Tại Thông báo số 485/CV-VPTW ngày 31/5/1995 của Văn phòng Trung ương Đảng về ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư đối với Quy chế hành nghề tư vấn pháp luật đã đề nghị Ban cán sự Đảng Chính phủ, Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp: “xác định phạm vi thích hợp hoạt động tư vấn pháp luật của tổ chức nhà nước, tổ chức xã hội và cá nhân, trước hết chú trọng tổ chức tư vấn pháp luật của nhà nước…; cần nghiên cứu lập hệ thống dịch vụ tư vấn pháp luật không lấy tiền để hướng dẫn nhân dân sống và làm việc theo pháp luật”. Trong thư ngày 20/12/1995 gửi cán bộ, nhân viên ngành Tư pháp nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập ngành, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười một lần nữa nhấn mạnh: “Nhà nước phải nghiên cứu sớm thành lập một hệ thống các tổ chức tư vấn pháp luật không mất tiền dành cho người nghèo, các gia đình thuộc diện chính sách và đồng bào dân tộc thiểu số”. Những chỉ đạo này đã định hướng đổi mới tư duy về công tác cung ứng dịch vụ pháp lý, đặt dấu mốc cho quá trình chuyển biến sâu sắc và toàn diện trong nhận thức, tạo tiền đề về mặt chính trị - pháp lý cho sự ra đời và phát triển của công tác TGPL trong giai đoạn tiếp theo.
Tại kỳ họp lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII ngày 18/6/1997, lần đầu tiên trong Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã chỉ đạo định hướng triển khai công tác TGPL theo hướng: “Tổ chức hình thức tư vấn pháp luật cho các cơ quan, tổ chức và nhân dân, tạo điều kiện cho người nghèo được hưởng dịch vụ tư vấn pháp luật miễn phí”. Đây là cơ sở chính trị - pháp lý quan trọng, tiếp tục khẳng định quyết tâm chính trị của Đảng trong việc bảo đảm quyền được tiếp cận pháp luật của người nghèo và nhóm yếu thế. Trên cơ sở đó Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 734/TTg ngày 06/9/1997 về việc thành lập tổ chức TGPL cho người nghèo và đối tượng chính sách. Triển khai Quyết định này, hệ thống tổ chức thực hiện TGPL đã được thành lập trong cả nước. Cục Trợ giúp pháp lý thuộc Bộ Tư pháp được thành lập giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp quản lý nhà nước về TGPL trong toàn quốc
Ngày 20/6/2006, Quốc hội khóa X đã ban hành Luật TGPL, đánh dấu bước phát triển mới trong hoạt động TGPL. Trước yêu cầu phát triển của đất nước, triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, nhiều đạo luật, luật về tố tụng quan trọng mới được Quốc hội ban hành, công cuộc tăng cường cải cách pháp luật, cải cách tư pháp… đã đặt ra yêu cầu cần đổi mới công tác TGPL theo hướng tập trung thực hiện vụ việc TGPL, bảo đảm chất lượng vụ việc. Ngày 20/6/2017, Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 3 đã thông qua Luật TGPL năm 2017 (100% đại biểu có mặt tán thành) với mục tiêu trọng tâm là nâng cao chất lượng TGPL, sử dụng nguồn lực có hiệu quả và lấy người được TGPL làm trung tâm. Sự ra đời của Luật TGPL năm 2017, một lần nữa khẳng định Đảng và Nhà nước tiếp tục ghi nhận vị trí, vai trò của công tác TGPL, đánh dấu mốc quan trọng trong việc hoàn thiện thể chế của Nhà nước đối với các quyền, lợi ích hợp pháp của người được TGPL là người nghèo và nhóm yếu thế tại Việt Nam.
TGPL đã được khẳng định là một chính sách “giảm nghèo về pháp luật” trong tổng thể các chính sách về giảm nghèo của Đảng và Nhà nước, cụ thể là Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2006 - 2010, Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2006 - 2010 (Chương trình 135 giai đoạn II), Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ và định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011 đến năm 2020 theo Nghị quyết số 80/NQ-CP ngày 19/5/2011 của Chính phủ; Quyết định số 32/2016/QĐ-TTg ngày 08/08/2016 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành chính sách TGPL cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016-2020 và hỗ trợ vụ việc tham gia tố tụng có tính chất phức tạp hoặc điển hình.
Trải qua hơn 20 năm hình thành và phát triển, đến nay, chính sách về TGPL cho người nghèo và đối tượng yếu thế đến nay đã khá đầy đủ, gồm: 01 Luật , 01 Nghị định, 8 Thông tư và Thông tư liên tịch hiện hành điều chỉnh toàn diện các vấn đề của TGPL: mô hình tổ chức thực hiện TGPL, người được TGPL, tổ chức thực hiện TGPL, các hoạt động nghiệp vụ TGPL, chế độ chính sách đối với người thực hiện TGPL, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong công tác TGPL... Chế định TGPL cũng đã được đồng bộ hóa trong các Bộ luật tố tụng: Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính và Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam được ban hành năm 2015 đều đã có các quy định bảo đảm thực hiện TGPL.
1. Về đối tượng được trợ giúp pháp lý
Luật TGPL năm 2017 đã mở rộng diện người được TGPL, gồm 14 nhóm đối tượng, cụ thể:
- Người có công với cách mạng;
- Người thuộc hộ nghèo;
- Trẻ em;
- Người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;
- Người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi;
- Người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo;
- Người thuộc một trong các trường hợp sau đây có khó khăn về tài chính (8 nhóm người): Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ; Người nhiễm chất độc da cam; Người cao tuổi; Người khuyết tật; Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự; Nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình; Nạn nhân của hành vi mua bán người theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người; Người nhiễm HIV.
Có thể nói, diện đối tượng được TGPL của Việt Nam tương đồng với thông lệ các nước trên thế giới [1] và có tính đến đặc thù về chính sách đền ơn đáp nghĩa và chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước. Theo thống kê của các địa phương, người thuộc diện TGPL chiếm khoảng 45% dân số.
2. Về chất lượng dịch vụ TGPL
Nâng cao chất lượng dịch vụ TGPL là mục tiêu quan trọng nhất của hoạt động TGPL, pháp luật về TGPL luôn được hoàn thiện để đảm bảo mục tiêu này.
- Về tiêu chuẩn người thực hiện TGPL:
Hiện nay, Trợ giúp viên pháp lý là lực lượng nòng cốt cung cấp dịch vụ TGPL hiện nay đã được chuẩn hóa tiêu chuẩn về đào tạo, chuyên môn nghiệp vụ tương đương với luật sư. Cụ thể: tiêu chuẩn bổ nhiệm trợ giúp viên pháp lý bao gồm:
- Có phẩm chất đạo đức tốt;
- Có trình độ cử nhân luật trở lên;
- Đã được đào tạo nghề luật sư hoặc được miễn đào tạo nghề luật sư; đã qua thời gian tập sự hành nghề luật sư hoặc tập sự trợ giúp pháp lý;
- Có sức khỏe bảo đảm thực hiện trợ giúp pháp lý;
- Không đang trong thời gian bị xử lý kỷ luật.
Khác với luật sư, Trợ giúp viên pháp lý là viên chức nhà nước, thực hiện TGPL theo sự phân công của Trung tâm TGPL nhà nước. Luật TGPL đặt ra yêu cầu đối với đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý là viên chức nhà nước tập trung thực hiện vụ việc tố tụng thông qua quy định Trợ giúp viên pháp lý không thực hiện vụ việc tham gia tố tụng trong thời gian 02 năm liên tục sẽ bị miễn nhiệm, trừ trường hợp do nguyên nhân khách quan (Điểm d khoản 1 Điều 22).Về luật sư thực hiện TGPL: luật sư có nguyện vọng tham gia TGPL được Trung tâm lựa chọn, ký hợp đồng theo trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật căn cứ trên những tiêu chuẩn, điều kiện cụ thể và phù hợp với yêu cầu của công tác TGPL tại địa phương. Yêu cầu này bảo đảm luật sư tham gia thực hiện TGPL phải là người có năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, có kinh nghiệm và phẩm chất đạo đức để thực hiện vụ việc TGPL có hiệu quả, tránh việc ghi danh một cách hình thức [2]
Về cộng tác viên TGPL: hiện nay chế định này yêu cầu người có trình độ chuyên môn nghiệp vụ về pháp luật, có kinh nghiệm và có thể chủ động về thời gian để bảo đảm tham gia công tác TGPL một cách thực chất, có hiệu quả [3]
- Về tổ chức tham gia TGPL:
Để bảo đảm chất lượng dịch vụ TGPL do các tổ chức tham gia TGPL cung cấp, Luật TGPL quy định các điều kiện cụ thể để tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật tham gia TGPL [4]. Đặc biệt, để ký hợp đồng với các tổ chức có điều kiện tốt nhất cung cấp dịch vụ TGPL, Sở Tư pháp sẽ tổ chức lựa chọn theo một quy trình chặt chẽ phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương (dự kiến số lượng tổ chức cần ký hợp đồng, đánh giá hồ sơ lựa chọn tổ chức, thông báo lựa chọn tổ chức, thông báo kết quả lựa chọn). Với những quy định chặt chẽ ngay từ khi xác định các tổ chức, cá nhân có quyền cung cấp dịch vụ TGPL, Nhà nước đã thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc cung cấp dịch vụ pháp lý có chất lượng cho người nghèo, đối tượng chính sách và các đối tượng yếu thế khác trong xã hội.
3. Trách nhiệm của Nhà nước đối với công tác TGPL
Trách nhiệm của Nhà nước đối với hoạt động TGPL đã được ghi nhận tại Luật TGPL [5]. Quy định này thể hiện cam kết của Nhà nước đối với chính sách an sinh quan trọng của Đảng và Nhà nước trong xóa đói giảm nghèo về pháp luật cho những người không có khả năng chi trả dịch vụ pháp lý trên thị trường. Nhà nước thực hiện trách nhiệm của mình thông qua: (1) thành lập hệ thống các tổ chức TGPL của Nhà nước bảo đảm sự chủ động trong việc đáp ứng nhu cầu TGPL của người dân; (2) bảo đảm kinh phí cho hoạt động TGPL; (3) hỗ trợ, khuyến khích, ghi nhận và tôn vinh các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia, đóng góp cho hoạt động trợ giúp pháp lý
4. Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quanViệc phối hợp, hỗ trợ của các cơ quan đối với công tác TGPL có vai trò quan trọng đối với thành công của hoạt động này. Pháp luật TGPL đã có quy định đầy đủ về trách nhiệm phối hợp của các cơ quan. Cụ thể:
a) Trách nhiệm phối hợp của các cơ quan tiến hành tố tụng:
- Luật TGPL quy định rõ trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng phối hợp tạo điều kiện cho người được TGPL được hưởng quyền TGPL, tạo điều kiện cho người thực hiện TGPL tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật [6]
- Trên cơ sở trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, cơ sở tạm giam, tạm giữ đối với công tác TGPL đã được quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự (Điều 71) [7] , Bộ luật tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam (đều được ban hành năm 2015), Luật TGPL, trách nhiệm phối hợp của các cơ quan tiến hành tố tụng trong hoạt động này đã được cụ thể tại Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT/BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC ngày 29/6/2018 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Khi cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng thực hiện tốt trách nhiệm được quy định tại các văn bản quan trọng này sẽ hạn chế tối đa việc người thuộc diện TGPL nhưng không nhận được sự trợ giúp. Đặc biệt Thông tư quy định cụ thể việc giải thích, thông báo, thông tin về TGPL (Điều 7 - TTLT số 10). Đây là quy định quan trọng của TTLT số 10 tạo cơ sở trong việc chuyển gửi đối tượng cho Trung tâm TGPL, hạn chế việc bỏ sót đối tượng được TGPL.
- Về giải thích: Cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm chuyển Bản thông tin về người được TGPL cho người bị buộc tội, người bị hại, đương sự đọc (Bản thông tin được mẫu hóa trong đó liệt kê đầy đủ 14 diện đối tượng được TGPL theo quy định của Luật TGPL và NĐ 144/2017 và một số quyền quan trọng). TTLT 10 cũng đặt ra trường hợp người bị buộc tội, người bị hại, đương sự không đọc được thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thông báo cho họ biết (có thể bằng cách đọc hoặc nói cho họ nghe) về Bản thông tin. Nếu họ nhận mình là người được TGPL thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm giải thích (đối với việc giải thích trong hình sự thì được ghi vào biên bản giải thích về quyền được TGPL và lưu tại hồ sơ vụ án).
- Về thông báo, thông tin: Trong tố tụng hình sự, người bị buộc tội, người bị hại, đương sự tự nhận mình là người được TGPL và có yêu cầu TGPL thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thông báo cho Trung tâm, Chi nhánh để Trung tâm cử người theo quy định của pháp luật (trong thời hạn 03 ngày, cử ngay). Riêng đối với người bị bắt, người bị tạm giữ ngoài việc thông báo bằng văn bản còn thông báo bằng điện thoại để bảo đảm tính kịp thời. Trường hợp họ nhận mình là người được TGPL và chưa có yêu cầu TGPL thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm thông tin cho Trung tâm, Chi nhánh để họ xác minh và tiếp cận với người được TGPL.
b) Về trách nhiệm phối hợp của cơ quan nhà nước có liên quan
Luật quy định trong quá trình thực thi nhiệm vụ, quyền hạn của mình nếu phát hiện công dân thuộc diện được TGPL, cơ quan nhà nước có trách nhiệm giải thích quyền được TGPL và giới thiệu đến tổ chức thực hiện TGPL (Điều 42 Luật TGPL).
c) Về trách nhiệm của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư, tổ chức chủ quản của tổ chức tư vấn pháp luật trong hoạt động TGPL.
Điều 43 Luật TGPL đã quy định trách nhiệm của Liên đoàn Luật sư, Đoàn Luật sư trong việc giám sát việc thực hiện TGPL của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư (Điều 43 Luật TGPL) [8]
5. Trình tự, thủ tục TGPL
Luật TGPL năm 2017 có nhiều quy định mới để tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận và sử dụng dịch vụ, như: quy định phải công bố danh sách người thực hiện TGPL, tổ chức thực hiện TGPL để người dân biết và thực hiện quyền lựa chọn của mình; ngoài hình thức nộp đơn trực tiếp, gửi qua đường bưu điện, người dân có thể nộp đơn yêu cầu qua hình thức điện tử, fax để tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại; trong các tình huống cụ thể nếu gặp trường hợp cần được TGPL mà đối tượng có khó khăn không thể tự mình đến tổ chức thực hiện TGPL thì các tổ chức, cá nhân có thể thay mặt người được TGPL yêu cầu TGPL; thụ lý giải quyết ngay khi người yêu cầu chưa thể cung cấp hồ sơ theo quy định nhưng cần thực hiện TGPL ngay (vụ việc sắp hết thời hiệu, sắp đến ngày xét xử).
6. Nguồn kinh phí bảo đảm hoạt động TGPL
Theo quy định tại Điều 5 Luật TGPL: nguồn tài chính cho công tác trợ giúp pháp lý bao gồm nguồn ngân sách nhà nước; đóng góp, tài trợ của tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước và các nguồn hợp pháp khác.
Đặc biệt, để bảo đảm kinh phí với địa phương chưa tự cân đối được ngân sách, ưu tiên bố trí ngân sách từ số bổ sung cân đối ngân sách hằng năm để hỗ trợ cho việc thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý phức tạp, điển hình. Kinh phí cho hoạt động trợ giúp pháp lý của tổ chức tự nguyện thực hiện do tổ chức đó tự bảo đảm.
II. VIỆC TỔ CHỨC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH TRỢ GIÚP PHÁP LÝ CHO NGƯỜI NGHÈO VÀ ĐỐI TƯỢNG CHÍNH SÁCH, NHÓM YẾU THẾ TẠI VIỆT NAM
Với khuôn khổ thế chế đồng bộ, những năm qua cơ quan quản lý nhà nước về TGPL và các tổ chức thực hiện TGPL đã nỗ lực triển khai nhiều hoạt động, giải pháp để đưa chính sách TGPL triển khai có hiệu quả trên thực tế. Đặc biệt trong 5 năm (từ 2016-2020) triển khai thực hiện Đề án đổi mới công tác TGPL giai đoạn 2015-2025 và Luật TGPL năm 2017, công tác TGPL đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ trên nhiều mặt công tác.
1. Kết quả thực hiện vụ việc
Với các giải pháp đã thực hiện (giao chỉ tiêu vụ việc tham gia tố tụng cho Trợ giúp viên pháp lý, tăng cường kiểm tra đôn đốc các địa phương,...), đến nay đã có thay đổi về cơ bản trong việc triển khai các nhiệm vụ của Trung tâm TGPL. Nguồn lực của Trung tâm TGPL (nhân lực và tài chính) dành nhiều cho việc thực hiện các vụ việc cụ thể, giải quyết vướng mắc pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người được TGPL, mang lại lợi ích rõ rệt thông qua số liệu vụ việc và thành công của nhiều vụ việc. Từ năm 2016 đến năm 2020, toàn quốc thực hiện được 310.081 vụ việc, trong đó có 92.082 vụ việc tham gia tố tụng [9]; 211.806 vụ việc tư vấn pháp luật; 2.542 vụ việc đại diện ngoài tố tụng; 3.652 vụ việc hình thức TGPL khác. Số vụ việc tham gia tố tụng tăng dần theo các năm (năm 2016: 10.937 vụ, năm 2017: 15.519 vụ, năm 2018: 16.886 vụ, năm 2019: 21.244 vụ, năm 2020: 27.496 vụ).
Việc thống kê số lượng vụ việc những năm gần đây có thay đổi. Trước đây, số người tham dự truyền thông hoặc TGPL lưu động được hướng dẫn, giải đáp thông tin đơn giản được thống kê thành vụ việc, tuy nhiên, những năm gần đây những lượt người được giải đáp những vướng mắc đơn giản (không lập thành hồ sơ vụ việc) hoặc không xác định rõ ràng thuộc diện TGPL thì không thống kê thành vụ việc.
2. Chất lượng vụ việc TGPL được nâng cao
Cùng với thể chế quy định chuẩn hóa tiêu chuẩn đạo tạo, chuyên môn, nghiệp vụ của người thực hiện TGPL, hằng năm ở Trung ương và địa phương đã tổ chức nhiều lớp tập huấn cho đội ngũ người thực hiện TGPL. Bên cạnh ngân sách của Nhà nước, Bộ Tư pháp cũng đã chủ động huy động các đối tác nước ngoài hỗ trợ về kỹ thuật và kinh phí cho hoạt động tăng cường năng lực cho người thực hiện TGPL. Riêng ở Trung ương, từ năm 2016 đến hết 6 tháng đầu năm 2020 đã có 59 lớp tập huấn được Cục TGPL, Bộ Tư pháp tổ chức với gần 5.000 học viên tham dự.
Thời gian qua, các địa phương đều thực hiện rà soát đội ngũ trợ giúp viên pháp lý và chuyên viên để đào tạo, bồi dưỡng. Từ năm 2018 đến nay, Bộ Tư pháp đã tổ chức 02 đợt kiểm tra hết tập sự TGPL (121 người); tổ chức 04 lớp bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp trợ giúp viên pháp lý hạng II cho 150 người và tổ chức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp trợ giúp viên pháp lý hạng II. Ngoài ra, từ năm 2017 đến nay, theo Quyết định số 32/2016/QĐ-TTg ngày 08/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ, ngân sách trung ương đã hỗ trợ kinh phí để thực hiện tập huấn tăng cường năng lực cho người thực hiện TGPL và hỗ trợ cho 170 viên chức của Trung tâm tại các địa phương có huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn tham gia khóa đào tạo nghề luật sư tạo nguồn bổ nhiệm trợ giúp viên pháp lý.
Thông qua các hoạt động nêu trên năng lực thực hiện TGPL của đội ngũ trợ giúp viên pháp lý ngày càng được nâng cao, cơ bản đáp ứng đầy đủ và có chất lượng yêu cầu TGPL của người dân [10] . Chất lượng dịch vụ TGPL đã có nhiều cải thiện. Kết quả đánh giá chất lượng vụ việc TGPL của Sở Tư pháp hàng năm cho thấy hầu hết, các vụ việc TGPL được đánh giá là đạt chất lượng và đạt chất lượng tốt, không có vụ việc nào bị khiếu kiện. Nhiều vụ việc tham gia tố tụng do người thực hiện TGPL thực hiện đạt hiệu quả, chưa phát sinh khiếu nại về kết quả thực hiện TGPL, có nhiều vụ án được tuyên mức án nhẹ hơn hoặc chuyển tội danh hay thay đổi khung hình phạt thấp hơn so với mức đề nghị của Viện kiểm sát nhân dân, thậm chí có những vụ việc được tuyên trắng án, qua đó bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được TGPL. Người thực hiện TGPL khi bào chữa hoặc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, thực hiện đúng các quy định về tố tụng và các quy tắc đạo đức nghề nghiệp. Sự tham gia của đội ngũ người thực hiện TGPL tại các cơ quan tiến hành tố tụng góp phần giúp các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng điều tra, truy tố, xét xử khách quan, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Đối với người được TGPL là bị can, bị cáo thì vụ việc có người thực hiện TGPL tham gia giúp họ giữ được tâm lý an tâm, tự tin hơn vì có chỗ dựa về mặt tinh thần và sự giúp đỡ về pháp luật. Kết quả này được ghi nhận thông qua tỷ lệ vụ việc thành công, hiệu quả ngày càng cao, số vụ việc hình sự được Hội đồng xét xử chấp nhận các tình tiết có lợi cho bị cáo theo đề nghị của trợ giúp viên pháp lý, sự đánh giá, ghi nhận của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng [11]. Theo thống kê, từ năm 2018 (năm Luật TGPL năm 2017 có hiệu lực) đến hết 6 tháng đầu năm 2020, 62/63 tỉnh, thành phố có 8.389 vụ việc thành công, hiệu quả rõ rệt (chiếm 27,84% tổng số vụ việc tham gia tố tụng). Vụ việc thành công, hiệu quả được xác định trên nhiều tiêu chí khác nhau, chẳng hạn: Khi thực hiện TGPL cho người bị buộc tội, quan điểm của người thực hiện TGPL được cơ quan tiến hành tố tụng chấp nhận theo hướng: (1) Không phạm tội hoặc được miễn trách nhiệm hình sự; (ii) Vụ việc được cơ quan tiến hành tố tụng đình chỉ điều tra, đình chỉ giải quyết mà có lợi cho người được trợ giúp pháp lý; (iii) Được chuyển khung hình phạt, chuyển tội danh theo hướng nhẹ hơn.....
3. Về công tác phối hợp TGPL trong hoạt động tố tụng
Triển khai quy định của Luật TGPL năm 2017, Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC- TANCTC-VKSNCTC về phối hợp TGPL trong hoạt động tố tụng, các Bộ, ngành đã có Kế hoạch triển khai, tổ chức Hội nghị quán triệt trong ngành, có Công văn gửi các cơ quan trực thuộc triển khai thực hiện, đặc biệt là cơ quan, người tiến hành tố tụng triển khai công tác phối hợp về TGPL trong hoạt động tố tụng [12]. Các cơ quan tiến hành tố tụng đã thực hiện việc giải thích, thông báo, thông tin về TGPL theo quy định. Người tiến hành tố tụng đã giải thích về quyền và nghĩa vụ của người được TGPL, ghi vào biên bản tố tụng và lưu tại hồ sơ vụ án. Khi phát hiện có đối tượng thuộc diện TGPL đã thông báo cho Trung tâm để Trung tâm xác minh nếu đúng diện người được TGPL thì cử Trợ giúp viên pháp lý hoặc luật sư ký kết hợp đồng với Trung tâm tham gia bào chữa hoặc đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được TGPL. Theo thống kê của các địa phương, năm 2020 các cơ quan tiến hành tố tụng đã giới thiệu hơn 35.000 người là người bị buộc tội đến Trung tâm TGPL nhà nước, trong đó có hơn 23.000 người thuộc diện TGPL. Hàng năm, Hội đồng phối hợp về TGPL trong hoạt động tố tụng ở Trung ương và địa phương đều có các chuyến kiểm tra việc thực hiện Thông tư liên tịch số 10 nắm bắt thực tiễn thực hiện tại các địa phương để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Thực hiện quy định về khuyến khích người thực hiện TGPL trực, Tòa án một số tỉnh (Quảng Bình, Tây Ninh, Ninh Thuận,…) đã tạo điều kiện cho người thực hiện TGPL trực tại trụ sở tòa án, việc này đã giúp người dân thuận lợi hơn trong việc tiếp cận TGPL ngay tại cơ quan tiến hành tố tụng, hạn chế đối đa việc người dân không được thụ hưởng quyền của mình.
4. Truyền thông trợ giúp pháp lý
Xác định việc hạn chế trong tiếp cận thông tin về TGPL là một nguyên nhân chính dẫn đến việc người dân chưa tìm đến tổ chức thực hiện TGPL, cơ quan quản lý TGPL, các tổ chức thực hiện TGPL đã chú trọng đẩy mạnh công tác truyền thông về hoạt động TGPL theo các phương thức khác nhau, gồm truyền thông truyền thống (trực tiếp về cơ sở, báo đài, tờ gấp…), truyền thông hiện đại (internet, điện thoại hotline,…) và hình thức đặc thù (hộp, bảng tin, tờ tin TGPL tại cơ quan tố tụng, chính quyền cơ sở…).
- Ở Trung ương, đặc biệt trong thời gian gần đây, Cục TGPL đã tích cực phối hợp với các cơ quan truyền thông thực hiện các phóng sự về một số vụ việc thành công, hiệu quả phát sóng trên truyền hình Việt Nam qua các chương trình có nhiều người theo dõi như Quốc hội với cử tri, truyền hình dân tộc, tọa đàm trực tuyến về chính sách về các kết quả thực hiện TGPL trong chương trình giảm nghèo...; đăng bài viết, bài nghiên cứu trên các kênh báo chí, các phương tiện truyền thông; xây dựng nội dung phóng sự về TGPL cho các đối tượng đặc thù như người chưa thành niên, người dân tộc thiểu số...; xây dựng thông điệp về quyền và nghĩa vụ của người thuộc diện TGPL, tạo được ấn tượng tốt đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan và người dân đánh giá cao. Bên cạnh đó, Cục TGPL còn xây dựng và thường xuyên duy trì, vận hành Trang thông tin điện tử TGPL (tgpl.moj.gov.vn). Đây là diễn đàn rộng rãi để trao đổi thông tin, kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, kỹ năng TGPL cho người thực hiện TGPL, là nơi thông tin, truyền thông về pháp luật TGPL công khai, rộng rãi để người dân biết đến quyền được TGPL, tổ chức và hoạt động TGPL.
- Ở địa phương, tất cả các Trung tâm TGPL trên toàn quốc đã triển khai các hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức cho người được TGPL. Từ khi Luật TGPL năm 2017 có hiệu lực, Trung tâm TGPL được bổ sung nhiệm vụ truyền thông về TGPL thì các Trung tâm đã thực hiện hoạt động này tích cực hơn. Hoạt động truyền thông cũng được đổi mới với nhiều hình thức đa dạng như thông qua việc xây dựng tờ gấp pháp luật, xây dựng phóng sự truyền thông về chính sách TGPL, phóng sự giới thiệu về các vụ việc TGPL đã thực hiện thành công. Từ năm 2016 đến nay, theo Quyết định số 32/2016/QĐ-TTg ngày 08/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ, ngân sách trung ương đã bổ sung kinh phí cho 37 địa phương có huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn có nhu cầu thiết lập đường dây nóng về TGPL để người dân liên hệ… Số lượng các cuộc gọi yêu cầu giúp đỡ qua đường dây nóng là khoảng 7.000 lượt. Việc thiết lập đường dây nóng về TGPL đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho “nhóm đối tượng yếu thế” tiếp cận pháp luật, tạo công bằng cho người dân khi thực hiện quyền và nghĩa vụ theo quy định pháp luật và tiết kiệm được thời gian, công sức.
Bằng nguồn kinh phí từ ngân sách địa phương, theo báo cáo chưa đầy đủ, các địa phương có huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn đã xây dựng, phát hơn 20.000 chuyên trang, chuyên mục về TGPL bằng tiếng Việt và tiếng Dân tộc trên Đài truyền thanh xã.
Các tỉnh, thành phố có huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn đã tổ chức hơn 6.000 đợt truyền thông về TGPL ở cơ sở giới thiệu các quy định của Luật TGPL và các văn bản hướng dẫn thi hành, trong đó tập trung vào các nội dung chính quy định về người được TGPL, quyền và nghĩa vụ của người được TGPL, hình thức TGPL, thủ tục TGPL… để người dân biết về TGPL, qua đó tìm đến TGPL khi có vướng mắc, tranh chấp pháp luật.
Các Trung tâm TGPL nhà nước thường xuyên cập nhật, công bố danh sách tổ chức thực hiện TGPL, người thực hiện TGPL và các thủ tục TGPL trên trang web của địa phương để người dân biết và yêu cầu TGPL, qua đó thực hiện chủ trương minh bạch hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực TGPL.
5. Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động TGPL
Hệ thống quản lý TGPL vận hành chính thức từ tháng 01/2019. Qua thực tiễn sử dụng, Hệ thống quản lý TGPL đã cơ bản đáp ứng nhu cầu quản lý, lưu trữ hồ sơ điện tử, trích xuất các số liệu thống kê báo cáo theo biểu mẫu quy định dễ dàng, nhanh chóng. Hệ thống quản lý TGPL cung cấp nhanh một số thông tin phục vụ cho công tác quản lý như: số liệu vụ việc thụ lý, số liệu vụ việc hoàn thành, số lượng người thực hiện TGPL. Theo số liệu thống kê cho thấy, Hệ thống đang quản lý thông tin của 58.319 vụ việc TGPL (bao gồm 10.783 vụ việc tư vấn, 28.591 vụ việc bào chữa, 17.857 vụ việc bảo vệ, 1.089 vụ việc đại diện ngoài tố tụng) và 14.853 việc TGPL. Từ đó, tiết kiệm thời gian trong xử lý công việc, tạo điều kiện để nắm bắt nhanh tình hình tổ chức và hoạt động TGPL trên toàn quốc nói chung và tại các đơn vị nói riêng.
Hệ thống quản lý TGPL cập nhật, lưu trữ thông tin tổ chức thực hiện TGPL, danh sách người thực hiện TGPL liên tục, kịp thời. Hệ thống đang lưu trữ thông tin của 249 tổ chức thực hiện TGPL (trong đó có 63 Trung tâm TGPL, 34 Tổ chức ký hợp đồng thực hiện TGPL, 152 Tổ chức đăng ký tham gia TGPL) và 184 Chi nhánh TGPL. Hệ thống quản lý 2.224 hồ sơ nhân sự và 1.836 tài khoản. Đặc biệt, Hệ thống quản lý TGPL được xây dựng và chạy trên nền tảng công nghệ hiện đại, có khả năng trích xuất và tích hợp cơ sở dữ liệu của các hệ thống đang vận hành chung trong Bộ. Hệ thống quản lý TGPL vận hành theo cơ chế phân quyền bảo đảm quy trình bảo mật thông tin việc, vụ việc đáp ứng quy định của pháp luật về bảo mật thông tin trong hoạt động TGPL.
Tại địa phương, các đơn vị thường xuyên cập nhật thông tin về tổ chức, người thực hiện TGPL, thông tin việc, vụ việc TGPL và trích xuất các thống kê báo cáo phục vụ cho công tác quản lý, theo dõi và hoạt động TGPL. Nhiều Trung tâm TGPL đã ban hành các văn bản đôn đốc, chỉ đạo, hướng dẫn việc cập nhật thông tin lên Hệ thống quản lý TGPL.
6. Xây dựng hệ thống các tổ chức thực hiện TGPL, đội ngũ người thực hiện bảo đảm đáp ứng nhu cầu TGPL của người dân
Ở Trung ương, Cục TGPL gồm 4 đơn vị trực thuộc, bảo đảm đủ năng lực giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp quản lý, điều hành có hiệu quả hoạt động TGPL trong toàn quốc.
Ở địa phương, có 63 Trung tâm TGPL nhà nước là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Tư pháp, có 123 Chi nhánh đang hoạt động thực chất, là nơi để người dân tiếp cận TGPL thuận lợi hơn, không mất thời gian chi phí đến trụ sở Trung tâm TGPL nhà nước.
Hiện nay, toàn quốc có 634 trợ giúp viên pháp lý là đội ngũ nòng cốt cung cấp dịch vụ TGPL cho người dân. Thời gian tới dự kiến đội ngũ này được bổ sung những người đã đạt kết quả tập sự TGPL. So với trước đây thì cơ cấu cán bộ của các Trung tâm TGPL đã hợp lý hơn [13]. Bên cạnh đó, các địa phương đã có sự thu hút các nguồn lực ngoài xã hội tham gia TGPL. Đến hết năm 2020, cả nước có 193 tổ chức đăng ký tham gia TGPL (158 tổ chức hành nghề luật sư với 158 luật sư; 35 tổ chức tư vấn pháp luật với 94 tư vấn viên pháp luật); 41 tổ chức ký kết hợp đồng thực hiện TGPL (31 tổ chức hành nghề luật sư với 93 luật sư, 10 tổ chức tư vấn pháp luật với 35 tư vấn viên pháp luật); có 686 cá nhân ký hợp đồng thực hiện TGPL với Trung tâm TGPL nhà nước (trong đó có 645 luật sư ký hợp đồng và 41 cộng tác viên ký hợp đồng).