Một số quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình và hướng dẫn thực hiện trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bạo lực gia đình (phần 9)

2.2. Các kỹ năng TGPL trong một số loại vụ việc đặc thù cho nạn nhân BLGĐ

2.2.1. Kỹ năng bảo vệ cho nạn nhân trong vụ án xâm phạm tính mạng sức khỏe
a)  Đặc điểm của loại án về các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người
Được bảo vệ về tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự là các quyền cơ bản của con người, là tiêu chí quan trọng để xác định tình trạng nhân quyền tại mỗi quốc gia cũng như xác định mức độ tiến bộ xã hội và tính nhân văn, tính hoàn thiện của hệ thống pháp luật, đặc biệt là pháp luật hình sự. Xuất phát từ tầm quan trọng của đối tượng cần được bảo vệ, chế định về các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người được BLHS (BLHS) thiết kế ngay sau chế định về các tội xâm phạm an ninh quốc gia.  BLHS  hiện hành đặt ra 34 điều luật trong chương 14 BLHS quy định về các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người từ Điều 123 đến Điều 156 được phân thành 3 nhóm: (i) nhóm các tội xâm phạm tính mạng (gồm 13 tội) (ii) nhóm các tội xâm phạm sức khỏe (gồm 8 tội); (iii) nhóm các tội xâm phạm nhân phẩm, danh dự (gồm 13tội). Tuy nhiên, đây chỉ là sự phân định một cách  tương đối dựa trên đối tượng bị tội phạm trực tiếp xâm hại (các quyền cơ bản của con người). Trên thực tế nhiều tội phạm xâm hại cả sức khỏe và nhân phẩm, danh dự (hiếp dâm, hành hạ người khác...) hoặc để xác định lỗi của người có hành vi xâm hại đến thân thể người bị hại là cố ý xâm hại đến tính mạng hay sức khỏe (giết người hay cố ý gây thương tích) không hề đơn giản, đòi hỏi phải trải qua quá trình chứng minh với đầy đủ chứng cứ và trách nhiệm nghề nghiệp của chủ thể chứng minh.
Đối với nhóm tội xâm phạm tính mạng, nhóm tội xâm phạm sức khỏe, lỗi cố ý trực tiếp và gián tiếp trong hành vi phạm tội là đa số, không nhiều lỗi vô ý (trong các tội vô ý làm chết người (Điều 128), tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiêp hoặc quy  tắc hành chính (Điều 9129) hay các tội vô ý gây thương tích (Điều 138, 139). Trong 34 tội quy định ở Chương 14 BLHS, có 2 tội đặc biệt nghiêm trọng có mức cao nhất của khung hình phạt là tử hình (các tội quy định tại Điều 123, Điều 142), 5 tội có mức hình phạt tối đa là tù chung thân (các tội quy định tại  Điều 134, Điều141, Đ 149, Điều 151, Điều 154). Chính sách hình sự của Nhà nước đối với người thực hiện các tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng nêu trên là  rất nghiêm khắc cả về khung hình phạt (luật nội dung) và các biện pháp ngăn chặn (luật tố tụng) trong quá trình truy cứu trách nhiệm hình sự (TNHS). Do đó, việc bào chữa, bảo vệ của TGVPL  trong các vụ án về loại tội phạm này có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ quyền và lợi ích của cả bị can, bị cáo và người bị hại.
Trong lịch sử pháp luật, loại án về các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự luôn được quan niệm là loại án hình sự điển hình, dù trong bất cứ triều đại hay bất cứ kiểu Nhà nước, kiểu pháp luật nào trên thế giới. Đây cũng là loại án có tính đối kháng cao nhất giữa người bị hại và người phạm tội và thường có sự trông đợi rất lớn từ phía người bị hại với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong việc trừng phạt người phạm tội. Rất nhiều vụ án kéo dài đến giai đoạn xét xử phúc thẩm do sự căng thẳng từ cả hai phía người bị hại và bị cáo, do người bị hại mong muốn mức hình phạt và mức bồi thường cao nhất mà bị cáo phải gánh chịu. Mặt khác, đây cũng là loại án mà pháp luật nhiều nước dành cho người bị hại mức độ chủ động tương đối cao trong việc xử lý hình sự đối với người phạm tội (quyền tư tố, công - tư tố trong các trường hợp pháp luật quy định khởi tố theo yêu cầu của người bị hại). Những vụ án liên quan đến BLGĐ thường rơi vào các loại tội này.
Đa phần các tội trong loại án này đòi hỏi phải có nguồn chứng cứ rất đặc trưng như vật chứng là công cụ gây thương tích; biên bản về hoạt động điều tra (biên bản khám nghiệm hiện trường, biên bản khám nghiệm tử thi, biên bản xem xét dấu vết trên thân thể), các tài liệu như giấy chứng thương/bệnh án, kết luận giám định pháp y... xác định nguyên nhân chết, tính chất, mức độ thương tích, tổn hại của sức khỏe để làm rõ hành vi phạm tội và hậu quả của hành vi phạm tội. Do có sự giáp ranh giữa rất nhiều tội danh nên các nguồn chứng cứ nêu trên đóng vai trò rất lớn trong việc xác định đúng hành vi, mức độ lỗi, động cơ, mục đích phạm tội của bị can, bị cáo qua đó giúp cho việc định tội danh được chính xác.
Trong thực tiễn tranh tụng, xuất phát từ tính nghiêm trọng, tính đối kháng của  loại án về các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người và khung hình phạt tương đối nghiêm khắc dành cho người phạm tội, rất nhiều vụ án mà người bị hại, người đại diện hợp pháp của người bị hại có nhu cầu trợ giúp pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.
b) Các kỹ năng bảo vệ cho nạn nhân trong vụ án xâm phạm tính mạng sức khỏe
Bên cạnh các kỹ năng chung đã được đề cập tại phần trên, khi tham gia bảo vệ cho nạn nhân BLGĐ trong các vụ án xâm phạm tính mạng sức khỏe, Người thực hiện cần lưu ý một số nội dung sau:
- Tiếp xúc với bị hại
Đối với vụ việc BLGĐ, người bị hại có sự đa dạng về nhân thân, tuy nhiên, họ đều có đặc điểm chung là bị thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra. Khi tiếp xúc với TGVPL, họ thường có tâm lý nặng nề do tổn thương về thể chất và tinh thần, tài sản, đồng thời, có sự căm hận, bức xúc với người phạm tội, muốn qua người thực hiện TGPL  để nhờ pháp luật trừng phạt nặng người phạm tội và yêu cầu mức bồi thường có lợi cho họ. Người thực hiện TGPL cần nắm được đặc điểm tâm lý này để chủ động làm rõ nội dung trình bày của họ về tính chất nghiêm trọng của thiệt hại do hành vi phạm tội đã gây ra. TGVPL cũng cần có các câu hỏi để làm rõ vấn đề lỗi, xem lỗi hoàn toàn thuộc về người phạm tội hay bản thân người bị hại cũng có lỗi.
Từ những thông tin trên, TGVPL  sơ bộ xác định được hướng bảo vệ và khái lượng mức độ công việc trong vụ án và các yêu cầu hợp tác khác từ phía người bị hại và gia đình họ. Ngoài ra, khi tiếp xúc với người bị hại hoặc đại diện hợp pháp của người bị hại, TGVPL cũng cần làm rõ quan điểm, sự quyết tâm của họ trong vụ án này, họ có thay đổi quan điểm không khi nhận được yêu cầu bồi thường, hòa giải hoặc các hứa hẹn khác từ phía người phạm tội và gia đình họ.
Người thực hiện TGPL nên để họ trình bày toàn bộ nội dung sự việc để  nắm bắt diễn biến sự việc xảy ra và cần hỏi rõ các tình tiết phản ảnh hành động cố ý gây thương tích, làm nhục,... đã được thực hiện như thế nào; các yêu cầu bồi thường thiệt hại. Có nhiều trường hợp không kiềm chế được các cảm xúc đau thương, căm giận nên quá trình kể lại của người bị hại bị đứt quãng, thêm bớt một số tình tiết về sự việc phạm tội, về nhân thân người phạm tội, TGVPL  cũng cần giúp khách hàng bình tĩnh hơn để cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin mà họ biết.
Qua trao đổi ban đầu với người được TGPL, TGVPL cũng cần xác định được tiến trình của vụ án: vụ án đã khởi tố chưa, nếu đã khởi tố thì khởi tố từ khi nào, cơ quan nào thụ lý, yêu cầu xem thông báo về việc bắt, quyết định khởi tố bị can, quyết định phê chuẩn quyết định khởi tố bị can (nếu bị can tại ngoại)..., yêu cầu khách hàng cung cấp thêm thông tin về nhân thân, lai lịch, nơi cư trú ... Cuối buổi gặp, TGVPL cần chốt lại các thông tin do người được TGPL cung cấp, phương thức liên lạc giữa hai bên...
Nạn nhân BLGĐ thường có tâm lý “xấu chàng hổ ai” nên nhiều khi tự nhận lỗi về mình, do vậy người thực hiện TGPL cần kiên trì giải thích, thuyết phục, thậm chí biến buổi tiếp xúc giữa TGVPL với họ thành cuộc nói chuyện đơn giản chỉ là “giữa con người với nhau” hay  “giữa phụ nữ với nhau”, để họ trình bày sự thật, từ đó có hướng tiếp cận vụ án phù hợp. 
Trong quá trình trao đổi, người thực hiện TGPL cần tôn trọng, nghe và ghi chép cẩn thận nội dung trình bày nạn nhân, các nguyện vọng mong muốn của họ cả về kết quả giải quyết vụ án, về việc thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn. Người thực hiện TGPL cũng nên hướng dẫn, giải thích cho họ về một số quyền và nghĩa vụ của họ, các cách ứng xử phù hợp trong quá trình giải quyết vụ án,...
- Nghiên cứu hồ sơ:
Trước khi nghiên cứu hồ sơ, người thực hiện TGPL cần kiểm tra, tổng hợp toàn bộ các tài liệu có trong hồ sơ vụ án. Tùy thuộc vào từng loại vụ án khác nhau thì hồ sơ có thể có nhiều tài liệu khác nhau. Tuy nhiên, thông thường Hồ sơ loại án xâm phạm tính mạng, thân thể  (BLGĐ) thường có các loại tài liệu điển hình sau cần được chú ý khi nghiên cứu:
Thứ nhất, nhóm biên bản biên bản khám nghiệm hiện trường, biên bản xem xét dấu vết trên thân thể…
Trong loại án này, hoạt động khám nghiệm hiện trường có ý nghĩa rất quan trọng trong việc phát hiện tội phạm, nhiều dấu vết, vật chứng tập trung chủ yếu tại hiện trường, do đó phải đọc kỹ biên bản khám nghiệm. Do đó đầu tiên, TGVPL cần kiểm tra thủ tục tố tụng đối với các loại biên bản xem có đúng quy định của pháp luật không, như có ghi người chứng kiến không, những đồ vật cần niêm phong có chữ ký của chủ đồ vật không... TGVPL đọc và đối chiếu biên bản khám nghiệm hiện trường với biên bản xem xét dấu vết trên thân thể và các tài liệu liên quan về thu giữ dấu vết, vật chứng để nắm bắt các dấu vết, xác định nguồn gốc và mối liên quan giữa hiện trường với các dấu vết, vật chứng.
Với các biên bản thu giữ vật chứng, TGVPL cần đọc kỹ để xác định tính liên quan của chứng cứ sau này qua việc kết nối các thông tin về nơi và cách thức tìm được vật chứng, các đặc điểm riêng của vật chứng, kích thước của vật chứng, nắm vững quá trình thu thập vật chứng (qua khám xét, khám nghiệm hiện trường thu được hay do người nào mang đến nộp), so sánh vật chứng với các chứng cứ khác xem phù hợp hay mâu thuẫn để xác định giá trị chứng minh của nguồn chứng cứ này.
Người thực hiện cần phải đọc phần mô tả công cụ gây án để làm rõ cơ chế sát thương hoặc gây ra thương tích, cách thức sử dụng và những vết thương để lại trên thân thể nạn nhân xem có phù hợp hay không? cách thức sử dụng công cụ, phương tiện so với tính năng của công cụ, phương tiện so với hậu quả đã xảy ra, từ đó so sánh với lời khai về nguồn gốc, quá trình mua sắm, tàng trữ công cụ phạm tội, mức độ hiểu biết của bị can về công năng và cách sử dụng vật chứng, qua đó xác định được phương thức, thủ đoạn phạm tội cũng như mức độ lỗi của bị can để bào chữa theo hướng giảm nhẹ hay đề xuất tăng nặng trách nhiệm hình sự khi bảo vệ cho người bị hại.
Người thực hiện TGPL cũng theo quy trình đọc đánh giá nêu trên khi tiếp cận các tài liệu của cơ quan y tế, xác định xem tài liệu đó có được hình thành một cách hợp pháp không? có được thu thập theo đúng trình tự luật định không? nội dung của những tài liệu này có phản ánh được sự thật khách quan của vụ án hay không? Để đánh giá được một cách chính xác tài liệu của cơ quan y tế, cơ quan giám định, TGVPL  cần có những hiểu biết cơ bản về các vấn đề này. Khi nghiên cứu các tài liệu kể trên, TGVPL cần ghi chép đầy đủ, đề nghị cho photocopy hoặc chụp lại qua máy ảnh, máy điện thoại để bảo đảm tính chính xác và khi cần thiết tham khảo các chuyên gia, thậm chí trình chiếu tại phiên tòa để phần bảo vệ tăng tính trực quan và các lập luận tăng tính thuyết phục.
Thứ hai, quyết định trưng cầu giám định và kết luận giám định
Giám định tư pháp hiện nay bao gồm giám định kỹ thuật hình sự, giám định pháp y và giám định pháp y tâm thần, trong đó giám định kỹ thuật hình sự bao gồm: Giám định dấu vết đường vân; Giám định dấu vết cơ học; Giám định tài liệu; Giám định ảnh; Giám định cháy, nổ; Giám định kỹ thuật; Giám định âm thanh; Giám định sinh học; Giám định hoá học,…
Giám định kỹ thuật hình sự với các lĩnh vực nêu trên đồng thời là biện pháp khoa học - kỹ thuật, nghiệp vụ của ngành Công an. Đối với lĩnh vực giám định pháp y, hiện nay Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa ban hành Thông tư số 28/2013/TTLT-BYT-BLĐTBXH ngày 27/9/2013 quy định tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích, bệnh, tật và bệnh nghề nghiệp thay thế Thông tư số 12/TTLB ngày 26/7/1995 của Bộ Y tế - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành kèm theo bản quy định về tiêu chuẩn thương tật và tiêu chuẩn bệnh tật mới chủ yếu áp dụng trong giám định thương tật cho thương binh và người bị tai nạn lao động. Do đó, TGVPL cũng phải có những kiến thức cơ bản về tiêu chuẩn xác định tỷ lệ thương tật, các thuật ngữ của giám định pháp y như thương tật tạm thời, vĩnh viễn, phương pháp cộng lùi, cộng thẳng…,phải đọc kỹ các quy định của Luật giám định tư pháp, Nghị định 85/2013/NĐ - CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật giám định tư pháp.... để áp vào thực tiễn giám định trong vụ án từ đó mới đánh giá được chất lượng của giám định.
Khi đọc các tài liệu giám định trong hồ sơ vụ án, Người thực hiện TGPL chú ý xem công cụ phương tiện, các mẫu vật gửi đi giám định có bảo đảm chất lượng không, trình tự thủ tục trưng cầu giám định, ra kết luận giám định có đúng thủ tục tố tụng không; tính khoa học của các phuong pháp áp dụng để ra kết luân giám định có bảo đảm không.
Đối với quyết định trưng cầu giám định, Người thực hiện TGPL cần đánh giá quyết định trưng cầu giám định pháp y của CQĐT để xác định nội dung yêu cầu giám định đã cụ thể, sát với sự việc và những vấn đề cần kết luận chưa. Nhiều quyết định trưng cầu giám định pháp y thường không nêu hết các yêu cầu mà chỉ ghi chung chung mà không yêu cầu làm rõ thương tích trên người nạn nhân do vật gì, có đặc điểm như thế nào gây nên, thời gian chết của nạn nhân... nên sau đó Người thực hiện TGPL phải đề xuất Cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu giải thích giám định hoặc giám định bổ sung. Một số quyết định trưng cầu đẩy việc đánh giá chứng cứ, kết luận vấn đề pháp lý sang cho cá nhân, tổ chức được trưng cầu giám định trong khi họ chỉ kết luận về các vấn đề pháp y, pháp y tâm thần được trưng cầu theo kiểu bị can tại thời điểm phạm tội đã đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự chưa, bị can tại thời điểm phạm tội có đủ năng lực trách nhiệm hình sự không hoặc chịu ở mức độ nào…
Trong nhóm tội xâm phẩm danh dự, nhân phẩm (hiếp dâm người dưới 16 tuổi, cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, dâm ô đối với người dưới 16 tuổi) khi đọc hồ sơ, Người thực hiện TGPL còn phải chú ý các tài liệu xác định độ tuổi của người bị hại là trẻ em, nếu có nghi ngờ về các tài liệu xác định tuổi phải ghi lại làm căn cứ đề nghị trả hồ sơ điều tra bổ sung, thực tế đã có những trường hợp sau khi điều tra bổ sung xác định chính xác tuổi của người bị hại đã qua tuổi trẻ em nên vụ án được đình chỉ hoặc được chuyển sang tội danh khác.
- Chuẩn bị luận cứ bảo vệ
Về định hướng bảo vệ, trong án xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, người bị hại thường có yêu cầu xử lý nghiêm minh, đúng người, đúng tội với hành vi của người phạm tội và yêu cầu bồi thiệt hại một cách thỏa đáng, tương xứng với thiệt hại mà họ phải gánh chịu.
Nếu nhận thấy bản cáo trạng truy tố không đúng, cần phải xét xử bị cáo theo tội danh hoặc khung hình phạt khác nặng hơn thì người thực hiện TGPL đưa ra chứng cứ, lập luận và đề nghị Hội đồng xét xử giải quyết theo hướng đó. Việc làm rõ trách nhiệm hình sự của bị cáo có thể theo hướng đề nghị tăng nặng trách nhiệm hình sự như yêu cầu xét xử theo khung hình phạt khác nặng hơn với việc đề xuất áp dụng một hay nhiều tình tiết định khung tăng nặng (đặc biệt là các tình tiết mang tính chất định tính trong các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự như: có tính chất côn đồ, vì động cơ đê hèn, gây hậu quả nghiêm trọng...) trả hồ sơ điều tra bổ sung để truy tố theo tội danh khác nặng hơn (giết người mà không phải là cố ý gây thương tích, hiếp dâm mà không phải là cưỡng dâm, cố ý gây thương tích mà không phải là cố ý gây thương tích do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng...) nếu thấy Cáo trạng truy tố không đúng. Việc người thực hiện TGPL  làm rõ trách nhiệm hình sự của bị cáo là cần thiết bởi trên cơ sở đó mới yêu cầu bị cáo bồi thường thiệt hại cho chính xác. 
Tuy nhiên, cũng trong phần lớn trường hợp, nếu cáo trạng của  VKS  truy tố đúng người, đúng tội, người thực hiện TGPL bảo vệ theo hướng công nhận cáo trạng, phân tích các chứng cứ và đề nghị Toà án xét xử bị cáo theo cáo trạng của VKS  và bị cáo phải bồi thường cho người bị hại do gây ra các thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự.
Về loại và mức bồi thường thiệt hại, người thực hiện TGPL phải xác định những vấn đề cần làm sáng tỏ về quan hệ nhân quả giữa hành vi của bị cáo với hậu quả mà thân chủ phải gánh chịu, TGVPL  phân tích các tài liệu chứng cứ, nêu rõ các căn cứ pháp luật để bảo vệ quyền được bồi thường thiệt hại, cũng như quyền được xin lỗi, cải chính công khai và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của thân chủ.
Khi soạn thảo luận cứ bảo vệ cho người bị hại, người thực hiện TGPL cũng thực hiện quy trình tương tự khi triển khai các luận cứ. Ví dụ đối với các hành vi giết người hoặc cố ý gây thương tích do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, cần phải phân tích một cách toàn diện các tình tiết của cả hành vi xâm hại lẫn hành vi phòng vệ như khách thể cần bảo vệ, mức độ thiệt hại do hành vi xâm hại có thể gây ra hoặc đã gây ra, vũ khí phương tiện mà hai bên sử dụng; cường độ tấn công của hành vi xâm hại và hành vi bảo vệ, hoàn cảnh xảy ra sự việc, tâm lý của người phòng vệ... Từ đó, TGVPL chỉ ra người phòng vệ đã sử dụng những phương tiện, phương pháp rõ ràng là quá mức đối với hành vi xâm hại tức là hành vi chống trả không cần thiết và như vậy là vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. người thực hiện TGPL cần lên án mạnh mẽ hành vi của bị cáo, nhưng khác với Kiểm sát viên thường đánh giá các thiệt hại về mặt xã hội, đánh giá tính chất xã hội của vụ án để lên án hành vi của bị cáo, TGVPL  bảo vệ cho người bị hại nên đi từ nỗi đau cá nhân của người bị hại, gia đình người bị hại, những trở ngại, xáo trộn, mất mát mà họ đã và sẽ phải gánh chịu trong cuộc sống của họ sau khi bị tội phạm xâm hại để làm rõ nét hơn mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội để nhận được sự đồng cảm với người bị hại.
Đối với các quy định là căn cứ giải quyết vấn đề dân sự, người thực hiện TGPL nên đọc lại cả các quy định của Bộ luật Dân sự, Nghị quyết số 01/2004/NQ - HĐTP ngày 28/4/2004 của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân Tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng,  lưu ý các nguyên tắc và quy định của chế định bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng (Bộ luật Dân sự), vấn đề đồng phạm, nhiều người cùng thực hiện tội phạm nhưng không đồng phạm và trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại để xác định đúng phạm vi bồi thường của thân chủ, qua đó có đề xuất hợp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của thân chủ.
- Kỹ năng  tại phiên tòa:
+ Để nắm được các tình tiết của vụ án, người thực hiện TGPL phải theo dõi mọi diễn biến tại phiên toà, lắng nghe các câu hỏi của Hội đồng xét xử, kiểm sát viên, người thực hiện TGPL đồng nghiệp và các câu trả lời của những người bị hỏi.
+ Kết hợp với việc nghe, người thực hiện TGPL cần ghi chép những điểm quan trọng có liên quan đến việc bảo vệ cho bị cáo hoặc đương sự. Thông thường TGVPL  cần ghi lại lời trình bầy của bị cáo, người bị hại, người làm chứng,…, yêu cầu chung là người thực hiện TGPL nên ghi tóm tắt lời khai, sao cho vừa đầy đủ, ngắn gọn nhưng vẫn phản ánh được nội dung chính. Ở nhóm tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự, người thực hiện TGPL  cần ghi ngắn gọn (tốt nhất là ghi chép kết hợp tốc ký, sử dụng biểu tượng, lược đồ…) những nội dung trả lời thể hiện hoàn cảnh phạm tội, nguyên nhân, động cơ, mục đích phạm tội, đặc biệt là hành vi phạm tội, ý thức chủ quan của người phạm tội để phân biệt tội giết người với tội cố ý gây thương tích; tình trạng tinh thần có bị kích động mạnh không để phân biệt giết người với giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh; có yếu tố vượt quá không để phân biệt giết người, cố ý gây thương tích với giết ngươi, cố ý gây thương tích do vượt qua giới hạn phòng vệ chính đáng; có sử dụng vũ lực trong các tội hiếp dâm không…).
Tóm lại, khi nghe và ghi chép, người thực hiện TGPL phải hết sức nhanh nhạy để phát hiện trong các lời khai của những người được hỏi những tình tiết có lợi cho thân chủ, những tình tiết có mâu thuẫn không phù hợp với thực tế khách quan hoặc các chứng cứ khác của vụ án, những tình tiết chưa được làm rõ để điều chỉnh nội dung, kế hoạch xét hỏi đã dự kiến và chuẩn bị các câu hỏi mới đối với những người tham gia tố tụng.
+ Về kỹ thuật đặt câu hỏi, từ nguyên tắc những câu hỏi phải làm rõ các tình tiết của vụ án sao cho có lợi cho người mình bảo vệ, câu hỏi phải rõ ràng, ngắn gọn, chính xác và không làm cho người được hỏi hiểu theo nhiều nghĩa. Tránh việc đặt câu hỏi quá chung chung, dài dòng hoặc không rõ đó là câu hỏi hay câu giải thích, vì hỏi như vậy sẽ làm cho người bị hỏi không biết phải trả lời như thế nào. Nếu muốn yêu cầu người bị hỏi giải thích một số điểm trong lời khai đã khai tại  CQĐT của họ, người thực hiện TGPL  chuẩn bị sẵn lời khai này, đánh dấu những điểm cần hỏi để luôn luôn chủ động khi xét hỏi.
+ Trong loại án này, do tính chất đối kháng tương đối lớn cũng như do mỗi người đều có thể có những cách tiếp cận khác nhau về đánh giá chứng cứ, xác định tội danh, vai trò, vị trí của bị cáo, lỗi của người bị hại (nếu có), dự liệu các dạng, mức trách nhiệm hình sự... nên khi chủ tọa tuyên án, người thực hiện TGPL cần chú ý nghe cách lập luận của Hội đồng xét xử mà từ các lập luận này, Hội đồng xét xử có các quyết định quan trọng trong bản án. người thực hiện TGPL nên so sánh với cách đánh giá, cách lập luận của bản thân mình cũng như của đại diện VKS. Đây là cơ sở quan trọng để người thực hiện TGPL giải thích, làm rõ nội dung bản án cho người được TGPL, giúp họ kháng cáo sau phiên tòa sơ thẩm hoặc tư vấn cho họ nên bằng lòng với bản án sơ thẩm.
c) Những lưu ý khi thực hiện TGPL cho nạn nhân BLGĐ trong các vụ án thuộc loại tội xâm phạm tính mạng sức khỏe
* Giai đoạn điều tra
- Hỗ trợ nạn nhân viết đơn.
- Chú ý đến các căn cứ khởi tố điều tra vụ án BLGĐ, BLTD. Đặc biệt là những trường hợp khởi tố theo yêu cầu của bị hại quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết để xem xét và đề nghị cơ quan điều tra xác định xem có hay không những tình tiết để có thể khởi tố theo các tội danh mà không cần có yêu cầu của người bị hại. Ví dụ khoản 1 Điều 134 khi tỷ lệ thương tật trên 30%.
Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì cần phải xem xét các thông tin: Tình trạng hôn nhân hiện như thế nào? có ngược đãi, quấy rối, đe dọa, sử dụng hung khí nạn nhân hoặc con cái, sự phụ thuộc của nạn nhân vào người gây bạo lực để xác định rõ nguyên nhân việc rút yêu cầu khởi tố để có giải pháp hỗ trợ phù hợp.
- Hỗ trợ nạn nhân trong việc đề nghị Cơ quan điều tra: Quyết định áp dụng, thay đổi, huỷ bỏ các biện pháp ngăn chặn, như bắt, tạm giữ, tạm giam, bảo lĩnh, đặt tiền hoặc tài sản để đảm bảo; trưng cầu giám định, quyết định khai quật tử thi; Quyết định truy nã bị can, khám xét, thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, xử lý vật chứng;
- Đảm bảo rằng tất cả các hành vi xảy ra đều phải được xem xét xử lý kiên quyết và triệt để để phòng ngừa bạo lực tiếp theo xảy ra trong tương lai.
- Khích lệ nạn nhân tích cực tham gia vào giai đoạn điều tra; khai báo hoặc chủ động báo cho cơ quan công an.
- Trao đổi về thủ tục tố tụng, quyền và nghĩa vụ của nạn nhân khi tham gia quá trình tố tụng.
- Hỗ trợ nạn nhân trong việc giám định thương tật/ y tế...
- Hỗ trợ nhanh chóng và kịp thời các hoạt động của cơ quan điều tra.
- Bảo đảm thu thập chứng cứ toàn diện: quá trình bạo lực, lời khai của người làm chứng, ảnh chụp hiện trường.... Khi đến hiện trường, cần chú ý đến các khí cạnh: Xác định nguyên nhân, hậu quả, phương thức, thủ đoạn và địa điểm của vụ phạm tội; Phòng ngừa hậu quả tiếp theo (xảy ra đối với nạn nhân và những người khác có thể bị ảnh hưởng như trẻ em).
- Kịp thời kiến nghị cơ quan điều tra để đảm bảo rằng tất cả các chứng cứ đều được thu thập.
- Trong vụ việc BLGĐ, BLTD cần chú ý đến thương tích của nạn nhân có thể không xuất hiện ngay hoặc một số thương tích phải mất mấy ngày mới nhìn rõ (Ví dụ, các vết thâm tím và dấu vết bóp cổ có thể không nhìn thấy trong 3-4 ngày sau khi bị tấn công. Nếu có kế hoạch gặp lại nạn nhân để chụp ảnh thương tích trong vòng 3-4 ngày sau khi vụ việc xảy ra. Thứ hai, thủ phạm có thể cố ý gây thương tích cho nạn nhân ở những chỗ có quần áo che khuất hoặc ở những chỗ mà nạn nhân ngại không muốn cho người lạ kiểm tra. Thứ ba, nạn nhân có thể không tiết lộ nguyên nhân gây ra thương tích của họ do lo sợ bị thủ phạm trả thù,…).
- Trong quá trình thực hiện TGPL, có thể hỗ trợ và cung cấp thông tin cho nạn nhân cũng như giới thiệu nạn nhân đến  các dịch vụ hỗ trợ nạn nhân BLGĐ khác (Ví dụ giới thiệu đến cơ sở y tế để điều trị các vết thương; giới thiệu đến nhà tạm lánh để tránh tiếp xúc với người gây bạo lực,…) nếu nạn nhân có yêu cầu.
- Khi cơ quan tố tụng áp dụng thủ tục rút gọn thì cần cân nhắc, đánh giá xem có với bản chất của các vụ việc BLGĐ không để có giải pháp đề nghị, kiến nghị phù hợp;
- Chú ý đến các biện pháp hỗ trợ nạn nhân trong quá trình điều tra như: đề nghị chuyển nạn nhân tới các dịch vụ hỗ trợ; các biện pháp bảo đảm an toàn cho nạn nhân và con cái của họ;
* Giai đoạn truy tố
- Hỗ trợ, cung cấp thông tin, bằng chứng có liên quan đến vụ việc để giúp cơ quan kiểm sát buộc tội thỏa đáng.
- Tiếp tục hỗ trợ và cung cấp thông tin về quá trình tố tụng cho nạn nhân; kịp thời trấn an tinh thần cho nạn nhân trong quá trình tham gia tố tụng.
- Tiếp tục bảo đảm hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền áp dụng kịp thời những biện pháp bảo vệ phù hợp cho nạn nhân.
- Khích lệ nạn nhân trong quá trình tham gia quá trình tố tụng và không rút đơn khởi kiện nếu không có lý do chính đáng.
* Giai đoạn xét xử
- Đề nghị áp dụng những biện pháp phù hợp tạo điều kiện để nạn nhân có thể tham gia suốt thời gian diễn ra phiên tòa.
- Đặt câu hỏi để làm rõ vấn đề đối với người gây bạo lực, thể hiện quan điểm không biện minh cho bạo lực.
- Luôn bên cạnh hỗ trợ nạn nhân để bảo đảm nạn nhân không phải trả lời những câu hỏi thiếu nhạy cảm, có thể khiến họ cảm thấy tự ti, xấu hổ.
- Đề nghị Tòa án cho gọi người làm chứng nếu cần thiết.
- Tiếp tục hỗ trợ và cung cấp thông tin về quá trình tố tụng cho nạn nhân.
- Giúp nạn nhân kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án nếu việc xét xử chưa bảo đảm công bằng, đúng pháp luật.
d) Những điều cần xác định để xây dựng bản luận cứ bào chữa/bảo vệ
-  Khiếu kiện hoặc phản ánh trước đó về hành vi BLGĐ.
-  Mức độ trầm trọng của thương tổn do BLGĐ gây ra đối với người khác.
-  Khả năng BLGĐ tiếp tục gây tổn thương cho người khác trong tương lai.
- Hành vi đó có phải là hành vi tự vệ không.
- Hiện trường vụ án có phù hợp với lời khai của các bên hay không? Nội dung vụ việc có phù hợp với những chứng cứ thu thập được hay không?
- Chứng cứ và lời khai của những người khác.
- Tài sản, đồ vật  bị phá hủy.
- Hành vi bạo lực.
- Kiểm tra xem trên cơ thể của người gây bạo lực có hay không dấu hiệu chứng tỏ có thương tích xuất phát từ sự tự vệ như:
+ Vết xước ở mặt sau cổ tay, cánh tay hoặc bàn tay.
+ Vết xước trên mặt và cổ.
+ Vết cắn, hằn ở mặt trong của cánh tay (chứng tỏ có thể bị bẻ ngoặt từ đằng sau).
+ Dấu hiệu chứng tỏ bị túm, kéo tóc.
+ Thương tích do vật nhọn hoặc do bị đá gây ra.
* Một số lưu ý khác
- Người thực hiện TGPL khi đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nạn nhân cần bảo đảm rằng việc giải quyết vụ việc BLGĐ tuân thủ các quy định của BLHS và BLTTHS về thời hạn giải quyết. Mọi sự việc có dấu hiệu tội phạm cần phải được xử lý kịp thời. Giải thích cho nạn nhân về các giai đoạn của quá trình tố tụng hình sự.
- Động viên, an ủi và xoa dịu nỗi sợ hãi cho người bị buộc tội là nạn nhân BLGĐ, thực hiện những biện pháp cần thiết để bảo vệ nạn nhân, tạo điều kiện cho họ sẵn sàng tham gia tố tụng.
- Song hành cùng nạn nhân trong khi tham gia TTHS để bảo đảm rằng nạn nhân không bị chất vấn bởi những câu hỏi có tính công kích, buộc tội, kích động hay mang tính đe dọa (chẳng hạn như chế nhạo hoặc đổ lỗi cho bị can, bị cáo về tình trạng bạo lực mà họ phải chịu).
- Thu thập, cung cấp cho cơ quan điều tra mọi chứng cứ thu thập được liên quan đến lịch sử của BLGĐ mà người được TGPL phải chịu đựng.
- Trường hợp cần thiết, cần tính toán đến phương án xét xử vắng mặt nạn nhân BLGĐ. Nếu họ tham gia phiên tòa thì hỗ trợ họ trong việc trình bày lời khai trước tòa và sử dụng các biện pháp tạo điều kiện thuận lợi cho sự tham gia của nạn nhân trong suốt phiên tòa.
- Cần lưu ý trong phần buộc tội không nên coi những lý do ngụy biện hay sự hối lỗi nhằm biện minh cho hành vi bạo lực đối với người được TGPL là nạn nhân BLGĐ là một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của người gây bạo lực.
- Khi tham gia bào chữa cho nạn nhân BLGĐ là người chưa thành niên thì cần xác định rõ độ tuổi của bị can, bị cáo tại thời điểm phạm tội và thời điểm xét xử.  Ngoài ra, người thực hiện TGPL cần có đủ trình độ và kiến thức sâu rộng về pháp luật (bao gồm cả pháp luật nội dung và pháp luật hình thức), nhất là pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội liên quan đến người chưa thành niên. Biết tập hợp và thường xuyên cập nhật các văn bản pháp luật liên quan đến người chưa thành niên; Am hiểu tâm sinh lý của người chưa thành niên, biết nhìn nhận, phân tích các khía cạnh xã hội tác động lên đời sống của đối tượng này; Có tinh thần, thái độ, đạo đức và trách nhiệm cao khi thực hiện các hoạt động trợ giúp pháp lý vì quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, loại bỏ tâm lý mặc cảm, ghét bỏ tội phạm, thái độ hắt hủi, lạnh lùng khi tiếp xúc với người chưa thành niên vi phạm pháp luật và đặc biệt cần có kỹ năng tiếp cận với trẻ. Tạo niềm tin để trẻ tin tưởng, gần gũi, cậy nhờ và thổ lộ tâm tư, tình cảm, nói hết những gì mà trẻ nghe được, nhìn thấy hoặc trẻ hành động...
(Còn tiếp,…)
Trần Nguyên Tú
Phó trưởng phòng – Phòng TC&QLCL