Mục đích của Đoàn kiểm tra nhằm đánh giá đúng thực trạng triển khai thực hiện Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006 và các văn bản hướng dẫn thi hành; việc triển khai Đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý giai đoạn 2015-2025 (đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 749/QĐ-Thủ tướng Chính phủ ngày 01/6/2015), kết quả thực hiện chính sách giảm nghèo về trợ giúp pháp lý theo Quyết định số 52/2010/QĐ-TTg ngày 18/8/2010 của Chính phủ, Quyết định số 59/2012/QĐ-TTg ngày 24/12/2012 và Quyếtđịnh số 32/2016/QĐ-TTg ngày 08/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ; những kết quả đã đạt được, thuận lợi, khó khăn, vướng mắc, bất cập, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân trong thời gian qua và dự kiến những nhiệm vụ địa phương cần thực hiện để triển khai Luật Trợ giúp pháp lý vừa được Quốc hội khóa 14 thông qua tại kỳ họp thứ 3 ngày 20/6/2017. Đồng thời, nắm bắt yêu cầu, đề xuất, kiến nghị của địa phương trong công tác quản lý nhà nước và triển khai thực hiện trợ giúp pháp lý ở địa phương.
Sáng ngày 09/11/2017, Đoàn đã tiến hành kiểm tra tại Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước với sự tham gia của toàn thể công chức, viên chức, người lao động đang làm việc tại Trung tâm. Buổi chiều, Đoàn có buổi làm việc với đại diện Sở Tư pháp gồm ông Nguyễn Công Hoan - Phó Giám đốc Sở Tư pháp và lãnh đạo các đơn vị thuộc Sở có liên quan đến công tác quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý tại địa phương.
Theo báo cáo của địa phương, nhìn chung, trong thời gian qua, công tác trợ giúp pháp lý ở Nghệ An được quan tâm và ngày càng phát triển theo định hướng là tập trung vào vụ việc trợ giúp pháp lý, đặc biệt là các vụ việc tham gia tố tụng. Trong giai đoạn từ năm 205 đến hết 6 tháng đầu năm 2017, Trung tâm đã thực hiện được 1.109 vụ việc tham gia tố tụng trên tổng số 4.094 vụ việc trợ giúp pháp lý (chiếm tỷ lệ 27,1%). Riêng 06 tháng đầu năm 2017, Trung tâm đã thực hiện 175 vụ việc tham gia tố tụng trên tổng số 236 vụ việc trợ giúp pháp lý (chiếm tỷ lệ 74,15%). Hiện nay, Trung tâm có 15/21 công chức, viên chức, người lao là Trợ giúp viên pháp lý, tất cả đều thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý bằng hình thức tham gia tố tụng và đạt chỉ tiêu do Bộ Tư pháp ban hành. Tuy nhiên, với đặc thù là địa phương chưa tự cân đối được ngân sách, có địa bàn rộng, đối tượng thuộc diện được trợ giúp pháp lý chiếm khoảng 50% dân số nhưng lại tập trung ở những vùng có địa hình phức tạp, giao thông đi lại không thuận tiện nên việc triển khai công tác trợ giúp pháp lý thời gian tới cần có sự nỗ lực hơn nữa của cấp ủy, các sở ngành địa phương, sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của Bộ Tư pháp.
Tại các buổi làm việc, bên cạnh việc ghi nhận những kết quả đáng kể mà địa phương đã đạt được trong công tác trợ giúp pháp lý thời gian vừa qua và chỉ ra một số vấn đề cần khắc phục thời gian tới, thay mặt Đoàn kiểm tra, Bà Vũ Thị Hường đã nhấn mạnh về việc Quốc hội thông qua Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tư pháp lần lượt ban hành các kế hoạch triển khai Luật, từ đó, chỉ ra các nhiệm vụ cũng như vai trò chủ động của Sở Tư pháp và Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước trong việc tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh chuẩn bị các nguồn lực cần thiết để Luật nhanh chóng được triển khai có hiệu quả trên thực tế sau khi có hiệu lực thi hành./.
Vũ Thị Thu - Cục Trợ giúp pháp lý