Nhìn lại 5 năm thực hiện quy chế phối hợp giữa Bộ Tư pháp và Liên đoàn Luật sư Việt Nam về hoạt động trợ giúp pháp lý của luật sư
Ngày 28/12/2016, Bộ Tư pháp và Liên đoàn Luật sư Việt Nam ký Quy chế phối hợp số 4617/QCPH/BTP-LĐLSVN về hoạt động TGPL của luật sư. Việc ký kết Quy chế nhằm mục đích tăng cường phối hợp giữa Bộ Tư pháp và Liên đoàn luật sư Việt Nam trong việc quản lý luật sư thực hiện TGPL theo quy định của pháp luật TGPL và pháp luật luật sư nhằm cung cấp dịch vụ TGPL kịp thời, bảo đảm chất lượng cho người được TGPL. Sau 5 năm thực hiện, với sự chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời của hai cơ quan, các Sở Tư pháp, Trung tâm TGPL, Đoàn Luật sư các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã triển khai toàn diện các nội dung phối hợp của Quy chế, đến nay, có nhiều kết quả đáng ghi nhận.
1. Công tác chỉ đạo, điều hành, xây dựng Quy chế phối hợp
Về phía Bộ Tư pháp, Bộ đã chỉ đạo Cục TGPL - đơn vị đầu mối thực hiện Quy chế phối hợp tổ chức phổ biến, triển khai Quy chế đến các Sở Tư pháp, Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là Trung tâm); kịp thời hướng dẫn địa phương khi có khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện; thường xuyên đôn đốc, theo dõi, kiểm tra các Trung tâm trong việc thực hiện Quy chế phối hợp. Trong các buổi làm việc, kiểm tra của Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng, Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp đều mời đại diện Đoàn Luật sư tham dự và trao đổi ý kiến.
Về phía Liên đoàn Luật sư Việt Nam: Liên đoàn đã có Công văn gửi Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tổ chức thực hiện Quy chế phối hợp, trong đó đề nghị các luật sư thành viên đăng ký tham gia TGPL, ký kết hợp đồng TGPL với Sở Tư pháp, Trung tâm TGPL để thực hiện TGPL.
Ở địa phương, 20 Sở Tư pháp đã chỉ đạo Trung tâm tham mưu xây dựng Quy chế phối hợp giữa Sở Tư pháp với Đoàn luật sư, 17 Trung tâm được ủy quyền ký kết Quy chế phối hợp với Đoàn luật sư theo chỉ đạo của Sở Tư pháp. Các địa phương còn lại đã áp dụng trực tiếp Quy chế phối hợp của Trung ương.
2. Kết quả phối hợp trong việc xây dựng văn bản, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về TGPL
Ở Trung ương, trong quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về TGPL (Luật TGPL năm 2017, Nghị định số 144/2017/NĐ-CP ngày 15/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật TGPL, một số Thông tư của Bộ trưởng Bộ Tư pháp), Bộ Tư pháp đã tổ chức lấy ý kiến của các cơ quan có liên quan, trong đó có Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Đoàn luật sư các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Thực tiễn, có nhiều đại diện Đoàn Luật sư, cá nhân luật sư đã tham gia Ban soạn thảo, Tổ biên tập và có nhiều ý kiến về chuyên môn, nghiệp vụ trong quá trình góp ý, xây dựng các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật về TGPL.
Ở địa phương, nhiều Sở Tư pháp chỉ đạo Trung tâm phối hợp với Đoàn Luật sư tổ chức lấy ý kiến các dự thảo văn bản pháp luật có nội dung liên quan đến sự tham gia của luật sư về TGPL. Sở Tư pháp cũng phối hợp với Đoàn Luật sư trao đổi, góp ý kiến trong quá trình xây dựng và triển khai thực hiện các văn bản, kế hoạch về TGPL ở địa phương. Ngoài ra, Sở Tư pháp còn phối hợp với Đoàn Luật sư, luật sư thông qua việc trao đổi ý kiến, cung cấp thông tin bằng văn bản, gặp gỡ làm việc, trao đổi trực tiếp… về các hoạt động có liên quan đến TGPL của luật sư cũng như công tác phối hợp giữa TGPL với luật sư, qua đó góp phần thực hiện có hiệu quả công tác phối hợp.
3. Kết quả phối hợp trong việc giới thiệu và thực hiện TGPL
Theo báo cáo của các Sở Tư pháp gửi Bộ Tư pháp[1], từ ngày 01/01/2017 đến ngày 31/12/2022, số vụ việc TGPL do luật sư ký hợp đồng với Trung tâm thực hiện là 40.018 vụ/tổng số 215.758 vụ mà Trung tâm TGPL đã thực hiện (chiếm 19%). Trong đó tham gia tố tụng: 15.312 vụ, chiếm 17% (trên tổng số 90.338 vụ tham gia tố tụng); số vụ việc TGPL do luật sư của tổ chức hành nghề luật sư ký hợp đồng với Sở Tư pháp thực hiện là 160 vụ (100% là các vụ việc tham gia tố tụng); số vụ việc TGPL do luật sư của tổ chức hành nghề luật sư đăng ký tham gia TGPL thực hiện là 826 vụ.
Nhìn chung, việc giới thiệu và thực hiện TGPL của người thực hiện TGPL khi tham gia bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được TGPL nhận được sự đánh giá cao của các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng và các cơ quan có liên quan. Hầu hết các vụ việc TGPL đều đạt chất lượng, nhiều vụ việc đạt chất lượng khá, tốt, thành công.
4. Phối hợp trong việc giới thiệu và lựa chọn luật sư tham gia thực hiện TGPL, đánh giá chất lượng vụ việc TGPL
Bộ Tư pháp đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 144/2017/NĐ-CP, trong đó có quy định thù lao thực hiện vụ việc TGPL của luật sư ký kết hợp đồng, tổ chức ký kết hợp đồng thực hiện TGPL… Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp có Công văn số 2396/BTP-TGPL ngày 11/7/2017 gửi Sở Tư pháp về việc lập dự toán kinh phí triển khai thi hành Luật TGPL, trong đó có hướng dẫn dự toán kinh phí chi trả cho các tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật ký hợp đồng với Sở Tư pháp.
Quy trình lựa chọn luật sư, tổ chức hành nghề luật sư ký hợp đồng được thực hiện minh bạch, bảo đảm các luật sư đủ điều kiện, tâm huyết tham gia TGPL theo nguyện vọng. Nhiều Đoàn Luật sư đã thông tin để các luật sư thành viên nộp hồ sơ khi có nhu cầu ký hợp đồng TGPL; giới thiệu các luật sư có kinh nghiệm, uy tín để Trung tâm tham khảo, lựa chọn ký hợp đồng thực hiện TGPL. Theo báo cáo của các địa phương, năm 2022 có: 27 tổ chức hành nghề luật sư ký kết hợp đồng thực hiện TGPL với Sở Tư pháp; 141 tổ chức hành nghề luật sư đăng ký tham gia TGPL; có 630 luật sư ký kết hợp đồng thực hiện TGPL với Trung tâm TGPL.
Nhiều luật sư có kinh nghiệm, có kiến thức pháp luật, am hiểu hoạt động TGPL đã được Trung tâm TGPL mời tham gia Tổ đánh giá hồ sơ lựa chọn luật sư[2]. Đoàn Luật sư cũng giới thiệu luật sư có kinh nghiệm, uy tín tham gia đánh giá chất lượng vụ việc TGPL. Theo báo cáo của các Sở Tư pháp, đã có 316 luật sư tham gia đánh giá chất lượng vụ việc TGPL.
5. Phối hợp trong công tác thông tin, truyền thông về hoạt động TGPL
Thời gian qua, Bộ Tư pháp đã mời đại diện của Liên đoàn Luật sư, một số Đoàn Luật sư tham dự các Hội nghị triển khai các văn bản pháp luật về TGPL, các chương trình truyền thông về TGPL. Trong nhiều hoạt động truyền thông về TGPL nói chung, đặc biệt là TGPL cho đối tượng đặc thù có sự tham gia của nhiều luật sư giúp chuyển tải các thông tin về TGPL đến với người dân. Sở Tư pháp phối hợp với Đoàn Luật sư mời luật sư tham gia các đợt truyền thông, tư vấn pháp luật về TGPL tại các xã nghèo, thôn, bản khó khăn. Qua đó, đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân, bảo đảm quyền được TGPL cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng yếu thế khác theo quy định của Luật TGPL.
6. Phối hợp trong công tác nghiên cứu khoa học, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ TGPL
Công tác nghiên cứu, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng nghiệp vụ TGPL cho đội ngũ người thực hiện TGPL luôn được chú trọng. Bộ Tư pháp đã tổ chức nhiều lớp tập huấn về kỹ năng, nghiệp vụ TGPL có sự tham gia của luật sư tham gia với tư cách là giảng viên hoặc là đại biểu tham gia các lớp tập huấn. Bộ Tư pháp đã mời một số luật sư có nhiều kinh nghiệm tham gia giảng dạy các lớp tập huấn như các lớp về kỹ năng TGPL cho người khuyết tật, người chưa thành niên, nạn nhân bạo lực gia đình…, kỹ năng tham gia tố tụng hình sự, dân sự, hành chính... Ngoài ra, Bộ Tư pháp cũng mời một số luật sư giỏi, có nhiều kinh nghiệm và uy tín tham gia hội đồng, ban chấm kiểm tra kết quả tập sự TGPL. Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã phối hợp với Ban Chủ nhiệm các Đoàn Luật sư tổ chức được các lớp bồi dưỡng cho luật sư ở các địa phương về kỹ năng hành nghề luật sư, trong đó có kỹ năng tư vấn, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng cho người được TGPL, qua đó góp phần nâng cao năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp cho đội ngũ luật sư khi tham gia hoạt động TGPL, từ đó góp phần nâng cao chất lượng các vụ việc TGPL do luật sư thực hiện.
Ở địa phương, Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức các buổi báo cáo chuyên đề, tập huấn, hội thảo..., đồng thời, cử trợ giúp viên pháp lý, luật sư tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ TGPL cho người thực hiện TGPL.
7. Phối hợp trong việc khen thưởng, kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại tố cáo về hoạt động TGPL của luật sư
Thực hiện Quy chế phối hợp, một số Sở Tư pháp đã tổ chức hội nghị tổng kết, khen thưởng công tác TGPL với sự tham gia của các luật sư thực hiện TGPL để tuyên dương, vinh danh luật sư và cá nhân, tổ chức có thành tích xuất sắc, đóng góp tích cực cho hoạt động TGPL. Một số luật sư thực hiện nhiều vụ việc TGPL, có nhiều thành tích xuất sắc đóng góp cho công tác TGPL trong giai đoạn 2017-2022 được Giám đốc Sở Tư pháp tặng Giấy khen, Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen để động viên, khuyến khích họ trong công tác TGPL. Theo báo cáo của các Sở Tư pháp có 351 luật sư được khen thưởng khi tham gia hoạt động TGPL.
Triển khai thực hiện Quy chế phối hợp, đến nay, Bộ Tư pháp, Liên đoàn luật sư Việt Nam và đa số các địa phương chưa phải giải quyết khiếu nại, tố cáo về chất lượng vụ việc TGPL do luật sư hoặc trợ giúp viên pháp lý thực hiện, không có luật sư thực hiện TGPL vi phạm quy tắc nghề nghiệp TGPL.
Quy chế phối hợp số 4617/QCPH/BTP-LĐLSVN giữa Bộ Tư pháp và Liên đoàn Luật sư Việt Nam tạo điều kiện cho việc phối hợp hoạt động TGPL giữa hai cơ quan ở Trung ương và các địa phương trong việc triển khai công tác TGPL, hỗ trợ các cơ quan hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Qua hơn 06 năm, nhiều địa phương đã ban hành Quy chế cụ thể hoá Quy chế phối hợp của Bộ Tư pháp và Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương. Việc triển khai thực hiện các hoạt động phối hợp về TGPL giữa Sở Tư pháp, Trung tâm TGPL và Đoàn Luật sư được toàn diện và thiết thực hơn. Quy chế phối hợp đã tạo điều kiện cho việc triển khai thực hiện các hoạt động TGPL của luật sư, nhiều nội dung của Quy chế phối hợp đã được tổ chức triển khai thực hiện khá tốt, các bên đã quan tâm hơn tới việc giới thiệu và thực hiện TGPL. Hoạt động lựa chọn, ký hợp đồng thực hiện TGPL với luật sư, tổ chức hành nghề luật sư tham gia thực hiện TGPL, công tác bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ TGPL cũng được quan tâm và đạt được một số kết quả cụ thể.
8. Thuận lợi
- Công tác TGPL được sự quan tâm của Lãnh đạo Bộ Tư pháp và Lãnh đạo Liên đoàn Luật sư Việt Nam, do đó, sau khi Quy chế phối hợp được ban hành, hai cơ quan đã kịp thời triển khai các mặt hoạt động phối hợp trong Quy chế.;
- Luật TGPL và các văn bản hướng dẫn thi hành có quy định về ký kết hợp đồng với tổ chức hành nghề luật sư và cá nhân luật sư, về chế độ chính sách đối với luật sư thực hiện TGPL, tạo thuận lợi cho luật sư trong việc tham gia công tác TGPL theo Luật TGPL;
- Được sự quan tâm của Lãnh đạo Sở Tư pháp, Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư, nhiều địa phương đã ký kết Quy chế/Kế hoạch, Chương trình phối hợp với Đoàn Luật sư của tỉnh phù hợp với điều kiện của địa phương;
- Nhiều luật sư thực hiện TGPL có kinh nghiệm, nhiệt huyết với công tác TGPL, nhiệt tình trao đổi chuyên môn nghiệp vụ, kinh nghiệm, kỹ năng thực hiện vụ việc tham gia tố tụng với người thực hiện TGPL;
- Chất lượng vụ việc TGPL do các luật sư thực hiện TGPL được quan tâm chú trọng; hầu hết các vụ việc được đánh giá đạt chất lượng, nhiều vụ việc TGPL tham gia tố tụng do luật sư thực hiện đáp ứng tiêu chí vụ việc thành công theo quy định.
8. Tồn tại, hạn chế
- Việc triển khai thực hiện Quy chế phối hợp vẫn còn chưa phát huy hết tiềm năng của các luật sư, tổ chức hành nghề luật sư. Một số nội dung phối hợp chưa được thực hiện triệt để, chưa đạt kết quả cao. Số vụ việc TGPL do luật sư thực hiện còn chưa cao (dưới 17%) so với tổng số vụ việc TGPL hàng năm;
- Hoạt động thông tin, truyền thông có liên quan đến hoạt động TGPL của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư chưa được thường xuyên, chưa có nhiều luật sư tham gia;
- Việc giới thiệu người thuộc diện TGPL từ các văn phòng luật sư đến Trung tâm TGPL còn hạn chế;
- Ở một số địa phương, số luật sư giỏi, có kinh nghiệm tham gia đánh giá chất lượng vụ việc TGPL, nhất là những vụ việc TGPL phức tạp còn ít;
- Vẫn còn số ít Đoàn Luật sư hoặc một số Trung tâm đôi khi chưa chủ động trong việc phối hợp thực hiện các nội dung của Quy chế phối hợp.
9. Nguyên nhân
- Nhiều luật sư, tổ chức hành nghề luật sư đang hành nghề ở địa phương chưa thật sự quan tâm đến việc tham gia thực hiện TGPL, trong đó có hoạt động tham gia tố tụng. Số lượng tổ chức hành nghề luật sư ký kết hợp đồng thực hiện TGPL với Sở Tư pháp và số lượng tổ chức hành nghề luật sư đăng ký tham gia TGPL còn thấp (chiếm dưới 3,5%) so với số lượng tổ chức hành nghề luật sư trên địa bàn. Số lượng luật sư ký hợp đồng thực hiện TGPL với Trung tâm còn thấp (chiếm 3,6%). Việc đăng ký tham gia TGPL của nhiều tổ chức hành nghề luật sư còn mang tính hình thức, chưa có nhiều vụ việc TGPL. Vẫn còn 32 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chưa có tổ chức hành nghề luật sư ký hợp đồng thực hiện TGPL với Sở Tư pháp và chưa có tổ chức hành nghề luật sư đăng ký tham gia TGPL;
- Việc đăng ký tham gia TGPL là do tổ chức hành nghề luật sư tự bảo đảm bằng nguồn lực của mình; Việc chi trả thù lao vụ việc TGPL nói chung chưa cao nên chưa thu hút được đông đảo luật sư tham gia;
- Đa số người thuộc diện TGPL là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số phần lớn sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, điều kiện khó khăn về giao thông trong khi một số luật sư cao tuổi, sức khoẻ hạn chế nên chủ yếu tham gia các vụ việc TGPL tư vấn hoặc tố tụng xảy ra ở trung tâm thành phố, quận, huyện. Một số luật sư chưa sẵn sàng cập nhật vụ việc trên hệ thống quản lý vụ việc TGPL;
- Công tác phối hợp giữa một số Đoàn Luật sư và Trung tâm đôi khi chưa chặt chẽ, chưa thường xuyên trao đổi tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Để Quy chế phát huy hơn nữa hiệu quả trong thời gian tới, các cơ quan, tổ chức có liên quan cần nghiên cứu thực hiện các công việc cụ thể, gắn với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Cụ thể:
1. Bộ Tư pháp: tiếp tục phối hợp với Liên đoàn Luật sư Việt Nam hướng dẫn 26 Sở Tư pháp và Đoàn Luật sư chưa ký kết Quy chế phối hợp ở địa phương nghiên cứu về việc ký kết Quy chế phối hợp để tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai ở địa phương. Tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn Sở Tư pháp, Trung tâm TGPL đẩy mạnh thực hiện toàn diện các nội dung trong Quy chế phối hợp; theo dõi, đôn đốc để kịp thời phát hiện, giải quyết những khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện. Tăng cường công tác truyền thông, nêu bật mục đích, ý nghĩa của công tác phối hợp TGPL để thúc đẩy hơn nữa các mặt công tác phối hợp tại địa phương. Tiếp tục quan tâm mở các lớp đào tạo bồi dưỡng, tập huấn chuyên sâu về nghiệp vụ TGPL. Nghiên cứu cơ chế huy động có hiệu quả các luật sư, tổ chức hành nghề luật sư tham gia thực hiện TGPL và giới thiệu người thuộc diện TGPL đến Trung tâm.
2. Liên đoàn Luật sư Việt Nam: phối hợp với Bộ Tư pháp hướng dẫn các Đoàn Luật sư chưa ký kết Quy chế phối hợp ở địa phương nghiên cứu về việc ký kết Quy chế phối hợp, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai Quy chế phối hợp ở địa phương. Hướng dẫn, chỉ đạo các Đoàn Luật sư tiếp tục đẩy mạnh thực hiện toàn diện các nội dung có liên quan trong Quy chế phối hợp về TGPL của luật sư. Hướng dẫn, chỉ đạo các Đoàn luật sư phối hợp Sở Tư pháp trong việc tăng cường giới thiệu vụ việc TGPL đến Trung tâm TGPL. Khuyến khích các tổ chức hành nghề luật sư, luật sư tham gia công tác TGPL; ghi nhận, tôn vinh, khen thưởng các tổ chức, cá nhân luật sư có nhiều thành tích xuất sắc và nhiều đóng góp cho công tác TGPL. Mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ TGPL. Tạo điều kiện để luật sư thực hiện TGPL được tham gia đầy đủ các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về TGPL do Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp/Trung tâm TGPL tổ chức. Chủ động trao đổi với Bộ Tư pháp những khó khăn, vướng mắc của luật sư trong hoạt động TGPL, trao đổi các giải pháp tháo gỡ.
3. Sở Tư pháp: tiếp tục thực hiện và chỉ đạo Trung tâm TGPL thực hiện toàn diện các nội dung có liên quan trong Quy chế phối hợp, chủ động phối hợp với Đoàn Luật sư trong việc giới thiệu luật sư tham gia thực hiện công tác TGPL, đánh giá chất lượng vụ việc TGPL. Chỉ đạo tổ chức tập huấn bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng cho đội ngũ những người thực hiện TGPL. Tăng cường phối hợp với Đoàn Luật sư trong việc tổ chức sơ kết, trao đổi, rút kinh nghiệm về hoạt động TGPL của luật sư; thường xuyên theo dõi, kịp thời trao đổi để giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Quy chế phối hợp.
4. Trung tâm TGPL: tham mưu cho Sở Tư pháp tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nội dung có liên quan trong Quy chế phối hợp. Quan tâm thu hút và tạo điều kiện thuận lợi cho các luật sư tham gia ký hợp đồng thực hiện TGPL. Tham mưu Sở Tư pháp mời luật sư đánh giá chất lượng vụ việc TGPL, tổ chức các Hội nghị chia sẻ kinh nghiệm, mời luật sư tham gia các lớp tập huấn kỹ năng, chuyên môn nghiệp vụ do Trung ương tổ chức tại địa phương. Phối hợp với Đoàn Luật sư thực hiện truyền thông về TGPL.
5. Đoàn Luật sư: tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nội dung có liên quan trong Quy chế phối hợp. Động viên, khuyến khích các tổ chức hành nghề luật sư, luật sư ở địa phương tham gia công tác TGPL, giới thiệu người thuộc diện được TGPL đến Trung tâm TGPL. Thường xuyên trao đổi với Sở Tư pháp kịp thời giải quyết các vướng mắc (nếu có) và rút kinh nghiệm về hoạt động TGPL của luật sư.
[1] Biểu 25, 26 Thông tư số 03/2019/BTP-TGPL ngày 20/3/2019, Thông tư số 04/2016/TT-BTP ngày 03/03/2016 của Bộ Tư pháp quy định một số nội dung thống kê trong ngành tư pháp.
[2] Theo khoản 1, Điều 1, Thông tư số 03/2021/TT-BTP: Tổ đánh giá luật sư có trách nhiệm xây dựng thông báo lựa chọn luật sư, đánh giá hồ sơ lựa chọn luật sư. Theo khoản 4, Điều 1: Trên cơ sở kết quả của Tổ đánh giá luật sư, Trung tâm thông báo kết quả lựa chọn đến các luật sư đã nộp hồ sơ và luật sư luật sư được lựa chọn có trách nhiệm ký hợp đồng thực hiện TGPL với Trung tâm TGPL.