thế như, người khuyết tật, gắn với sự phát triển của công nghệ thông tin như truyền thông qua các nền tảng xã hội facebook, youtube, zalo, mạng viễn thông, sóng phát thanh, truyền hình... bằng tiếng Việt hoặc dịch sang các tiếng dân tộc phổ biến, có tài liệu chữ nổi hoặc người phiên dịch cho người khuyết tật…; phát huy những cách thức truyền thông hiệu quả trong thời gian qua, lan tỏa những cách làm hay, hiệu quả ở các địa phương khác nhau…/.
 

[1] Trong khi đó trợ giúp pháp lý đã được xác định là dịch vụ công thiết yếu của ngành Tư pháp theo Quyết định số 2069/QĐ-TTg ngày 8/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục dịch vụ sự nghiệp công lập cơ bản, thiết yếu của ngành Tư pháp