1. Về lựa chọn, ký hợp đồng với luật sư, cộng tác viên trợ giúp pháp lý, tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật
Thông tư đã rút ngắn thời gian đánh giá hồ sơ của tổ chức, cá nhân ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý từ 15 ngày xuống còn 10 ngày kể từ ngày hết hạn nộp hồ sơ. Ngoài ra, Thông tư bổ sung thời hạn kéo dài thời gian ký hợp đồng với cộng tác viên trợ giúp pháp lý trong trường hợp có lý do chính đáng không quá 35 ngày kể từ ngày được cấp thẻ. Đồng thời, bổ sung thời hạn luật sư, tổ chức ký hợp đồng với Trung tâm, Sở Tư pháp là không quá 15 ngày kể từ ngày nhận được thông báo trong trường hợp có lý do chính đáng.
Để đa dạng hóa các hình thức nộp hồ sơ của luật sư đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và giảm thiểu thủ tục hành chính trong công tác trợ giúp pháp lý, Thông tư bổ sung thêm quy định: “Trường hợp hồ sơ được gửi qua thư điện tử thì thời điểm nộp hồ sơ là thời điểm hồ sơ đã gửi đến thư điện tử của Trung tâm. Nếu thời điểm hồ sơ gửi đến thư điện tử của Trung tâm ngoài giờ hành chính thì thời điểm nộp được tính là thời điểm bắt đầu từ ngày, giờ hành chính kế tiếp”. Thông tư cũng quy định nội dung này khi tổ chức nộp hồ sơ để lựa chọn, ký hợp đồng với Sở Tư pháp, cụ thể: “Trường hợp hồ sơ được gửi qua thư điện tử thì thời điểm nộp hồ sơ là thời điểm hồ sơ đã gửi đến thư điện tử của Sở Tư pháp. Nếu thời điểm nộp hồ sơ qua thư điện tử ngoài giờ hành chính thì thời điểm nộp được tính là thời điểm bắt đầu từ ngày, giờ hành chính kế tiếp”.
Một trong những điểm mới đáng chú ý của Thông tư là bỏ quy định về phụ lục hợp đồng để tạo điều kiện thuận lợi cho luật sư, tổ chức trong quá trình ký hợp đồng thực hiện TGPL, tránh hình thức như hiện nay.
2. Về thay đổi người hướng dẫn tập sự và sửa đổi thời gian kiểm tra viết
Đây là một điều mới được quy định trong Thông tư nhằm tạo cơ chế để người tập sự có quyền yêu cầu thay đổi người hướng dẫn tập sự trong các trường hợp: người hướng dẫn tập sự chết, ốm đau, tai nạn, thôi việc, chuyển công tác... Thông tư bổ sung quy định về thay đổi người hướng dẫn tập sự cho phù hợp với thực tế, đồng thời cũng tương đồng với các ngành nghề cung cấp dịch vụ pháp lý khác như công chứng, luật sư.... Đồng thời, sửa đổi thời gian kiểm tra viết từ 120 phút lên 180 phút trong việc kiểm tra kết quả tập sự trợ giúp pháp lý cho tương đồng với thời gian của bài kiểm tra viết về các kỹ năng hành nghề của luật sư trong kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư.
3. Về giấy tờ chứng minh người thuộc diện trợ giúp pháp lý
Để phù hợp với quy định của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 09/12/2020, Thông tư đã bổ sung điểm e vào khoản 1 Điểu 33 như sau: “Kỷ niệm chương tổ quốc ghi công đối với người có công giúp đỡ cách mạng, Giấy chứng nhận người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945, Giấy người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, Huân chương Chiến thắng, Huy chương Chiến thắng”.
4. Về nghĩa vụ tham gia tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng bắt buộc của Trợ giúp viên pháp lý
Nhằm bảo đảm vấn đề bình đẳng giới của đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý, trong đó có trợ giúp viên pháp là nữ không phải tham gia tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng bắt buộc trong trường hợp họ đang nuôi con từ 6 tháng tuổi đến dưới 12 tháng tuổi. Thông tư bổ sung thêm quy định: “Trợ giúp viên pháp lý là nữ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, các trường hợp quy định tại khoản 4, khoản 6 Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội”. Quy định này được xem là một chính sách tiến bộ, có lợi cho phụ nữ, người đang trực tiếp nuôi con nhỏ và trẻ em.
5. Về thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền về trợ giúp pháp lý ở Trung ương
Đây là một điều mới được quy định trong Thông tư nhằm quy định rõ “cơ quan có thẩm quyền về trợ giúp pháp lý ở Trung ương”, cụ thể như sau:
“Trung tâm thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý theo yêu cầu của Cục Trợ giúp pháp lý đối với các vụ việc không phụ thuộc vào nơi cư trú của người được trợ giúp pháp lý hoặc nơi xảy ra vụ việc trợ giúp pháp lý.
Việc thụ lý vụ việc trợ giúp pháp lý trong trường hợp này thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Trợ giúp pháp lý”.
6. Về quản lý, cập nhật, lưu trữ, khai thác hồ sơ điện tử về trợ giúp pháp lý
Đây là một điều mới được quy định trong Thông tư nhằm cụ thể hóa các quy định của Luật TGPL năm 2017 và làm rõ hơn yêu cầu về việc cập nhật hồ sơ điện tử bao gồm hồ sơ tổ chức, nhân sự, vụ việc trợ giúp pháp lý.
“Điều 11a. Quản lý, cập nhật, khai thác hồ sơ điện tử về vụ việc trợ giúp pháp lý, dữ liệu về tổ chức, nhân sự trợ giúp pháp lý trên Hệ thống quản lý tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý
1. Cục Trợ giúp pháp lý có trách nhiệm:
a) Quản lý, hướng dẫn, khai thác, kiểm tra hồ sơ điện tử về vụ việc trợ giúp pháp lý, dữ liệu về tổ chức, nhân sự trợ giúp pháp lý trong phạm vi toàn quốc;
b) Quản lý, cấp phát, thu hồi tài khoản trên Hệ thống quản lý tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý trong phạm vi thẩm quyền;
c) Thực hiện thống kê, báo cáo định kỳ theo thời hạn quy định tại Thông tư của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định về hoạt động thống kê của Ngành Tư pháp và Thông tư này trên Hệ thống quản lý tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý.
2. Sở Tư pháp có trách nhiệm cập nhật kịp thời, chính xác, đầy đủ dữ liệu về tổ chức, nhân sự của tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý; quản lý, khai thác, bảo mật dữ liệu trên Hệ thống quản lý tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý trong phạm vi thẩm quyền; thực hiện quy định tại điểm b, c khoản 1 Điều này.
3. Trung tâm có trách nhiệm cập nhật kịp thời, chính xác, đầy đủ hồ sơ điện tử về vụ việc trợ giúp pháp lý, dữ liệu về tổ chức, nhân sự của Trung tâm trên Hệ thống quản lý tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý; quản lý, khai thác, bảo mật dữ liệu trên Hệ thống quản lý tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý trong phạm vi thẩm quyền; thực hiện quy định tại điểm b, c khoản 1 Điều này.
4. Tổ chức tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý có trách nhiệm quản lý, cập nhật, khai thác, bảo mật hồ sơ điện tử về vụ việc trợ giúp pháp lý và chịu trách nhiệm về tính chính xác, đầy đủ của dữ liệu do mình cập nhật.
5. Người thực hiện trợ giúp pháp lý có trách nhiệm:
a) Quản lý, cập nhật, khai thác, bảo mật hồ sơ điện tử về vụ việc trợ giúp pháp lý và chịu trách nhiệm về tính chính xác, đầy đủ của dữ liệu do mình cập nhật;
b) Bàn giao lại tài khoản cho tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý trong trường hợp chấm dứt quyền, trách nhiệm cập nhật, quản lý, khai thác dữ liệu trên Hệ thống quản lý tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý.”
7. Về Quản lý, cấp, cấp lại phôi thẻ trợ giúp viên pháp lý và phôi thẻ cộng tác viên trợ giúp pháp lý
Đây là một điều mới được quy định trong Thông tư, quy định nhằm bảo đảm được tính thống nhất về mẫu hóa trong toàn quốc, bảo đảm tính hiệu quả, tiết kiệm tránh trường hợp từng địa phương một được tự in ấn gây lãng phí, khó thống nhất mẫu chung. Cụ thể như sau:
“Cục Trợ giúp pháp lý thống nhất quản lý, cấp, cấp lại phôi thẻ trợ giúp viên pháp lý và phôi thẻ cộng tác viên trợ giúp pháp lý trong toàn quốc.
Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị hợp lệ của Sở Tư pháp, Trung tâm về việc cấp, cấp lại phôi thẻ trợ giúp viên pháp lý và phôi thẻ cộng tác viên trợ giúp pháp lý, Cục Trợ giúp pháp lý thực hiện việc cấp, cấp lại phôi thẻ trợ giúp viên pháp lý và phôi thẻ cộng tác viên trợ giúp pháp lý”.
8. Về trách nhiệm thẩm định, đánh giá chất lượng, hiệu quả vụ việc trợ giúp pháp lý
Thông tư bổ sung trách nhiệm của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý trong việc đánh giá hiệu quả vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng để xác định vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công. Việc xác định vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công căn cứ vào tiêu chí hướng dẫn của Bộ Tư pháp. Đồng thời quy định rõ việc thẩm định chất lượng vụ việc trên cơ sở yêu cầu thực tiễn và các tiêu chí quy định tại Điều 16 Thông tư này. Kết quả thẩm định chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý và kết quả xác định vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công được thể hiện bằng văn bản và lưu hồ sơ vụ việc trợ giúp pháp lý.
Ngoài ra, Thông tư còn hoàn thiện, bổ sung trách nhiệm của Sở Tư pháp, Cục Trợ giúp pháp lý - Bộ Tư pháp trong việc thực hiện quản lý và tổ chức đánh giá chất lượng vụ việc tham gia tố tụng, chất lượng vụ việc đại diện ngoài tố tụng, hiệu quả vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng để xác định vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công, cụ thể như sau:
“Sở Tư pháp có trách nhiệm quản lý và tổ chức đánh giá chất lượng vụ việc tham gia tố tụng, chất lượng vụ việc đại diện ngoài tố tụng, đánh giá hiệu quả vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng để xác định vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công của các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý trong phạm vi địa phương. Việc đánh giá chất lượng, hiệu quả vụ việc dựa trên một trong các căn cứ sau đây:
a) Theo chương trình, kế hoạch đánh giá chất lượng, hiệu quả vụ việc trợ giúp pháp lý;
b) Vụ việc đã được tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý thẩm định chất lượng, đánh giá hiệu quả bị phản ánh, kiến nghị với Sở Tư pháp vì cho rằng vụ việc trợ giúp pháp lý chưa bảo đảm chất lượng, hiệu quả;
c) Các vụ việc khác để phục vụ công tác quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý tại địa phương.
3. Cục Trợ giúp pháp lý - Bộ Tư pháp có trách nhiệm giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp thực hiện quản lý và tổ chức đánh giá chất lượng vụ việc tham gia tố tụng, vụ việc đại diện ngoài tố tụng, hiệu quả vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng để xác định vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công của các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý trong phạm vi toàn quốc. Việc đánh giá chất lượng, hiệu quả vụ việc dựa trên một trong các căn cứ sau đây:
a) Theo chương trình, kế hoạch đánh giá chất lượng, hiệu quả vụ việc trợ giúp pháp lý;
b) Qua hoạt động theo dõi, kiểm tra hoạt động thẩm định, đánh giá chất lượng, hiệu quả vụ việc trợ giúp pháp lý của địa phương;
c) Các vụ việc khác để phục vụ công tác quản lý nhà nước và quản lý chuyên ngành về trợ giúp pháp lý”.
9. Trách nhiệm thông tin, giới thiệu về trợ giúp pháp lý của Phòng Tư pháp và Ủy ban nhân dân cấp xã
Đây là một quy định mới trong Thông tư, theo đó quy định Phòng Tư pháp, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm giải thích quyền được trợ giúp pháp lý và giới thiệu đến Trung tâm. Trường hợp người thuộc diện được trợ giúp pháp lý là người bị buộc tội, bị hại, đương sự trong các vụ việc tham gia tố tụng cư trú trên địa bàn thì Ủy ban nhân dân cấp xã giới thiệu theo mẫu được ban hành kèm theo Thông tư này.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 7 năm 2021.
Chi tiết vui lòng xem ở tệp đính kèm