Ngày 25/05/2021, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 02/2021/TT-BTP hướng dẫn cách tính thời gian theo buổi làm việc thực tế và khoán chi vụ việc trợ giúp pháp lý để thay thế Thông tư số 18/2013/TT-BTP ngày 20/11/2013 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn cách tính thời gian và thủ tục thanh toán chi phí thực hiện trợ giúp pháp lý (Thông tư số 18/2013/TT-BTP) và Thông tư số 05/2017/TT-BTP ngày 20/04/2017 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 18/2013/TT-BTP ngày 20/11/2013 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn cách tính thời gian và thủ tục thanh toán chi phí thực hiện trợ giúp pháp lý (Thông tư số 05/2017/TT-BTP).
Thông tư gồm 4 Chương và 12 Điều hướng dẫn cụ thể về cách tính thời gian theo buổi làm việc thực tế và khoán chi thực hiện vụ việc (sau đây gọi tắt là Thông tư). Đồng thời, Thông tư cũng ban hành kèm theo 03 Phụ lục để quy định về các mức khoán chi vụ việc; 02 mẫu bảng kê thời gian thực tế, bảng kê các công việc. Sau đây xin giới thiệu về một số điểm mới của Thông tư như sau:
Chi tiết Thông tư vui lòng xem ở tệp đính kèm.
1. Về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng (Điều 1)
- Thông tư quy định: “Thông tư này hướng dẫn về cách tính thời gian theo buổi làm việc thực tế và khoán chi vụ việc trợ giúp pháp lý để làm căn cứ chi trả thù lao, bồi dưỡng thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý theo hình thức tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng”. Với quy định này, phạm vi điều chỉnh của Thông tư được điều chỉnh cho phù hợp với nhiệm vụ Bộ Tư pháp được giao tại khoản 6 Điều 13 Nghị định số 144/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý (Nghị định số 144/2017/NĐ-CP): “Tính chất, nội dung vụ việc, cách tính buổi, thời gian để làm căn cứ chi trả thù lao thực hiện vụ việc cho người thực hiện trợ giúp pháp lý theo buổi làm việc thực tế hoặc khoán chi vụ việc thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp”.
- Đối tượng áp dụng của Thông tư, về cơ bản được giữ nguyên như Thông tư số 18/2013/TT-BTP. Tuy nhiên, để phù hợp với Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, Nghị định số 144/2017/NĐ-CP, cũng như bảo đảm tính đồng bộ, dễ áp dụng, Điều 2 Thông tư bổ sung đối tượng áp dụng là “Luật sư ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý” với Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước; “Tổ chức ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý” với Sở Tư pháp; “Sở Tư pháp và các tổ chức, cá nhân có liên quan”.
2. Nguyên tắc thực hiện
Bên cạnh kế thừa 02 nguyên tắc thực hiện còn phù hợp của Thông tư số 18/2013/TT-BTP thì Thông tư bổ sung 02 nguyên tắc mới: (1) Bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật về thù lao, bồi dưỡng và thủ tục thanh toán thù lao, bồi dưỡng thực hiện vụ việc cho người thực hiện trợ giúp pháp lý, tổ chức ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý; (2) Bảo đảm tính hợp pháp, hợp lý trong việc kê khai thời gian, công việc để làm căn cứ chi trả thù lao, bồi dưỡng thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý.
3. Thời gian theo buổi làm việc thực tế
Về cách xác định buổi làm việc, Thông tư quy định: “Một buổi làm việc thực tế được tính trên cơ sở 04 giờ làm việc. Trường hợp người thực hiện trợ giúp pháp lý làm việc không đủ 04 giờ thì tính như sau: (i) Tính thành ½ buổi làm việc nếu số giờ làm việc lẻ không đủ 03 giờ; (ii) Tính thành 01 buổi làm việc nếu số giờ làm việc lẻ từ đủ 03 giờ trở lên”. So với quy định hiện hành, về cơ bản, Thông tư kế thừa quy định còn phù hợp. Tuy nhiên, quy định này được rà soát, chỉnh lý lại để bảo đảm dễ hiểu, rõ ràng hơn. Thông tư bổ sung nội dung liên quan đến cách thức kê thời gian làm việc: “Khi áp dụng cách tính thời gian theo buổi làm việc thực tế, người thực hiện trợ giúp pháp lý phải kê các công việc và thời gian thực hiện các công việc vào Bảng kê thời gian thực tế (Mẫu TP - TGPL- 01) ban hành kèm theo Thông tư này”.
4. Tính thời gian thực hiện trợ giúp pháp lý đối với vụ việc tham gia tố tụng
So với các quy định của Thông tư số 18/2013/TT-BTP và Thông tư số 05/2017/TT-BTP, thời gian tham gia tố tụng được kế thừa một phần những quy định còn phù hợp, đồng thời cũng sửa đổi cơ bản bảo đảm các quy định rõ ràng và dễ áp dụng hơn. Thông tư điều chỉnh cách thức quy định theo hướng quy định rõ ràng các căn cứ tính thời gian, thời gian bị hạn chế, xác nhận thời gian. Với cách quy định này, Thông tư sẽ bảo đảm được áp dụng rõ ràng, thuận lợi hơn, phù hợp với tính chất, vụ việc trong từng vụ việc cụ thể, đồng thời xác định rõ hơn trách nhiệm của người thực hiện khi thực hiện trợ giúp pháp lý. Cụ thể như sau:
- Căn cứ tính thời gian thực hiện trợ giúp pháp lý đối với vụ việc tham gia tố tụng được kế thừa một phần những quy định còn phù hợp, đồng thời cũng sửa đổi cơ bản bảo đảm các quy định rõ ràng và linh hoạt hơn khi áp dụng hơn. Thông tư bổ sung các công việc thực hiện theo tiến trình các giai đoạn tố tụng để bảo đảm thuận lợi, rõ ràng trong quá trình kê khai các công việc thực hiện trợ giúp pháp lý để làm căn cứ chi trả thù lao vụ việc trợ giúp pháp lý.
- Thông tư quy định cụ thể đối với các hoạt động dù áp dụng tính thời gian theo buổi thực tế nhưng thù lao, bồi dưỡng cho người thực hiện trợ giúp pháp lý bị hạn chế thời gian theo hình thức khoán tại Khoản 2 các Điều 4, Điều 5 và Điều 6: “2. Thù lao, bồi dưỡng cho người thực hiện trợ giúp pháp lý khi thực hiện các công việc quy định tại các điểm e, g, h và l khoản 1 Điều này tối đa không quá số buổi thực hiện các công việc này theo mức khoán chi vụ việc tương ứng tại Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Thông tư này (Điều 4); 2. Thù lao, bồi dưỡng cho người thực hiện trợ giúp pháp lý khi thực hiện các công việc quy định tại các điểm g, h, i và m khoản 1 Điều này tối đa không quá số buổi thực hiện các công việc này theo mức khoán chi vụ việc tương ứng tại Phụ lục số 02 ban hành kèm theo Thông tư này. (Điều 5); 2. Thù lao, bồi dưỡng cho người thực hiện trợ giúp pháp lý khi thực hiện các công việc quy định tại các điểm g, h, i và m khoản 1 Điều 5 Thông tư này tối đa không quá số buổi thực hiện các công việc này theo mức khoán chi vụ việc tương ứng tại Phụ lục số 03 ban hành kèm theo Thông tư này (Điều 6) ”. Đây là những quy định mới, nhằm bảo đảm thống nhất với quy định tại khoản 1 Điều 13 Nghị định số 144/2017/NĐ-CP cũng như bảo đảm thuận tiện, áp dụng dễ dàng hơn trên thực tiễn.
- Thông tư cũng tách các quy định về xác nhận thời gian làm việc của người thực hiện trợ giúp pháp lý thành một khoản riêng và có những điều chỉnh về cơ quan, tổ chức, cá nhân xác nhận theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người thực hiện trợ giúp pháp lý trong việc xác nhận thời gian làm việc.
5. Xác định thời gian làm việc theo buổi làm việc trong một số trường hợp đặc biệt
Quy định này được nghiên cứu lại và có một số thay đổi căn bản. Thông tư đã tách riêng để điều chỉnh tại 01 Điều cho rõ ràng. Theo đó, Thông tư quy định cách thức xác định thời gian trong 04 trường hợp cho phù hợp với tính chất của hoạt động trợ giúp pháp lý. So với quy định tại Thông tư 05/2017/TT-BTP về nội dung này, Thông tư đã có một số điều chỉnh như sau:
- Thông tư tiếp tục quy định về trường hợp 02 (hai) người thực hiện trợ giúp pháp lý trở lên thực hiện trợ giúp pháp lý cho 01(một) người được trợ giúp pháp lý trong một vụ việc nhưng đã xác định rõ thời gian làm căn cứ chi trả thù lao, bồi dưỡng thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý.
- Trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng tạm đình chỉ vụ án; Trường hợp thay thế, thay đổi người thực hiện trợ giúp pháp lý được sửa đổi bảo đảm ngắn gọn, dễ hiểu hơn. So với quy định tại Thông tư 05/2017/TT-BTP thì Thông tư đã bỏ quy định về trường hợp đình chỉ giải quyết vụ án. Bên cạnh đó, để bảo đảm phù hợp với quy định của Nghị định số 144/2017/NĐ-CP và tôn trọng quyền lựa chọn của người thực hiện trợ giúp pháp lý, Thông tư bổ sung nguyên tắc lựa chọn trong trường hợp thay đổi, thay thế người được trợ giúp pháp lý để bảo đảm tính chặt chẽ như sau: “Nếu người được cử thay thế lựa chọn hình thức khoán chi vụ việc thì tổng số thời gian mà 02 người thực hiện không quá mức khoán chi vụ việc tương ứng tại các Phụ lục số 01, Phụ lục số 02 và Phụ lục số 03 ban hành kèm theo Thông tư này”.
- So với quy định tại Thông tư 05/2017/TT-BTP, Thông tư đã bổ sung quy định hoàn toàn mới, đó là trường hợp thực hiện trợ giúp pháp lý cho người bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố, người bị buộc tội ở thời điểm bắt, tạm giữ người theo quy định của pháp luật tố tụng. Theo đó, thời gian và xác nhận thời gian thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý bao gồm: (a) Thời gian xác minh, thu thập, đánh giá tài liệu, đồ vật, chứng cứ cần thiết có liên quan do cơ quan, tổ chức, cá nhân nơi người thực hiện trợ giúp pháp lý đến xác minh, thu thập chứng cứ xác nhận; (b) Thời gian tham gia lấy lời khai người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, bị hại hoặc những người có liên quan khác; tham gia các hoạt động đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố cùng với Điều tra viên hoặc Kiểm sát viên do Điều tra viên hoặc Kiểm sát viên xác nhận; (c) Thời gian làm việc với người bị buộc tội tại Buồng tạm giữ thuộc Đồn Biên phòng, Nhà tạm giữ, Trại tạm giam do người bị buộc tội hoặc cán bộ Đồn Biên phòng, Nhà tạm giữ, Trại tạm giam hoặc cơ quan tiến hành tố tụng xác nhận; (d) Thời gian gặp gỡ người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố hoặc người thân thích của họ; bị hại hoặc người thân thích của bị hại; những người khác có liên quan do những người này xác nhận.
Ngoài ra, để bảo đảm thống nhất, đồng bộ với các quy định khác, Thông tư cũng quy định, thời gian gặp gỡ người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố hoặc người thân thích của họ; bị hại hoặc người thân thích của bị hại; những người khác có liên quan ở giai đoạn này tối đa không quá số buổi thực hiện công việc này theo hình thức khoán chi vụ việc tại Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Thông tư theo mức của loại tội phạm ít nghiêm trọng.
6. Khoán chi vụ việc
- Cách thức khoán chi thực hiện vụ việc được kế thừa một số nội dung còn phù hợp quy định tại Điều 4b Thông tư số 05/2017/TT-BTP đồng thời sửa đổi, bổ sung thêm một số nội dung để bảo đảm tính khả thi và phù hợp với thực tiễn phát sinh khi thực hiện quy định hiện hành trong thời gian qua. Sửa đổi, bổ sung quy định“người thực hiện trợ giúp pháp lý lựa chọn bằng văn bản ngay sau khi được phân công và không thay đổi trong suốt quá trình thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý” khi lựa chọn hình thức khoán chi thực hiện vụ việc.
- Về căn cứ xác định tính chất vụ việc để thực hiện khoán chi: So với Thông tư 05/2017/TT-BTP, đối với vụ việc tham gia tố tụng hình sự, Thông tư vẫn áp dụng quy định về phân loại tội phạm tại khoản 2 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 ngày 20 tháng 6 năm 2017 để xác định mức khoán chi đối với vụ việc tham gia tố tụng hình sự. Tuy nhiên, đối với vụ việc tham gia tố tụng dân sự và hành chính, Thông tư đã có sự điều chỉnh theo hưởng mở hơn để tạo điều kiện thuận lợi khi áp dụng. Theo đó, để xác định mức khoán chi vụ việc đối với vụ việc tham gia tố tụng dân sự, Thông tư cho phép áp dụng các quy định tại khoản 3 Điều 337 Bộ luật tố tụng dân sự và quy định tại Điều 5 Thông tư số 09/2018/TT-BTP ngày 21 tháng 6 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định tiêu chí xác định vụ việc trợ giúp pháp lý phức tạp, điển hình. Để xác định mức khoán chi vụ việc đối với vụ việc tham gia tố tụng hành chính thì áp dụng quy định tại khoản 12 Điều 3 Luật tố tụng hành chính và quy định tại Điều 6 Thông tư số 09/2018/TT-BTP.
- Để tháo gỡ khó khăn cho các địa phương trong quá trình áp dụng quy định hiện hành, Thông tư đã bổ sung các căn cứ xác định tính chất của vụ việc làm căn cứ xác định mức khoán chi; Bổ sung các văn bản làm căn cứ xác định mức khoán chi: “Việc phân loại tội phạm phải được áp dụng ngay tại thời điểm lựa chọn hình thức khoán chi vụ việc và căn cứ vào một trong các văn bản đã ban hành của cơ quan tiến hành tố tụng: Quyết định khởi tố bị can, Kết luận điều tra, Cáo trạng, Bản luận tội, Bản án. Trường hợp có nhiều văn bản có tội danh ở các khung hình phạt khác nhau thì áp dụng văn bản có khung hình phạt cao hơn”.
Bên cạnh đó, để bảo đảm rõ ràng, thuận tiện trong quá trình áp dụng, Thông tư quy định cách thức kê các công việc đã thực hiện: “Khi thực hiện khoán chi vụ việc, người thực hiện trợ giúp pháp lý phải kê các công việc và xác nhận về các công việc đã thực hiện vào Bảng kê công việc (Mẫu TP - TGPL - 02) ban hành kèm theo Thông tư này”.
Các Phụ lục số 01, Phụ lục số 02 và Phụ lục số 03 ban hành kèm theo Thông tư cũng được sửa đổi, bổ sung một cách căn bản nhằm bảo đảm tương đương với các căn cứ tính thời gian thực tế. Tuy nhiên, để phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 13 nghị định số 144/2017/NĐ-CP quy định thời gian làm việc thực tế đối với một số công việc “…tối đa không quá số buổi trả để thực hiện các công việc này áp dụng theo khoán chi vụ việc” nên mức khoán chi việc khoán chi vụ việc được quy đổi tương đương theo buổi làm việc để làm căn cứ chi trả thù lao, bồi dưỡng thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý.
Bên cạnh đó, để bảo đảm quyền lợi cho người thực hiện trợ giúp pháp lý cũng như bảo đảm phù hợp với quy định của Điều 13 Nghị định 144/2017/NĐ-CP, trong trường hợp số buổi quy đổi để khoán chi vụ việc tại Phụ lục số 01, 02 và 03 thấp hơn 03 mức lương cơ sở thì được khoán chi vụ việc bằng 03 mức lương cơ sở.
Số buổi khoán đối với các công việc tại các Phụ lục 01, 02 và 03 cũng được điều chỉnh bảo đảm ghi nhận đóng góp của người thực hiện trợ giúp pháp lý. Tại các Phụ lục mức khoán chi vụ việc được quy định cho từng nhóm công việc, tạo sự linh hoạt trong quá trình áp dụng cũng như đánh giá đầy đủ công sức của người thực hiện trợ giúp pháp lý. Mức khoán chi vụ việc phải căn cứ vào công việc mà người thực hiện trợ giúp pháp lý đã thực hiện. Trường hợp không thực hiện một hoặc một số công việc thì Thông tư cũng xác định rõ những công việc không thực hiện sẽ bị trừ đi với số buổi tối thiểu số buổi theo các mức tương ứng: (i) đối với khoán chi vụ việc tham gia tố tụng hình sự: 0,5 buổi đối với loại tội ít nghiêm trọng; 01 buổi đối với tội nghiêm trọng; 1,5 buổi đối với tội rất nghiêm trọng; 2 buổi đối với đặc biệt nghiêm trọng; (ii) đối với khoán chi vụ việc tham gia tố tụng dân sự và tố tụng hành chính: 0,5 buổi đối với vụ việc đơn giản; 01 (một) buổi đối với vụ việc phức tạp. Trường hợp không thực hiện tất cả các công việc trong nhóm công việc khoán thì sẽ trừ hết số buổi của nhóm công việc đó.
Ngoài ra, Thông tư cũng quy định rõ mức khoán trong trường hợp 01 vụ việc trợ giúp pháp lý được thực hiện trợ giúp pháp lý qua nhiều giai đoạn tố tụng thể hiện tại các Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này thì mức khoán chi vụ việc được áp dụng theo các giai đoạn nhưng tối đa không quá 10 mức lương cơ sở.
7. Khoán chi vụ việc trong một số trường hợp đặc biệt
Về cơ bản quy định về khoán chi trong một số trường hợp đặc biệt được giữ nguyên so với quy định của Thông tư số 18/2013/TT-BTP và Thông tư số 05/2017/TT-BTP nhưng có sự chỉnh sửa phù hợp với các văn bản pháp luật hiện hành cũng như thực tiễn áp dụng:
(i) Không quy định trường hợp vụ việc trợ giúp pháp lý có 01 (một) người thực hiện trợ giúp pháp lý được phân công thực hiện cho 02 (hai) người được trợ giúp pháp lý trở lên trong cùng một vụ án;
(ii) Quy định mức tối đa khi thực hiện khoán chi vụ việc trong trường hợp 02 (hai) người thực hiện trợ giúp pháp lý trở lên thực hiện trợ giúp pháp lý cho 01 (một) người được trợ giúp pháp lý trong cùng một vụ việc thì được “thì căn cứ các công việc thực tế của mỗi người thực hiện, mức khoán chi vụ việc tối đa bằng 130% mức khoán chi tương ứng thể hiện tại các Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này nhưng không quá 10 mức lương cơ sở” nhằm bảo đảm phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 13 Nghị định số 144/2017/NĐ-CP.
(iii) Trường hợp thực hiện trợ giúp pháp lý cho 01 (một) người được trợ giúp pháp lý bị truy tố 02 (hai) tội danh trở lên trong cùng một vụ án thì mức khoán chi vụ việc cũng được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Theo đó được khoán chi vụ việc tối đa bằng 130% mức khoán chi nhưng không quá 10 mức lương cơ sở.
(iv) Thông tư bổ sung nguyên tắc lựa chọn trong trường hợp thay đổi, thay thế người được TGPL nhằm bảo đảm quyền lựa chọn của người thực hiện trợ giúp pháp lý theo quy định của Nghị định số 144/2017/NĐ-CP “Nếu người được cử thay thế lựa chọn hình thức thời gian theo buổi làm việc thực tế thì tổng số thời gian mà hai người thực hiện vụ việc nhưng không quá 30 buổi làm việc/01 vụ việc theo quy định tại khoản 1 Điều 13 Nghị định số 144/2017/NĐ-CP của Chính phủ ngày 15/12/2017 quy định chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý.”
Ngoài ra, trong một số trường hợp, Thông tư có đưa các ví dụ cụ thể nhằm giúp cho việc áp dụng được thống nhất, hiệu quả hơn.
- Về mẫu: Thông tư ban hành 02 Mẫu: Bảng kê thời gian thực tế (Mẫu TP - TGPL- 01) và Bảng kê công việc (Mẫu TP-TGPL-02) để thay thế cho Bảng kê thời gian thực tế thực hiện vụ việc (Mẫu TP-TGPL-16) và Bảng kê công việc thực hiện vụ việc (Mẫu TP-TGPL-17) ban hành kèm theo Thông tư 08/2017/TT-BTP ngày 15/11/2017 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý và hướng dẫn giấy tờ trong hoạt động trợ giúp pháp lý để bảo đảm thống nhất, đồng thời phù hợp với nội dung của Thông tư.
- Về chuyển tiếp: Đối với các hoạt động phát sinh trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực thì tiếp tục áp dụng quy định của Thông tư số 18/2013/TT-BTP ngày 20 tháng 11 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn cách tính thời gian thực hiện và thủ tục thanh toán chi phí thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý và Thông tư số 05/2017/TT-BTP ngày 20 tháng 4 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 18/2013/TT-BTP ngày 20 tháng 11 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn cách tính thời gian thực hiện và thủ tục thanh toán chi phí thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15 tháng 7 năm 2021.