Mô hình trợ giúp pháp lý hai cấp độ ở Hà Lan

Hiện nay, tại Hà Lan, Hội đồng trợ giúp pháp lý (Legal Aid Board – Council) là cơ quan quản lý nhà nước và chịu trách nhiệm báo cáo về công tác trợ giúp pháp lý trước Bộ An ninh và Tư pháp Hà Lan. Hoạt động của Hệ thống trợ giúp pháp lý ở Hà Lan với đặc trưng là mô hình hai cấp độ. Theo đó ở cấp độ thứ nhất (hay còn gọi trợ giúp pháp lý ban đầu) là việc cung cấp thông tin, tư vấn pháp luật đơn giản được các chuyên viên pháp lý của Quầy dịch vụ pháp lý nhà nước thực hiện cho tất cả người dân là cá nhân có vướng mắc pháp luật và cần sự giúp đỡ của Tổ chức cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí của nhà nước. Ở Cấp độ thứ hai, trợ giúp pháp lý thông qua việc tư vấn tiền tố tụng và đại diện trước tòa án do luật sư ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý với Hội đồng trợ giúp pháp lý Hà Lan thực hiện.

Điều 6.3c, Công ước Châu Âu về Nhân quyền quy định người bị buộc tội: “Được quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa, trong trường hợp thực sự cần thiết mà người bị buộc tội không có khả năng tài chính để lựa chọn người bào chữa thì họ sẽ được giúp đỡ miễn phí”. Bằng nghĩa vụ cam kết, tôn trọng và bảo đảm cho mọi người trong phạm vi lãnh thổ và thẩm quyền tài phán của mình các quyền đã được công nhận trong Công ước này, không có bất kỳ sự phân biệt nào về chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, quan điểm chính trị, nguồn gốc dân tộc, tài sản, thành phần xuất thân hoặc địa vị khác, các quốc gia thành viên của công ước có trách nhiệm xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật bảo đảm quyền tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật của công dân. Trên cơ sở đó, Điều 18 Hiến pháp Hà Lan quy định:(1) Mọi người đều có thể được đại diện theo pháp luật trong các thủ tục pháp lý và hành chính. (2) Điều kiện liên quan đến việc cung cấp trợ giúp pháp lý cho một người có khó khăn về tài chính sẽ được quy định bởi một đạo luật của Nghị viện[1].Đây là tiền đề pháp lý quan trọng để Chính phủ xây dựng tổ chức và hoạt động hệ thống trợ giúp pháp lý. Đồng thời, là cơ sở pháp lý để công dân thực hiện quyền trợ giúp pháp lý pháp lý của mình. Trong phạm vi bài viết này, tác giả tập trung đề cập đến mô hình trợ giúp pháp lý ở Hà Lan.

Hiện nay, tại Hà Lan, Hội đồng trợ giúp pháp lý (Legal Aid Board – Council) là cơ quan quản lý nhà nước và chịu trách nhiệm báo cáo về công tác trợ giúp pháp lý trước Bộ An ninh và Tư pháp Hà Lan. Hoạt động củaHệ thống trợ giúp pháp lý ở Hà Lan với đặc trưng là mô hình hai cấp độ[2]. Theo đó ở cấp độ thứ nhất (hay còn gọitrợ giúp pháp lý ban đầu) là việc cung cấp thông tin, tư vấn pháp luật đơn giản được các chuyên viên pháp lý của Quầy dịch vụ pháp lý nhà nước thực hiện cho tất cả người dân là cá nhân có vướng mắc pháp luật và cần sự giúp đỡ của Tổ chức cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí của nhà nước. Ở Cấp độ thứ hai, trợ giúp pháp lý thông qua việc tư vấn tiền tố tụng và đại diện trước tòa án do luật sư ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý với Hội đồng trợ giúp pháp lý Hà Lan thực hiện.

1. Cấp độ thứ nhất, trợ giúp pháp lý thông qua các Quầy dịch vụ pháp lý

1.1. Quầy dịch vụ pháp lý (Legal Services Counters)

Trước đây, trong hệ thống trợ giúp pháp lý ở Hà Lan, các trung tâm tư vấn và hỗ trợ pháp lý (The Legal Aid, Advice & Assistance Centres) thực hiện chức năng cung cấp thông tin ban đầu về vụ việc pháp lý và thực hiện trợ giúp pháp lý thông qua hình thức tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người đủ điều kiện nhận trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, từ năm 2003 đến năm 2006, thực hiện chiến lược cải cách hệ thống trợ giúp pháp lý theo hướng đẩy mạnh tư nhân hóa các dịch vụ công,tăng cường tính minh bạch và tinh gọn về tổ chức và hoạt động của hệ thống trợ giúp pháp lý, chuyển giao nhiệm vụ tham gia tố tụng, đại diện quyền và lợi ích hợp pháp cho người đủ điều kiện trợ giúp pháp lý tại tòa án cho các luật sư tư thực hiện[3], Hội đồng trợ giúp pháp lý đã thành lập mạng lưới Quầy dịch vụ pháp lý trên phạm vi toàn Vương quốc để thực hiện chức năng tư vấn ban đầu về vụ việc pháp lý cho công dân.Theo đó, hội đồng trợ giúp pháp lý đã thiết lập hơn 30 Quầy dịch vụ pháp lý (Legal Services Counters) được phân bổ đều tại 12 tỉnh[4].

Quầy dịch vụ pháp lý được thiết kế theo hướng thân thiện, gần gũi với khách hàng. Bên trong là một không gian mở với khu vực phòng chờ rộng rãi và các phòng tư vấn pháp luật. Xung quanh khu vực phòng chờ là các giá tài liệu được xắp xếp khoa học theo từng lĩnh vực pháp luật. Tại hành lang phòng chờ, được bố trí và cài đặt hệ thống máy tính hiện đại giúp khách hàng có thể tìm kiếm và tiếp cận trực tuyến các thông tin pháp luật liên quan đến vụ việc của mình. Trong trường hợp, khách hàng không thể trực tiếp đến quầy dịch vụ pháp lý nhưng thông qua website và hệ thống tổng đài chung của 30 Quầy dịch vụ pháp lý để được tư vấn về vụ việc pháp lý

Tại mỗi Quầy dịch vụ pháp lý, Hội đồng trợ giúp pháp lý bố trí ít nhất 06 chuyên viênpháp lý và đội ngũnhân viên hỗ trợ khách hàng, nhân viên hỗ trợ hoạt động chuyên môn nghiệp vụ của chuyên viên pháp lý.

1.2.Chức năng, nhiệm vụ của quầy dịch vụ pháp lý

 Các Quầy dịch vụ pháp lý có nhiệm vụ:

  • Phân tích, làm rõ các vấn đề pháp lý của khách hàng. Trước hết các chuyên viên pháp lý phải xác định vấn đề của khách hàng có thực sự là vấn đề pháp lý hay không? Nếu là vụ việc pháp lý thì vấn đề đó có thuộc phạm vi giải quyết của  Quầy dịch vụ pháp lý hay không?
  • Cung cấp thông tin liên quan đến vụ việc đó. Sau khi tiếp nhận và tìm hiểu vụ việc pháp lý của khách hàng, các chuyên viên sẽ đưa ra thông tin pháp lý liên quan đến nội dung vụ việc cần giải quyết. Đó có thể là thông tin về quyền và nghĩa vụ của khách hàng hoặc thời gian, chi phí thực hiện các thủ tục pháp lý cần thiết để giải quyết vụ việc.
  • Đưa ra tư vấn pháp lý đối với khách hàng. Chuyên viên pháp lý có nhiệm phân tích phương án thích hợp nhất và dự liệu kết quả có thể xảy ra để khách hàng có thể lựa chọn trên cơ sở bảo đảm hài hòa giữa lợi ích và chi phí của khách hàng. Từ đó, khách hàng có thể cân nhắc tiếp tục giải quyết vụ việc hay không. Nếu khách hàng tiếp tục giải quyết vụ việc, chuyên viên pháp lý có thể hướng dẫn đến các Luật sư tư hoặc hòa giải viên để tiếp tục thực hiện vụ việc.

Như vậy, các quầy dịch vụ pháp lý có chức năng “sàng lọc” vụ việc, hoạt động trên nguyên tắc các vấn đề pháp lý cần được giải quyết ở giai đoạn đầu tránh để vụ việc kéo dài, trở nên phức tạp và giảm thiểu tối đa chi phí của các tổ chức, cá nhân trong xã hội.[5]

1.3.Hình thức trợ giúp pháp lý và phạm vi trợ giúp pháp lý

Hình thức trợ giúp pháp lý: ở giai đoạn này, hình thức trợ giúp pháp lý là tư vấn vấn pháp luật cho người có yêu cầu trợ giúp pháp lý thông qua hệ thống tổng đài 0900 trong phạm vi toàn Vương quốc, điện thoại cá nhân, email hoặc tư vấn trực tiếp tại quầy dịch vụ pháp lý.

Phạm vi tư vấn: tư vấn pháp luật được thực hiện trong các lĩnh vực trợ giúp pháp lý như: hình sự, gia đình, lao động/việc làm, nhà ở, an sinh xã hội, người tiêu dùng, hành chính, tị nạn và nhập cư. Tất cả các dịch vụ tư vấn tại quầy dịch vụ pháp lý đều được thực hiện miễn phí.

1.4. Người được trợ giúp pháp lý

 Mọi công dân Hà Lan đều có quyền truy cập dịch vụ tư vấn pháp lý miền phí tại Quầy dịch vụ pháp lý.

Sơ đồ thực hiện trợ giúp pháp lý ở cấp độ 1

2. Cấp độ 2: Trợ giúp pháp lý thông qua luật sư tư

2.1. Người thực hiện trợ giúp pháp lý

Ở cấp độ thứ cấp, Luật sư tưlà người tiếp nhận yêu cầu trợ giúp pháp lý và nộp hồ sơ yêu cầu trợ giúp pháp lý để Hội đồng trợ giúp pháp lý Hà Lan xem xét, phê duyệt một người đủ điều kiện được hưởng trợ giúp pháp lý của nhà nước hay không đồng thời trực tiếp thực hiện trợ giúp pháp lý cho đối tượng khi được Hội đồng chấp thuận.

Để cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý, luật sư phải đăng ký với Hội đồng Trợ giúp pháp lý và tuân thủ một bộ tiêu chuẩn chất lượng. Đoàn luật sư chịu trách nhiệm đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng của luật sư khi tham gia cung cấp dịch vụ pháp lý. Hội đồng Trợ giúp Pháp lý có trách nhiệm phê duyệt danh sách luật sư tham gia trợ giúp pháp lý, giám sát việc cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý của luật sư và có thể “miễn nhiệm” việc cung cấp dịch vụ pháp lý của luật sư nếu các luật sư không hoàn thành nhiệm vụ.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, các luật sư thường cho rằng, việc cấp chứng nhận tham gia trợ giúp pháp lý cho người yêu cầu trợ giúp pháp lý mất nhiều thời gian. Để khắc phục thực trạng này, Hội đồng trợ giúp pháp lý Hà Lan (LAB) đã đề xuất thực hiện phương pháp tin vậy cao (Hight trust) nhằm tăng cường công tác phối hợp trong hoạt động trợ giúp pháp lý giữa hội đồng trợ giúp pháp lý và các luật sư trên cơ sở minh bạch, tin tưởng và hiểu biết lẫn nhau[6].  Năm 2009, Hội đồng trợ giúp pháp lý bắt đầu thí điểm thực hiện phương pháp High Trust đầu tiên. Vào cuối năm 2016, 77% chứng chỉ được cấp cho luật sư làm việc dựa trên các nguyên tắc High Trust[7]. Thông qua phương pháp này, việc đề nghị cấp giấy chứng nhận trợ giúp pháp lý cho người có yêu cầu trợ giúp pháp lý của các luật sư trở lên thuận tiện, nhanh chóng và kịp thời hơn.

2.2.Người đủ điều kiện trợ giúp pháp lý

Người đủ điều kiện nhận trợ giúp pháp lý phải đáp ứng tiêu chuẩn về thu nhập  theo quy định của pháp luật. Khi tiếp nhận đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý, trước hết Hội đồng trợ giúp pháp lý có nhiệm vụ xác định thông tin dữ liệu cá nhân của người có yêu cầu trên cơ sở mã số định danh công dân mà mọi công dân Hà Lan đều được cấp khi đăng ký khai sinh. Ngoài ra, các đương sự không phải là công dân Hà Lan cũng nhận được trợ giúp pháp lý khi họ có một vấn đề liên quan đến hệ thống pháp luật Hà Lan. Sau đó, để xác minh thu nhập, tài sản của người nộp đơn, Hội đồng trợ giúp pháp lý phối hợp với cơ quan thuếthông qua hệ thống kết nối trực tuyến.

Phương pháp xác định thu nhập: Đánh giá mức thu nhập và tài sản của người nộp đơn dựa trên mức thu nhập của người đó từ hai năm trước tính đến thời điểm nộp đơn. Năm đó gọi là năm tham chiếu. Theo Hội đồng trợ giúp pháp lý, sở dĩ, chọn năm tham chiếu như vậy vì những thông tin về thu nhập, tài sản của người nộp đơn thường được xác định một cách chính xác và là cơ sở để xác định một người đủ điều kiện trợ giúp pháp lý[8]. Ví dụ, để được cấp trợ giúp pháp lý vào năm 2016, phải xác định thu nhập của người nộp đơn trong năm 2014. Theo đó, để đủ điều kiện được trợ giúp pháp lý trong năm 2016, thu nhập của người nộp đơn năm 2014 không được cao hơn €26.000(EUR) đối với một người độc thân và €36.800 (EUR) đối với người đã kết hônvà mức thu nhập này có thể được điều chỉnh theo từng năm phụ thuộc vào tỷ lệ lạm phát. Người nộp đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý có thu nhập hộ gia đình nếu vượt quá 36.800 EUR (đối với người đã kết hôn) hoặc 26.000EUR(độc thân) không đượchưởng trợ giúp pháp lý[9].Tài sản của người nộp đơn không được vượt quá €21.139(EUR)[10].

 2.3. Chi phí thực hiện trợ giúp pháp lý

Chi phí trợ giúp pháp lý được bảo đảm từQũy dịch vụ pháp lý. Theo Ủy ban Châu Âu về Hiệu quả của Tư pháp (CEPEJ), ngân sách đảm bảo cho hoạt động trợ giúp pháp lý ở Hà Lan cao thứ tưở châu Âu sau Thụy Điển, Anh & Wales và Scotland). Năm 2016 ngân sách được phê duyệt là 440 triệu euro, nhưng ngân sách thực hiện là 468 triệu euro[11].

Tuy nhiên, người được trợ giúp pháp lý vẫn phải thực hiện nghĩa vụ đóng góp, khoản chi phí tùy thuộc vào tính chất vụ việc và mức độ thu nhập( khoảng từ €143 đến €849năm 2016). Để được giảm khoản đóng góp này, Hội đồng trợ giúp pháp lý khuyến khích người có yêu cầu trợ giúp pháp lý tìm đến các quầy dịch vụ pháp lý trước khi đề nghị các Luật sư tư thực hiện trợ giúp pháp lý bằng cách giảm €51 cho khoản đóng góp của người nộp đơn. Trường hợp nếu chưa thực hiện tư vấn pháp luật qua quầy dịch vụ pháp lý sẽ không được giảm khoản đóng góp này.

2.4. Thanh toán cho luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý

Tại Hà Lan, sau khi kết thúc vụ việc trợ giúp pháp lý, luật sư gửi tài liệu liên quan đến vụ việc kèm theo chứng từ chứng minh quá trình làm việc về Hội đồng trợ giúp pháp lý để đề nghị thanh toán thù lao thực hiện trợ giúp pháp lý đối với vụ việc đó. Thù lao chi trả cho luật sư tư dựa trên các mức khoán cố định cho từng vụ việc theo quy định. Cụ thể là từ 250EUR (đối với vụ việc tư vấn tiền tố tụng thông thường) đến 1.500EUR (đối với vụ việc trong lĩnh vực lao động), đối với những vụ việc phức tạp hoặc những vụ án hình sự nghiêm trọng, Hội đồng trợ giúp pháp lý có thể xem xét và quyết định ở mức cao hơn./.

Sơ đồ thực hiện trợ giúp pháp lý ở cấp độ 2

 


[1]Art.18 “(1) everyone may be legally represented in legal and administrative proceedings. (2) Terms concerning the supply of legal aid to persons of limited means shall be laid down by Act of Parliament.”).

[2] The Dutch legal aid system is basically a two-fold model in that it encompasses two ‘lines’ that provide legal aid. NATIONAL REPORT – THE NETHERLANDS, Page 2.

[3] In summary, the Committee suggested a separation between the public tasks and the private tasks. Public tasks include the tasks that are focussed on clarification of the question, offering information and advice including a limited consulting time (one hour) and referral. With private tasks is meant the granting of legal aid in more complex cases(perhaps as follow-up of public tasks). The Legal Services Counter: Lessons Learned The Netherlands, Page 6.

[4] Drenthe, Overijssel, Gelderland và Groningen ở miền Đông và Đông Bắc; South Holland, Friesland, North Holland và Zeeland ở miền Tây và Tây Bắc; Utrecht và Flevoland (tỉnh mới nhất hình thành từ đất lấn biển ở hồ Ijssel) ở trung tâm; North Brabant và  Limburg ở miền Nam

[5] An important principle is that legal problems should be tackled at an early stage. In this way they can be nipped in the bud, thereby avoiding the possibility of escalation and minimising the social costs and personal damage

[6] This High Trust method implies that the LAB and lawyers work together on the basis of transparency, trust and mutual understanding

[7]Legal Aid in the Netherlands a broad outline - Edition: September 2017, Page 18

[8]The reason to use that year’s data, is that those data have generally been found correct and therefore final, Legal Aid in the Netherlands a broad outline - Edition: September 2017

[9] In order to qualify for legal aid in 2016, the applicant’s income in 2014 should not be higher than € 26,000 (single person) or € 36,800 (married persons / single person with children),Legal Aid in the Netherlands a broad outline - Edition: September 2017, Page 17

[10] Under certain conditions, applicants of 65 or over are allowed higher maximum assets.

[11]The Netherlands has a relatively high legal aid budget. According to the European Commission for the Efficiency of Justice (CEPEJ)1 expenditure on legal aid in Q1 of 2016 was €27.42 per inhabitant (fourth highest, behind Sweden, England & Wales and Scotland). The legal aid budget is not capped. For instance in 2016 the approved budget was €440 million, but the implemented budget was €468 million.https://www.gov.scot/binaries/content/documents/govscot/publications/minutes/2019/07/legal-aid-payment-advisory-panel-minutes-june-2019/documents/annex-a-background-on-legal-aid-in-other-jurisdictions/netherlands/netherlands/govscot%3Adocument/Netherlands.pdf

                                                                                                                               Lê Văn Quang - Văn phòng Cục