Một số kết quả hoạt động trợ giúp pháp lý năm 2022

Thực hiện sự chỉ đạo của các cơ quan quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý năm 2022, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tích cực, chủ động triển khai các mặt hoạt động và đạt được một số kết quả quan trọng, góp phần làm nên thành công của hoạt động trợ giúp pháp lý trong toàn quốc.

I. Kết quả thực hiện
1. Theo dõi, hướng dẫn triển khai Luật TGPL năm 2017 và Đề án đổi mới công tác TGPL
Công tác TGPL ở địa phương tiếp tục được triển khai theo Luật TGPL năm 2017 và Đề án đổi mới công tác TGPL giai đoạn 2015 - 2025. Trong năm 2022, công tác TGPL ở các địa phương đã đạt được những kết quả như sau:
- Việc sắp xếp, kiện toàn bộ máy và đội ngũ người thực hiện TGPL được các Trung tâm quan tâm thực hiện. Tính đến 30/11/2022, cả nước có 56 Giám đốc Trung tâm, 07 Phó Giám đốc phụ trách và 69 Phó Giám đốc. Số lượng Chi nhánh trên toàn quốc là 99 Chi nhánh. Việc thực hiện rà soát các Chi nhánh được các địa phương thực hiện thường xuyên để kịp thời trình cấp có thẩm quyền giải thể, sáp nhập. Đến nay, hầu hết các Chi nhánh đều hoạt động thực chất, có hiệu quả, thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận, thực hiện vụ việc và phối hợp với cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan có liên quan tại địa bàn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Song song với việc sắp xếp, kiện toàn bộ máy, các Trung tâm cũng tích cực thực hiện công tác kiện toàn đội ngũ người thực hiện TGPL. Đến nay, 63 Trung tâm được giao 1.377 biên chế, số lượng người làm việc thực tế là 1.234 viên chức, người lao động, trong đó có 668 Trợ giúp viên pháp lý (dự kiến sắp tới sẽ bổ nhiệm 50 Trợ giúp viên pháp lý là những người đã đạt kết quả kiểm tra tập sự TGPL), 421 chuyên viên pháp lý (177 người đã qua đào tạo nghề luật sư, 244 chưa qua đào tạo nghề luật sư), 64 kế toán và 81 người làm việc khác; có 27 tổ chức ký hợp đồng thực hiện TGPL với Sở Tư pháp thực hiện TGPL; 169 tổ chức đăng ký tham gia TGPL; 607 Luật sư ký hợp đồng thực hiện TGPL với 57 Trung tâm; 38 Cộng tác viên ký Hợp đồng thực hiện TGPL với 04 Trung tâm. Việc sắp xếp, kiện toàn bộ máy, đội ngũ người thực hiện TGPL được các Trung tâm quan tâm thực hiện[1].
- Về kết quả thực hiện vụ việc TGPL: Trong năm 2022, số lượng các vụ việc tăng so với cùng kỳ năm 2021, cụ thể: số vụ việc thụ lý mới là 25.043 vụ việc (tăng 16%); số vụ việc thực hiện là 38.030 vụ việc (tăng 18%), trong đó số vụ việc tham gia tố tụng thực hiện là 32.081 vụ việc (tăng 16%); số vụ việc kết thúc là 22.453 vụ việc (tăng 22%), trong đó có 16.886 vụ việc tham gia tố tụng kết thúc (tăng 19%).
Chất lượng vụ việc TGPL ngày càng được nâng lên, đặc biệt là các vụ việc tham gia tố tụng. Nhiều vụ việc tham gia tố tụng được đánh giá là thành công theo tiêu chí được quy định tại Quyết định số 1179/QĐ-BTP ngày 16/5/2022 của Bộ Tư pháp (7.417 vụ việc)[2], có nhiều vụ án được tuyên mức án nhẹ hơn hoặc chuyển tội danh hay thay đổi khung hình phạt thấp hơn so với mức đề nghị của Viện kiểm sát nhân dân. Tỷ lệ vụ việc thành công ngày càng tăng, chiếm 37% tổng số vụ việc tham gia tố tụng[3], tăng 22% so với cùng kỳ năm 2021 (năm 2021 có 6.057 vụ việc thành công).
Việc thẩm định, đánh giá chất lượng vụ việc TGPL được các Trung tâm thực hiện theo quy định tại Thông tư số 12/2018/TT-BTP ngày 28/8/2018 hướng dẫn một số hoạt động nghiệp vụ TGPL và quản lý chất lượng vụ việc TGPL, theo báo cáo của các địa phương có 45 Sở Tư pháp thực hiện đánh giá chất lượng 1.786 vụ việc (đa số vụ việc được đánh giá chất lượng đạt chất lượng khá và tốt). Có 45 Trung tâm thẩm định chất lượng 7.826 vụ việc TGPL được thực hiện theo quy định của pháp luật, trong đó đa số vụ việc thẩm định đạt chất lượng tốt và khá.
- Việc thực hiện chỉ tiêu vụ việc tham gia tố tụng
Năm 2022, tính đến thời điểm báo cáo, có 646 Trợ giúp viên pháp lý được giao chỉ tiêu thực hiện vụ việc tham gia tố tụng. Trong đó có 637 Trợ giúp viên pháp lý hoàn thành chỉ tiêu, tương đương 98,6% (cụ thể: 62,2% tốt, 16,6% khá, 19,8% đạt), có 09 Trợ giúp viên pháp lý không đạt chỉ tiêu, tương đương 1,4%. So với năm 2021, tỷ lệ Trợ giúp viên pháp lý hoàn thành chỉ tiêu tăng 2,5% (từ 96,1% lên 98,6%), tỷ lệ Trợ giúp viên pháp lý không đạt chỉ tiêu giảm 2,5% (từ 3,9% xuống còn 1,4%).
Theo tổng hợp báo cáo của các Trung tâm về tình hình thực hiện chỉ tiêu vụ việc tham gia tố tụng của Trợ giúp viên pháp lý, năm 2022, 59 Trung tâm có 100% Trợ giúp viên pháp lý hoàn thành chỉ tiêu, trong đó có 14 Trung tâm có 100% Trợ giúp viên pháp lý hoàn thành chỉ tiêu tốt[4] (so với năm 2021, đã có thêm 02 Trung tâm có 100% Trợ giúp viên pháp lý hoàn thành chỉ tiêu tốt) và không còn Trung tâm nào dưới 50% Trợ giúp viên pháp lý hoàn thành chỉ tiêu.
Năm 2022, một số Trung tâm có trung bình số vụ việc/Trợ giúp viên pháp lý cao như: Lai Châu (86 vụ/TGVPL); Vĩnh Phúc (51 vụ/TGVPL), Nghệ An (48 vụ/TGVPL), Đắc Nông (46 vụ/TGVPL), Bắc Ninh (40 vụ/TGVPL), trong đó Lai Châu, Nghệ An là các tỉnh có các năm liên tiếp đạt bình quân số vụ việc/Trợ giúp viên pháp lý cao.
Mặc dù trong những tháng đầu năm 2022, việc thực hiện TGPL vẫn chịu ảnh hưởng, tác động từ dịch bệnh Covid-19 nhưng theo thời hạn báo cáo chỉ tiêu vụ việc tham gia tố tụng, trong năm 2022, các Trợ giúp viên pháp lý đã thực hiện được 17.266 vụ việc tham gia tố tụng (tăng 2.486 vụ so với năm trước, tương đương tăng 16,8%)[5], như vậy trung bình mỗi Trợ giúp viên pháp lý thực hiện khoảng 28,6 vụ tố tụng tăng 03 vụ/Trợ giúp viên pháp lý so với năm 2021 (năm 2021, trung bình mỗi Trợ giúp viên pháp lý thực hiện được 25,6 vụ/Trợ giúp viên pháp lý).
2. Hoạt động truyền thông về TGPL
Nhằm thúc đẩy công tác truyền thông TGPL đến với người dân, các Trung tâm đã có nhiều hoạt động truyền thông về TGPL theo nhiều phương thức khác nhau. Một số Trung tâm xây dựng Trang thông tin điện tử riêng về TGPL (Bình Định, Hải Phòng...). Đa số các Trung tâm phối hợp với các cơ quan đoàn thể (Hội Phụ nữ, Hội Nông dân,...) để giới thiệu thông tin về TGPL cho thành viên, hội viên của các tổ chức hoặc phối hợp với các Báo để đăng tải các câu chuyện pháp luật TGPL, hoạt động TGPL, giải đáp các vướng mắc về pháp luật mà người dân thường gặp; một số địa phương xây dựng chuyên mục câu chuyện TGPL trên báo địa phương. Một số Trung tâm thực hiện truyền thông theo chuyên đề TGPL cho các đối tượng đặc thù như người khuyết tật (Đồng Nai, Tuyên Quang), trẻ em; xây dựng chuyên mục “bạn và TGPL” trên đài phát thanh cấp huyện, phát thanh trên hệ thống truyền thanh công cộng xã, phường (Đồng Nai), thực hiện truyền thông về TGPL trong trường dân tộc nội trú (Tuyên Quang).
Nhìn chung, hoạt động truyền thông của địa phương đã có những đổi mới với nhiều phương thức phù hợp với nguồn kinh phí được cấp cũng như điều kiện thực tế tại địa phương.
3. Triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia
Trên cơ sở hướng dẫn của Trung ương, tại địa phương, các Sở Tư pháp đã lập dự toán đề nghị Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh bố trí kinh phí.
Đến nay, có 19 địa phương đã ban hành Kế hoạch thực hiện nội dung TGPL trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, 20 địa phương ban hành Kế hoạch thực hiện nội dung TGPL trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, 16 địa phương ban hành Kế hoạch triển khai nội dung TGPL trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Nhìn chung, các văn bản triển khai nội dung TGPL trong các Chương trình tại địa phương bám sát các nội dung về TGPL theo các công văn hướng dẫn của Bộ đảm bảo cụ thể, khả thi, phù hợp, không chồng chéo về đối tượng và nội dung hỗ trợ trên cùng địa bàn; xác định rõ đối tượng thụ hưởng, cơ quan có trách nhiệm thực hiện, cơ quan phối hợp thực hiện và lộ trình thời gian thực hiện, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc phối hợp triển khai.
Sở Tư pháp, Trung tâm chủ động phối hợp với Phòng Tư pháp các huyện, thị xã tổ chức các cuộc truyền thông về TGPL trên toàn tỉnh. Qua đó, giới thiệu về chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm, quyền và nghĩa vụ của người được TGPL, người thực hiện TGPL, một số nội dung pháp luật thiết yếu đến người dân, số điện thoại, địa chỉ liên hệ.... Xây dựng Chương trình phát thanh “TGPL với người dân” để phát đến tận thôn, xóm[6], phát phóng sự, tin bài về hoạt động TGPL trên Đài phát thanh và truyền hình tỉnh[7].
Qua theo dõi, một số địa phương đã lắp đặt mới, thay thế các Bảng thông tin, hộp tin TGPL tại trụ sở Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn. Biên soạn, in ấn cấp phát tờ rơi, tờ gấp về TGPL, tài liệu pháp luật phát miễn phí cho người dân nhằm giúp cho người dân, đặc biệt là những đối tượng đặc thù tại các vùng nông thôn thực hiện quyền được thụ hưởng chính sách TGPL miễn phí[8].
Bên cạnh đó, một số địa phương còn xây dựng tài liệu, tổ chức các hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, tập huấn điểm về kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác TGPL, tổ chức chuyên đề TGPL kết nối cộng đồng. Từ đó, nâng cao năng lực, kiến thức, hiểu biết điểm hoặc luân phiên theo địa bàn về TGPL cho những người có uy tín trong cộng đồng và đội ngũ cán bộ ở cơ sở (công an xã, công chức tư pháp hộ tịch,...), tổ chức, đoàn thể của cấp xã để kịp thời giải thích cho người dân về quyền được TGPL, hướng dẫn người thuộc diện TGPL liên hệ với tổ chức thực hiện TGPL/người thực hiện TGPL tại địa phương[9].
4. Công tác phối hợp TGPL trong tố tụng và công tác phối hợp với các cơ quan, tổ chức khác
Sở Tư pháp đã phát huy vai trò là cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng tại địa phương xây dựng Kế hoạch hoạt động của Hội đồng; xây dựng kế hoạch kiểm tra và tổ chức kiểm tra tại địa bàn cấp huyện.
Có thể khẳng định công tác phối hợp giữa Trung tâm với các cơ quan tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng về TGPL ngày càng chặt chẽ và đạt hiệu quả. Theo báo cáo số liệu thống kê cho thấy, hiện nay việc lắp đặt, kiểm tra, thay thế Bảng thông tin về TGPL, Tờ thông tin về TGPL, Hộp tin TGPL, tờ gấp pháp luật tại trụ sở các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng ở cấp tỉnh, cấp huyện, cơ sở giam giữ và trại giam được thực hiện đồng bộ ở tất cả các địa phương trong cả nước. Ngoài ra, để kịp thời trong việc tiếp nhận thông tin vụ việc TGPL, thông tin của người được TGPL từ các cơ quan tiến hành tố tụng, Trung tâm cung cấp danh sách, số điện thoại của Trợ giúp viên pháp lý, luật sư ký hợp đồng với Trung tâm và người thực hiện TGPL khác cho các cơ quan tiến hành tố tụng ở cấp tỉnh, cấp huyện, cơ sở giam giữ và trại giam khi phát hiện các vụ việc có đối tượng TGPL thì cơ quan tiến hành tố tụng liên hệ với Trung tâm để thực hiện TGPL kịp thời. Danh sách tổ chức thực hiện TGPL, người thực hiện TGPL cũng được đăng tải trên Trang thông tin điện tử của địa phương và Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp để người dân có thể liên lạc, lựa chọn tổ chức thực hiện TGPL, người thực hiện TGPL có uy tín khi có nhu cầu được TGPL.
Đa số các cơ quan tiến hành tố tụng đã nghiêm túc thực hiện việc giải thích, thông báo, thông tin về TGPL theo quy định. Khi phát hiện có người  thuộc diện TGPL đã thông báo cho Trung tâm để Trung tâm xác minh nếu đúng diện người được TGPL thì cử Trợ giúp viên pháp lý hoặc luật sư ký kết hợp đồng với Trung tâm tham gia bào chữa hoặc đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được TGPL.
Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng ở địa phương đều xây dựng Kế hoạch kiểm tra công tác phối hợp tại địa phương và thực hiện việc kiểm tra trực tiếp tại các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ sở giam giữ, trại giam ở địa phương theo đúng tiến độ đề ra. Trên cơ sở đó, Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL địa phương kịp thời nắm bắt công tác phối hợp, giải đáp vướng mắc trong quá trình triển khai phối hợp.
Trong năm 2022, tổng số người bị buộc tội, người bị hại, đương sự trong vụ án, vụ việc do các cơ quan tiến hành tố tụng thụ lý tiếp nhận là 476.178 người, trong đó người thuộc diện được TGPL là 34.071 người (chiếm 7,1%) và tổng số lượt người được TGPL (người có yêu cầu TGPL) là 13.025 người (chiếm 2,7%). Cụ thể:
+ Cơ quan công an thụ lý tiếp nhận là 132.784 người, trong đó người thuộc diện được TGPL là 12.981 người và tổng số lượt người được TGPL là 10.977 người.
+ Viện kiểm sát nhân dân thụ lý tiếp nhận là 140.482 người, trong đó người thuộc diện được TGPL là 3.951 người và tổng số lượt người được TGPL là 789 người.
+ Tòa án nhân dân thụ lý tiếp nhận là 346.558 người, trong đó người thuộc diện được TGPL là 107.202 người và tổng số lượt người được TGPL là 3.450 người.
- Việc thực hiện Chương trình phối hợp giữa Bộ Tư pháp và Tòa án nhân dân tối cao về người thực hiện TGPL trực tại Tòa án
Tính đến ngày 26/12/2022, có 39 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành kế hoạch triển khai Chương trình phối hợp về người thực hiện TGPL trực tại Tòa án hoặc ký kết Chương trình giữa Sở Tư pháp và Tòa án nhân dân cấp tỉnh. Ở một số địa phương, trụ sở Tòa án nhân dân chưa bảo đảm về cơ sở vật chất để bố trí người thực hiện TGPL trực tại Tòa hoặc Trung tâm chưa có đủ nguồn nhân lực để bố trí trực thì Tòa án thông báo cho Trung tâm các thông tin về người thuộc diện TGPL qua điện thoại. Việc trực tại trụ sở Toà án được một số địa phương triển khai có hiệu quả[10].
Một số địa phương Sở Tư pháp đã chủ động ký kết Quy chế phối hợp với Công an tỉnh ban hành Chương trình/quy chế trực kết nối trong tố tụng hình sự (Quảng Trị, Bạc Liêu, Cần Thơ, Ninh Thuận, Tuyên Quang...).
- Việc chuẩn bị cơ sở vật chất và các điều kiện cần thiết để thực hiện Thông tư liên tịch số 05/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP, ngày 15/12/2021 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành tổ chức phiên tòa trực tuyến (Thông tư liên tịch số 05/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP) và Công văn số 546/BTP-TGPL ngày 25/02/2022
Thực hiện Thông tư liên tịch số 05/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP, Trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện TGPL của Trung tâm cũng như người bị hại, đương sự là người được TGPL thuận lợi hơn trong việc tham gia phiên toà trực tuyến, kịp thời bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Để triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 05/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP, Bộ Tư pháp đã có văn bản gửi Ủy ban nhân dân, Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đề nghị bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị cho Trung tâm tham gia tổ chức phiên tòa trực tuyến. Đến nay đã có 41 tỉnh lập dự toán kinh phí gửi Sở Tài chính, 22 Trung tâm tham gia phiên tòa xét xử trực tuyến, 11 tỉnh có phòng họp riêng (Cao Bằng, Thái Nguyên, Hà Nam, Tiền Giang, Tuyên Quang, Cà Mau, Nam Định, Hải Dương, Trà Vinh, Bình Thuận, Hoà Bình) và có 2 tỉnh được trang bị cơ sở thiết bị tham gia phiên toà trực tuyến (Hà Nam, Thái Nguyên).
Bên cạnh hoạt động phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng được đẩy mạnh, công tác phối hợp với các cơ quan, tổ chức khác trên địa bàn tỉnh cũng được các Trung tâm triển khai hiệu quả. Các Trung tâm đã phối hợp với Đoàn luật sư ở địa phương, các tổ chức như Hội Luật gia; Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Mặt trận Tổ quốc... để thực hiện truyền thông về TGPL hoặc giới thiệu hội viên đến Trung tâm.
5. Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động TGPL
Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động TGPL được 100% các Trung tâm thực hiện. Các Trung tâm thường xuyên cập nhật thông tin về tổ chức và hoạt động TGPL lên Hệ thống phần mềm quản lý tổ chức và hoạt động về TGPL, đồng thời, thực hiện trích xuất các thống kê, báo cáo phục vụ cho công tác quản lý, theo dõi và hoạt động TGPL của Trung tâm. Để nâng cao hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động TGPL của đơn vị, nhiều Trung tâm đã ban hành các văn bản đôn đốc, chỉ đạo, hướng dẫn việc cập nhật thông tin lên Hệ thống quản lý tổ chức và hoạt động về TGPL.
II. Đánh giá chung
Trong năm 2022, hệ thống TGPL đã bám sát chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm túc các chương trình, kế hoạch công tác phù hợp với bối cảnh tình hình chung của cả nước và của từng địa phương. Công tác TGPL đạt được nhiều dấu mốc nổi bật về vai trò, tính chuyên nghiệp, hiệu quả: Lần đầu tiên Nghị quyết Trung ương số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 về "Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới” giao nhiệm vụ về TGPL. Năm 2022 cũng là năm đầu tiên nội dung TGPL đã được triển khai đồng bộ trong tất cả Chương trình mục tiêu quốc gia: về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 và Bộ Tư pháp đã ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện thể hiện vai trò tích cực trong an sinh và phát triển kinh tế xã hội. Lần đầu có chức danh trợ giúp viên pháp lý hạng I trong Thông tư số 05/2022/TT-BTP ngày 05/9/2022 (đây là lần đầu tiên trong các chức danh viên chức sự nghiệp thuộc ngành tư pháp quản lý có chức danh nghề nghiệp viên chức hạng I) đã khẳng định vị trí, vai trò, tính chuyên nghiệp của Trợ giúp viên pháp lý trong hệ thống chức danh nghề nghiệp viên chức. Lần đầu người thực hiện TGPL trực tại Tòa án trong phạm vi toàn quốc theo Chương trình phối hợp 1603/CTPH-BTP-TANDTC ngày 19/5/2022 của Bộ Tư pháp và Tòa án nhân dân tối cao. Chương trình phối hợp người thực hiện TGPL trực tại Tòa án được thực hiện sẽ giúp nâng cao hiệu quả hoạt động, bảo đảm tiếp cận và thụ hưởng TGPL kịp thời trong tố tụng cho người bị buộc tội, bị hại, đương sự thuộc diện được TGPL, hạn chế việc người dân thuộc diện TGPL bị bỏ lỡ cơ hội được nhận dịch vụ pháp lý miễn phí.
Các địa phương đã chủ động, tích cực hơn trong việc triển khai các mặt công tác, đáp ứng tốt hơn nhu cầu TGPL của người dân ở địa phương, góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương.
1. Những thuận lợi
Cùng với định hướng, chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, sự quan tâm, chỉ đạo, tạo điều kiện của Sở Tư pháp và với sự nỗ lực, quyết tâm cao của các Trung tâm nên công tác TGPL năm 2022 các địa phương trong toàn quốc đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận; số lượng Trợ giúp viên pháp lý tăng mặc dù tổng số biên chế giảm; số lượng, chất lượng vụ việc thực hiện TGPL tăng so với năm 2021. Tổ chức bộ máy của Trung tâm được sắp xếp, kiện toàn bảo đảm hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ.
Hoạt động truyền thông được thực hiện linh hoạt và sáng tạo thu hút được sự quan tâm của người dân trên địa bàn và nhận được sự đánh giá cao của các cơ quan, tổ chức tại địa phương. Hoạt động phối hợp với các cơ quan, tổ chức trên địa bàn về TGPL nói chung và đặc biệt là phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong hoạt động tố tụng đã có nhiều chuyển biến. Qua đó đã khẳng định được vị trí, vai trò của Trợ giúp viên pháp lý cũng như vị thế của Trung tâm ngày càng được nâng lên.
2. Những tồn tại, hạn chế
Bên cạnh những kết quả đạt được trong năm 2022, công tác TGPL vẫn còn có những tồn tại, hạn chế, cụ thể:
- Về phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan, tổ chức khác trên địa bàn: Một số cơ quan tiến hành tố tụng chưa thực hiện nghiêm túc trách nhiệm của mình. Có nơi, nhận thức của các cơ quan, ban ngành khác tại địa phương chưa thật sự đúng và đầy đủ, chưa hiểu hết tầm quan trọng của hoạt động TGPL. Ở một số địa phương, các ngành thành viên của Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng chưa chủ động bố trí kinh phí để thực hiện các hoạt động theo quy đ`x`ịnh tại Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC (Ninh Bình, Nghệ An, Ninh Thuận, Bình Thuận...).
- Về số lượng Trợ giúp viên pháp lý: Mặc dù số lượng Trợ giúp viên pháp lý tăng nhưng so với nhu cầu về TGPL của người dân ngày càng tăng cho thấy số lượng TGVPL còn mỏng. Đặc biệt, hiện nay ở một số địa phương số lượng Trợ giúp viên pháp lý có rất ít[11], điều này gây khó khăn không nhỏ cho hoạt động thực hiện vụ việc TGPL trên địa bàn nhất là đối với các tỉnh miền núi.
- Về kinh phí: Nhiều địa phương kinh phí cấp cho Trung tâm hạn chế nên không đủ để triển khai hoạt động của Trung tâm; kinh phí nghiệp vụ được cấp ít, không đủ chi trả vụ việc TGPL (Nghệ An, Đắc Nông, Quảng Ngãi, Đắk Lắk…), kinh phí truyền thông không bảo đảm truyền thông đến tất cả các xã,…
 

[1] Đến nay, cả nước có 1234 viên chức, người lao động (tăng 01  người so với cùng kỳ năm 2021), trong đó có 668  trợ giúp viên pháp lý (tăng 02 người so với cùng kỳ năm 2021), chưa tính 64 người đã đạt kết quả trong kỳ kiểm tra kết quả tập sự TGPL năm 2022 đang được thực hiện thủ tục bổ nhiệm trợ giúp viên pháp lý; có 27 tổ chức ký hợp đồng với 09 Sở Tư pháp thực hiện TGPL; 169 tổ chức đăng ký tham gia TGPL với 21 Sở Tư pháp; 607 Luật sư ký hợp đồng thực hiện TGPL với 57 Trung tâm (Trung tâm Lai Châu, Hà Nội, Nam Định, Bắc Ninh, Nghệ An, Cà Mau chưa ký hợp đồng với Luật sư); 38 Cộng tác viên ký Hợp đồng với 4 Trung tâm (An Giang: 12 CTV, Bắc Kạn: 06 CTV, Đồng Tháp: 13 CTV, Sơn La: 07 CTV).
[2] Theo Báo cáo vụ việc TGPL tố tụng thành công của 63 Trung tâm tính từ 01/11/2021 đến 31/10/2022.
[3] Tính trên tổng số 19.662 vụ việc tham gia tố tụng kết thúc của 63 Trung tâm từ 01/11/2021 đến 31/10/2022.
[4] An Giang, Hà Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Điện Biên, Hà Nam, Lai Châu, Sóc Trăng, Sơn La, Trà Vinh, Vĩnh Long, Bắc Ninh, Đắc Nông, Gia Lai.
[5] Năm 2021, các Trợ giúp viên pháp lý đã thực hiện được 14.780 vụ việc tham gia tố tụng.
[6] Hà Tĩnh.
[7] Lai Châu, Nam Định.
[8] Hà Tĩnh, Lai Châu, Vĩnh Phúc, Nam Định, Thanh Hoá, Bắc Kạn.
[9] Lạng Sơn, Thanh Hoá, Bắc Kạn, Lai Châu.
[10] Tại Ninh Bình, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận TGPL của người dân, Tòa án đã thống nhất hỗ trợ Trung tâm bố trí bàn trực TGPL đặt bên cạnh bàn tiếp nhận khởi kiện, yêu cầu tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh. Trung tâm cử người thực hiện TGPL hoặc chuyên viên trực trong giờ hành chính (3 buổi/tuần). Tại Tây Ninh, Sở Tư pháp và Tòa án nhân dân tỉnh đã tổ chức ký kết Kế hoạch liên tịch về người thực hiện TGPL trực tại Tòa án nhân dân 02 cấp trên địa bàn tỉnh. Tại Ninh Thuận, Trung tâm đã cử viên chức trực tại Tòa án 02 huyện. Tại Kiên Giang, Trung tâm đã cử người thực hiện TGPL trực tại tòa án nhân dân tỉnh.
 
[11]Đà Nẵng 03, Kon Tum: 02, Sóc Trăng 04, Lai Châu 04, Sơn La: 05