Cần nghiên cứu trực trợ giúp pháp lý trong tố tụng hình sự

Ngày 19/5/2022, Bộ Tư pháp và Tòa án nhân dân tối cao đã tổ chức ký kết Chương trình phối hợp người thực hiện trợ giúp pháp lý trực tại trụ sở Tòa án nhân dân.

Ngay sau khi Chương trình được ký kết Bộ Tư pháp đã có Công văn số 2919/BTP-TGPL ngày 12/8/2022 gửi Sở Tư pháp các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương về việc triển khai Chương trình phối hợp. Tính đến ngày 30/5/2023, có 44 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành kế hoạch triển khai Chương trình phối hợp về người thực hiện TGPL trực tại Tòa án hoặc ký kết Chương trình giữa Sở Tư pháp và Tòa án nhân dân cấp tỉnh. Ở một số địa phương, trụ sở Tòa án nhân dân chưa bảo đảm về cơ sở vật chất để bố trí người thực hiện TGPL trực tại Tòa hoặc Trung tâm chưa có đủ nguồn nhân lực để bố trí trực thì Tòa án thông báo cho Trung tâm các thông tin về người thuộc diện TGPL qua điện thoại. Việc trực tại trụ sở Toà án được một số địa phương triển khai có hiệu quả. Tòa án đã bố trí phòng trực cho người thực hiện trợ giúp pháp lý. Như vậy, các cơ quan cũng đã triển khai quy định khoản 9 Điều 8 Thông tư liên tịch số 10 về khuyến khích cơ quan điều tra, toà án nhân dân các cấp tạo điều kiện cho người thực hiện trợ giúp pháp lý trực tại các cơ quan này phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương (việc trực trợ giúp pháp lý tại toà án giúp người bị buộc tội, bị hại, đương sự tiếp cận được với trợ giúp pháp lý miễn phí của Nhà nước ở giai đoạn xét xử, đặc biệt là các đương sự trong vụ án dân sự, hành chính).
Từ thực tiễn triển khai có hiệu quả cơ chế phối hợp giữa hai cơ quan (Trung tâm trợ giúp pháp lý và Tòa án) trong giai đoạn xét xử thời gian qua chúng tôi đang nghiên cứu về cơ chế phối hợp trong giai đoạn điều tra hình sự giữa Trung tâm trợ giúp pháp lý và cơ sở giam giữ để tạo nên sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các cơ quan có thẩm quyền trong quá trình giúp người thuộc diện trợ giúp pháp lý tiếp cận sớm với trợ giúp pháp lý và thực hiện trợ giúp pháp lý có hiệu quả. Việc nghiên cứu xây dựng Chương trình phối hợp giữa Bộ Tư pháp và Bộ Công an về người thực hiện trợ giúp pháp lý trực trong tố tụng hình sự xuất phát từ những cơ sở sau đây:
1. Về cơ sở pháp lý và chỉ đạo của thành viên Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng ở Trung ương
Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật tố tụng dân sự, Luật tố tụng hành chính và Luật thi hành tạm giữ, tạm giam (các Bộ luật, luật về tố tụng) đã có nhiều quy định mới về bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý: Trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền của cơ sở giam giữ trong việc thông báo, giải thích, hướng dẫn và bảo đảm quyền được TGPL của đối tượng thuộc diện được trợ giúp pháp lý; yêu cầu hoặc đề nghị Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước (Trung tâm) cử trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý (người thực hiện trợ giúp pháp lý) bào chữa cho người thuộc diện được trợ giúp pháp lý.        
Luật Trợ giúp pháp lý cũng quy định trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng phối hợp, tạo điều kiện cho người được trợ giúp pháp lý được hưởng quyền trợ giúp pháp lý, tạo điều kiện cho người thực hiện trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng (khoản 2 Điều 41).
Thông tư liên tịch số 10 đã có những quy định hướng dẫn cụ thể các nội dung về phối hợp trợ giúp pháp lý trong tố tụng (Điều 7), tạo điều kiện thuận lợi cho người được trợ giúp pháp lý tiếp cận với dịch vụ trợ giúp pháp lý ngay từ giai đoạn đầu của quá trình tố tụng. Cụ thể là, giải thích về quyền được trợ giúp pháp lý cho đối tượng thuộc diện trợ giúp pháp lý; yêu cầu ra văn bản thông báo cho Trung tâm khi đối tượng có yêu cầu trợ giúp pháp lý, ra văn bản thông tin cho Trung tâm khi đối tượng chưa có yêu cầu trợ giúp pháp lý. Đồng thời, Thông tư cũng giao trách nhiệm của Trung tâm, Chi nhánh trong việc cử người bào chữa, bảo vệ cho đối tượng khi nhận được thông báo (cử trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được thông báo hoặc cử ngay đối với vụ việc cần thụ lý ngay và đối tượng thuộc trường hợp chỉ định người bào chữa để kịp thời bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp cho đối tượng), cử người tiếp cận đối tượng, giải thích, xác minh đối tượng khi nhận được thông tin từ các cơ quan. Khoản 9 Điều 8 Thông tư liên tịch số 10 quy định khuyến khích Cơ quan điều tra, Tòa án các cấp tạo điều kiện cho người thực hiện trợ giúp pháp lý trực tại các cơ quan này phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Với vai trò là một thành viên của Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng ở Trung ương, để đôn đốc triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng, ngày 17/02/2020, Bộ Công an đã có Công văn số 481/BCA-V03 yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Công an, Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: “Tăng cường phối hợp với các tổ chức trợ giúp pháp lý tại địa phương để trao đổi thông tin, cung cấp biểu mẫu; tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, người thực hiện trợ giúp pháp lý thực hiện hoạt động trợ giúp pháp lý cho các đối tượng được trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật. Nghiên cứu, xây dựng quy chế phối hợp với Trung tâm trợ giúp pháp lý ở địa phương để có thể bố trí Trợ giúp viên pháp lý ứng trực (qua điện thoại) kịp thời thực hiện công tác TGPL khi có yêu cầu”.
Như vậy, với các quy định hiện hành, các cơ quan có thẩm quyền cần có cơ chế, giải pháp hữu hiệu để người được trợ giúp pháp lý được tiếp cận trợ giúp pháp lý kịp thời trong tố tụng nói chung và trong điều tra hình sự nói riêng; tạo điều kiện để người thực hiện trợ giúp pháp lý tại các địa phương có thể sớm tiếp cận đối tượng thuộc diện trợ giúp pháp lý, cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý nhanh chóng, hiệu quả. Nhất là trong bối cảnh Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, đã giao nhiệm vụ “Xây dựng mạng lưới, nâng cao năng lực của hệ thống dịch vụ pháp lý, trợ giúp pháp lý và hỗ trợ pháp lý để người dân, doanh nghiệp dễ tiếp cận pháp luật” và “Nâng cao vai trò, tính chuyên nghiệp và chất lượng trợ giúp pháp lý, nhất là trong hoạt động tố tụng tư pháp…”.
2. Cơ sở thực tiễn
Qua gần 5 năm triển khai Thông tư liên tịch số 10, có thể khẳng định công tác phối hợp giữa Trung tâm với các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng về trợ giúp pháp lý ngày càng chặt chẽ và đạt hiệu quả. Đa số các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã thực hiện việc giải thích về trợ giúp pháp lý cho người bị buộc tội, người bị hại, đương sự. Khi phát hiện có đối tượng thuộc diện trợ giúp pháp lý đã kịp thời thông báo cho Trung tâm để Trung tâm xác minh nếu đúng diện người được trợ giúp pháp lý thì cử người thực hiện trợ giúp pháp lý tham gia bào chữa hoặc đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được trợ giúp pháp lý.
Hiện nay, tại một số địa phương, Sở Tư pháp đã chủ động ký kết Quy chế phối hợp về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng với cơ quan Công an của tỉnh như: Quảng Trị, Bạc Liêu, Cần Thơ, Điện Biên, Ninh Thuận, Hậu Giang, Vĩnh Long, Hà Tĩnh...Một số địa phương như tỉnh Điện Biên sau khi Sở Tư pháp ký Quy chế phối hợp với Công an tỉnh thì công tác phối hợp giữa Trung tâm với cơ quan điều tra, trại tạm giam, nhà tạm giữ trên địa bàn tỉnh được đẩy mạnh hơn, cơ quan điều tra, trại tạm giam, nhà tạm giữ sau khi tiếp nhận yêu cầu được trợ giúp pháp lý của các đương sự trong vụ án đã nhanh chóng thông báo, chuyển gửi thông tin đến Trung tâm và tạo điều kiện cho người thực hiện TGPL gặp gỡ, tiếp xúc với người được trợ giúp pháp lý, Trung tâm đã cung cấp số điện thoại liên hệ của lãnh đạo phụ trách nghiệp vụ, đường dây nóng và người thực hiện trợ giúp pháp lý cho các cơ quan điều tra để khi có vụ việc mà có đối tượng là người được trợ giúp pháp lý thì cơ quan điều tra, cơ sở giam giữ sẽ liên hệ ngay với người thực hiện trợ giúp pháp lý. Nhiều địa phương khác trong cả nước cũng đang thực hiện nghiên cứu để triển khai việc ký kết Quy chế phối hợp tương tự.
Xuất phát từ hoạt động phối hợp ngày càng chặt chẽ giữa Trung tâm và các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng mà số lượng vụ việc trợ giúp pháp lý được các cơ quan tiến hành tố tụng thông tin, thông báo đến Trung tâm ngày càng cao. Năm 2022, tổng số người bị buộc tội, người bị hại, đương sự trong vụ án, vụ việc do các cơ quan tiến hành tố tụng thụ lý tiếp nhận là[1] 476.178 người, trong đó người thuộc diện được trợ giúp pháp lý là  34.071 người (chiếm 7.1 %) và tổng số lượt người được trợ giúp pháp lý (người có yêu cầu trợ giúp pháp lý) là 13.025 người (chiếm 2.7 %). Trong đó, cơ quan công an thụ lý tiếp nhận là 132.784 người, giới thiệu người thuộc diện được trợ giúp pháp lý là 12.981 người (cao hơn năm 2021 là 1.551 người) và tổng số lượt người được trợ giúp pháp lý là 10.977 người.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được về phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng, công tác phối hợp gữa Trung tâm và các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như:

- Một số cơ quan, đơn vị chưa thực hiện triệt để việc giới thiệu thông tin về trợ giúp pháp lý trong giai đoạn đầu của quá trình tố tụng; trong một số trường hợp do hạn chế về thời gian nên việc giới thiệu chưa đầy đủ, do đó, người bị buộc tội chưa nắm được đầy đủ thông tin về quyền được trợ giúp pháp lý của mình hoặc có một số trường hợp họ là người được trợ giúp pháp lý nhưng chưa có yêu cầu trợ giúp pháp lý, chưa được giới thiệu đến Trung tâm trợ giúp pháp lý để Trung tâm thực hiện nhiệm vụ giải thích quyền  được trợ giúp pháp lý cho họ.

- Số lượng vụ việc trợ giúp pháp lý bằng hình thức tham gia tố tụng so với số lượng người được TGPL và vụ việc do cơ quan Công an giải quyết còn thấp. Năm 2022, Cơ quan công an thụ lý tiếp nhận là 132.784 người, trong đó người thuộc diện được trợ giúp pháp lý là 12.981 người (chiếm tỷ lệ 9.8%) và tổng số lượt người được trợ giúp pháp lý là 10.977 người (8.2%). Số liệu này cho thấy, số lượng vụ án hình sự có sự tham gia của người thực hiện trợ giúp pháp lý chiếm tỷ lệ thấp trong số lượng vụ án hình sự được giải quyết hàng năm, có thể xuất phát từ nguyên nhân người thuộc diện trợ giúp pháp lý chưa được tiếp cận trợ giúp pháp lý hoặc chưa hiểu về trợ giúp pháp lý.
- Nhận thức của một số cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, trong đó có một số cơ quan công an đối với công tác trợ giúp pháp lý còn chưa đầy đủ, chưa chú trọng việc thực hiện Thông tư liên tịch số 10, ở một số nơi việc nhận thức của cán bộ điều tra, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng còn chưa đồng bộ, chưa thống nhất trong cách hiểu và áp dụng vào quá trình giải quyết vụ án hình sự.
- Mặc dù Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố có quyền tự bảo vệ hoặc nhờ trợ giúp viên pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình nhưng Thông tư liên tịch số 10 chưa quy định việc giải thích quyền được trợ giúp pháp lý cho người được trợ giúp pháp lý là người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố nên những người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố có thể không biết quyền được trợ giúp pháp lý của mình dẫn đến việc bỏ sót người được trợ giúp pháp lý.
- Ở những địa bàn miền núi, có điều kiện xã hội đặc biệt khó khăn, đối tượng thuộc diện được trợ giúp pháp lý đa phần là người dân tộc thiểu số, trình độ nhận thức còn hạn chế, không biết tiếng phổ thông nên người dân rất khó để tiếp cận và hiểu quyền được trợ giúp pháp lý của mình theo quy định của pháp luật.
3. Về pháp luật quốc tế và kinh nghiệm nước ngoài
Nghị quyết số 67/187 ngày 20/12/2012 của Đại hội đồng Liên hiệp quốc về các nguyên tắc và hướng dẫn về tiếp cận TGPL trong hệ thống tư pháp hình sự của Liên hợp quốc đã khẳng định trợ giúp pháp lý là yếu tố thiết yếu của hệ thống tư pháp hình sự công bằng, nhân đạo và hiệu quả dựa trên nền tảng pháp quyền; hướng dẫn chi tiết về việc thực hiện trợ giúp pháp lý cho các đối tượng khác nhau, ở các giai đoạn khác nhau của tố tụng tư pháp hình sự; các quốc gia cần bảo đảm dịch vụ trợ giúp pháp lý cần được cung cấp tại các đồn cảnh sát, cơ sở giam giữ, tòa án và nhà tù (hướng dẫn 2).
Quyền được tư vấn và hỗ trợ pháp lý ngay từ giai đoạn đầu của quá trình tố tụng hình sự được quy định trong Hiến pháp hoặc luật pháp ở nhiều quốc gia. Ở một số nước, pháp luật quy định hỗ trợ pháp lý là bắt buộc trong quá trình thẩm vấn của cảnh sát. Luật Trợ giúp pháp lý năm 2021 của Trung Quốc quy định Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Cơ quan công an có trách nhiệm thông báo cho tổ chức trợ giúp pháp lý cử luật sư tham gia nếu người bị tình nghi, bị can, bị cáo thuộc trường hợp được trợ giúp pháp lý; không được ngăn cản, xâm hại quyền của người bào chữa; bảo đảm việc thực hiện trợ giúp pháp lý của luật sư theo quy định của pháp luật, thông báo cho người bị tình nghi, bị can, bị cáo không có người bào chữa về quyền được gặp luật sư, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho họ gặp gỡ luật sư. Một số quốc gia như Scotland, Trung Quốc, Canada, Úc đã áp dụng chế định luật sư trực tại các cơ quan tiến hành tố tụng (Tòa án, Công an, Kiểm sát) để hỗ trợ kịp thời cho các đối tượng thuộc diện được trợ giúp pháp lý. Hoạt động này cũng đã góp phần hỗ trợ các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc thực hiện đúng các quy định về tố tụng.
Để thuận lợi cho người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người bị buộc tội tiếp cận trợ giúp pháp lý ở giai đoạn đầu của tố tụng hình sự (giai đoạn điều tra) thì việc có người hỗ trợ họ tiếp cận, hiểu thông tin về quyền và nghĩa vụ của mình là rất quan trọng.
Từ những căn cứ nêu trên, cần thiết phải xây dựng chương trình phối hợp giữa Bộ Tư pháp và Bộ Công an về việc người thực hiện trợ giúp pháp lý trực trong điều tra hình sự nhằm tăng cường phối hợp trong việc tạo điều kiện cho người được trợ giúp pháp lý biết và sử dụng dịch vụ trợ giúp pháp lý kịp thời ngay tại giai đoạn đầu của quá trình tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật, góp phần bảo vệ có hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của họ, hạn chế bỏ sót đối tượng thuộc diện được trợ giúp pháp lý.

 
Bình An, Cục Trợ giúp pháp lý
 

[1] Theo số liệu thống kê của 58/63 tỉnh, thành phố (tính đến ngày 05/12/2022).