Sáng ngày 08/01/2018, Đoàn khảo sát của Hội đồng Dân tộc do đồng chí Lưu Văn Đức, Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội làm Trưởng đoàn, tham gia Đoàn khảo sát còn có Lãnh đạo và các chuyên viên của Vụ Dân tộc, Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh, Sở Tư pháp, Ban Dân tộc, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước, Đoàn đã trực tiếp khảo sát tại các hộ dân thuộc xã Hương Nguyên huyện A Lưới và tiếp đó Đoàn đã làm việc với UBND huyện A Lưới.
Sáng ngày hôm sau, ngày 09/01/2018 Đoàn đã có buổi làm việc với Sở Tư pháp, ngoài Đoàn khảo sát với thành phần nêu trên còn có sự tham gia của Lãnh đạo Hội đồng nhân dân tỉnh; Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh gồm các đồng chí: đồng chí Nguyễn Thị Ái Vân –Tỉnh uỷ viên; Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh; đồng chí Nguyễn Tấn Trọng – Phó Chánh văn phòng phụ trách Đoàn Đại biểu Quốc hội; đồng chí Hồ Xuân Trăng – Tỉnh ủy viên, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh. Về phía Sở Tư pháp có đồng chí Nguyễn Văn Hưng – Phó Giám đốc Sở Tư pháp, đồng chí Võ Thị Xuân Hương – Giám đốc Trung tâm, đồng chí Nguyễn Thị Thanh Hà – Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp; đồng chí Nguyễn Thị Xuân Nhi – Chánh Văn phòng Sở Tư pháp và các Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm Trợ giúp pháp lý.
Qua đợt khảo sát tại huyện A Lưới và làm việc tại Sở Tư pháp, đồng chí Lưu Văn Đức, Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc, Trưởng đoàn thay mặt Đoàn có những kết luận qua như sau: Đoàn đánh giá rất cao sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, sự chuẩn bị chu đáo của Sở Tư pháp và sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng của các cơ quan liên quan phục vụ hoạt động khảo sát của Đoàn. Qua hơn một năm triển khai Quyết định 32/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và thực hiện Kế hoạch số 185/KH-UBND của UBND tỉnh, Đoàn ghi nhận những kết quả thực hiện hoạt động trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, cụ thể: Trung tâm Trợ giúp pháp lý đã phối hợp với các địa phương tổ chức 91 lượt truyền thông về trợ giúp pháp lý tại các xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh, thu hút 3.902 lượt người tham gia, thực hiện tư vấn, hướng dẫn, giải đáp 658 vụ việc, đã thực hiện 199 vụ việc tham gia tố tụng trong năm 2017, trong đó 57 vụ án có tính chất phức tạp điển hình; xây dựng chuyên trang, chuyên mục về trợ giúp pháp lý bằng tiếng Việt, tiếng dân tộc thiểu số trên Đài Truyền thanh xã…Công tác tuyên truyền pháp luật về trợ giúp pháp lý được đầu tư chú trọng bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, nội dung tuyên truyền sát với thực tiễn đáp ứng yêu cầu của người dân; Hoạt động trợ giúp pháp lý được nhiều người dân tại huyện A Lưới biết đến, được địa phương ngày càng chú trọng.
Đoàn cũng ghi nhận sự chỉ đạo của Sở Tư pháp, đã quan tâm đào tạo, xây dựng đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý đạt chất lượng với 18/20 Trợ giúp viên pháp lý đã qua lớp đào tạo nghiệp vụ Luật sư. Qua thực tế khảo sát, Đoàn nhận thấy, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh thường xuyên phối hợp với UBND huyện, phòng Tư pháp và UBND các xã thuộc huyện A Lưới thực hiện tốt nhiệm vụ trợ giúp pháp lý thông qua các buổi nói chuyện và tuyên truyền pháp luật cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại 13 xã, tiêu biểu tại các xã Hồng Thượng, Nhâm, Hồng Vân, Hồng Trung, Đông Sơn, Bắc Sơn, Hồng Quảng… nội dung làm việc của Trung tâm luôn được bà con quan tâm. Bên cạnh đó, hoạt động phối hợp thực hiện nhiệm vụ trợ giúp pháp lý của Trung tâm với UBND các xã, các cơ quan có liên quan là rất tốt.
Tuy nhiên, qua khảo sát thấy rằng nhu cầu trợ giúp pháp lý của đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng tăng, vì vậy nhân dân và chính quyền huyện A Lưới đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, Hội đồng nhân dân tỉnh quan tâm, tạo điều kiện thành lập Chi nhánh trợ giúp pháp lý tại huyện A Lưới.
Đoàn đề nghị trong thời gian tới, Sở Tư pháp cần thu hút thêm nhiều lực lượng tham gia hoạt động trợ giúp pháp lý như: Hội Luật gia, Đoàn Luật sư, Trường Đại học Luật Huế; cần huy động, phối hợp với các lực lượng này nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động trợ giúp pháp lý tại địa phương; số kinh phí từ nguồn Trung ương cấp chưa sử dụng còn nhiều (do Bộ Tư pháp có hướng dẫn sử dụng các mức chi muộn); Cần xây dựng các cơ chế đặc thù để khuyến khích các Trợ giúp viên pháp lý thực hiện có hiệu quả hơn nữa cho người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số; Tăng cường công tác truyền thông về trợ giúp pháp lý, xây dựng các tiểu phẩm, hình ảnh dễ hiểu, dễ nhớ để cấp phát cho đồng bào dân tộc thiểu số giúp bà con dễ nắm bắt các kiến thức về pháp luật. Qua đó, góp phần nâng cao công tác trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh nhằm thực hiện có hiệu quả Quyết định số 32/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chính sách pháp luật về trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số./.
Hồng Oanh