Bàn về nâng cao chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý thành công, hiệu quả trong thời gian tới
Ngược dòng thời gian gần 25 năm về trước, tại kỳ họp lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá VIII ngày 18/6/1997, lần đầu tiên trong Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã chỉ đạo triển khai công tác TGPL theo hướng: “tổ chức hình thức tư vấn pháp luật cho các cơ quan tổ chức và nhân dân, tạo điều kiện cho người nghèo được hưởng dịch vụ tư vấn pháp luật miễn phí”. Đây là cơ sở chính trị - pháp lý quan trọng, tiếp tục khẳng định quyết tâm của Đảng trong việc bảo đảm quyền được tiếp cận pháp luật của người nghèo. Do đó, nhằm cụ thể hoá chủ trương này, ngày 06/9/1997, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 734/TTg về việc thành lập Tổ chức trợ giúp pháp lý (TGPL) cho người nghèo và đối tượng chính sách.
I. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN VỤ VIỆC TRỢ GIÚP PHÁP LÝ THAM GIA TỐ TỤNG THÀNH CÔNG, HIỆU QUẢ TRONG THỜI GIAN QUA
1. Khái quát về căn cứ, cơ sở pháp lý
Ngược dòng thời gian gần 25 năm về trước, tại kỳ họp lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá VIII ngày 18/6/1997, lần đầu tiên trong Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã chỉ đạo triển khai công tác TGPL theo hướng: “tổ chức hình thức tư vấn pháp luật cho các cơ quan tổ chức và nhân dân, tạo điều kiện cho người nghèo được hưởng dịch vụ tư vấn pháp luật miễn phí”. Đây là cơ sở chính trị - pháp lý quan trọng, tiếp tục khẳng định quyết tâm của Đảng trong việc bảo đảm quyền được tiếp cận pháp luật của người nghèo. Do đó, nhằm cụ thể hoá chủ trương này, ngày 06/9/1997, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 734/TTg về việc thành lập Tổ chức trợ giúp pháp lý (TGPL) cho người nghèo và đối tượng chính sách.
Trải qua gần 25 năm hình thành và phát triển, thể chế về TGPL ngày càng hoàn thiện và phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của đất nước ở từng thời kì và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Đặc biệt, giai đoạn triển khai Đề án đổi mới công tác TGPL 2015-2025 và Luật TGPL năm 2017 đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Nhằm nâng cao chất lượng vụ việc TGPL tham gia tố tụng, Cục Trợ giúp pháp lý - Bộ Tư pháp đã ban hành văn bản[1] hướng dẫn về tiêu chí vụ việc tham gia tố tụng thành công, hiệu quả và thống kê vụ việc TGPL tham gia tố tụng thành công, hiệu quả. Ngày 25/5/2021, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 03/2021/TT-BTP, theo đó, bổ sung trách nhiệm của tổ chức thực hiện TGPL trong việc đánh giá hiệu quả vụ việc TGPL tham gia tố tụng để xác định vụ việc TGPL tham gia tố tụng thành công. Đồng thời quy định rõ việc thẩm định chất lượng vụ việc trên cơ sở yêu cầu thực tiễn và các tiêu chí quy định tại Điều 16 Thông tư này. Ngoài ra, Thông tư còn hoàn thiện, bổ sung trách nhiệm của Sở Tư pháp, Cục TGPL - Bộ Tư pháp trong việc thực hiện quản lý và tổ chức đánh giá chất lượng vụ việc tham gia tố tụng, chất lượng vụ việc đại diện ngoài tố tụng, hiệu quả vụ việc TGPL tham gia tố tụng để xác định vụ việc TGPL tham gia tố tụng thành công.
2. Tình hình thực hiện vụ việc TGPL tham gia tố tụng thành công, hiệu quả trong thời gian qua
Theo số liệu thống kê, từ năm 2018 đến năm 2021, toàn quốc thực hiện được: 135.051 vụ việc TGPL, trong đó có 59.422 vụ việc TGPL tham gia tố tụng (chiếm 44% tổng số vụ việc); 74.375 vụ việc TGPL tư vấn pháp luật; 1.254 vụ việc TGPL đại diện ngoài tố tụng. Số vụ việc tham gia tố tụng tăng dần theo các năm (năm 2018:11.860 vụ việc, năm 2019: 13.428 vụ việc, năm 2020: 16.168 vụ việc, năm 2021: 17.966 vụ việc)
Theo báo cáo của các Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, từ ngày 01/01/2018 đến 31/12/2021, toàn quốc đã có 16.441 vụ việc tham gia tố tụng thành công, hiệu quả (chiếm 27 % tổng vụ việc TGPL tham gia tố tụng), trong đó: chia theo địa điểm: Trung tâm TGPL nhà nước thực hiện 13.203 vụ việc, Chi nhánh Trung tâm TGPL nhà nước thực hiện 3.238 vụ việc; chia theo người thực hiện: Trợ giúp viên pháp lý thực hiện 13.808 vụ việc, Luật sư ký hợp đồng thực hiện TGPL thực hiện 2.633 vụ việc. Một số Trung tâm TGPL nhà nước có số vụ việc TGPL tham gia tố tụng thành công, hiệu quả cao như: Điện Biên: 1.040 vụ việc; Nghệ An: 1.038 vụ việc; Đắk Lắk: 719 vụ việc; TP Hồ Chí Minh: 613 vụ việc; TP Hà Nội: 553 vụ việc. Bên cạnh đó, một số Trung tâm TGPL nhà nước có số vụ việc TGPL tham gia tố tụng thành công, hiệu quả thấp như: Bình Định: 19 vụ việc; Hà Nam: 24 vụ việc; Trà Vinh: 50 vụ việc; Tiền Giang chưa có vụ việc TGPL tham gia tố tụng thành công, hiệu quả.
3. Đánh giá kết quả thực hiện vụ việc TGPL tham gia tố tụng thành công, hiệu quả
Qua số liệu thống kê từ ngày 01/01/2018 đến 31/12/2021, có thể thấy, số vụ việc TGPL tham gia tố tụng thành công, hiệu quả ngày càng tăng. Chất lượng dịch vụ TGPL đã có nhiều cải thiện rõ rệt. Nhiều vụ việc tham gia tố tụng do người thực hiện TGPL thực hiện đạt hiệu quả, có nhiều vụ án được tuyên mức án nhẹ hơn hoặc chuyển tội danh hay thay đổi khung hình phạt thấp hơn so với mức đề nghị của Viện kiểm sát nhân dân, thậm chí có những vụ việc được tuyên trắng án, qua đó bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được TGPL. Một số vụ việc tham gia tố tụng thành công, hiệu quả điển hình có thể kể đến như sau:
- Vụ việc tại Bắc Ninh: Tại bản cáo trạng, VKS tỉnh đã truy tố bị cáo H.N.Q về tội “Giết người” theo điểm g, khoản 1 Điều 123 BLHS, xử phạt 7 năm đến 8 năm tù và tội “cướp tài sản” theo điểm d, khoản 2, Điều 168 BLHS, xử phạt từ 04 năm đến 05 năm tù, tổng hợp hình phạt buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt chung cho cả hai tội từ 11 đến 13 năm tù. Trợ giúp viên pháp lý đưa ra những lập luận sắc bén, thuyết phục. Cuối cùng, Hội đồng xét xử tuyên bị cáo H.N.Q phạm tội “Cướp tài sản”, không phạm tội “Giết người”. Trợ giúp viên pháp lý đã bào chữa giúp chuyển tội danh cho bị cáo.
- Vụ việc tại Hà Nội: Do thiếu hiểu biết nên Ông Đ là người khiếm thị, gần 70 tuổi vay 200 triệu đồng, ký hợp đồng ủy quyền cho người cho vay với nội dung là trong vòng 20 tháng mà ông không trả số tiền đã vay thì người cho vay toàn quyền định đoạt đối với mảnh đất của ông. Sau 20 tháng ông Đ không trả được tiền vay, người vay đã bán đất của ông. Trung tâm TGPL Hà Nội đã tìm được người đứng tên sở hữu đất. Trợ giúp viên pháp lý thực hiện vụ việc khẳng định việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất là trái với văn bản cam kết và việc ký hợp đồng công chứng chuyển nhượng đất là chưa đúng pháp luật nên đã mời các bên đến phân tích và tiến hành hòa giải. Sau buổi hòa giải người mua đất đã nhất trí ký các giấy tờ để chuyển lại tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Đ.
- Vụ việc tại Ninh Thuận: Bản Cáo trạng số 05/CT-VKSBA-HS ngày 03/7/2019 của Viện Kiểm sát nhân dân huyện Bác Ái truy tố Đ. về tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” theo khoản 1 Điều 232 BLHS 2015. Khi được phân công bào chữa cho bị cáo, Trợ giúp viên pháp lý đã nghiên cứu toàn diện hồ sơ vụ án và nhận thấy Viện Kiểm sát viện dẫn và áp dụng quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 là không phù hợp và gây bất lợi cho bị cáo. Trợ giúp viên đề nghị Toà án trả hồ sơ để điều tra bổ sung theo hướng áp dụng Bộ luật hình sự năm 1999 theo hướng Đ. không phạm tội hình sự. Trên cơ sở kiến nghị này Toà án đã trả hồ sơ cho Cơ quan Công an, Viện Kiểm sát để điều tra bổ sung. Kết quả cuối cùng của vụ án này là Viện Kiểm sát không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Đ.
- Vụ việc tại Ninh Bình: Bà Nguyễn Thị H. tại xóm 12, xã Hồi Ninh, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình là bị đơn trong vụ án dân sự tranh chấp tài sản thừa kế đã được Toà án nhân dân huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình thụ lý giải quyết. Năm 1986, cha bà H. là ông Nguyễn V. làm hợp đồng chuyển nhượng cho bà 1 sào 5 mét đất, hợp đồng chuyển nhượng đất được UBND xã Hồi Ninh, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình chứng thực. Trong năm 1997, ông Nguyễn V. qua đời, không để lại di chúc. Trong khoảng thời gian từ năm 1974 đến năm 1979, ông Nguyễn V. có lấy bà Nguyễn Thị T. về làm vợ và không có đăng ký kết hôn. Năm 2017, bà Nguyễn Thị T. khởi kiện bà H. yêu cầu chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân của bà và ông Nguyễn V. là quyền sử dụng 935 m2 đất, trong đó có quyền sử dụng 596 m2 đất cha bà H. đã chuyền nhượng cho bà H. trước đó. Năm 2017, vụ án đã được đưa ra xét xử, cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn về việc chia di sản thừa kế, tuy nhiên bản án đã bị kháng cáo (thời điểm này chưa có sự tham gia của TGPL). Tại phiên tòa Phúc thẩm, nhận định và quan điểm của Viện Kiểm sát đã định đoạt vượt quá phần quyền của mình, bản án có vi phạm về nội dung và tố tụng nên Hội đồng xét xử hủy án cho cấp sơ thẩm xét xử lại theo thủ tục chung. Theo đó, với sự hướng dẫn, tư vấn của TGVPL, bà H. đã làm đơn yêu cầu phản tố bà Nguyễn Thị T, bà H. yêu cầu Toà án nhân dân huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình xem xét giải quyết chia tài sản chung của bà Nguyễn Thị T. trong thời kỳ hôn nhân với bố bà là quyền sử dụng 1923,5 m2 đất tại xóm 7, xã Như Hòa, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Như vậy, từ chỗ bà H. là bị đơn, bị yêu cầu chia tài sản thừa kế, bà H. lại là người có yêu cầu phản tố ngược lại, đòi chia tài sản từ phía nguyên đơn. Có thể nói, chứng cứ này là mấu chốt của vụ án mà Tòa án và các đương sự chưa thu thập được trong quá trình giải quyết vụ việc khi chưa có sự tham gia của TGPL. Kết quả, phía Nguyên đơn là bà Nguyễn Thị T. đã rút đơn khởi kiện, Tòa án ra quyết định đình chỉ vụ án.
Có thể nói, người thực hiện TGPL khi bào chữa hoặc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, thực hiện đúng các quy định về tố tụng và các quy tắc đạo đức nghề nghiệp. Đến nay, tổ chức thực hiện TGPL, cơ quan quản lý TGPL chưa nhận được khiếu nại nào về kết quả thực hiện TGPL. Sự tham gia của đội ngũ người thực hiện TGPL tại các cơ quan tiến hành tố tụng góp phần giúp các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng điều tra, truy tố, xét xử khách quan, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Đối với người được TGPL là bị can, bị cáo thì vụ việc có người thực hiện TGPL tham gia giúp họ giữ được tâm lý an tâm, tự tin hơn vì có chỗ dựa về mặt tinh thần và sự giúp đỡ về pháp luật. Kết quả này được ghi nhận thông qua tỷ lệ vụ việc thành công, hiệu quả ngày càng cao, số vụ việc hình sự được Hội đồng xét xử chấp nhận các tình tiết có lợi cho bị cáo theo đề nghị của trợ giúp viên pháp lý tăng; sự đánh giá, ghi nhận của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng.
Ngày 01/9/2021, Cục TGPL công bố danh sách 20 Trợ giúp viên pháp lý có nhiều vụ việc tham gia tố tụng thành công, hiệu quả nhất trong 03 năm thực hiện Luật TGPL (từ ngày 01/01/2018 đến ngày 31/12/2020), gồm:
Stt |
Họ và tên |
Đơn vị |
Số vụ việc TGTT thành công, hiệu quả kết thúc từ 01/01/2018-31/12/2020 |
1 |
Lê Thị Diệu |
Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Điện Biên |
115 |
2 |
Nguyễn Công Hưởng |
Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Lai Châu |
90 |
3 |
Phạm Văn Hà |
Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Nghệ An |
85 |
4 |
Nguyễn Thị Nga |
Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Lai Châu |
82 |
5 |
Cầm Kim Loan |
Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Sơn La |
81 |
6 |
Nguyễn Thị Quỳnh Trang |
Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Nghệ An |
78 |
7 |
Lê Văn Lý |
Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Nghệ An |
77 |
8 |
Nguyễn Thanh Giang |
Trung tâm TGPL nhà nước TP HCM |
72 |
9 |
Nguyễn Thị Thảo |
Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Cao Bằng |
68 |
10 |
Phạm Công Minh |
Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Đắk Lắk |
66 |
11 |
Trần Đồng Minh
Ngọc Kim Khánh |
Trung tâm TGPL nhà nước TP HCM |
64 |
12 |
Nguyễn Thái Quỳnh |
Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Nghệ An |
64 |
13 |
Vũ Thanh Thuỷ |
Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Tuyên Quang |
63 |
14 |
Nguyễn Văn Thăng |
Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Tuyên Quang |
61 |
15 |
Hoàng Thị Diệp Hảo |
Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Cao Bằng |
59 |
16 |
Nguyễn Hữu Huệ |
Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Đắk Lắk |
58 |
17 |
Trần Thị Sáu |
Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Điện Biên |
56 |
18 |
Nguyễn Kim Tuyến |
Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Tuyên Quang |
54 |
19 |
Phạm Quang Long |
Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Đắk Nông |
54 |
20 |
Trần Thị Hợi |
Trung tâm TGPL nhà nước TP HCM |
53 |
Việc công bố danh sách 20 Trợ giúp viên pháp lý có nhiều vụ việc tham gia tố tụng thành công, hiệu quả nhất trong 03 năm thực hiện Luật TGPL (từ ngày 01/01/2018 đến ngày 31/12/2020) là một hình thức động viên, ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng của đội ngũ người thực hiện TGPL, qua đó tạo thêm niềm tin, động lực cho họ trong hành trình “xoá nghèo pháp luật”, là điểm tựa công lý cho những người yếu thế trong xã hội.
II. ĐỀ XUẤT MỘT SỐ GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG THỰC HIỆN VỤ VIỆC TGPL THÀNH CÔNG, HIỆU QUẢ TRONG THỜI GIAN TỚI
Trong những năm qua, công tác TGPL đã ngày càng khẳng định được vị thế, vai trò của mình trong đời sống xã hội, góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ công lý, bảo đảm nguyên tắc và nâng cao chất lượng tranh tụng trong xét xử, từng bước tạo được uy tín và niềm tin của người dân vào tổ chức thực hiện TGPL, người thực hiện TGPL. Đặc biệt, sau gần 03 năm triển khai Luật TGPL năm 2017, các Trung tâm TGPL nhà nước đã tập trung nguồn lực vào thực hiện vụ việc TGPL, đặc biệt là vụ việc tham gia tố tụng. Vì vậy, số lượng vụ việc tham gia tố tụng tăng, chất lượng vụ việc TGPL ngày càng cao. Nhiều vụ việc tham gia tố tụng mà quan điểm bào chữa, bảo vệ cho người được TGPL của Trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện TGPL được các cơ quan tiến hành tố tụng chấp nhận, được tuyên mức án nhẹ hơn hoặc chuyển tội danh, thay đổi khung hình phạt thấp hơn so với mức đề nghị của Viện Kiểm sát, thậm chí được vô tội đã góp phần bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người được TGPL.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả, chất lượng thực hiện vụ việc tham gia tố tụng thành công, hiệu quả, trong thời gian tới, cần thực hiện tốt các giải pháp sau:
- Một là, tiếp tục chú trọng việc nâng cao năng lực cho đội ngũ người thực hiện TGPL (bao gồm cả Trợ giúp viên pháp lý và luật sư thực hiện TGPL) nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao, đa dạng, chuyên sâu về TGPL của người dân thông qua hoạt động tập huấn, bồi dưỡng hoặc các hình thức chia sẻ kinh nghiệm. Mỗi trợ giúp viên pháp lý tiếp tục chủ động học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cũng như trao đổi chia sẻ kinh nghiệm với những người thực hiện TGPL khác theo hình thức phù hợp. Thông qua các hoạt động nêu trên, năng lực thực hiện TGPL của đội ngũ trợ giúp viên pháp lý sẽ được nâng cao, cơ bản đáp ứng đầy đủ và có chất lượng nhu cầu TGPL của người dân.
- Hai là, nghiên cứu xây dựng cơ chế đánh giá chất lượng vụ việc TGPL công khai, minh bạch và hiệu quả. Tiếp tục hoàn thiện theo các tiêu chuẩn quốc tế về đánh giá chất lượng tổ chức thực hiện TGPL và giám sát kết quả vụ việc để đảm bảo các đánh giá khách quan, trung thực và công bằng.
- Ba là, tập trung thực hiện vụ việc TGPL theo đúng bản chất của hoạt động TGPL. Tích cực thực hiện cung cấp dịch vụ TGPL miễn phí cho người được TGPL dưới nhiều hình thức, đặc biệt chú trọng công tác TGPL trong hoạt động tham gia tố tụng cả về số lượng lẫn chất lượng vụ việc. Đảm bảo luôn kịp thời cử trợ giúp viên pháp lý, luật sư tham gia TGPL tham gia tố tụng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được TGPL khi đơn có yêu cầu TGPL hoặc yêu cầu TGPL từ phía các cơ quan tiến hành tố tụng theo đúng quy định của Luật TGPL năm 2017.
- Bốn là, Bộ Tư pháp tiếp tục giao chỉ tiêu vụ việc tham gia tố tụng cho trợ giúp viên pháp lý: Từ năm 2016, hàng năm Bộ Tư pháp ban hành chỉ tiêu vụ việc tham gia tố tụng cho các trợ giúp viên pháp lý, các trợ giúp viên pháp lý có trách nhiệm thực hiện một số lượng vụ việc tham gia tố tụng nhất định căn cứ vào thâm niên giữ chức danh nghề nghiệp. Hàng năm, chỉ tiêu được điều chỉnh tăng dần. Sau một thời gian thực hiện chỉ tiêu, đội ngũ trợ giúp viên pháp lý đã nhận thức rõ trợ giúp viên pháp lý là một chức danh nghề nghiệp trong lĩnh vực tư pháp và thực hiện vụ việc TGPL là nhiệm vụ chính, quan trọng. Thông qua đó, việc thực hiện vụ việc thành công, hiệu quả sẽ được trợ giúp viên pháp lý tích cực, chủ động, cố gắng, khẳng định được năng lực của mình cũng như góp phần ghi nhận vai trò, vị thế của hoạt động TGPL trong đời sống xã hội.
- Năm là, các Trung tâm TGPL cần chủ động để có giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động TGPL, nâng cao chất lượng thực hiện vụ việc TGPL.
- Sáu là, tăng cường mối quan hệ phối hợp với các cơ quan, tổ chức, đoàn thể để triển khai hiệu quả Luật TGPL và các văn bản hướng dẫn, quy định chi tiết Luật TGPL, nhất là các cơ quan, người tiến hành tố tụng trong việc phối hợp TGPL trong hoạt động TGPL. Tăng cường vai trò của Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL ở trung ương và địa phương trong việc triển khai các quy định về phối hợp TGPL trong tố tụng; đặc biệt trong việc nâng cao nhận thức và cơ chế phối hợp trong việc giải thích quyền TGPL, chuyển, gửi vụ việc TGPL của cơ quan, người tiến hành tố tụng. Tăng cường vai trò chỉ đạo, quản lý của cơ quan quản lý nhà nước về TGPL, nhất là trong triển khai, theo dõi việc thực hiện pháp luật về TGPL. Nhà nước quản lý tổ chức và hoạt động TGPL sát sao, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, đánh giá chất lượng TGPL đối với các tổ chức, cá nhân thực hiện TGPL trong toàn quốc. Đặc biệt, vai trò của Sở Tư pháp đối với công tác TGPL tại địa phương cần được phát huy tối đa hơn nữa. Đồng thời, tăng cường sự phối hợp, kết nối giữa Bộ Tư pháp và Sở Tư pháp với tư cách là cơ quan tham mưu cho cơ quan quản lý nhà nước về TGPL ở trung ương và địa phương trong việc quản lý nhà nước về chất lượng TGPL.
- Bảy là, nghiên cứu chính sách để tiếp tục thu hút các nguồn lực thực hiện TGPL, hỗ trợ, khuyến khích, ghi nhận và tôn vinh các tổ chức, cá nhân tham gia, đóng góp cho công tác TGPL nói chung và việc thực hiện vụ việc TGPL thành công, hiệu quả nói riêng để khích lệ sự tham gia nhiều hơn nữa của họ đối với hoạt động TGPL.
- Tám là, tăng cường hợp tác quốc tế để học hỏi kinh nghiệm thực hiện vụ việc TGPL tham gia tố tụng và vụ việc TGPL thành công, hiệu quả. Trong bối cảnh Việt Nam tham gia hợp tác quốc tế sâu rộng như hiện nay, các yêu cầu liên quan đến bảo đảm quyền con người, quyền tiếp cận công lý, trong đó có tiếp cận dịch vụ pháp lý và hoạt động TGPL cho người yếu thế ngày càng được chú trọng. Việc tăng cường hợp tác quốc tế để học hỏi kinh nghiệm thực hiện vụ việc TGPL tham gia tố tụng và vụ việc TGPL tham gia tố tụng thành công, hiệu quả sẽ nâng cao vị thế, vai trò, hình ảnh TGPL Việt Nam nói riêng và công tác tư pháp Việt Nam nói chung trên trường quốc tế, góp phần thực hiện thắng lợi chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế mà Đảng đề ra.
Trung tâm Thông tin, dữ liệu TGPL - Cục Trợ giúp pháp lý
[1] Ngày 16/10/2020, Cục TGPL ban hành Công văn số 427/CTGPL-TC&QLCL về việc thống kê vụ việc TGPL tham gia tố tụng thành công, hiệu quả với 25 tiêu chí đánh giá vụ việc tham gia tố tụng thành công, hiệu quả;
Ngày 16/03/2021, Cục TGPL ban hành Công văn số 98/CTGPL-TC&QLCL về việc thống kê, cập nhật vụ việc tham gia tố tụng thành công, hiệu quả và Trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện nhiều vụ việc tham gia tố tụng thành công, hiệu quả với 27 tiêu chí đánh giá vụ việc tham gia tố tụng thành công, hiệu quả.