Ngày 11/9/2018, Bộ Lao động- Thương binh và xã hội đã tổ chức Hội thảo “Rà soát, đánh giá chính sách, pháp luật về tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về”. Tham dự Hội thảo có ông Paul Priest, đại diện Tổ chức Di cư quốc tế tại Việt Nam; bà Lynsey Ibarra, đại diện Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam, và đại diện Lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ban ngành và các tổ chức quốc tế, lãnh đạo Sở Lao động- Thương binh và xã hội, Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội một số địa phương. Thứ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và xã hội Nguyễn Thị Hà chủ trì Hội thảo.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cho biết, tình hình mua bán người tại Việt Nam diễn biến ngày một phức tạp. Theo dự thảo báo cáo của Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, khu vực các nước Tiểu vùng sông Mê kông (trong đó có Việt Nam) được đánh giá là điểm nóng của tình trạng mua bán người, di cư bất hợp pháp. Tại Việt Nam, tình trạng mua bán người có chiều hướng gia tăng, nạn nhân chủ yếu là phụ nữ, trẻ em (chiếm trên 90%) và đa số thuộc các dân tộc ít người (chiếm hơn 80%), đa phần có hoàn cảnh kinh tế khó khăn (chiếm hơn 80%). Nạn nhân là phụ nữ bị bán ra nước ngoài đa số bị ép kết hôn làm vợ và bóc lột tình dục (chiếm gần 80%), chủ yếu là sang Trung Quốc (chiếm trên 75%). Hội thảo đã có nhiều ý kiến trao đổi nhằm tăng cường phòng, chống nạn mua bán người trái phép và các biện pháp giúp đỡ nạn nhân bị mua bán trở về.
Theo đại diện của Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công An, thủ đoạn mua bán người ngày càng tinh vi, phổ biến là các đối tượng lợi dụng sự phát triển của công nghệ thông tin (qua các trang mạng xã hội) để tiếp cận, dụ dỗ, lừa gạt những cô gái mới lớn, thích ăn chơi đua đòi, trình độ văn hóa thấp, gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Nhiều phụ nữ cũng vì nhẹ dạ, cả tin mà vô tình trở thành nạn nhân của mua bán người. Đại diện của Bộ Công an đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người như: làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục phổ biến pháp luật đến người dân, nhất là phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người để họ tự nâng cao nhận thức, tự bảo vệ mình; tăng cường phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan thực hiện hiệu quả việc trao trả, tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng…
Bà Vũ Thị Hường – Phó Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý phát biểu tại Hội thảo
Đồng quan điểm với ý kiến của đại diện Bộ Công an, bà Vũ Thị Hường, Phó Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp cho biết: từ năm 2015 đến hết năm 2017 đã có gần 200 trường hợp nạn nhân bị mua bán, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em đã được các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước thực hiện trợ giúp pháp lý (cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí). Trong đó, các vụ việc trợ giúp pháp lý theo hình thức tư vấn pháp luật chiếm 50%, các vụ việc trợ giúp pháp lý theo hình thức tham gia tố tụng chiếm 40,9%, còn lại là vụ việc trợ giúp pháp lý theo hình thức khác. Ở phía Bắc, các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng và một số tỉnh có đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc như Hà Giang, Lạng Sơn, các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước đã thực hiện nhiều vụ việc trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bị buôn bán là phụ nữ, trẻ em. Ở phía Nam, các hành vi buôn bán phụ nữ, trẻ em xảy ra tương đối phức tạp, nhiều vụ nghiêm trọng, ví dụ: thành phố Hồ Chí Minh, Kiên Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang... Qua những vụ việc trợ giúp pháp lý cụ thể này, người thực hiện trợ giúp pháp lý đã kịp thời giúp nạn nhân – nhóm người dễ bị tổn thương trong xã hội – và người thân của họ cũng như cộng đồng và xã hội hiểu hơn, tin tưởng hơn vào chính sách, các quy định của pháp luật về phòng, chống mua bán người; nhận biết rõ hơn các thủ đoạn của bọn tội phạm mua bán người ở trong nước và nước ngoài, trên cơ sở đó nâng cao ý thức cảnh giác, biết cách tự phòng ngừa và chống lại tệ nạn mua bán người.
Để tăng cường hiệu quả hoạt động trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bị mua bán người trong thời gian tới, bà Hường đề xuất một số giải pháp như: cần rà soát, hoàn thiện quy định của pháp luật phòng, chống mua bán người cho đồng bộ, thống nhất với quy định của pháp luật trợ giúp pháp lý; tăng cường sự phối hợp đồng bộ, kịp thời với các cơ quan, ban ngành, địa phương, đặc biệt là giữa Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và các Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội, các tổ chức chính trị, xã hội ở địa phương để sớm phát hiện, thông tin và chuyển gửi nhu cầu trợ giúp pháp lý của nạn nhân bị mua bán có khó khăn về tài chính; tăng cường đổi mới công tác truyền thông, nhất là truyền thông về những vụ việc trợ giúp pháp lý điển hình cho nạn nhân bị mua bán …
Tại Hội thảo, các đại biểu cũng đã trao đổi cụ thể hơn về tình hình thực hiện việc phòng, chống nạn mua bán người của các cơ quan, các địa phương; nêu ra nhiều biện pháp để tăng cường công tác này trong thời gian tới, trong đó có việc truyền thông về quyền được trợ giúp pháp lý của nạn nhân bị mua bán có khó khăn về tài chính theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý 2017.
Thanh Hà