1. Hình thức và lĩnh vực tư vấn pháp luật
- Theo quy định hiện nay thì Tư vấn pháp luật trong TGPL được thực nhiện bằng văn bản.
- Tư vấn pháp luật được thực hiện trong các lĩnh vực pháp luật: Hình sự, tố tụng hình sự; Dân sự, tố tụng dân sự; hành chính, tố tụng hành chính; Lao động, việc làm; Đất đai, nhà ở; Đất đai, môi trường… trừ lĩnh vực pháp luật có liên quan đến kinh doanh, thương mại.
2. Các bước của quá trình tư vấn
Hoạt động tư vấn pháp luật bao gồm các hoạt động tìm hiểu vấn đề pháp lý, nghiên cứu quy phạm pháp luật áp dụng, tìm giải pháp pháp lý phù hợp và trình bày giải pháp để khách hàng áp dụng. Mỗi người thực hiện TGPL thường có phương pháp, cách thức thực hiện tư vấn pháp luật riêng, nhưng tựu chung lại nó cũng bao gồm một số bước cơ bản. Tài liệu này đưa ra một quy trình tư vấn pháp luật mang tính cơ bản để người thực hiện TGPL có thể tham khảo nhằm bổ sung cho mình những kiến thức cần thiết khi tư vấn pháp luật.
Thực tiễn hoạt động tư vấn cho thấy, việc phân chia theo các bước trong quá trình tư vấn như trên chỉ mang tính tương đối. Tùy từng trường hợp cụ thể mà đòi hỏi phải được thực hiện tuần tự các bước nêu trên hoặc thực hiện một cách kết hợp nhiều bước với nhau tại cùng một thời điểm.
2.1. Gặp gỡ, tiếp xúc với người được TGPL, xác định các vấn đề pháp lý họ gặp phải; mong muốn của họ
Nhiều nạn nhân khi đến với TGPL là mong muốn phải giải quyết ngay được vấn đề của họ và họ thường không biết cách trình bày vấn đè của mình. Do đó, Gặp gỡ, tiếp xúc với người được TGPL, xác định các vấn đề pháp lý họ gặp phải; mong muốn của họ là bước rất quan trọng để người thực hiện TGPL có thể hiểu được nội dung vấn đề, mục tiêu và phạm vi mà người được TGPL yêu cầu tư vấn, giải quyết. người thực hiện TGPL cần sử dụng các phương thức và kỹ năng khi tiếp xúc người được TGPL như sau:
a) Xác định mục tiêu của cuộc tiếp xúc
Người thực hiện TGPL cần xác định mục tiêu của mình cho từng cuộc tiếp xúc với người được TGPL, dù là lần đâu hay đã tiếp xúc nhiều lần. Các mục tiêu tiếp xúc thường đa dạng, nhưng nhìn chung bao gồm:
- Hình thành được mối quan hệ tin cậy giữa người được TGPL và người thực hiện TGPL;
- Trao đổi, tiếp nhận thông tin từ phía người được TGPL, người thực hiện TGPL;
- Giúp cho người được TGPL có thể đưa ra các quyết định phù hợp với quy định pháp luật;
- Giải quyết những công việc pháp lý mà người được TGPL cần từ người thực hiện TGPL;
b) Kỹ năng giao tiếp:
Giao tiếp là quá trình bày tỏ ý định, cảm xúc, trao đổi thông tin với người khác. Giao tiếp có thể bằng lời nói hoặc bằng cử chỉ, hành vi (không lời).
Khi tiếp đối tượng trợ giúp pháp lý, người tư vấn phải kết hợp các kỹ năng: Tiếp đối tượng, nghe đối tượng trình bày để hiểu rõ yêu cầu tư vấn của đối tượng; đặt câu hỏi để làm rõ các tình tiết của vụ việc, …
Giao tiếp có các chức năng sau đây:
+ Trò chuyện để nắm bắt thông tin;
+ Cung cấp cho đối tượng những thông tin chính xác để xóa bỏ những quan điểm lệch lạc, thay đổi niềm tin không đúng đắn;
+ Hỗ trợ chia sẻ về mặt tâm lý, cảm thông với đối tượng;
+ Giúp đối tượng xác định, lựa chọn đưa ra những quyết định cụ thể, cách giải quyết phù hợp;
+ Trang bị cho đối tượng kiến thức, cách ứng xử, suy nghĩ phù hợp.
Khi tiếp đối tượng, người tư vấn phải chú ý tỏ thái độ như sau:
+ Quan tâm và sẵn lòng giúp đỡ người khác;
+ Tôn trọng đối tượng, không phán xét họ (ngắt lời, không lắng nghe, tư thế kênh kiệu, nói năng thiếu lễ độ…;
+ Nhiệt tình trong công việc và chân thành, cởi mở để tạo sự tin cậy;
+ Chấp nhận đối tượng (dù họ ăn mặc, nói năng thế nào cũng không nên phân biệt, đối xử…);
+ Quan tâm đến yêu cầu của đối tượng;
+ Thông cảm với đối tượng (hiểu được tâm lý, suy nghĩ và cảm xúc của đối tượng).
Khi gặp gỡ, giao tiếp với đối tượng, người tư vấn cố gắng tìm hiểu về tâm lý của từng loại đối tượng, các mối quan hệ xã hội của đối tượng để có thái độ ứng xử, giao tiếp phù hợp. Khi tiếp xúc với bất cứ loại đối tượng nào, người tư vấn đều phải khiêm tốn, thể hiện thái độ đúng mực, tôn trọng đối tượng và tạo không khí đối thoại tự do, cởi mở để xây dựng niềm tin trên tinh thần hiểu biết lẫn nhau. Đối với những đối tượng là người dân tộc thiểu số không nói được hoặc không thạo tiếng phổ thông, nếu người tư vấn không biết tiếng dân tộc thì phải mời người có uy tín biết tiếng dân tộc như già làng, trưởng bản cùng tham gia để có thể hiểu được những điều đối tượng trình bày và yêu cầu của họ.
c) Kỹ năng nghe đối tượng trình bày:
Bất luận yêu cầu tư vấn về vấn đề gì, người tư vấn phải chú ý lắng nghe đối tượng trình bày để hiểu rõ về nội dung và bản chất vụ việc. Trong quá trình đối tượng trình bày, người tư vấn cần chú ý lắng nghe và ghi chép đầy đủ những nội dung chính, ý chính, trên cơ sở đó có thể đặt những câu hỏi yêu cầu đối tượng để làm rõ thêm các tình tiết của vụ việc.
Khi nghe đối tượng trình bày, người tư vấn cần chú ý một số kỹ năng sau đây:
+ Dùng cử chỉ, điệu bộ, ngôn ngữ (tiếp đón đối tượng chu đáo, thăm hỏi sức khoẻ đối tượng và gia đình, tập trung chú ý vào đối tượng khi đối tượng đang trình bày…) thể hiện sự chú ý lắng nghe đối tượng nói;
+ Tạo cơ hội, điều kiện, môi trường đối thoại cởi mở, thoải mái để đối tượng diễn đạt hết suy nghĩ, cảm xúc và hành vi của họ. Đừng phản ứng trước những lời tức giận của đối tượng. Phải biết tự kiềm chế, yên lặng lắng nghe, để cho họ trút hết những lời bực bội. Phương pháp chuẩn mực để lắng nghe có hiệu quả là tập trung chú ý vào những điều đối tượng đang nói, gợi ý họ nói rõ ràng, chính xác những ý nghĩ của họ, diễn đạt lại đúng những sự kiện đã xảy ra và yêu cầu nhắc lại những điểm gì còn mập mờ, chưa rõ;
+ Kiên trì lắng nghe hết những gì đối tượng nói, không nên cắt ngang lời hoặc hỏi trong khi họ đang trình bày về vụ việc làm cắt đứt dòng suy nghĩ của họ. Nghệ thuật tốt nhất là biết lắng nghe để hiểu, đừng phản ứng lại đối tượng và cần khuyến khích họ nói đến khi không còn gì để nói. Bằng phương pháp đó chúng ta khuyến khích được đối tượng nói hết những gì cần nói và chúng ta sẽ hiểu được bản chất của vụ việc;
+Dùng lời nói hoặc thái độ, hành vi, cử chỉ để kiểm tra, khẳng định lại những thông tin về suy nghĩ, cảm xúc, hành vi của đối tượng mà mình tiếp nhận được. Người tư vấn cần thể hiện sao cho đối tượng tin rằng mình đã nắm được đúng quan điểm và bản chất vụ việc thì đối tượng mới dễ tiếp thu những lời tư vấn và chấp nhận lời khuyên mà người tư vấn đưa ra;
+ Tóm lược các nội dung mang tính bản chất của vụ việc một cách chính xác, khẳng định lại với đối tượng yêu cầu tư vấn và thống nhất quan điểm về những nội dung cần tư vấn.
Thông thường, lần đầu tiên tiếp xúc với một vụ việc có tính chất phức tạp, người tư vấn chưa thể hiểu biết hết về các tình tiết của vụ việc, chưa nắm bắt một cách chắc chắn bản chất của vụ việc. Trong khi đó, đối tượng thường có tâm lý là người nghe cũng đã nắm được nội dung vụ việc như chính bản thân mình, nên đối tượng thường trình bày theo ý chủ quan và có thể bỏ qua nhiều chi tiết mà họ cho là không cần thiết hoặc không cung cấp những bằng chứng không có lợi cho họ. Vì vậy, người tư vấn cần nghiên cứu đặt ra những câu hỏi đơn giản để làm rõ những tình tiết có liên quan đến bản chất của vụ việc và gợi ý để đối tượng trình bày đúng bản chất vụ việc, lưu ý đối tượng trình bày vấn đề một cách vô tư, khách quan, không thiên vị, chủ quan. Người tư vấn cũng lưu ý đối tượng rằng chỉ có thể đưa ra lời khuyên chính xác, đầy đủ và đúng pháp luật nếu như đối tượng trình bày vấn đề một cách trung thực và khách quan. Ngược lại, lời tư vấn đưa ra có thể không chính xác nếu đối tượng trình bày thiên vị, không trung thực.
Trong quá trình nghe đối tượng trình bày, người tư vấn cần tránh (không nên làm) các hành vi sau đây:
+ Lơ đãng với người đang nói và tỏ thái độ coi thường câu chuyện của họ; nghe đại khái, bỏ qua các chi tiết cụ thể;
+ Cắt ngang lời đối tượng đang nói; giục đối tượng kết thúc câu chuyện của họ; nhìn đồng hồ; cãi lại, chất vấn, tranh luận với đối tượng trong khi họ đang trình bày,…;
+ Nói tranh phần của người nói khi họ đang tìm cách diễn đạt ý của họ;
+ Phán xét, đưa ra nhận xét, đặt ra những giả định, chỉnh lý, lên lớp về mặt đạo lý; áp đặt ý tưởng, kinh nghiệm của mình cho đối tượng;
+ Đưa ra lời khuyên khi đối tượng không yêu cầu;
+ Để cho cảm xúc của người nói tác động quá mạnh đến tình cảm của mình;
+ Không nên có điệu bộ, cử chỉ (như lắc đầu, cau có mặt mày, nheo mắt…), lời nói tỏ thái độ phủ định hay khó chịu khi đối tượng trình bày dài dòng, không logic, khó hiểu hoặc đặt ra nhiều câu hỏi không có liên quan đến vụ việc,…;
+ Không nên buồn bực hay cáu giận khi đối tượng có cử chỉ hoặc lời nói làm mình không hài lòng bởi đó là những bức xúc của họ.
Nhiều người cho rằng bất kỳ ai có tai mà không bị điếc thì đều có thể nghe được những gì người khác nói, nhưng lắng nghe để hiểu biết về bản chất của một hiện tượng, sự vật thì không đơn giản, bởi không chỉ nghe bằng tai mà phải nghe bằng tất cả các giác quan của con người, đúng như hhà triết học Trung Quốc Chuang Tzu đã từng nói: “Việc nghe bằng tai là một chuyện, việc nghe hiểu là một chuyện khác. Nhưng việc lắng nghe không chỉ giới hạn của cơ quan thính giác (tai) hay bộ óc, vì nó đòi hỏi sự tham gia của tất cả các giác quan và khi các giác quan bắt đầu tham gia thì tất cả sẽ được lắng nghe. Có một điều mà có thể trước đây bạn chưa hiểu rõ, đó là chưa bao giờ bạn thực sự lắng nghe”.
d) Kỹ năng đặt câu hỏi
Kỹ năng đặt câu hỏi là một trong những kỹ năng chủ chốt của người thực hiện TGPL trong quá trình hành nghề. Các câu hỏi cần được tính toán và cân nhắc kỹ (như nên sử dụng câu hỏi đóng hay câu hỏi mở) trước khi tiến hành cuộc gặp gỡ để người thực hiện có thể trả lời theo đúng những nội dung mà người thực hiện TGPL cần tìm hiểu.
đ) Ghi chép
Ghi chép là một kỹ năng quan trọng trong quá trình hành nghề. Khi tiếp xúc với người được TGPL, người thực hiện TGPL cần ghi chép lại để có thể dựa vào đó mà tư vấn. Tuy vậy, người thực hiện TGPL cũng không nên tập trung vào ghi chép mà thiếu đi sự giao lưu, đặt câu hỏi trong quá trình tiếp xúc.Trong quá trình tiếp xúc hoặc khi người được TGPL kết thúc trình bày, Người thực hiện TGPL cần kiểm tra lại các ghi chép của mình và hỏi lại người được TGPL những vấn đề có thể còn thiếu, chưa lôgic, hợp lý mà người thực hiện TGPL phát hiện được từ bản ghi chép.
e) Kỹ năng yêu cầu đối tượng cung cấp các chứng cứ, tài liệu liên quan đến vụ việc.
Sau khi đã nắm được sơ lược vấn đề người được TGPL cần giải quyết, người thực hiện TGPL có thể đề nghị khách hàng cung cấp thông tin từ hai hay nhiều phía để có thể hiểu vấn đề một cách toàn diện và thấu đáo hơn.
Trong thực tiễn, người tư vấn khó có thể đưa ra những lời khuyên (tư vấn) chính xác nếu chỉ nghe đối tượng trình bày. Đối với những yêu cầu tư vấn đơn giản, rõ ràng, sau khi nghe đối tượng trình bày, người tư vấn có thể phân tích, giải thích, hướng dẫn được ngay cho đối tượng, song đối với những vụ việc phức tạp, đã diễn ra trong một thời gian dài, vụ việc đã được một số cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân can thiệp hoặc giúp đỡ giải quyết, nhưng đối tượng vẫn không hài lòng và tiếp tục khiếu kiện thì phải yêu cầu đối tượng cung cấp các chứng cứ và tài liệu (nếu có) liên quan đến nội dung và diễn biến vụ việc (thông thường người tư vấn chỉ nhận bản sao chụp các giấy tờ, tài liệu đó sau khi đã đối chiếu với bản chính). Trong trường hợp cần thiết, người tư vấn phải tự mình tìm hiểu, thu thập chứng cứ, gặp gỡ các cơ quan, tổ chức, cá nhân đã từng tham gia giải quyết, gặp người làm chứng, nghe họ trình bày về diễn biến và nội dung vụ việc mà họ biết được. Chỉ có như vậy thì người tư vấn mới có thể hiểu biết được bản chất vụ việc, từ đó đưa ra lời tư vấn chính xác, đúng pháp luật, cảm hóa, thuyết phục được đối tượng nghe theo lời khuyên của mình.
Trong phần lớn các vụ việc trợ giúp pháp lý thường có các tài liệu, văn bản, thư từ giao dịch,... liên quan đến vụ việc. Những giấy tờ, tài liệu này là những chứng cứ pháp lý thể hiện nội dung, bản chất của vụ việc hoặc phản ánh diễn biến và quá trình giải quyết tranh chấp. Trong thực tiễn, có những vụ việc đối tượng chỉ trình bày vụ việc một cách chung chung, chưa muốn cung cấp cho người tư vấn những văn bản, chứng cứ mà họ cho rằng không có lợi cho mình. Người tư vấn cần thuyết phục để họ cung cấp đầy đủ. Nếu đối tượng không cung cấp những tài liệu này thì việc tư vấn khó có thể chính xác và đúng pháp luật.
Sau khi đối tượng đã cung cấp đầy đủ các văn bản, tài liệu có liên quan, người tư vấn cần dành thời gian để đọc, nghiên cứu các giấy tờ, tài liệu đó, trong khi đọc có thể đồng thời hình thành luôn giải pháp trên cơ sở sắp xếp các tài liệu theo tầm quan trọng của vấn đề đưa ra. Có những tài liệu người tư vấn không hiểu, không đọc được hoặc nghi ngờ về tính chân thực của nó thì cần hỏi lại đối tượng để khẳng định ngay. Trường hợp sau khi nghe đối tượng trình bày và nghiên cứu các tài liệu do đối tượng cung cấp thấy chưa thể đưa ra lời khuyên ngay được mà phải có thời gian nghiên cứu thì hẹn tư vấn cho đối tượng vào một ngày khác. Trong mọi trường hợp, khi chưa thực sự tin tưởng về giải pháp mà mình sẽ đưa ra cho đối tượng thì người tư vấn không nên vội vàng đưa ra giải pháp đó.
2.2. Nghiên cứu tài liệu, xem xét, xác minh, thu thập thông tin, chứng cứ
Để hiểu thấu đáo hơn hoàn cảnh và những khía cạnh khác của vấn đề, người thực hiện TGPL có thể thu thập thêm thông tin từ các nguồn khác, như người thân, hàng xóm,… của người được TGPL.
Quá trình xem xét, xác minh vụ việc đòi hỏi người tư vấn phải thực sự khách quan, tế nhị, nhất là khi tiếp xúc với các cơ quan đã giải quyết vụ việc hoặc bên có lợi ích đối kháng trong vụ việc tranh chấp. Thông thường, những cơ quan, tổ chức và người bị kiện luôn bảo vệ những việc họ đã làm nên chỉ đưa ra những thông tin có lợi cho họ. Vì vậy, người tư vấn cần khéo léo đề nghị các cơ quan hữu quan cung cấp những thông tin, tài liệu chính xác, trung thực. Việc điều tra, xác minh nên lập thành biên bản để lưu hồ sơ để làm căn cứ hoà giải hoặc kiến nghị khi cần thiết.
2.3. Nghiên cứu, tra cứu tài liệu pháp luật, tìm cơ sở pháp lý để giải thích, hướng dẫn phù hợp với pháp luật
Ở bước này, người thực hiện TGPL cần xác định vấn đề của người được TGPL thuộc phạm vi điều chỉnh của quy định pháp luật nào và giải pháp pháp lý nào là thích hợp. Tuy nhiên, trong bối cảnh các quy định pháp luật của Việt Nam thường xuyên thay đổi, thì người thực hiện TGPL cần nghiên cữ, tra cứu, rà soát lại các quy định pháp luật có liên quan để bảo đảm tính phù hợp pháp luật và có thể đem lại thêm giải pháp khác.
Sự phát triển của internet cho phép việc tìm kiếm các quy định pháp luật trở nên dễ dàng hơn rất nhiều so với trước đây. người thực hiện TGPL có thể tìm kiếm các quy phạm pháp luật trên mạng internet thông qua các cổng thông tin điện tử (website) của các cơ quan nhà nước hoặc qua các cơ sở dữ liệu không thu phí hoặc có thu phí (như Công báo: http://congbao.chinhphu.vn/; Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật: http://vbpl.vn/pages/portal.aspx; Luật Việt Nam: www.luatvietnam.vn; Thư viện pháp luật: www.thuvienphapluat.vn). Đối với các văn bản ở địa phương, có thể vào website của ủy ban nhân dân cấp tỉnh của các địa phương để tìm kiếm.
Trong quá tìm kiếm các quy định pháp luật, người thực hiện TGPL cũng có thể hỏi thêm người được TGPL những thông tin bổ sung để củng cố cho các giả thuyết, lập luận pháp lý của mình.
2.4. Xác định các giải pháp để giải quyết vấn đề pháp lý; Đánh giá ưu, nhược điểm của từng giải pháp để xác định giải pháp phù hợp cho vấn đề pháp lý cần tư vấn và mong muốn của người được TGPL
- Sau khi đã có đầy đủ thông tin về vấn đề và xác định được quy phạm áp dụng, người thực hiện TGPL cần đề xuất một hoặc một số giải pháp pháp lý cho người được TGPL để giải quyết vấn đề. Đối với những vấn đề đơn giản mà người thực hiện TGPL đã có nhiều kinh nghiệm trong việc giải quyết, người thực hiện TGPL có thể đưa ra ngay một giải pháp pháp lý phù hợp cho người được TGPL. Nhưng đối với những vấn đề phức tạp, thì người thực hiện TGPL nên đề ra một số giải pháp pháp lý để người được TGPL cân nhắc lựa chọn và/hoặc trao đổi thêm với các đồng nghiệp để tìm ra những phương án phù hợp nhất cho người được TGPL. Ngoài ra, người thực hiện TGPL cũng có thể tham khảo thêm tiền lệ của các vụ việc trước đó được xử lý tại cơ quan hành chính nhà nước hoặc tại tòa án để hiểu rõ hơn phương án giải quyết vấn đề từ góc độ cơ quan nhà nước.
- Người thực hiện TGPL cần có đánh giá ưu điểm và nhược điểm của từng giải pháp để người được TGPL lựa chọn giải pháp tối ưu hoặc phòng ngừa được các rủi ro có thể xảy ra khi thực hiện giải pháp được lựa chọn.
Việc đánh giá ưu điểm và nhược điểm của các giải pháp sẽ giúp người thực hiện TGPL xác định tính phù hợp của giải pháp. Tính phù hợp được cân nhắc dựa trên mức độ thuận tiện hoặc chi phí, thời gian, mối quan hệ xung quanh người được TGPL. Trường hợp khác, thì tính phù hợp sẽ là mức độ an toàn hoặc rủi ro ít nhất hoặc lợi ích cao nhất, bảo đảm được các quyền cơ bản theo Hiến pháp cho người được TGPL, v.v..
- Sau khi đánh giá được ưu điểm và nhược điểm của từng giải pháp, người thực hiện TGPL sẽ tư vấn cho người được TGPL giải pháp pháp lý phù hợp nhất theo quan điểm của người thực hiện TGPL và mong muốn của họ. người được TGPL cũng có thể lựa chọn giải pháp khác trong số những giải pháp mà người thực hiện TGPL đưa ra hoặc đưa ra giải pháp riêng của mình.
Khi lựa chọn giải pháp, người thực hiện TGPL cũng cần phân tích cho người được TGPL về thực trạng pháp lý của vấn đề mà người được TGPL cần giải quyết, vị trí của người được TGPL trong mối quan hệ pháp lý đó, quy trình thực hiện đối với vấn đề cần giải quyết v.v.. Những nội dung này sẽ giúp cho người được TGPL hiểu rõ hơn về giải pháp pháp lý được lựa chọn.
2.5. Soạn thảo văn bản tư vấn cho đối tượng
Để một ý kiến tư vấn bằng văn bản thì cần có hai yếu tố cốt lõi:
- Ý kiến tư vấn là giải pháp tốt nhất để giải quyết được vấn đề của người được TGPL;
- Vấn đề pháp lý của người được TGPL cần phải được tóm tắt lại thành những điểm chính, nổi bật để người được TGPL có thể hiểu rõ vấn đề của mình, nhận biết được phạm vi trả lời của người được TGPL.
Để thực hiện được hai yếu tố trên, văn bản tư vấn cần bảo đảm bốn nội dung chính sau:
- Tóm tắt vấn đề, yêu cầu, câu hỏi của người được TGPL.
- Danh mục các văn bản pháp luật mà người thực hiện TGPL đã nghiên cứu: Liệt kê tất cả các văn bản pháp luật mà người thực hiện TGPL đã nghiên cứu để đưa ra được ý kiến pháp lý. Việc liệt kê văn bản pháp luật nhằm giúp cho các bên tra cứu, tham khảo lại các văn bản pháp luật này nếu cần thiết và/hoặc sẽ tra cứu các văn bản khác chưa được liệt kê để có thể tìm kiếm thêm các giải pháp pháp lý khác.
- Nhận định của người thực hiện TGPL: Phân tích hiện trạng pháp lý của vấn đề và đề xuất một số giải pháp (nếu có).
- Ý kiến của người thực hiện TGPL: Kết luận của người thực hiện TGPL về vấn đề pháp lý và đề xuất giải pháp pháp lý mà người thực hiện TGPL xác định là phù hợp để giải quyết vấn đề của người được TGPL.
2.6. Quản lý, lưu trữ hồ sơ vụ việc tư vấn pháp luật
Hồ sơ vụ việc tư vấn pháp luật gồm 03 nhóm tài liệu
+ Nhóm các giấy tờ người được TGPL cung cấp khi yêu cầu TGPL: Đơn yêu cầu, Giấy tờ chứng minh, các giấy tờ tài liệu có liên quan đến vụ việc;
+ Nhóm các giấy tờ nghiệp vụ liên quan đến người thực hiện TGPL: Văn bản thông báo không tiếp tục thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý (nếu có);
+ Nhóm các giấy tờ, tài liệu liên quan đến quá trình thực hiện TGPL do người thực hiện TGPL thực hiện: Giấy tờ, tài liệu thể hiện quá trình thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý; Văn bản tư vấn pháp luật có chữ ký, ghi rõ họ tên của người thực hiện trợ giúp pháp lý.
(Còn tiếp,…)
Trần Nguyên Tú
Phó trưởng phòng – Phòng TC&QLCL