Một số quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 liên quan đến trợ giúp viên pháp lý
Điều 75 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) ghi nhận trợ giúp viên pháp lý là một trong những người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự và khoản 6 Điều 48 BLTTDS quy định Thẩm phán có trách nhiệm “giải thích, hướng dẫn cho đương sự biết để họ thực hiện quyền được yêu cầu trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý”.
1. Công tác triển khai thi hành Bộ luật Tố tụng dân sự năm 20215
Điều 75 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) ghi nhận trợ giúp viên pháp lý là một trong những người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự và khoản 6 Điều 48 BLTTDS quy định Thẩm phán có trách nhiệm “giải thích, hướng dẫn cho đương sự biết để họ thực hiện quyền được yêu cầu trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý”.
Như vậy, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm bảo đảm cho những đối tượng thuộc diện được trợ giúp pháp lý (TGPL) được biết về quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trước Tòa án. Thẩm phán thông qua nhiều hình thức để đương sự có thể tiếp cận được với quyền TGPL như giải thích cho đương sự về quyền được TGPL, thông báo cho Trung tâm TGPL trong trường hợp họ có yêu cầu TGPL… Trợ giúp viêp pháp lý được tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc đăng ký cũng như thủ tục để trở thành người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, cụ thể thủ tục để công nhận là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự đã đơn giản hóa hơn rất nhiều, được chuyển từ cấp giấy chứng nhận thành đăng ký, Tòa án chỉ vào sổ đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự và xác nhận vào giấy yêu cầu người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Quy định này đã tạo cơ sở pháp lý cho sự tham gia của trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện TGPL trong các vụ án, việc dân sự. Từ đó, góp phần nâng cao vị trí, vai trò của đội ngũ trợ giúp viên pháp lý và luật sư thực hiện TGPL trong việc xác định sự thật khách quan của vụ án, giúp cho Hội đồng xét xử ban hành những bản án, quyết định công bằng và đúng pháp luật, bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp cho người được TGPL.
Triển khai thi hành BLTTDS năm 2015, ngày 29/6/2018, liên ngành gồm Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ký kết Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT/BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC quy định về phối hợp thực hiện TGPL trong hoạt động tố tụng (Thông tư liên tịch số 10). Thông tư liên tịch số 10 quy định về phối hợp giữa các cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, tổ chức TGPL trong hoạt động tố tụng nhằm bảo đảm quyền của người được TGPL; đăng ký, từ chối việc đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự… Trong đó, các quy định có liên quan đến trợ giúp viên pháp lý được quy định cụ thể tại khoản 1, khoản 3 Điều 5; điểm c, khoản 1, điểm b, khoản 2 Điều 7; khoản 2 Điều 12; khoản 2 Điều 13; khoản 2 Điều 14…
Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp và Tòa án nhân dân tối cao ký kết Chương trình phối hợp số 1603/CTPH-BTP-TANDTC về người thực hiện TGPL trực tại Tòa án nhân dân. Việc ký kết Chương trình phối hợp nhằm mục đích bảo đảm tiếp cận TGPL kịp thời trong tố tụng nói chung, trong đó có tố tụng dân sự cho đương sự thuộc diện được TGPL trong các vụ, việc dân sự. Việc ký kết Chương trình phối hợp cũng tăng cường số lượng trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện TGPL tham gia các phiên tòa dân sự nhằm nâng cao chất lượng hoạt động tranh tụng. Đồng thời, giúp trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện TGPL tại các địa phương có thể sớm tiếp cận đối tượng thuộc diện được TGPL, cung cấp dịch vụ TGPL kịp thời, hiệu quả.
Thực hiện Nghị quyết số 33/2021/QH15 ngày 12/11/2021 của Quốc hội khóa XV về tổ chức phiên tòa trực tuyến, ngày 15/12/2021, Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng ký kết Thông tư liên tịch số 05/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành tổ chức phiên tòa trực tuyến. Theo Thông tư liên tịch số 05/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP, để tổ chức phiên tòa trực tuyến thì ngoài điểm cầu trung tâm đặt tại trụ sở Tòa án còn có điểm cầu thành phần do Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước bố trí được Tòa án chấp nhận. Việc có điểm cầu tại Trung tâm đã tạo thuận lợi cho trợ giúp viên pháp lý, luật sư ký kết hợp đồng với Trung tâm tham gia các phiên tòa nói chung và phiên tòa dân sự nói riêng, giúp đương sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Triển khai thi hành BLTTDS, Bộ Tư pháp tổ chức nhiều lớp tập huấn về kỹ năng thực hiện TGPL trong tố tụng dân sự nhằm nâng cao năng lực, kiến thức, kỹ năng TGPL trong tố tụng dân sự cho trợ giúp viên pháp lý và các luật sư ký kết hợp đồng với Trung tâm TGPL. Nhiều địa phương tổ chức các đợt truyền thông TGPL về cơ sở đã lồng ghép phổ biến các nội dung của BLTTDS hoặc tổ chức hội nghị kết hợp nói chuyện chuyên đề về BLTTDS để giúp người dân hiểu rõ hơn các quy định của BLTTDS… Một số địa phương viết tin bài, câu chuyện pháp luật, các bài viết nghiên cứu về BLTTDS hoặc phối hợp với Đài phát thanh các huyện, thị xã, thành phố xây dựng chuyên đề nhằm phổ biến chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm và các văn bản pháp luật hiện hành nói chung, trong đó có BLTTDS có liên quan thiết thực đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
Kết quả thực hiện vụ việc TGPL trong lĩnh vực tố tụng dân sự: từ 01/01/2017 đến 30/6/2023, trợ giúp viên pháp lý và luật sư ký kết hợp đồng với Trung tâm TGPL thực hiện 19.106 vụ việc tham gia tố tụng (trợ giúp viên pháp lý thực hiện 15.396 vụ việc; luật sư ký kết hợp đồng với Trung tâm thực hiện 3.710 vụ việc).
Qua theo dõi, đánh giá các vụ án, việc trong lĩnh vực dân sự có trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện TGPL tham gia về cơ bản đã tuân thủ đúng trình tự và thủ tục theo các quy định của BLTTDS, đảm bảo dân chủ, công khai, đơn giản, thuận lợi cho người được TGPL. Toà án nhân dân các cấp trong toàn quốc đã thực hiện nghiêm túc việc đăng ký bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện TGPL. Sự tham gia tích cực của các trợ giúp viên pháp lý và luật sư thực hiện TGPL trong việc xác minh, thu thập chứng cứ, tham gia tranh tụng tại phiên tòa dân sự... góp phần xây dựng cơ chế phán quyết của Tòa án phải xuất phát từ kết quả tranh tụng tại phiên tòa. Thực tiễn thi hành BLTTDS đã góp phần quan trọng trong việc bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức. Những quy định của BLTTDS đã góp phần quan trọng trong công cuộc cải cách tư pháp, bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong tố tụng dân sự.
2. Khó khăn, vướng mắc
Trong quá trình thực hiện các quy định của BLTTDS liên quan đến TGPL có một số khó khăn vướng mắc chung như: việc giải thích quyền được TGPL cho những đối tượng được TGPL là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự chưa được chú trọng tại một số các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Nhiều vụ án dân sự có rất ít trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng đề nghị Trung tâm TGPL nhà nước cử luật sư hoặc trợ giúp viên pháp lý tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp theo quy định. Vì vậy, số lượng vụ việc tham gia tố tụng dân sự của trợ giúp viên pháp lý trong thời gian qua còn thấp so với nhu cầu TGPL của người dân.
Một số Trung tâm TGPL nhà nước trong quá trình triển khai thi hành BLTTDS có một số khó khăn, vướng mắc:
+ Một số nội dung quy định tại BLTTDS còn chưa triệt để dẫn đến việc các đương sự, cơ quan còn tùy nghi, chưa có ý thức tự giác chấp hành, gây khó khăn cho đương sự là người được TGPL và người thực hiện TGPL, cụ thể: tại khoản 2 Điều 24 quy định về bảo đảm tranh tụng trong xét xử: “Đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có quyền thu thập, giao nộp tài liệu, chứng cứ kể từ khi Tòa án thụ lý vụ án dân sự và có nghĩa vụ thông báo cho nhau các tài liệu,chứng cứ đã giao nộp; trình bày, đối đáp, phát biểu quan điểm, lập luận về đánh giá chứng cứ và pháp luật áp dụng để bảo vệ yêu cầu, quyền, lợi ích hợp pháp của mình hoặc bác bỏ yêu cầu của người khác theo quy định của Bộ luật này”. Tuy nhiên lại không quy định cụ thể về thời hạn phải sao chụp và gửi tài liệu, chứng cứ cho các đương sự khác là bao lâu kể từ khi giao nộp cho tòa án và cũng chưa có chế tài xử lý đối với trường hợp đương sự không thực hiện quy định này (Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Điện Biên).
+ Người dân còn gặp khó khăn trong việc tìm hiểu, tiếp cận các quy định của BLTTDS nên trong quá trình trợ giúp viên pháp lý, luật sư ký hợp đồng thực hiện TGPL còn gặp khó khăn như giải thích về tư cách đương sự tham gia tố tụng, hướng dẫn người dân viết đơn khởi kiện, hướng dẫn người dân thu thập các chứng cứ, tài liệu liên quan, yêu cầu người dân tham gia các hoạt động tố tụng... Nhiều người dân không được đi học, không biết chữ, không biết tiếng phổ thông ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa, do đó việc giải thích các quy định của BLTTDS để người dân hiểu và đảm bảo quyền lợi cho người dân còn gặp nhiều khó khăn (Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Lai Châu).
+ Việc gửi các văn bản tố tụng cho người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự chưa được thực hiện đầy đủ, kịp thời: BLTTDS quy định “Tòa án, Viện kiểm sát, cơ quan thi hành án có nghĩa vụ cấp, tống đạt hoặc thông báo văn bản tố tụng cho đương sự, những người tham gia tố tụng khác và cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan”. Thông tư liên tịch số 10 quy định về trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng “Giao các văn bản tố tụng cho người thực hiện TGPL tham gia tố tụng trong vụ án, vụ việc theo quy định của pháp luật về tố tụng”. Tuy nhiên, trên thực tế tại một số Tòa án việc thực hiện việc gửi văn bản tố tụng cho người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự còn chưa đầy đủ, kịp thời (Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Lâm Đồng).
3. Một số kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định của BLTTDS
- Khoản 2 Điều 71 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định "Việc thông báo, giải thích phải ghi vào biên bản". Do vậy, trong lĩnh vực tố tụng dân sự: đề nghị bổ sung thêm vào khoản 6 Điều 48 BLTTDS nội dung "Việc giải thích phải ghi vào biên bản. Nếu họ đề nghị được trợ giúp pháp lý thì Thẩm phán thông báo cho Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước". Bởi qua theo dõi số liệu vụ việc TGPL trong lĩnh vực tố tụng dân sự rất thấp, một trong các nguyên nhân là một số thẩm phán chưa quan tâm đến việc giải thích quyền được TGPL. Do vậy, đề nghị cần quy định rõ trong BLTTDS là việc giải thích phải được ghi vào biên bản và được lưu vào hồ sơ vụ án. Cụ thể khoản 6 Điều 48 được viết lại như sau: "Giải thích, hướng dẫn cho đương sự biết để họ thực hiện quyền được yêu cầu trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý. Việc giải thích phải ghi vào biên bản. Nếu họ đề nghị được trợ giúp pháp lý thì Thẩm phán thông báo cho Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước".
- Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Điện Biên đề xuất nghiên cứu bổ sung quy định về thời hạn phải gửi tài liệu đã giao nộp cho tòa án cho các đương sự khác và chế tài xử lý đối với trường hợp không thực hiện.
- Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Lai Châu đề nghị bổ sung BLTTDS: hiện nay sự phát triển của công nghệ thông tin rất nhanh, nên chăng việc thực hiện thao tác tố tụng thông qua hình thức điện tử (nhận, xử lý, lưu trữ dữ liệu điện tử qua môi trường mạng về đơn khởi kiện, đơn yêu cầu, văn bản, tài liệu) là chứng cứ dưới dạng dữ liệu điện tử…
Vũ Hồng Tuyến - Cục Trợ giúp pháp lý