Trong những năm qua (giai đoạn 2011 – 2015), căn cứ các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp và UBND tỉnh, Sở Tư pháp đã tham mưu và trình UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành hơn 10 văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện Chính sách nâng cao nhận thức pháp luật và trợ giúp pháp lý đối với ĐBDTTS (trong đó, có 04 văn bản quy phạm pháp luật, 03 quyết định ban hành kế hoạch và 03 kế hoạch); phối hợp Ban Dân tộc tỉnh ký kết 01 Chương trình phối hợp về công tác trợ giúp pháp lý đối với người dân tộc thiểu số, giai đoạn 2012 – 2015; tham mưu giúp UBND tỉnh tổ chức 18 hội nghị triển khai các văn bản pháp luật cho lãnh đạo UBND, các trưởng, phó phòng chuyên môn thuộc UBND 06 huyện nghèo; mở 12 lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ công tác PBGDPL và hòa giải ở cơ sở cho đối tượng là bí thư, phó bí thư đoàn cấp xã, cán bộ tư pháp xã, tuyên truyền viên, hòa giải viên, trưởng thôn, già làng thuộc 06 huyện nghèo; 27 lớp tập huấn nghiệp vụ trợ giúp pháp lý cho đội ngũ người thực hiện TGPL và 335 đợt TGPL lưu động về cơ sở; cử hơn 30 lượt báo cáo viên pháp luật về các xã, thị trấn, các hội, đoàn thể tại 06 huyện nghèo để PBGDPL; kiện toàn 622 tổ hòa giải với 3.439 hòa giải viên; thực hiện hoàn thành 3.281 vụ việc TGPL, trong đó có 226 vụ việc đại diện, bào chữa, 3.055 vụ việc tư vấn pháp luật và tổng số người được TGPL là 3.285 người.
Những kết quả đạt được nêu trên đã phần nào phản ánh sự đóng góp tích cực của Ngành Tư pháp trong việc thực hiện các Chính sách cho ĐBDTTS trên địa bàn tỉnh và công tác PBGDPL và TGPL thời gian qua đã phần nào giải đáp kịp thời các vướng mắc pháp luật của ĐBDTTS, giúp họ nâng cao hiểu biết pháp luật, thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của mình, tham gia đấu tranh phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật, giữ gìn sự đoàn kết trong cộng đồng dân cư, làm giảm thiểu các vụ việc tranh chấp, khiếu kiện không đáng có xảy ra. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt, trong quá trình triển khai thực hiện Chính sách nâng cao nhận thức pháp luật và trợ giúp pháp lý đối với đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi vẫn còn một số khó khăn như:
Thứ nhất, hầu hết 06 huyện nghèo đều nằm ở vùng miền núi, địa hình chia cắt, đường sá đi lại khó khăn, nhiều nơi dân cư sống không tập trung, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số nên việc tuyên truyền pháp luật, tổ chức trợ giúp pháp lý lưu động đến tận cơ sở thuộc các huyện này còn gặp nhiều khó khăn.
Thứ hai, hiện nay, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thực hiện công tác PBGDPL và TGPL rất hạn chế trong giao tiếp bằng tiếng đồng bào dân tộc thiểu số; bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh chưa có cơ chế, chính sách, chương trình bồi dưỡng tiếng dân tộc cho đội ngũ người thực hiện TGPL. Vì vậy, công tác này trong thời gian qua còn nhiều khó khăn, hạn chế, chưa kịp thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các đối tượng là ĐBDTTS.
Thứ ba, việc vận động, thu hút ĐBDTTS có hiểu biết pháp luật, người có uy tín trong ĐBDTTS tham gia hoạt động PBGDPL, hòa giải ở cơ sở và TGPL gặp nhiều khó khăn, hạn chế.
Thứ tư, nguồn kinh phí nhà nước cấp cho công tác PBGDPL và TGPL còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của địa phương. Đặc biệt là nhu cầu được bồi dưỡng, tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ, cơ sở vật chất phục vụ trong công tác này như: Máy vi tính, máy ảnh, máy chiếu…
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, đồng thời tiếp tục nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt PBGDPL và TGPL cho ĐBDTTS đang sinh sống tại các huyện miền núi của tỉnh trong thời gian tới, cần tập trung thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:
Một là, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số”; Đề án “Củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển của đất nước” và Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh theo Kế hoạch số 1088/KH-UBND ngày 17/3/2015 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi.
Hai là, đẩy mạnh hoạt động PBGDPL và TGPL cho ĐBDTTS bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, đời sống và phong tục, tập quán của ĐBDTTS. Đặc biệt, chú trọng việc truyền thông, thông tin về TGPL và hòa giải ở cơ sở bằng tiếng dân tộc nhằm giúp cho ĐBDTTS nâng cao hiểu biết pháp luật, kịp thời tiếp cận và thụ hưởng Chính sách TGPL miễn phí của Nhà nước.
Ba là, củng cố, kiện toàn các Câu lạc bộ pháp luật, Tổ hòa giải ở cơ sở trên địa bàn các xã, thị trấn thuộc 06 huyện nghèo; đồng thời, tiếp tục khuyến khích, thu hút đội ngũ cộng tác viên là người ĐBDTTS có hiểu biết pháp luật, người có uy tín trong ĐBDTTS tham gia hoạt động PBGDPL, hòa giải ở cơ sở và TGPL và trước hết cần xem xét ban hành chính sách khuyết khích, thu hút tương xứng đối với đội ngũ tham gia PBGDPL, TGPL nhằm động viên, khích lệ tinh thần họ.
Bốn là, tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng về kỹ năng PBGDPL và TGPL đối với ĐBDTTS cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, hòa giải viên và người thực hiện TGPL (là Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư cộng tác); đồng thời, xem xét xây dựng cơ chế, chính sách, chương trình và cấp kinh phí bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số cho đội ngũ người thực hiện công tác PBGDPL và TGPL.
Năm là, bảo nguồn kinh phí tương xứng cho hoạt động PBGDPL và TGPL, trong đó, tăng cường nguồn kinh phí để tổ chức các lớp tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng PBGDPL và TGPL cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, hòa giải viên và người thực hiện TGPL.
PTQ