Khái quát kết quả thực hiện Chương trình phối hợp giữa Bộ Tư pháp và Tòa án nhân dân tối cao về người thực hiện trợ giúp pháp lý trực tại Tòa án và Chương trình phối hợp giữa Bộ Tư pháp và Bộ Công an về trực trợ giúp pháp lý trong điều tra hình sự

Ngày 29/6/2018, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao ký ban hành Thông tư liên tịch số 10/2018/TTTT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC quy định về phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý (TGPL). Việc ban hành Thông tư liên tịch số 10 tạo cơ sở pháp lý cho việc đổi mới công tác phối hợp TGPL trong hoạt động tố tụng, quy định rõ hơn trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, tổ chức và người thực hiện TGPL; số lượng và chất lượng những vụ, việc tham gia tố tụng trong toàn quốc đã có những bước tiến đáng kể, người bị buộc tội, đương sự, bị hại được tiếp cận sớm với TGPL. Trong quá trình thực hiện vụ việc từ giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử, về cơ bản người thực hiện TGPL được các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng tạo điều kiện để bảo đảm việc bào chữa/bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp cho người được TGPL. Vì vậy, số lượng vụ việc do các cơ quan tiến hành tố tụng giới thiệu, thông báo, thông tin đến các tổ chức thực hiện TGPL chiếm tỷ lệ cao trong số các vụ việc tham gia tố tụng do các tổ chức thực hiện TGPL thực hiện.

Tuy nhiên, thực tiễn còn một số hạn chế: (i) Số lượng vụ việc trợ giúp pháp lý dưới hình thức tham gia tố tụng so với số lượng người được trợ giúp pháp lý và vụ án do Tòa án thụ lý, giải quyết còn thấp, do đó sẽ có khả năng bỏ sót người thuộc diện được trợ giúp pháp lý ; (ii) Số lượng vụ việc trợ giúp pháp lý do cơ quan tiến hành tố tụng chuyển gửi cho Trung tâm tại nhiều địa phương còn thấp so với số vụ việc do các cơ quan thụ lý, tiếp nhận ... Do đó, Cục TGPL đã tham mưu có các cơ chế phối hợp song phương để phối hợp các công việc thuộc chức năng, nhiệm vụ của các ngành.
 
Ngày 19/5/2022, Chương trình phối hợp số 1603/CTPH-BTP-TANDTC ngày 19/5/2022 giữa Bộ Tư pháp và Tòa án nhân dân tối cao về việc người thực hiện TGPL trực tại Tòa án được ký kết ban hành. Chương trình phối hợp được ban hành giúp người bị buộc tội, bị hại, đương sự là người thuộc diện được TGPL tiếp cận sớm với TGPL; được giải thích đầy đủ, cung cấp và sử dụng dịch vụ TGPL kịp thời, chất lượng; hạn chế việc người thuộc diện được TGPL bị bỏ lỡ cơ hội được nhận dịch vụ pháp lý miễn phí.
Ngày 27/11/2023, Bộ Tư pháp và Bộ Công an ký Chương trình phối hợp trực TGPL trong điều tra hình sự. Đây là sự kiện đánh dấu sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa hai Bộ, đặc biệt, trong công tác TGPL. Chương trình phối hợp được ban hành nhằm bảo đảm cho người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang hoặc theo quyết định truy nã, người bị tạm giữ, bị can, bị hại, đương sự là người thuộc diện được TGPL tiếp cận sớm với TGPL; được giải thích đầy đủ, cung cấp và sử dụng dịch vụ TGPL kịp thời, chất lượng; hạn chế việc người thuộc diện được TGPL bị bỏ lỡ cơ hội được nhận dịch vụ pháp lý miễn phí.
I. Một số kết quả triển khai thực hiện
1. Hướng dẫn triển khai thực hiện
Ngay sau khi Chương trình phối hợp số 1603 và Chương trình phối hợp số 5789 được ban hành, Cục TGPL đã tham mưu Lãnh đạo Bộ ký Công văn của Bộ hướng dẫn triển khai, đôn đốc thực hiện 02 Chương trình[1]. Các công văn đã hướng dẫn tương đối cụ thể về việc tổ chức triển khai, trách nhiệm của Sở Tư pháp trong việc phối hợp với Công an tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh; chỉ đạo Trung TGPL thực hiện tại địa phương. Đồng thời, Cục TGPL đã xây dựng mẫu sổ trực, ghi chép, thống kê các vụ việc, người thuộc diện TGPL,...
Năm 2023, Cục Trợ giúp pháp lý đã xây dựng Tài liệu hướng dẫn người thực hiện trợ giúp pháp lý trực tại Tòa án nhân dân. Tài liệu này hướng dẫn cụ thể, chi tiết và cần thiết cho người thực hiện TGPL trực tại Tòa án về các công việc người thực hiện TGPL trực cần thực hiện, những lưu ý trong quá trình trực; nâng cao năng lực trực (trực tại trụ sở, trực qua điện thoại) cho người thực hiện TGPL trực tại tòa án; tăng cường hơn nữa công tác phối hợp giữa Trung tâm với Tòa án nhân dân trong việc TGPL cho đối tượng thuộc diện được TGPL, đặc biệt trong việc thông tin, thông báo về TGPL.
Hiện nay, Cục Trợ giúp pháp lý đang nghiên cứu, xây dựng Tài liệu hướng dẫn về cơ chế phối hợp, phản ứng nhanh trong điều tra hình sự giữa Trung tâm TGPL nhà nước với cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, cơ sở giam giữ, Công an cấp xã.
Cục TGPL luôn nắm bắt sát sao tình hình triển khai thực hiện tại địa phương, kịp thời ghi nhận phản ánh của địa phương và giải đáp hướng dẫn các địa phương để triển khai có hiệu quả 02 Chương trình phối hợp này. Bên cạnh đó, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an đã chủ động ban hành văn bản hướng dẫn trong ngành mình.
2. Thực tế triển khai tại địa phương
2.1. Việc triển khai thực hiện Chương trình phối hợp số 1603/CTPH-BTP-TAND giữa Bộ Tư pháp và Toà án nhân dân tối cao về người thực hiện trợ giúp pháp lý trực tại Toà án
Tính đến ngày 31/10/2024, đã có 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ký kết chương trình/kế hoạch phối hợp giữa Sở Tư pháp và Tòa án nhân dân tỉnh (18 tỉnh ký theo hình thức Chương trình, 41 tỉnh ký theo hình thức Kế hoạch, 2 tỉnh ký theo hình thức Quy chế, 2 tỉnh theo hình thức khác). Các địa phương chủ động triển khai trực theo 02 hình thức là trực tại trụ sở Toà án và trực qua điện thoại. Theo báo cáo của 59/63 địa phương, Trung tâm TGPL đã tiếp nhận 3.014 lượt thông tin từ Tòa án nhân dân, trong đó có 2.550 vụ việc TGPL.
Nhìn chung, công tác trực tại Tòa án nhân dân 02 cấp được sự quan tâm của lãnh đạo Tòa án nhân dân 02 cấp là điều kiện thuận lợi để công tác phối hợp đạt hiệu quả cao, kịp thời cung cấp dịch vụ pháp lý cho người được trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, đảm bảo không bỏ sót, bỏ lọt đối tượng được trợ giúp pháp lý, đồng thời nâng cao chất lượng tranh tụng tại Tòa án. Công tác phối hợp giữa người tiến hành tố tụng, công chức Tòa án với Trợ giúp viên pháp lý cũng được thực hiện kịp thời, hiệu quả, đảm bảo các đối tượng thuộc diện được trợ giúp pháp lý được giải thích đầy đủ, được tiếp cận, cung cấp và sử dụng dịch vụ trợ giúp pháp lý kịp thời phù hợp với người dưới 18 tuổi và các đối tượng đặc thù khác.
Tòa án nhân dân 2 cấp đều có bố trí, phân công công chức trực tiếp dân, xem xét hồ sơ, hướng dẫn thủ tục và cung cấp các thông tin cần thiết cho các trường hợp thuộc đối tượng TGPL; thông qua kiểm tra nghiệp vụ hàng quý, thường xuyên nhắc nhở các Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký tại các đơn vị TAND cấp huyện cần thực hiện đầy đủ thủ tục phổ biến quyền được TGPL cho người dân, người bị buộc tội, bị hại, đương sự; hỗ trợ giải quyết những vấn đề vướng mắc trong quá trình phối hợp thực hiện Luật TGPL nhằm thực hiện tốt công tác trợ giúp pháp lý, bảo đảm quyền lợi cho người dân.
Ví dụ tại Bình Dương: Một số Tòa án nhân dân thông qua các buổi sinh hoạt sáng thứ Hai hàng tuần, sáng thứ Hai đầu tháng, hộp tin TGPL tại trụ sở cơ quan, nhóm zalo của hệ thống TAND 2 cấp, TAND tỉnh triển khai kịp thời các văn bản mới ban hành, văn bản chỉ đạo, văn bản liên quan đến hoạt động, công tác chuyên môn, liên quan đến công tác TGPL, tổ chức “Ngày pháp luật”.
Ví dụ tại Đồng Nai: Quá trình tiếp công dân nhận đơn khởi kiện khi phát hiện người thuộc diện được TGPL thì cán bộ trực tiếp dân thông tin và cung cấp ngay số điện thoại của người được TGPL hoặc người thân thích của họ đến người trực, đồng thời hướng dẫn người người được trợ giúp pháp lý hoặc người thân thích của họ đến nơi niêm yết danh sách, số điện thoại của người trực.
Về thời gian trực:
Một số Trung tâm thực hiện trực tại trụ sở một số ngày trong tuần. Lịch trực cũng có thể được điều chỉnh để hiệu quả hơn (ví dụ: Trung tâm TGPL nhà nước TP Hồ Chí Minh, qua việc triển khai thực hiện đặt bàn trực tư vấn tại Tòa án nhân dân Quận 5 và Tòa án nhân dân Quận 10 do lịch trực vào buổi sáng thứ Hai đầu tuần và buổi chiều thứ Sáu cuối tuần thường ít có người dân đến liên hệ công tác hơn so với các ngày làm việc khác trong tuần nên số vụ việc tiếp nhận nhu cầu TGPL của người dân chưa được nhiều như mong đợi (tổng số vụ việc tiếp nhận 10 vụ việc). Trung tâm TGPL Nhà nước đã kịp thời thay đổi lịch trực sang các buổi sáng ngày thứ Ba và ngày thứ Năm hàng tuần, phân công lịch trực luân phiên cho Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm và luật sư ký hợp đồng thực hiện TGPL thực hiện nghiêm túc nội quy và giờ giấc làm việc của đơn vị).
Một số Trung tâm cử người trực tại tất cả các Tòa án nhân dân hai cấp vào 01 ngày cố định trong tuần (ví dụ: Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Hưng Yên đã phân công người trực trực tiếp vào sáng thứ 5 hàng tuần tại tất cả Tòa án nhân dân hai cấp trong tỉnh (11 Tòa án) và các ngày còn lại trực qua hình thức điện thoại).
Về phòng trực:
Một số địa phương, mặc dù còn khó khăn về cơ sở vật chất nhưng Tòa án nhân dân hai cấp đã tạo điều kiện bố trí phòng trực cho cán bộ của Trung tâm TGPL trực tại Tòa án hai cấp, bảo đảm cho các đối tượng được TGPL tiếp cận trực tiếp với cán bộ TGPL ngay tại Tòa án.
Các Tòa án nhân dân cấp huyện thống nhất cho phép người thực hiện TGPL trực tại tòa án thì tạo điều kiện hỗ trợ về phòng trực (thường là phòng tiếp dân của Tòa án, có bàn ghế). Trước cửa phòng tiếp dân có dán Bảng thông tin về TGPL, có địa chỉ, số điện thoại liên hệ với Trung tâm. Tại bàn làm việc của Trợ giúp viên pháp lý có tờ gấp pháp luật, mẫu đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý… Việc người trực trợ giúp pháp lý ngồi tại phòng tiếp dân của tòa án sẽ thuận lợi. Trong quá trình tiếp dân cán bộ Tòa án sẽ hỏi đối tượng có thuộc diện trợ giúp pháp lý không, nếu họ nói là thuộc đối tượng thì sẽ chuyển sang bàn của Trợ giúp viên pháp lý để thực hiện các thủ tục tiếp nhận, tư vấn, giải thích về trợ giúp pháp lý. Một số tỉnh Tòa án bố trí cho người thực hiện trợ giúp pháp lý ngồi trực tại phòng làm việc của luật sư (Cần Thơ).
Một số tỉnh người thực hiện trợ giúp pháp lý được bố trí phòng riêng (ví dụ ở Ninh Thuận, Tòa án nhân dân huyện Thuận Bắc: Trợ giúp viên pháp lý được bố trí phòng riêng, đối diện với Văn phòng của Tòa án huyện, Ở Ninh Phước: do không còn phòng riêng nên Tòa án bố trí cho Trợ giúp viên pháp lý thực hiện việc trực ở hội trường).
 
Về người trực:
Căn cứ nguồn lực của đơn vị, Trung tâm TGPL nhà nước cử số người trực phù hợp (người thực hiện trợ giúp pháp lý trực, có thể bố trí thêm người hỗ trợ trực là viên chức tập sự trợ giúp pháp lý hoặc viên chức chuyên viên pháp lý). Danh sách, số điện thoại người trực, người hỗ trợ trực tại Toà được Trung tâm TGPL nhà nước gửi trước cho Toà án theo tuần hoặc theo tháng. Đối với hình thức trực tại trụ sở Tòa án nhân dân, đa số các Trung tâm TGPL cử trợ giúp viên pháp lý. Đây là đội ngũ nòng cốt thực hiện TGPL,  nắm vững quy định pháp luật về TGPL (diện đối tượng, quy trình tiếp nhận, thực hiện TGPL, quyền và nghĩa vụ của người được TGPL, phối hợp TGPL trong hoạt động tố tụng,…), pháp luật về tố tụng; có đủ năng lực hướng dẫn, thực hiện TGPL ngay khi có yêu cầu; có kỹ năng TGPL cho mọi đối tượng như: trẻ em, phụ nữ, người khuyết tật, đồng bào dân tộc thiểu số...;
Công việc của người trực: bảo đảm thời gian trực theo lịch đã gửi cho Tòa án, trong trường hợp không thể thực hiện theo phân công thì cần báo cáo Lãnh đạo Trung tâm TGPL nhà nước để bố trí người thay thế; tuân thủ nội quy, quy chế của Tòa án nơi trực, nội quy, quy chế của Trung tâm TGPL nhà nước; có trách nhiệm ghi nhận đầy đủ tình hình ca trực trong Sổ trực, giữ gìn tài sản và các thiết bị của phòng trực; thực hiện việc tư vấn, hướng dẫn, giải đáp pháp luật về TGPL, nếu họ thuộc diện TGPL thì tư vấn sâu hơn về vụ việc của họ, vào sổ thụ lý, mỗi Trợ giúp viên pháp lý có sổ thụ lý riêng, sau đó báo cáo về Trung tâm để Lãnh đạo Trung tâm phân công người thực hiện TGPL.
Các vụ việc tiếp nhận qua trực tại trụ sở Tòa án chủ yếu là trong lĩnh vực dân sự và hành chính.
2.2. Việc triển khai thực hiện Chương trình phối hợp số 5789/CTPH-BTP-BCA giữa Bộ Tư pháp và Bộ Công an về trực trợ giúp pháp lý trong điều tra hình sự.
Sau gần 01 năm Chương trình phối hợp 5789/CTPH-BTP-BCA ngày 27 tháng 11 năm 2023 giữa Bộ Tư pháp và Bộ Công an về phối hợp trực trợ giúp pháp lý trong điều tra hình sự được ký ban hành, hiện nay đã có 57/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ký kết chương trình/kế hoạch phối hợp giữa Sở Tư pháp và Công an tỉnh (Phụ lục 2). Ngoài ra, có 6 tỉnh, thành phố đang hoàn thiện Kế hoạch phối hợp và dự kiến tiến hành ký kết triển khai vào quý III 2024.
Chương trình phối hợp về trực TGPL trong điều tra hình sự được ban hành, các trợ giúp viên pháp lý được tham gia vụ việc ngay từ giai đoạn đầu của tố tụng hình sự. Trong quá trình thực hiện vụ việc từ giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử, về cơ bản người thực hiện TGPL được các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng tạo điều kiện để bảo đảm việc bào chữa/bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp cho người được TGPL. Vì vậy, số lượng vụ việc do các cơ quan tiến hành tố tụng giới thiệu, thông báo, thông tin đến các tổ chức thực hiện TGPL chiếm tỷ lệ cao trong số các vụ việc tham gia tố tụng do các tổ chức thực hiện TGPL thực hiện.
Từ khi Chương trình 5789/CTPH-BTP-BCA đến ngày 31/10/2024, 59/63 Trung tâm trợ giúp pháp lý trên toàn quốc đã tiếp nhận 2.504 lượt thông tin từ cơ quan điều tra, trong đó có 2.392 vụ việc TGPL.
Nhìn chung, công tác phối hợp giữa người tiến hành tố tụng, Điều tra viên, cán bộ điều tra, người có thẩm quyền của cơ sở giam giữ, Công an cấp xã với trợ giúp viên pháp lý cũng được thực hiện kịp thời, hiệu quả, đảm bảo các đối tượng thuộc diện được TGPL được giải thích đầy đủ, được tiếp cận, cung cấp và sử dụng dịch vụ TGPL kịp thời phù hợp với người dưới 18 tuổi, các đối tượng đặc thù khác.
II. Một số thuận lợi
- Cục Trợ giúp pháp lý đã kịp thời tham mưu Lãnh đạo Bộ Tư pháp ban hành các công văn hướng dẫn thực hiện khi Chương trình số 1603/CTPH-BTP-TANDTC, Chương trình 5789/CTPH-BTP-BCA được ban hành. Các Trung tâm chủ động trong việc triển khai sớm tại địa phương ngay sau đó.
- Tòa án nhân dân tỉnh và Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tạo điều kiện thuận lợi trong công tác phối hợp trực; sự phối hợp giữa Trung tâm với Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Công an cấp tỉnh ngày càng hiệu quả. Vì vậy, vụ việc tham gia tố tụng ngày càng tăng về số lượng, chất lượng vụ việc TGPL được nâng cao, nhận được sự phản hồi tích cực của người được TGPL và của cơ quan tiến hành tố tụng.
- Đội ngũ trợ giúp viên pháp lý có kinh nghiệm, có kỹ năng trực, thực hiện các vụ việc TGPL đạt chất lượng.
III. Một số hạn chế trong quá trình thực hiện
- Số lượng vụ việc tiếp nhận qua trực tại trụ sở Tòa án còn hạn chế.
- Nguồn nhân lực của Trung tâm trợ giúp pháp lý còn hạn chế nên chưa trực hết các ngày trong tuần và tại nhiều tòa án.
- Số lượng nguồn nhân lực thực hiện trực còn mỏng, nhất là đối với trường hợp cần phải thực hiện xác minh tại cơ quan điều tra, cơ sở giam giữ, công an cấp xã nhưng địa bàn lại cách xa Trung tâm, đi lại khó khăn.
IV. Một số đề xuất
- Đề nghị các Trung tâm TGPL căn cứ điều kiện cụ thể của địa phương tiếp tục phối hợp với Tòa án nhân dân tỉnh để mở rộng việc trực tại trụ sở. Nên tập trung trực tại trụ sở tòa án nhân dân huyện vì ở huyện sẽ tiếp nhận được nhiều người thuộc diện  trợ giúp pháp lý (hiện nay một số địa phương trực tại Tòa án nhân dân tỉnh hoặc tòa án nhân dân thành phố thuộc tỉnh nên số lượng tiếp nhận còn hạn chế).
- Tăng cường trao đổi kinh nghiệm: trong quá trình thực hiện nếu phát hiện có những sáng kiến hay, giúp nâng cao hiệu quả công tác phối hợp đề nghị các Trung tâm kịp thời chia sẻ với các địa phương khác nhân rộng các cách làm hay, biện pháp phối hợp hiệu quả, những giải pháp giải quyết khó khăn, vướng mắc về phối hợp thực hiện TGPL trong tố tụng của các cơ quan/đơn vị; có khó khăn, vướng mắc đề nghị phản ánh kịp thời đến cơ quan có thẩm quyền để được hướng dẫn.
- Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố tiếp tục phối hợp với Công an tỉnh triển khai hiệu quả trực TGPL trong điều tra hình sự (24/24 giờ) và người thực hiện TGPL trực tại Tòa án nhân dân; lồng ghép nội dung sơ kết, tổng kết 02 Chương trình phối hợp này vào các Hội nghị sơ kết hoặc tổng kết khác có liên quan; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao năng lực thực hiện TGPL cho đội ngũ người làm công tác TGPL; nâng cao năng lực cán bộ Tòa án, cán bộ, Điều tra viên trong giới thiệu, thông tin, thông báo về TGPL (nhất là trong giai đoạn tiếp nhận thông tin, xác minh diện người, vụ việc TGPL); qua đó tháo gỡ kịp thời những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện việc trực.
- Các ngành thành viên của Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong tố tụng tại địa phương cùng nhau phối hợp nhằm nâng cao chất lượng vụ việc TGPL; tăng cường, chủ động thực hiện các hoạt động kiểm tra và phối hợp TGPL tại địa phương, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hoặc đề xuất cấp trên có biện pháp tháo gỡ; đôn đốc, hướng dẫn và lồng ghép nội dung kiểm tra thực hiện 02 Chương trình vào kế hoạch kiểm tra của Hội đồng;
- Đề nghị các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng tăng cường hơn nữa việc bảo đảm quyền được giới thiệu, thông tin, giải thích về TGPL của người thuộc diện được TGPL để tăng số lượng người được TGPL được giới thiệu đến Trung tâm, Chi nhánh của Trung tâm.
 
Phúc An
 
 

[1] Công văn số 2919/BTP-TGPL ngày 12/8/2022 gửi STP các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về triển khai Chương trình phối hợp 1603: Công văn số 1327/BTP-TGPL ngày 15/3/2024 về triển khai Chương trình 5789