Kết quả cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý cho người nhiễm HIV

Bài viết tìm hiểu về quy định quyền được trợ giúp pháp lý của người nhiễm HIV, kết quả cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý cho người nhiễm HIV thời gian qua và đề xuất giải pháp bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý cho người nhiễm HIV thời gian tới.

Việt Nam đã trải qua hơn 30 năm đáp ứng với dịch HIV/AIDS, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng nhất là việc liên tục mở rộng và nâng cao chất lượng cung cấp các dịch vụ về phòng, chống HIV/AIDS. Hiện có 167.022 người đang được điều trị HIV bằng thuốc ARV và hiệu quả rất cao[1]. Theo Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) thì HIV là chữ viết tắt của cụm từ tiếng Anh "Human Immunodeficiency Virus" là vi rút gây suy giảm miễn dịch ở người, làm cho cơ thể suy giảm khả năng chống lại các tác nhân gây bệnh; AIDS là chữ viết tắt của cụm từ tiếng Anh "Acquired Immune Deficiency Syndrome" là hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải do HIV gây ra, thường được biểu hiện thông qua các nhiễm trùng cơ hội, các ung thư và có thể dẫn đến tử vong (Điều 2). Cũng theo Luật này, người nhiễm HIV có các quyền sau (1) sống hòa nhập với cộng đồng và xã hội; (2) được điều trị và chăm sóc xã hội; (3) học văn hóa, học nghề, làm việc; (4) được giữ bí mật riêng tư liên quan đến HIV/AIDS; (5) từ chối khám bệnh, chữa bệnh khi đang điều trị bệnh AIDS trong giai đoạn cuối; (6) các quyền khác theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Quyền được trợ giúp pháp lý của người nhiễm HIV
Theo pháp luật về trợ giúp pháp lý quy định về quyền của người nhiễm HIV như sau:
- Giai đoạn trước khi Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006, diện người được trợ giúp pháp lý được quy định tại Thông tư liên tịch số 52/TTLT/TP-TC-TCCP-LĐTBXH ngày 14/01/1998 của Bộ Tư pháp – Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ - Bộ Tài chính – Bộ Lao động thương bình và xã hội hướng dân thi hành Quyết định số 734/TTg ngày 6/9/1997 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập tổ chức trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng chính sách, theo đó, những đối tượng sau đây được hưởng giúp pháp lý miễn phí: người nghèo và các đối tượng chính sách như: người có công với cách mạng, đồng bào dân tộc thiểu số cư trú ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, hẻo lánh, hải đảo; các đối tượng được miễn án phí theo quy định tại khoản 1 Điều 13, điểm a, b, khoản 1 Điều 26; điểm a, c khoản 1 Điều 31 Nghị định số 70/CP ngày 12/6/1997 của Chính phủ về án phí, lệ phí Toà án. Như vậy, giai đoạn này, người nhiễm HIV chưa được quy định là diện người được trợ giúp pháp lý riêng, tuy nhiên nếu người nhiễm HIV thuộc các trường hợp được trợ giúp pháp lý nêu trên thì sẽ được hưởng dịch vụ trợ giúp pháp lý miễn phí.
- Giai đoạn từ khi Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006 được ban hành đến năm 2017: Theo quy định tại Điều 10 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006 và Điều 2 Nghị định số 07/2007/NĐ-CP ngày 12/01/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật TGPL, Điều 4 của Nghị định số 14/2013/NĐ- CP ngày 5/02/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 07/2007/NĐ-CP ngày 12/01/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật trợ giúp pháp lý, người nhiễm HIV không nơi nương tựa thuộc nhóm người tàn tật không nơi nương tựa (sau này sửa thành người khuyết tật không nơi nương tựa) là người thuộc diện được TGPL. Cụ thể, người tàn tật không nơi nương tựa là người bị khiếm khuyết một hay nhiều bộ phận cơ thể hoặc chức năng biểu hiện dưới những dạng tật khác nhau, làm suy giảm khả năng hoạt động, khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp nhiều khó khăn hoặc là người bị nhiễm chất độc hoá học, bị nhiễm HIV hoặc bị các bệnh khác làm mất năng lực hành vi dân sự mà không có nơi nương tựa (sau sửa đổi thành người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn; người bị nhiễm chất độc hóa học, bị nhiễm HIV mà không có nơi nương tựa). Bên cạnh đó, nếu người bị nhiễm HIV thuộc các diện người được trợ giúp pháp lý khác theo quy định thì cũng được trợ giúp pháp lý miễn phí, như người nhiễm HIV là người nghèo, người nhiễm HIV là người dân tộc thiểu số thường trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn….
- Giai đoạn từ khi Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 có hiệu lực đến nay: Ngày 20/6/2017, Luật TGPL số 11/2017/QH14 đã được Quốc hội thông qua, có hiệu lực từ ngày 01/01/2018, theo đó người được TGPL đã mở rộng lên 14 nhóm đối tượng so với 06 nhóm đối tượng của Luật TGPL năm 2006. Việc mở rộng diện đối tượng TGPL nêu trên đã thể hiện rõ nét chính sách nhân văn, sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với các đối tượng yếu thế, dễ tổn thương, góp phần bảo đảm trong tiếp cận pháp lý và bình đẳng trước pháp luật. Theo pháp luật trợ giúp pháp lý, người nhiễm HIV có khó khăn về tài chính thuộc diện được trợ giúp pháp lý, cụ thể: Người nhiễm HIV thuộc hộ cận nghèo hoặc người nhiễm HIV được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo quy định pháp luật. Bên cạnh đó, người nhiễm HIV thuộc hộ nghèo, trẻ em nhiễm HIV, người nhiễm HIV là người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, người nhiễm HIV là người có công với cách mạng và người nhiễm HIV thuộc diện được trợ giúp pháp lý khác theo quy định tại Điều 7 Luật TGPL năm 2017 cũng được trợ giúp pháp lý miễn phí.
Người nhiễm HIV thuộc diện được trợ giúp pháp lý có các quyền sau[2]: (1) quyền được trợ giúp pháp lý mà không phải trả tiền, lợi ích vật chất hoặc lợi ích khác; (2) quyền tự mình hoặc thông qua người thân thích, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác yêu cầu trợ giúp pháp lý; (3) quyền được thông tin về quyền được trợ giúp pháp lý, trình tự, thủ tục trợ giúp pháp lý khi đến tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và các cơ quan nhà nước có liên quan; (4) quyền yêu cầu giữ bí mật về nội dung vụ việc trợ giúp pháp lý; (5) quyền lựa chọn một (01) tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và người thực hiện trợ giúp pháp lý tại địa phương trong danh sách được công bố; yêu cầu thay đổi người thực hiện trợ giúp pháp lý khi người đó thuộc một trong các trường hợp không được tiếp tục thực hiện trợ giúp pháp lý hoặc phải từ chối thực hiện trợ giúp pháp lý theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 25 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017; (6) quyền thay đổi, rút yêu cầu trợ giúp pháp lý; (7) quyền được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật; (8) quyền khiếu nại, tố cáo về trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
 Khi có vướng mắc, tranh chấp pháp luật, người nhiễm HIV thuộc diện được trợ giúp pháp lý được trợ giúp pháp lý theo hình thức tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng. Trợ giúp pháp lý cho người nhiễm HIV thuộc diện được trợ giúp pháp lý được thực hiện trong các lĩnh vực pháp luật như lĩnh vực dân sự, hình sự, hành chính... (trừ lĩnh vực kinh doanh, thương mại).  
Khi yêu cầu trợ giúp pháp lý cho người nhiễm HIV thuộc diện được trợ giúp pháp lý, người yêu cầu phải nộp hồ sơ cho tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý gồm i) đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý; ii) giấy tờ chứng minh là người được trợ giúp pháp lý; (iii) các giấy tờ, tài liệu có liên quan đến vụ việc trợ giúp pháp lý. Hồ sơ yêu cầu trợ giúp pháp lý có thể được nộp trực tiếp tại trụ sở tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý hoặc gửi hồ sơ qua dịch vụ bưu chính hoặc gửi hồ sơ qua fax, hình thức điện tử. Giấy tờ chứng minh là người nhiễm HIV có khó khăn về tài chính bao gồm (1) Giấy xác nhận của cơ quan có thẩm quyền cấp xác định là người nhiễm HIV và (2) Giấy chứng nhận hộ cận nghèo hoặc quyết định hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng hoặc quyết định tiếp nhận đối tượng vào chăm sóc, nuôi dưỡng tại nhà xã hội, cơ sở bảo trợ xã hội.
Kết quả trợ giúp pháp lý cho người nhiễm HIV
Qua hơn 17 năm triển khai Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) năm 2006 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2007, sửa đổi, bổ sung năm 2020) và cũng là 17 năm triển khai quy định trợ giúp pháp lý cho người nhiễm HIV, đến nay trên toàn quốc đã đạt được nhiều một số kết quả như sau:
Toàn quốc có 63 Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 97 Chi nhánh thuộc Trung tâm tại các huyện, liên huyện ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, giao thông không thuận tiện đến Trung tâm và chưa có tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý. Cùng với đó, trên toàn quốc còn có 180 tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý (trong đó có 26 tổ chức ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý, 174 tổ chức đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý).
Về người thực hiện trợ giúp pháp lý, có 676 trợ giúp viên pháp lý là viên chức của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Bên cạnh đó, cả nước còn thu hút được 675 người tham gia trợ giúp pháp lý (trong đó 643 người là luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý, 32 người là cộng tác viên trợ giúp pháp lý). Bên cạnh đó, để nâng cao năng lực cho đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp và các địa phương hằng năm tổ chức các hội nghị tập huấn kiến thức và nhất là kỹ năng thực hiện trợ giúp pháp lý trong các lĩnh vực pháp luật và các kỹ năng khi trợ giúp pháp lý cho các đối tượng dễ tổn thương trong xã hội.
Để người được trợ giúp pháp lý nói chung, người nhiễm HIV thuộc diện được trợ giúp pháp lý nói riêng tiếp cận và sử dụng dịch vụ trợ giúp pháp lý, trong thời gian qua ở trung ương và địa phương, các cơ quan, tổ chức về trợ giúp pháp lý đã tích cực truyền thông về quyền được trợ giúp pháp lý với nhiều cách thức khác nhau như:
 (1) Tổ chức các lớp tập huấn, hội nghị, hội thảo, các đợt truyền thông về trợ giúp pháp lý;
(2) Thông qua việc tổ chức biên soạn và phát hành các tài liệu truyền thông và phát đến người dân như tờ rơi, tờ gấp pháp luật, cẩm nang, sách bỏ túi trợ giúp pháp lý hoặc các tài liệu truyền thông khác về trợ giúp pháp lý;
(3) Thông qua hoạt động hỗ trợ thông tin về trợ giúp pháp lý bằng đường dây nóng hoặc xử lý thông tin có liên quan đến trợ giúp pháp lý trên các phương tiện truyền thông giúp người dân nắm bắt được các thông tin, địa chỉ, số điện thoại của các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý để liên hệ khi có yêu cầu trợ giúp;
(4) Thông qua việc đặt Bảng tin, hộp tin trợ giúp pháp lý được niêm yết công khai tại các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, ủy ban nhân dân cấp xã, tại nhà tạm giam, tạm giữ,…;
(5) Thông qua việc tổ chức xây dựng và phát hành các thông điệp, tiểu phẩm về trợ giúp pháp lý được xây dựng, phát hành trên đài truyền thanh VOV,…, các phim ngắn diễn án, phóng sự, phỏng vấn về trợ giúp pháp lý được xây dựng, phát sóng trên các kênh truyền hình đa dạng;
 (6) Thông qua danh sách các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý, các tin tức, video, bài viết… về TGPL được đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Tư pháp, Trang thông tin điện tử trợ giúp pháp lý Việt Nam và các Trang thông tin điện tử của Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Hiện nay, ngoài Trang thông tin điện tử TGPL ở Trung ương và địa phương, trên các trang thông tin điện tử của tòa án nhân dân các cấp đều có chỉ dẫn TGPL để người dân dễ dàng tiếp cận, sử dụng khi vào các trang thông tin điện tử này. Bên cạnh đó, người dân có thể tự biết đến dịch vụ trợ giúp pháp lý, trực tiếp đến Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước yêu cầu trợ giúp pháp lý khi có yêu cầu hoặc người dân được các cơ quan, người tiến hành tố tụng, các cơ quan nhà nước, các tổ chức đoàn thể, người uy tín trong cộng đồng giải thích về quyền được TGPL, giới thiệu đến tổ chức thực hiện TGPL thông qua hoạt động của mình.
Chính thông qua những hoạt động này đã giúp cho người được trợ giúp pháp lý nói chung, người nhiễm HIV nói riêng hiểu biết hơn về quyền được trợ giúp pháp lý và các cách thức liên hệ, tiếp cận với dịch vụ trợ giúp pháp lý miễn phí, để khi có vướng mắc, tranh chấp pháp luật họ có thể yêu cầu được tư vấn pháp luật, bào chữa, bảo vệ trong quá trình tham gia tố tụng hoặc đại diện ngoài tố tụng trước các cơ quan nhà nước khác.
Về kết quả thực hiện trợ giúp pháp lý cho người nhiễm HIV:
- Do trước năm 2006, người nhiễm HIV chưa được thống kê thành một diện người được trợ giúp pháp lý độc lập mà được thống kê chung trong diện người khuyết tật hoặc các diện người được trợ giúp pháp lý khác nên không có số liệu lượt người nhiễm HIV thuộc diện được TGPL được cung cấp dịch vụ TGPL.
- Theo Báo cáo số 158/BC-BTP ngày 30/6/2016 của Bộ Tư pháp tổng kết 08 năm thi hành Luật TGPL, từ 01/01/2007 đến hết tháng 12/2014, triển khai Luật TGPL năm 2006 các tổ chức thực hiện TGPL trong cả nước đã thực hiện được 540 lượt người nhiễm HIV không nơi nương tựa được TGPL.
- Từ khi triển khai Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 đến hết năm 2023, theo thống kê từ các địa phương, có khoảng 300 lượt người nhiễm HIV có khó khăn về tài chính được trợ giúp pháp lý. Đây chỉ là số liệu được thống kê độc lập diện người nhiễm HIV có khó khăn về tài chính, ngoài ra, người nhiễm HIV khi thuộc diện được trợ giúp pháp lý khác như hộ nghèo, trẻ em, người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, người có công với cách mạng… khi được trợ giúp pháp lý sẽ được thống kê sang các diện người này.
Các Trung tâm TGPL nhà nước khi cử người thực hiện trợ giúp pháp lý cho những người này cũng đã cử những Trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý… có kiến thức, kinh nghiệm, am hiểu tâm lý của người được trợ giúp pháp lý là người nhiễm HIV… Các vụ việc được trợ giúp pháp lý này khi được các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thẩm định, đánh giá thì đều đạt chất lượng trở lên, không có vụ việc nào bị khiếu nại, khiếu kiện về chất lượng. Có những vụ việc mang lại hiệu quả rõ rệt cho người được trợ giúp pháp lý như được giảm hình phạt hoặc tăng mức bồi thường hoặc chuyển tội danh khác nhẹ hơn… trong các vụ việc hình sự, dân sự, hành chính. Thông qua các vụ việc trợ giúp pháp lý cụ thể đã bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý nói chung, trong đó có người nhiễm HIV có khó khăn về tài chính, qua đó góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật.
Cần tăng cường hiệu quả trợ giúp pháp lý cho người nhiễm HIV
Tuy nhiên, có thể thấy rằng hiệu quả hoạt động trợ giúp pháp lý trong việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người nhiễm HIV được trợ giúp pháp lý còn hạn chế. Do đó, để triển khai nội dung nâng cao chất lượng trợ giúp pháp lý, nghiên cứu mở rộng đối tượng được TGPL phù hợp với điều kiện của đất nước... được giao tại Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội và các nội dung về an sinh xã hội trong giai đoạn mới, tác giả xin đề xuất một số nội dung cần tăng cường hiệu quả, chất lượng hoạt động trợ giúp pháp lý cho người nhiễm HIV như sau:

  • Tiếp tục hoàn thiện thể chế về trợ giúp pháp lý, cụ thể nghiên cứu, sửa đổi Nghị định số 144/2017/NĐ-CP ngày 15/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý theo hướng mở rộng điều kiện có khó khăn về tài chính để bảo đảm người thuộc hộ mới thoát nghèo, hộ có mức sống trung bình làm nông nghiệp, diêm nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, người lao động có thu nhập thấp, người có khó khăn đột xuất… được trợ giúp pháp lý khi có nhu cầu… để mở rộng phạm vi điều kiện có khó khăn về tài chính của  các đối tượng được quy định tại khoản 7 Điều 7 Luật Trợ giúp pháp lý, trong đó có người nhiễm HIV có khó khăn về tài chính.

  • Nghiên cứu, sửa đổi Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) theo hướng bổ sung quyền được trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nhiễm HIV theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý để đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ.

  • Triển khai hiệu quả Luật Trợ giúp pháp lý 2017 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn theo hướng tập trung thực hiện vụ việc, nhất là vụ việc tham gia tố tụng; triển khai hiệu quả nhiệm vụ về trợ giúp pháp lý được quy định tại Quyết định số 140/QĐ-TTg ngày 02/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình Phòng, chống ma túy trong thanh, thiếu niên đến năm 2030 (điểm g mục 4 và điểm c mục 5 Chương II Quyết định) và các chương trình, văn bản khác có liên quan.

  • Tăng cường năng lực cho người thực hiện trợ giúp pháp lý, nâng cao chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý cho người nhiễm HIV thông qua các hoạt động tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng thực hiện trợ giúp pháp lý trong các lĩnh vực dân sự, hành chính, hình sự có liên quan đến người nhiễm HIV; tổ chức các hội nghị chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm trợ giúp pháp lý cho người nhiễm HIV…

  • Đẩy mạnh việc phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trợ giúp pháp lý với các cơ quan, người tiến hành tố tụng, Phòng Tư pháp, Ủy ban nhân dân cấp xã và các cơ quan, tổ chức khác có liên quan như Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS.v.v. trong việc giới thiệu thông tin, vụ việc trợ giúp pháp lý có người nhiễm HIV; trong việc truyền thông kiến thức trợ giúp pháp lý, phối hợp trong hoạt động thực hiện trợ giúp pháp lý cho người nhiễm HIV…

  • Nâng cao năng lực tiếp cận, thụ hưởng dịch vụ trợ giúp pháp lý, tăng cường truyền thông về quyền được trợ giúp pháp lý cho người được trợ giúp pháp lý, trong đó có người nhiễm HIV bằng nhiều hình thức khác nhau phù hợp với từng đối tượng cụ thể, tiếp tục truyển khai những hình thức truyền thông có hiệu quả trong thời gian qua như xây dựng, phát sóng những chương trình, phóng sự trên các kênh truyền thông hiện đại; các tài liệu về quyền trợ giúp pháp lý cho người nhiễm HIV có khó khăn về tài chính và người nhiễm HIV thuộc diện được trợ giúp pháp lý khác; tổ chức hội nghị truyền thông về trợ giúp pháp lý tại xã, phường, thị trấn… nhất là những nơi có người nhiễm HIV như bệnh viện, phòng khám về HIV, cơ sở cai nghiện ma túy; cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện ma túy, cơ sở bảo trợ xã hội, trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ và các tổ chức khác…./.

Lan Trinh

 


[1] Nguồn: Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế (https://vaac.gov.vn/vai-tro-cua-cac-to-chuc-cong-dong-trong-phong-chong-hiv-aids.html)

[2] Điều 8 Luật TGPL năm 2017