Đoàn kiểm tra liên ngành về công tác phối hợp trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tại tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa

Thực hiện Kế hoạch hoạt động liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng năm 2018 (Quyết định số 2637/QĐ-HĐPH ngày 22/12/2017 của Hội đồng phối hợp liên ngành trợ giúp pháp lý ở Trung ương), trong hai ngày 27, 28/3/2018, Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng ở Trung ương đã tổ chức Đoàn kiểm tra liên ngành về công tác phối hợp trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tại tỉnh Phú Yên và tỉnh Khánh Hòa (theo Quyết định số 357/QĐ-HĐPH ngày 05/3/2018).

Đoàn kiểm tra do Bà Nguyễn Thị Minh - Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp làm trưởng đoàn và đại diện các Bộ, ngành thành viên: Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Theo Kế hoạch, Đoàn kiểm tra đã đi thăm và làm việc tại Cơ quan Cảnh sát điều tra, Trại tạm giam của Công an tỉnh; Tòa án nhân dân tỉnh và Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tại tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa. Đoàn kiểm tra đã nghe báo cáo của Hội đồng phối hợp liên ngành địa phương về kết quả triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 11/2013/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC ngày 04/7/2013 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thực hiện một số quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng và kiểm tra tổ chức và hoạt động của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước. Trong đó, tập trung vào việc kiểm tra trách nhiệm của Hội đồng ở địa phương, các ngành thành viên của Hội đồng; cơ quan tiến hành tố tụng; Trại tạm giam, Nhà Tạm giữ của Công an tỉnh trong công tác phối hợp trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng theo quy định tại Thông tư liên tịch số 11 như giải thích quyền được trợ giúp pháp lý cho người được trợ giúp pháp lý, hướng dẫn đối tượng tiếp cận thông tin về trợ giúp pháp lý, thông báo, chuyển gửi đối tượng đến Trung tâm khi có yêu cầu; công tác truyền thông về Thông tư liên tịch (niêm yết Bảng thông tin, Hộp tin; niêm yết Tờ thông tin trong Buồng tạm giam, tạm giữ…); việc cấp giấy chứng nhận tham gia tố tụng; thông báo lịch xét hỏi; việc ghi nhận tư cách và quan điểm của Trợ giúp viên pháp lý, luật sư trong bản án, quyết định… Qua đó nắm bắt được những kết quả đạt được và một số hạn chế, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện hoạt động phối hợp trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng và tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý trên địa bàn.

Hình ảnh Buổi làm việc tại Trại tạm giam của Công an tỉnh Phú Yên

Hình ảnh Trao đổi ý kiến tại Hội đồng phối hợp liên ngành địa phương

Tại các buổi làm việc của Đoàn kiểm tra, đồng chí Nguyễn Thị Minh - Trưởng đoàn công tác đã có một số ý kiến trao đổi với Hội đồng phối hợp liên ngành địa phương như: Đánh giá sự phối hợp trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng của các thành viên Hội đồng phối hợp liên ngành địa phương là khá tốt, tuy nhiên, vẫn còn việc bỏ lọt người thuộc diện được trợ giúp pháp lý có nhu cầu trợ giúp pháp lý. Nhất là trong bối cảnh triển khai Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 (tăng từ 6 diện người lên 14 diện người), thời gian tới đề nghị Hội đồng phối hợp liên ngành địa phương và từng ngành thành viên tăng cường truyền thông về trợ giúp pháp lý, về các Bộ luật, luật tố tụng có nội dung liên quan đến Luật Trợ giúp pháp lý. Bên cạnh đó, số lượng án mỗi năm và dân số trên toàn tỉnh là khá lớn, trong khi đó số lượng vụ việc tham gia tố tụng thực hiện cho người được trợ giúp pháp lý quá ít, do vậy đề nghị Hội đồng phối hợp liên ngành địa phương có giải pháp để nâng cao vai trò phối hợp trong việc phát hiện người thuộc diện được trợ giúp pháp lý và các ngành thành viên cũng cần có giải pháp, chỉ đạo trong từng ngành để công tác phối hợp đi vào thực chất, hiệu quả trên thực tế./.

 Thanh Trịnh