Một số kết quả hoạt động của các Trung tâm trợ giúp pháp lý năm 2023

Thực hiện Kế hoạch công tác năm 2023, sự chỉ đạo của các cơ quan quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý năm 2023, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tích cực, chủ động triển khai các mặt hoạt động và đạt được một số kết quả quan trọng, góp phần làm nên thành công của hoạt động trợ giúp pháp lý trong toàn quốc.

I. MỘT SỐ KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC
1. Về thực hiện Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 và Đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý
Việc sắp xếp, kiện toàn bộ máy, kiện toàn đội ngũ người thực hiện TGPL tại Trung tâm cũng được các Trung tâm quan tâm thực hiện. Tính đến 31/10/2023, cả nước có 55 Giám đốc Trung tâm, số lượng Chi nhánh là 97 Chi nhánh, giảm 02 Chi nhánh so với năm 2022 (tính đến ngày 31/10/2022, toàn quốc có 99 Chi nhánh). Hiện nay, hầu hết các Chi nhánh đều hoạt động thực chất, thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận, thực hiện vụ việc và phối hợp với cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan có liên quan tại địa bàn trong quá trình thực hiện vụ việc TGPL.
Bên cạnh việc sắp xếp, kiện toàn bộ máy, các Trung tâm luôn tích cực thực hiện công tác kiện toàn đội ngũ người thực hiện TGPL, theo đó tổng số biên chế được giao của các Trung tâm tính đến thời điểm 31/10/2023 là 1.354 người, trong đó biên chế hiện có là 1.228 người, 676 trợ giúp viên pháp lý (chiếm 55.04% trong tổng biên chế hiện có, tăng 8 trợ giúp viên pháp lý so với năm 2022), 643 luật sư ký hợp đồng thực hiện TGPL (tăng 36 luật sư so với năm 20220 và 32 Cộng tác viên thực hiện TGPL (giảm 6 cộng tác viên so với năm 2022). Số lượng Trợ giúp viên pháp lý và số luật sư ký hợp đồng thực hiện TGPL tăng sẽ góp phần nâng cao khả năng đáp ứng nhu cầddapTGPL của người dân.
2. Hoạt động truyền thông về trợ giúp pháp lý
Trong năm 2023, tất cả các Trung tâm trên toàn quốc luôn chú trọng đẩy mạnh công tác truyền thông về hoạt động TGPL bằng nhiều phương thức khác nhau, theo hướng đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung, hướng đến mục đích giúp người dân, trong đó có đối tượng thuộc diện TGPL biết đến hoạt động TGPL của nhà nước. Một số Trung tâm đã xây dựng và vận hành Trang thông tin điện tử riêng về TGPL (Bình Định, Hải Phòng, Tây Ninh, Hưng Yên) hoặc thiết lập trang thông tin trên mạng xã hội Facebook, Zalo (Điện Biên, Quảng Trị, Hà Tĩnh, Hà Giang, Sơn La,...). Đa số các Trung tâm thực hiện phối hợp với cơ quan đoàn thể (Hội Người Khuyết tật, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Nạn nhân chất độc màu da cam...) thực hiện truyền thông về TGPL cho thành viên, hội viên của tổ chức để khảo sát nhu cầu về TGPL. Các Trung tâm chủ động phối hợp tích cực với các phương tiện truyền thông đại chúng tại địa phương như đài phát thanh, đài truyền hình, báo chí để xây dựng chương trình, phóng sự về TGPL, chuyên mục giải đáp pháp luật. Một số Trung tâm thực hiện truyền thông theo từng chuyên đề hướng tới các đối tượng đặc như người khuyết tật (Thừa Thiên Huế, Tuyên Quang, Bắc Kạn), trẻ em (Hà Nội, Bến Tre, Phú Thọ, Phú Yên), người cao tuổi (Ninh Thuận, Sơn La, Thanh Hoá). Một số Trung tâm đã có đổi mới, sáng tạo trong công tác truyền thông về TGPL, cụ thể là lồng ghép nội dung đố vui có thưởng trong các buổi truyền thông (Thành phố Hồ Chí Minh), cử trợ giúp viên pháp lý trực tiếp tham gia trả lời câu hỏi pháp luật trên đài truyền hình (Ninh Thuận).
Có thể nói rằng hoạt động truyền thông của địa phương đã có những đổi mới với nhiều phương thức phù hợp với nguồn kinh phí được cấp cũng như điều kiện thực tế tại địa phương. Công tác truyền thông về TGPL của các Trung tâm không chỉ góp phần tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đối tượng yếu thế trong xã hội mà qua đó góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội của địa phương giúp người dân nâng cao hiểu biết pháp luật.
3. Về kết quả thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý
Trong năm 2023, số lượng các vụ việc tăng so với cùng kỳ năm 2022, cụ thể số vụ việc TGPL thực hiện trong kỳ báo cáo tăng 26,33%,  số vụ việc TGPL thụ lý mới trong kỳ tăng 27,68%%, số vụ việc TGPL kết thúc tăng 22,53%, số vụ việc tham gia tố tụng thực hiện tăng 29,05% và chiếm 86,17% tổng số vụ việc TGPL thực hiện của Trung tâm.
Không chỉ có số vụ việc tham gia tố tụng thực hiện trong kỳ tăng mà số vụ việc tham gia tố tụng thụ lý mới cũng tăng so với năm 2022, cụ thể, trong năm 2022 cả nước tiếp nhận mới 19.394 vụ việc, trong năm 2023 là 21.255 vụ việc (tăng 9.6%), trong đó số vụ việc tham gia tố tụng kết thúc trong năm 2023 là 21.255 vụ việc, tăng 25.87% so với năm 2022 (năm 2022 có 16.886 vụ việc tham gia tố tụng kết thúc). Nhiều vụ việc tham gia tố tụng do người thực hiện TGPL thực hiện đạt hiệu quả, có nhiều vụ án được tuyên mức án nhẹ hơn hoặc chuyển tội danh hay thay đổi khung hình phạt thấp hơn so với mức đề nghị của Viện kiểm sát nhân dân. Trong quá trình tham gia tố tụng người thực hiện TGPL khi bào chữa hoặc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, thực hiện đúng các quy định về tố tụng và các quy tắc đạo đức nghề nghiệp. Kết quả này được ghi nhận thông qua tỷ lệ vụ việc thành công, hiệu quả ngày càng cao, số vụ việc hình sự được Hội đồng xét xử chấp nhận các tình tiết có lợi cho bị cáo theo đề nghị của trợ giúp viên pháp lý, sự đánh giá, ghi nhận của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng.
4. Công tác thẩm định, đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý, đánh giá hiệu quả vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công
Hoạt động thẩm định chất lượng, đánh giá hiệu quả vụ việc TGPL thành công được các Trung tâm thực hiện theo quy định tại Khoản 9 Điều 1 Thông tư số 03/2021/TT-BTP ngày 25/5/2021 của Bộ Tư pháp sửa đổi Thông tư 08/2017/TT-BTP hướng dẫn Luật TGPL và hướng dẫn giấy tờ trong hoạt động TGPL; Thông tư 12/2018/TT-BTP hướng dẫn một số hoạt động nghiệp vụ TGPL và quản lý chất lượng vụ việc TGPL. Theo báo cáo của các địa phương, tổng số vụ việc TGPL được thẩm định là 13.239 vụ việc (tại 39 địa phương[1]), đa số vụ việc TGPL được thẩm định đều chất lượng khá, tốt. Theo báo cáo của các địa phương, có 970 vụ việc TGPL được 19 Sở Tư pháp đánh giá là thành công, hiệu quả; tổng số vụ việc TGPL được 31 Trung tâm đánh giá là tham gia tố tụng thành công là 3.304 vụ việc.
Trong kỳ báo cáo từ 01/11/2022 đến 31/10/2023, nhiều địa phương cũng đã tiến hành đánh giá chất lượng vụ việc TGPL, trong đó tổng số vụ việc TGPL được Sở Tư pháp tại 29 tỉnh, thành phố đánh giá chất lượng là 1.598 vụ việc, 100% vụ việc được đưa ra đánh giá đều đạt chất lượng.  

 
Nhãn

5. Việc triển khai thực hiện Chương trình phối hợp số 1603/CTPH-BTP-TAND giữa Bộ Tư pháp và Toà án nhân dân tối cao về người thực hiện trợ giúp pháp lý trực tại Toà án
Triển khai Chương trình phối hợp số 1603/CTPH-BTP-TANDTC ngày 19/5/2022 về người thực hiện TGPL trực tại Tòa án, Cục TGPL đã hướng dẫn, đôn đốc Sở Tư pháp chủ động phối hợp với Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện phối hợp ở địa phương, nhằm bảo đảm tiếp cận TGPL kịp thời trong tố tụng cho người bị buộc tội, bị hại, đương sự thuộc diện được TGPL; bảo đảm đối tượng thuộc diện TGPL trong các vụ việc mà Tòa án nhân dân thụ lý được giải thích đầy đủ, được tiếp cận, cung cấp và sử dụng dịch vụ TGPL kịp thời, phù hợp với người dưới 18 tuổi và các đối tượng đặc thù khác. Tính đến ngày 31/10/2023, đã có 62/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ký kết chương trình/kế hoạch phối hợp giữa Sở Tư pháp và Tòa án nhân dân tỉnh  (18 tỉnh ký theo hình thức Chương trình, 40 tỉnh ký theo hình thức Kế hoạch, 2 tỉnh ký theo hình thức Quy chế, 2 tỉnh theo hình thức khác); trong đó có 20 địa phương triển khai hình thức trực theo 02 hình thức tại trụ sở Tòa án và trực qua điện thoại . Ở 42 địa phương còn lại, trụ sở Tòa án nhân dân chưa bảo đảm về cơ sở vật chất để bố trí người thực hiện TGPL trực tại Tòa thì các địa phương thống nhất hình thức trực qua điện thoại. Số vụ việc trực năm 2023 tại trụ sở Toà án nhân dân là 837 vụ việc, số vụ việc trực qua hình thức điện thoại là 1.152 vụ việc.
6. Việc triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 05/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP quy định chi tiết và hướng dẫn tổ chức phiên toà trực tuyến và Công văn số 546/BTP-TGPL ngày 25/02/2022 của Bộ Tư pháp
Theo Thông tư liên tịch số 05/2021/TTLT, để tổ chức phiên tòa trực tuyến thì ngoài điểm cầu trung tâm đặt tại trụ sở Tòa án còn có điểm cầu thành phần do Trung tâm TGPL nhà nước bố trí được Tòa án chấp nhận. Để triển khai thực hiện quy định này, Bộ Tư pháp đã hướng dẫn Sở Tư pháp lập dự trù kinh phí gửi UBND tỉnh bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị cho Trung tâm tham gia tổ chức phiên tòa trực tuyến. Tính đến ngày 31/10/2023, hầu hết các tỉnh đã lập dự trù kinh phí trình UBND cấp tỉnh, trong đó có 30 địa phương đã được cấp kinh phí để thiết lập điểm cầu thành phần tại Trung tâm TGPL, 17 địa phương đã thiết lập điểm cầu thành phần tại Trung tâm TGPL. Số vụ việc Trung tâm TGPL tham gia phiên toà xét xử trực tuyến do Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức từ ngày 01/01/2023 đến 31/10/2023 là 701 vụ.
7. Việc triển khai các hoạt động trợ giúp pháp lý trong các Chương trình mục tiêu quốc gia
Đến 30/10/2023, đã có 25 địa phương đã ban hành Kế hoạch thực hiện nội dung TGPL trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, 16 địa phương ban hành Kế hoạch thực hiện nội dung TGPL trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, 11 địa phương ban hành Kế hoạch triển khai nội dung TGPL trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (Bà Rịa - Vũng Tàu, Bắc Kạn, Bạc Liêu, Bình Định, Cần Thơ, Đồng Nai, Kiên Giang, Long An, Quảng Bình, Quảng Trị, Tuyên Quang). Nhìn chung, các văn bản triển khai nội dung TGPL trong các Chương trình tại địa phương bám sát các nội dung về TGPL theo các công văn hướng dẫn của Bộ đảm bảo cụ thể, khả thi, phù hợp, không chồng chéo về đối tượng và nội dung hỗ trợ trên cùng địa bàn; xác định rõ đối tượng thụ hưởng, cơ quan có trách nhiệm thực hiện, cơ quan phối hợp thực hiện và lộ trình thời gian thực hiện, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc phối hợp triển khai.
Sở Tư pháp, Trung tâm chủ động phối hợp với Phòng Tư pháp các huyện, thị xã tổ chức các cuộc truyền thông về TGPL trên toàn tỉnh. Qua đó, giới thiệu về chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm, quyền và nghĩa vụ của người được TGPL, người thực hiện TGPL, một số nội dung pháp luật thiết yếu đến người dân, số điện thoại, địa chỉ liên hệ...[2]. Bên cạnh đó, một số địa phương còn xây dựng tài liệu, tổ chức các hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, tập huấn điểm về kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác TGPL, tổ chức chuyên đề TGPL kết nối cộng đồng. Từ đó, nâng cao năng lực, kiến thức cho đội ngũ những người có uy tín trong cộng đồng và đội ngũ cán bộ ở cơ sở (công an xã, công chức tư pháp hộ tịch,...), tổ chức, đoàn thể của cấp xã để kịp thời giải thích cho người dân về quyền được TGPL, hướng dẫn người thuộc diện TGPL liên hệ với tổ chức thực hiện TGPL/người thực hiện TGPL tại địa phương[3].
Một số Trung tâm đã phối hợp với báo chí, đài phát thanh, đài truyền hình tỉnh xây dựng các chuyên mục, các phóng sự về TGPL phát sóng trên đài truyền hình địa phương; xây dựng chương trình phát thanh về TGPL trên hệ thống loa truyền thanh đến các xã, phường, thị trấn nhằm truyền thông, hướng dẫn đối tượng đặc thù về hoạt động TGPL.[4] Qua đó đem lại hiệu quả tích cực trong công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật đến người dân, tạo được sự đồng tình và ủng hộ của người đồng bào tại các huyện miền núi, vùng nông thôn.
Qua theo dõi, một số địa phương đã lắp đặt mới, thay thế các Bảng thông tin, hộp tin TGPL tại trụ sở Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn. Biên soạn, in ấn cấp phát tờ rơi, tờ gấp về TGPL, tài liệu pháp luật phát miễn phí cho người dân nhằm giúp cho người dân, đặc biệt là những đối tượng đặc thù tại các vùng nông thôn, miền núi thực hiện quyền được thụ hưởng chính sách TGPL miễn phí[5].
Để thực hiện chỉ tiêu trợ giúp pháp lý theo Quyết định số 318/QĐ-TTg ngày 08/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025, trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý, các Trung tâm đã tổ chức thực hiện truyền thông trợ giúp pháp lý tại các xã tỷ lệ hộ nghèo cao, xã xây dựng nông thôn mới, cấp phát tài liệu miễn phí cho người dân, đồng thời lồng ghép tư vấn, hướng dẫn, giải đáp pháp luật cho nhiều trường hợp có vướng mắc về pháp lý. Qua hoạt động truyền thông, nhận thức về quyền được trợ giúp pháp lý của người dân, đặc biệt là các đối tượng thuộc diện được trợ giúp pháp lý được nâng cao, nhiều trường hợp chủ động đề nghị được trợ giúp pháp lý. Một số Trung tâm đạt tỉ lệ cao Sơn La 100% Điện Biên 100% Phú Thọ 100% người dân thuộc đối tượng trợ giúp pháp lý được trợ giúp pháp lý khi có yêu cầu.
8. Công tác thông tin, giới thiệu về trợ giúp pháp lý
- Về tình hình thực hiện hoạt động giải thích quyền được trợ giúp pháp lý và giới thiệu đến Trung tâm của Phòng Tư pháp và UBND cấp xã: Triển khai thực hiện Thông tư 03/2021/TT-BTP sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư số 08/2017/TT-BTP ngày 15/11/2017 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý, một số các Trung tâm đã tham mưu Sở Tư pháp ban hành văn bản đề nghị UBND quận, huyện chỉ đạo Phòng Tư pháp và UBND cấp xã thực hiện thực hiện nghiêm túc hoạt động thông tin, giới thiệu về TGPL quy định tại khoản 12 Điều 2 của Thông tư 03/2021/TT-BTP (Bắc Kạn, Hà Nội, Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai). Tại một số địa phương, UBND cấp xã đã thông tin, giới thiệu người thuộc diện TGPL đến Trung tâm như Bến Tre (16 trường hợp), Hà Tĩnh (13 trường hợp), Long An (17 trường hợp), Nam Định (30 trường hợp), Thái Bình (14 trường hợp).
9. Công tác phối hợp với các cơ quan, tổ chức khác
Bên cạnh hoạt động phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng được đẩy mạnh, công tác phối hợp với các cơ quan, tổ chức khác trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng được các Trung tâm triển khai hiệu quả. Các Trung tâm đã phối hợp với Đoàn luật sư ở địa phương, các tổ chức như Hội Luật gia; Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Mặt trận Tổ quốc... để thực hiện công tác truyền thông, thông tin về TGPL, từ đó nắm bắt nhu cầu TGPL của các đối tượng yếu thế, tăng cường khả năng tiếp cận, thụ hưởng dịch vụ TGPL.
10. Về kinh phí, cơ sở vật chất
Theo báo cáo của các địa phương, nhìn chung cơ sở vật chất phục vụ cho công tác trợ giúp pháp lý không có biến động so với năm 2022, về cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu công tác. Đa phần các Trung tâm chưa có trụ sở làm việc độc lập mà nằm chung với khuôn viên của Sở Tư pháp hoặc các cơ quan khác, các Chi nhánh chung trụ sở với các phòng, ban của huyện, thị xã.
Một số Trung tâm được cấp xe ô tô phục vụ cho hoạt động TGPL tại cơ sở (Bình Dương, Hà Nội, Lai Châu, Quảng Trị, Quảng Bình, Thanh Hóa, Tuyên Quang, Thành phố Hồ Chí Minh). Nhìn chung, các Trung tâm được trang bị các thiết bị làm việc thiết yếu như máy vi tính kết nối internet, máy photo, máy chiếu, tủ đựng tài liệu... và các trang thiết bị khác, tất cả các tranh bị, đồ dùng hiện có được đảm bảo sử dụng đúng mục đích và bảo quản tốt. Tuy nhiên, hiện tại một số máy móc xuống cấp, ảnh hưởng đến chất lượng công việc.
11. Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động trợ giúp pháp lý
Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động TGPL được các Trung tâm chú trọng thực hiện. Một số Trung tâm luôn cập nhật liên tục Trang thông tin điện tử riêng về TGPL của địa phương (Hải Phòng, Đồng Nai, Kiên Giang, Bình Định, Hưng Yên…) hoặc trên trang thông tin của Sở Tư pháp nhằm đăng tải các thông tin cụ thể về tổ chức, hoạt động, phương thức liên hệ của Trung tâm và các thông tin thiết yếu khác để đối tượng yếu thế dễ dàng nắm bắt và tiếp cận hoạt động TGPL như: Các văn bản pháp luật trong lĩnh vực TGPL, Thủ tục hành chính về TGPL và các biểu mẫu liên quan, Thông tin về một số vụ việc TGPL điển hình... 63 Trung tâm TGPL thường xuyên cập nhật, quản lý thông tin về tổ chức, người thực hiện trợ giúp pháp lý; cập nhật đầy đủ vụ việc lên Hệ thống Quản lý tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý; đồng thời ứng dụng công nghệ thông tin để trích xuất các thống kê, báo cáo phục vụ cho công tác quản lý, theo dõi hoạt động trợ giúp pháp lý của Trung tâm. Đã có một số Trung tâm thực hiện dịch vụ công về TGPL ở cấp độ 2, cấp độ 3 và cấp độ 4 (Bạc Liêu, Bến Tre, Bình Định, Bình Dương, Cao Bằng, Đắc Lắk, Đồng Nai, Hà Giang, Hà Nam, Hậu Giang, Thái Bình...).
Ngoài việc sử dụng phần mềm quản lý vụ việc TGPL, các Trung tâm tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào việc quản lý, điều hành hoạt động của đơn vị khi sử dụng phần mềm quản lý văn bản trong công tác tiếp nhận, xử lý, quản lý văn bản của cơ quan, đơn vị và gửi, nhận văn bản điện tử.

II. Đánh giá chung
1. Những kết quả nổi bật
Nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Sở Tư pháp cùng với sự nỗ lực, quyết tâm cao của các Trung tâm nên công tác TGPL trong năm 2023 của các Trung tâm so với cùng kỳ năm 2022 đạt được một số kết quả như: Số lượng trợ giúp viên pháp lý tăng mặc dù số lượng tổng biên chế giảm; số lượng luật sư ký hợp đồng thực hiện TGPL với Trung tâm tăng; số lượng vụ việc TGPL thực hiện trong tăng 26.33%,  số vụ việc TGPL thụ lý mới trong kỳ tăng 27.68%%, số vụ việc TGPL kết thúc tăng 22.53%, số vụ việc tham gia tố tụng thực hiện tăng 29.05%.
Hoạt động thẩm định chất lượng vụ việc TGPL mang lại những kết quả tích cực. Thông qua việc thẩm định đánh giá hồ sơ vụ việc TGPL đã giúp Trung tâm đánh giá khách quan, toàn diện, đầy đủ vụ việc TGPL của trợ giúp viên pháp lý, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm.
Các Trung tâm đã tăng cường công tác truyền thông về TGPL thông qua nhiều phương thức khác nhau (phối hợp với đài truyền hình, đài phát thanh, cơ quan báo chí tại địa phương để đưa nhiều tin bài, phóng sự chuyên đề về TGPL; phối hợp với các cơ quan đoàn thể; truyền thông về TGPL trên không gian mạng xã hội và các trang thông tin điện tử riêng về TGPL hoặc của Sở Tư pháp địa phương), từ đó giúp người dân biết, tiếp cận dịch vụ TGPL và thực hiện quyền TGPL khi có nhu cầu.  
Hoạt động phối hợp với các cơ quan, tổ chức trên địa bàn về TGPL đã có một số kết quả tích cực. Hoạt động phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý ngày càng được chú trọng, thực hiện hiệu quả. Công tác phối hợp với UBND cấp xã trong hoạt động giới thiệu người thuộc diện được TGPL theo quy định tại Thông tư số 03/2021/TT-BTP bước đầu được một số địa phương tích cực thực hiện, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ liên quan đến công dân, UBND xã đã tiến hành giải thích về quyền được TGPL và chính sách TGPL miễn phí của nhà nước, hướng dẫn người thuộc diện TGPL liên hệ với tổ chức thực hiện TGPL, người thực hiện TGPL tại địa phương. Một số Trung tâm đã tiếp nhận vụ việc TGPL thông qua sự thông tin, giới thiệu của UBND cấp xã.
2. Những khó khăn, vướng mắc
Bên cạnh những kết quả đạt được trong năm 2023, công tác TGPL vẫn còn có những tồn tại, hạn chế, cụ thể:
- Về việc thực hiện vụ việc TGPL
Hoạt động thực hiện vụ việc TGPL cho nhóm đối tượng đặc thù tại một số địa phương nhiều người dân tộc thiểu số vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong giao tiếp bởi số lượng người thực hiện TGPL biết tiếng dân tộc thiểu số không nhiều (Điện Biên, Yên Bái, Sơn La).  
Mặc dù được đội ngũ người thực hiện TGPL tích cực thông tin, giới thiệu về hoạt động TGPL nhưng số lượng người thuộc diện được TGPL tìm đến trụ sở Trung tâm còn chưa nhiều, bởi người thuộc diện được TGPL là người cao tuổi, trẻ em, người khuyết tật, đồng bảo dân tộc thiểu số cư trú tại vùng sâu vùng xa nên gặp khó khăn trong việc di chuyển.
- Về đội ngũ người thực hiện TGPL
Số lượng viên chức Trung tâm còn mỏng so với yêu cầu công việc, dẫn đến có một số ít nhiệm vụ thực hiện còn chậm so với yêu cầu; Trình độ, năng lực đội ngũ trợ giúp viên pháp lý không đồng đều, một số trợ giúp viên pháp lý mới bổ nhiệm còn thiếu kỹ năng, kinh nghiệm tham gia tố tụng.
- Về công tác phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan, tổ chức khác trên địa phương
Vẫn còn một số cơ quan tiến hành tố tụng chưa thực hiện thông tin, thông báo vụ việc có người thuộc diện được TGPL về Trung tâm TGPL hoặc có thông tin, thông báo nhưng số lượng vụ việc còn hạn chế, chưa đầy đủ so với số lượng vụ việc có người thuộc diện được TGPL thực tế. Một số trường hợp người tiến hành tố tụng giải thích chưa đầy đủ quyền của người được trợ giúp pháp lý; còn chậm trễ hoặc không thực hiện chuyển phát các thông báo, văn bản tiến hành tố tụng, Bản kết luận điều tra, Cáo trạng, lịch xét xử, quyết định đưa vụ án ra xét xử, bản án cho người thực hiện TGPL..
- Về công tác thông tin, giới thiệu về TGPL: Tại một số địa phương (Bạc Liêu, Bình Phước, Cà Mau, Cao Bằng, Đắk Nông, Gia Lai, Hoà Bình, Lạng Sơn), hoạt động giải thích quyền được trợ giúp pháp lý và giới thiệu đến Trung tâm của Phòng Tư pháp và UBND cấp xã vẫn chưa thường xuyên, các trường hợp thuộc diện TGPL do UBND xã giới thiệu đến Trung tâm chưa nhiều hoặc không có.
- Về phần mềm quản lý TGPL
Trong quá trình cập nhật các vụ việc TGPL lên Hệ thống quản lý tổ chức và hoạt động TGPL vẫn còn tình trạng hệ thống bị lỗi, gây ảnh hưởng đến việc cập nhật hồ sơ và trích xuất dữ liệu. Việc cập nhật quá trình thực hiện các vụ việc TGPL và các file đính kèm lên phần mềm quản lý tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý tốn nhiều thời gian, đối với tỉnh có nhiều vụ việc TGPL, số lượng trợ giúp viên pháp lý ít không đáp ứng được thời gian cập nhật và nghiên cứu nâng cao chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý. Đường truyền có lúc không ổn định và hệ thống máy móc tại còn thiếu thốn. Các luật sư có tuổi thường lúng túng trong thao tác cập nhật vụ việc.
- Về kinh phí, cơ sở vật chất
Nguồn kinh phí cấp cho công tác TGPL còn hạn chế nên vẫn còn gặp khó khăn trong triển khai thực hiện nhiệm vụ, chưa đảm bảo để Trung tâm triển khai toàn diện các mặt công tác, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu TGPL của người dân ngày càng tăng; kinh phí truyền thông không đủ truyền thông đến nhiều xã,…
Bên cạnh những địa phương được cấp kinh phí thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia (Bà Rịa – Vũng Tàu, Bắc Kạn, Quảng Trị, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc) thì vẫn còn một số địa phương không được cấp kinh phí hoặc còn thấp nên việc cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia thực hiện chủ yếu là lồng ghép trong các hoạt động chung của đơn vị.
Vấn đề về cơ sở vật chất mặc dù được cấp có thẩm quyền quan tâm trang bị các công cụ thiết yếu nhưng do hạn chế về kinh phí nên chưa có các thiết bị phục vụ cho các hoạt động chuyên môn (máy chiếu, máy ghi âm, máy ảnh, máy scan...) hoặc đã cũ. Các trang thiết bị, phương tiện làm việc được trang lâu năm nên đã xuống cấp, thường xuyên hư hỏng, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng công việc. Một số trụ sở làm việc của Chi nhánh tại một số Trung tâm như Bình Định, Điện Biên, Đồng Tháp, Quảng Nam, Thanh Hoá chung trụ sở với các phòng, ban của huyện, thị xã nên không được ổn định, gây ảnh hưởng đến việc hoạt động tiếp công dân và việc thực hiện các hoạt động trợ giúp pháp lý tại địa bàn.
3. Nguyên nhân chủ yếu của những tồn tại, hạn chế
- Xuất phát từ điều kiện kinh tế - xã hội, vị trí địa lý của nhiều địa phương, trình độ dân trí và hiểu biết pháp luật của người dân còn hạn chế, chưa có thói quen sử dụng các dịch vụ pháp lý khi gặp vướng mắc, tranh chấp pháp luật nên một bộ phận không nhỏ nhân dân đặc biệt là nhóm người nghèo, người dân tộc thiểu số chưa biết đến quyền được TGPL của mình hoặc còn nhầm lẫn việc trợ giúp pháp lý với việc thuê luật sư bào chữa, bảo vệ nên e ngại, sợ phải chi trả kinh phí cao dẫn đến từ chối quyền được trợ giúp pháp lý.
- Hoạt động TGPL là hoạt động mang tính chất đặc thù, đối tượng TGPL chủ yếu tập trung tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số là những vùng khó tiếp cận nhất do gặp rào cản về địa lý, ngôn ngữ.
- Nhiều địa phương bị ảnh hưởng bởi việc tinh giản biên chế viên chức, nguồn lực còn chưa đáp ứng nhu cầu TGPL của người dân. Mặt khác, nhiều Trợ giúp viên pháp lý còn trẻ về tuổi đời, tuổi nghề, do vậy cần tiếp tục bồi dưỡng, tập huấn nâng cao chất lượng hoạt động.
- Một số cơ quan tiến hành tố tụng tại một số địa phương chưa quan tâm đầy đủ, chưa nhận thức hết ý nghĩa và tầm quan trọng của chính sách TGPL của Nhà nước nên chưa phối hợp tốt trong hoạt động tố tụng.
- Chính quyền cấp xã chưa thực sự chú trọng, quan tâm công tác TGPL, khối lượng công việc của cấp chính quyền cơ sở khá lớn; quá trình thực hiện nhiệm vụ, UBND cấp xã cũng như đội ngũ cán bộ cấp xã còn chưa được hướng dẫn cụ thể về cách thức thông tin, giới thiệu người được TGPL đến Trung tâm nên việc thực hiện trách nhiệm thông tin, giới thiệu về trợ giúp pháp lý tại một số địa phương chưa được sát sao, triển khai kịp thời. 
 

[1] Bà Rịa – Vũng Tàu, Bắc Kạn, Bạc Liêu, Bình Định, Bình Dương, Cà Mau, Cần Thơ, Đắk Lắk, Đắk Nông, Điện Biên, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hà Giang, Hà Tĩnh, Hải Phòng, Hậu Giang, Kiên Giang, Lạng Sơn, Lào Cai, Long An, Nam Định, Nghệ An, Ninh Thuận, Phú Thọ, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Sóc Trăng, Sơn La, Tây Ninh, Thái Bình, Thái Nguyên, Thanh Hoá, Thành phố Hồ Chí Minh, Trà Vinh, Vĩnh Long, Vĩnh Phúc, Yên Bái
[2] Đà Nẵng, Đắk Lắk, Điện Biên, Đồng Nai, Hà Giang, Hà Nam, Hà Tĩnh, Hà Giang, Hoà Bình, Lạng Sơn, Lào Cai, Long An, Phú Thọ, Sóc Trăng, Thái Bình, Thanh Hoá, Trà Vinh, Vĩnh Long, Vĩnh Phúc
[3] Bình Định, Cao Bằng, Đắk Lắk,, Kiên Giang, Lai Châu, Lâm Đồng, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Quảng Trị,, Thành phố Hồ Chí Minh,  Tuyên Quang
[4] Bạc Liêu, Đồng Nai, Lai Châu, Ninh Bình, Quảng Nam, Sơn La
[5] Bình Thuận, Đắk Lắk, Điện Biên, Đồng Nai, Hà Tĩnh, Kiên Giang, Nghệ An, Thái Nguyện, Tiền Giang, Vĩnh Phúc