Tại nhiều quốc gia trên thế giới, hoạt động Pro bono được xác định như một hình thức trợ giúp pháp lý miễn phí. Tuy nhiên, khác với khái niệm trợ giúp pháp lý truyền thống “Legal aid”, trợ giúp pháp lý là trách nhiệm chính của nhà nước, thực hiện trên cơ sở kinh phí của nhà nước và nhà nước huy động sự tham gia của xã hội vào hoạt động trợ giúp pháp lý còn hoạt động “Pro bono” thể hiện trách nhiệm xã hội của cộng đồng pháp lý trong xã hội, do các tổ chức và cá nhân hành nghề luật cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí trên cơ sở nguồn lực của mình.
Tại Singapore, sáng kiến về việc thực hiện Pro bono lần đầu được đề cập vào năm 1956 khi Quốc hội nhận thấy sự cần thiết phải đổi mới Chương trình trợ giúp pháp lý. Đến năm 2000, Cộng đồng pháp lý ở Singapore nhấn mạnh tầm quan trọng của Pro bono trong đời sống xã hội. Kể từ đó, các sáng kiến về việc thực hiện Pro bono được triển khai. Trong phạm vi bài viết này, tác giả thực hiện nghiên cứu về hoạt động Pro Bono tại Singapore.
Văn phòng Dịch vụ Pro bono thuộc Hiệp hội Luật Singapore được thành lập vào ngày 10 tháng 9 năm 2007 để cung cấp trợ giúp pháp lý miễn phí cho người có thu nhập thấp nhằm đảm bảo sự bình đẳng trong tiếp cận công lý cho mọi người trong xã hội. Hoạt động Pro bono không ngừng được phát triển, đánh dấu việc đổi mới phương thức hoạt động từ Văn phòng dịch vụ Pro bono thành Hiệp hội dịch vụ Pro bono vào ngày 01 tháng 04 năm 2017. Hiệp hội dịch vụ Pro bono hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn bảo đảm (Company Limited by Guarantee).[4]
Trong những năm qua, hoạt động Pro Bono đã thu hút sự tham gia của 2000 luật sư ở các lĩnh vực pháp lý khác nhau, đã trợ giúp pháp lý cho 10.000 người có thu nhập thấp trong xã hội[5].
Với tầm nhìn hành động hướng tới một xã hội bảo đảm quyền tiếp cận công lý cho tất cả mọi người, Hiệp hội dịch vụ Pro Bono đặt mục tiêu:
Với tầm nhìn như vậy, Hiệp hội dịch vụ Pro bono đã triển khai nhiều chương trình, sáng kiến tiếp cận công lý như:
2. Chương trình, sáng kiến tiếp cận tư pháp cụ thể.
2.1. Sáng kiến nâng cao ý thức pháp luật, văn hóa pháp lý cho người dân
Thứ nhất, Từ năm 1998, Hiệp hội Luật Singapore đã biên soạn và phát hành ấn phẩm “Know the law”. Trải qua nhiều lần tái bản, trên cơ sở tiếp thu những ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức và cá nhân trong xã hội, năm 2015, ấn phẩm mới được ra đời với tên gọi “Known the Law now!” (tạm dịch “Hãy hiểu biết luật pháp từ bây giờ!”)
Với độ dài 162 trang, Ấn phẩm “Know the Law now” được thiết kế theo 09 chủ đề chính:
Trong mỗi chủ đề lại chia nhỏ thành nhiều vấn đề. Ví dụ như chủ đề Dịch vụ pháp lý được chia thành hai vấn đề nhỏ: Thu hút luật sư tham gia; Pro bono – Trợ giúp pháp lý và hỗ trợ cộng đồng.
Qua các chủ đề trong cuốn sách này cho thấy, đây là những lĩnh vực pháp lý liên quan trực tiếp đến đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân. Với bố cục rõ ràng, khoa học, ngôn ngữ dễ hiểu, cuốn sách trở lên thân thiện và hữu ích với người dân xã hội. Nghiên cứu sâu về cuốn sách này, chúng ta nhanh chóng hình dung được hệ thống pháp luật tại đây. Ví dụ:
Hộp Thông tin số 1
Ngôn ngữ của cuốn sách
Bình luận
The Singapore Court System consists of two tiers:
1. State Courts; and
2. Supreme Court.
State Courts including: The District Courts and Magistrate Courts hear both civil and criminal cases.
Hệ thống Tòa án Singapore bao gồm hai cấp: Tòa án cấp bang và Tòa án Tối cao. Trong đó, Tòa án cấp bang bao gồm Tòa án quân và Tòa án sơ thẩm có thẩm quyền xét xử cả vụ việc dân sự và vụ việc hình sự.
Ở đây, ngôn ngữ diễn đạt rất ngắn gọn và dễ hiểu. Bởi lẽ, nếu trích nguyên quy định của Luật về Hệ thống Tòa án và thẩm quyền xét xử của Tòa án có thể rất dài và người đọc khó hình dung ra được ngay.
Thứ hai, phát hành “Cẩm nang pháp lý cho ngành công nghiệp sáng tạo”. Đây là cuốn sách giúp những người lao động tự do trong các ngành công nghiệp sáng tạo nhận thức tốt hơn về quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong lĩnh vực lao động sáng tạo.
Với 220 trang, cuốn cẩm nang pháp lý cho ngành công nghiệp sáng tạo gồm 11 chủ đề:
Tại mỗi chủ đề, cuốn Cẩm nang đưa ra những thông tin về những vấn đề rất cụ thể bằng cách trả lời những câu hỏi mà phần lớn người lao động tự do quan tâm. Chẳng hạn với chủ đề việc làm, Cuốn Cẩm nang đưa ra thông tin trên cơ sở trả lời 15 câu hỏi. Cụ thể:
Hộp Thông tin số 2
Câu hỏi 1: What are the Sources of Employment Law?
Trong khoa học pháp lý, Nguồn của luật là tất cả các căn cứ được các chủ thể có thẩm quyền sử dụng làm cơ sở để xây dựng, ban hành, giải thích pháp luật cũng như để áp dụng vào việc giải quyết các vụ việc pháp lý xảy ra trong thực tế.
Để trả lời câu hỏi này, trong cuốn cẩm nang đã chỉ dẫn các căn cứ pháp lý bao gồm:
1.Đạo luật Việc làm (Cap. 91, 2009 Rev. Ed. Sing.);
2. Chế định Việc làm trong Đạo luật Nhân lực Nước ngoài (Cap. 91A, 2009 Rev. Ed. Sing.);
3. Đạo luật quỹ phòng xa Trung ương (Cap. 36, 2013 Rev. Ed. Sing.);
4. Đạo luật quan hệ công nghiệp (Cap. 136, 2004 Rev. Ed. Sing.);
5. Đạo luật bảo vệ dữ liệu thông tin cá nhân 2012 (Đạo luật 26 năm 2012);
6. Đạo luật về việc làm của lao động đã nghỉ hưu (Cap. 274A, 2012 Rev. Ed. Sing.);
7. Đạo luật Công đoàn (Cap. 333, 2004 Rev. Ed. Sing.);
8. Đạo luật bồi thường tai nạn lao động (Cap. 354, 2009 Rev. Ed. Sing.);
9. Đạo luật về sức khỏe và an toàn nơi làm việc (Cap. 354A, 2009 Rev. Ed. Sing.)
Câu hỏi số 2: What about CPF and Taxation for Freelancers?
Nghĩa là Qũy phòng xa Trung ương (CPF) và Thuế cho những người lao động tự do thì như nào?
Cuốn cẩm nang giải thích rất rõ:
1.Đối với CPF
Người lao động tự do mà thu nhập ròng (nghĩa là thu nhập sau thuế) hơn 6000 Đô la Singapore không bắt buộc phải thực hiện mọi đóng góp CPF
2.Thuế
Người lao động tự do phải chịu thuế thu nhập theo Đạo luật thuế thu nhập cá nhân (Cap. 134, 2014 Rev. Ed. Sing.). Người làm chủ một doanh ngiệp tư nhân có thể được phép khấu trừ thuế từ thu nhập của họ tạo ra, làm giảm tổng thu nhập chịu thuế của người đó.
Thứ ba, Đại hội Công đoàn Singapore (The National Trades Union Congress - NTUC) phối hợp với Hiệp hội Luật Singapore thực hiện một Chương trình với tên gọi "Chuơng trình Pháp luật" vào ngày 19 tháng 1 năm 2013. Mục đích của Chương trình nhằm nâng cao nhận thức về quyền của người lao động tại Singapore. Trên cơ sở đó, các trung tâm tư vấn pháp luật được tổ chức và buổi tư vấn pháp luật cho người lao động được thực hiện. Cuốn sách “Tôi muốn trở thành một người lao động tự do” cũng được phổ biến rộng rãi đến với người lao động.
Thứ tư, Dự án trường học. Đây là sáng kiến của Hiệp hội dịch vụ Pro bono trên cơ sở tài trợ bởi Quỹ Tan Chin Tuan. Dự án trường học nhằm mục đích thúc đẩy sự tham gia và trao quyền cho học sinh nhằm nâng cao ý thức pháp luật trong nhà trường, phòng chống tội phạm vị thành niên. Kể từ khi triển khai thực hiện Dự án từ tháng 7 năm 2012, tới nay đã có 30 trường tham gia chương trình, với hơn 15.000 học sinh. Để triển khai Dự án, Bộ Chương trình được xây dựng với sự tham gia của đội ngũ chuyên gia, giáo viên, sinh viên luật. Các trường tham gia có thể lồng ghép, tích hợp nội dung của Chương trình vào các bài học hoặc tổ chức các hoạt động ngoại khóa như kỳ thi, hội thảo để Dự án có thể thu hút sự tham gia có nhiều học sinh.
Thứ năm, Hiệp Hội Luật thông qua Ủy ban nâng cao nhận thức pháp luật của mình tổ chức Dự án nâng cao nhận thức pháp luật để tiếp cận cộng đồng và tăng cường sự hiểu biết của người dân về pháp luật trong cuộc sống hàng ngày. Hiệp hội thực hiện điều này thông qua Sự kiện “Nhận thức về Luật” được tổ chức hai năm một lần.
2.2. Phát triển mạng lưới Trung tâm pháp lý cộng đồng
2.2.1.Trung tâm pháp lý cộng đồng thuộc Hiệp hội Luật Singapore
Trung tâm pháp luật cộng đồng cung cấp tư vấn miễn phí cho công dân Singapore và thường trú nhân tại Singapore trong các vấn đề pháp lý trừ lĩnh vực kinh doanh, thương mại, đầu tư. Tuy nhiên, Trung tâm chỉ thực hiện đối với những người chưa bao giờ được tư vấn pháp luật miễn phí tại trung tâm và những người không có Luật sư đại diện trong các vụ việc của mình. Tại các Trung tâm, người nộp đơn có thể gặp một Luật sư thực hiện Pro bono trong khoảng 20 phút trên cơ sở bảo mật thông tin.
Trung tâm pháp lý cộng đồng hoạt động từ thứ Hai đến thứ Năm (trừ ngày lễ) tại 04 địa điểm:
Người có yêu cầu tư vấn pháp luật liên hệ qua số 6536 0650, email enquiry@lawsocprobono.org hoặc chuyên viên pháp lý của Trung tâm pháp luật cộng đồng trực tại Tòa án Singapore. Người có yêu cầu sẽ phải cung cấp thông tin cơ bản liên quan đến vụ việc để các luật sư nghiên cứu nội dung trước khi sắp xếp buổi làm việc trực tiếp. Việc cung cấp thông tin phải khách quan, trung thực, đầy đủ, chi tiết vì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người yêu cầu. Sau khi đăng ký, người có yêu cầu sẽ được sắp xếp làm việc với một luật sư tại Trung tâm pháp luật cộng đồng.
2.2.2. Trung tâm Pro bono thuộc Đại học quản lý Singapore.
Trung tâm pháp lý cộng đồng cung cấp tư vấn miễn phí cho công dân Singapore và thường trú nhân tại Singapore trong các vấn đề pháp lý trừ lĩnh vực kinh doanh, thương mại, đầu tư nếu đáp ứng điều kiện sau:
Trung tâm thực hiện tư vấn vào tối thứ Sáu hàng tuần. Người có yêu cầu có thể liên lạc qua số 6828 1951, địa chỉ email: probonocentre@smu.edu.sg để được sắp xếp thời gian tư vấn.
Chương trình thu hút sự tham gia của sinh viên luật Trường đại học quản lý Singapore, Khoa Luật của Đại học Quốc gia Singapore, Trường Luật của Đại học Khoa học Xã hội Singapore. Theo đó, mỗi sinh viên thực hiện 20 giờ làm việc chuyên nghiệp như một học phần để tốt nghiệp đại học, có thể được thực hiện bất cứ khoảng thời gian nào sau năm học đầu tiên tại đại học[6]. Đây là “cơ hội thực tập” cho các sinh viên luật được trải nghiệm trong môi trường dịch vụ pháp lý trước khi trở thành những luật sư khi ra trường.
2.2.3. Chương trình tư vấn pháp lý tại chỗ thuộc Trung tâm Tư pháp cộng đồng
Trung tâm Tư pháp Cộng đồng là một tổ chức phi lợi nhuận nhằm tư vấn pháp luật cho những người tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Trung tâm hoạt động trên cơ sở ai đến trước được thực hiện tư vấn trước mà không bắt buộc người có yêu cầu phải liên hệ và sắp xếp lịch hẹn trước. Dịch vụ của Trung tâm trực tại Tòa án cấp Bang từ thứ Hai đến thứ Sáu hàng tuần (trừ ngày lễ). Luật sư thực hiện Pro Bono sẽ là người trực tiếp thực hiện tư vấn cho người có yêu cầu tại Tòa án. Người có yêu cầu chỉ được sử dụng dịch vụ 01 lần cho 01 vụ việc. Mỗi lượt tư vấn kéo dài không quá 20 phút.
2.2.4. Trung tâm tư vấn pháp luật thuộc Hiệp hội người tiêu dùng Singapore (dành cho người tiêu dùng)
Hiệp hội người tiêu dùng Singapore (Consumers Association of Singapore – CASE) được thành lập năm 1971 là một tổ chức phi lợi nhuận, phi Chính phủ thông qua các chương trình đào tạo và cung cấp thông tin, thúc đẩy môi trường kinh doanh thương mại có đạo đức nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trong quá trình hoạt động của mình, Hiệp hội đã biên tập và xuất bản nhiều tập sách, tài liệu có tính chất giáo dục, cung cấp thông tin tiêu dùng hữu ích cho Người tiêu dùng: Các hành vi thương mại lành mạnh và người tiêu dùng, các kinh nghiệm tiêu dùng trong từng lĩnh vực cụ thể: shopping, điều hòa, vé máy bay, quần áo, mỹ phẩm, máy tính, đồ điện tử, giáo dục…Đặc biệt, từ năm 1999 Hiệp hội đã hình thành và xây dựng Trung tâm hòa giải nhằm trang bị công cụ và góp phân hỗ trợ Người tiêu dùng trong quá trình khởi kiện các doanh nghiệp, nhà sản xuất.
2.2.5.Trung tâm tư vấn pháp luật thuộc Hiệp hội phụ nữ vì hành động và nghiên cứu (dành cho phụ nữ)
Hiệp hội Phụ nữ vì Hành động và Nghiên cứu (AWARE), một tổ chức phi chính phủ, chỉ cung cấp tư vấn pháp luật miễn phí một lần cho phụ nữ. Dịch vụ của Trung tâm chỉ giành cho phụ nữ có thu nhập hàng tháng dưới 3000 Đô la và chưa có luật sư đại diện. Người có yêu cầu có thể liên hệ với Trung tâm thông qua Đường dây nóng 1800 774 5935 hoạt động từ thứ Hai đến thứ Sáu để được sắp xếp lịch tư vấn. Mỗi lượt tư vấn kéo dài từ 20 phút đến 30 phút.
2.2.6.Trung tâm pháp lý cộng đồng thuộc Cộng đồng hành động vì tinh thần khởi nghiệp (dành cho cộng đồng khởi nghiệp)
Người khởi nghiệp có quyền được tư vấn pháp luật miễn phí về những vấn đề mà Doanh nghiệp mình gặp phải tại Trung tâm tư vấn pháp luật thuộc Cộng đồng hành động vì tinh thần doanh nhân. Dưới sự tài trợ của Phòng Thương mại và Công nghiệp, Cộng đồng Hành động vì tinh thần khởi nghiệp là một tổ chức phi Chính phủ hỗ trợ sáng kiến khởi nghiệp tại Singapore.
2.2.7.Trung tâm tư vấn pháp luật về Quyền Sở hữu trí thuệ thuộc Văn phòng Sở hữu trí tuệ Singapore (liên quan đến vấn đề Sở hữu trí tuệ)
Để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu đổi mới sáng tạo, chuyển giao tri thức và thương mại hóa các sản phẩm khoa học và công nghệ, Văn phòng Sở hữu trí tuệ thành lập các Trung tâm tư vấn pháp luật để hỗ trợ pháp lý cho người có yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Các buổi tư vấn được tổ chức vào thứ Năm hàng tuần và kéo dài từ khoảng 45 phút cho mỗi lượt tư vấn. Người có yêu cầu phải chi trả từ 200 Đô la đến 400 Đô la cho luật sư giải quyết vụ việc của mình nhưng sau đó Văn phòng sẽ hoàn trả cho người có yêu cầu khoản chi phí đó.
2.2.8.Trung tâm tư vấn pháp luật Jamiyah thuộc Hiệp hội Hồi giáo Singapore (Jamiyah Singapore)
Những người theo Hồi giáo tuyên xưng lời dạy của thánh Allah được nhà tiên tri Muhammad truyền đạt thông qua kinh Qur’an, mang những trí tuệ của quá khứ và lời tiên đoán với tương lai. 16% dân số Singapore tin vào Đạo Hồi, trong đó phần lớn dân số có nguồn gốc từ Malaysia[7]. Chính vì thế, người Hồi giáo tại đây còn chịu sự điểu chỉnh của Luật Hồi giáo. Để hỗ trợ và tư vấn pháp luật cho cộng đồng người Hồi giáo tại đây, Hiệp hội Hồi giáo Singapore đã thành lập Trung tâm tư vấn pháp luật Jamiyah (còn gọi là Jamiyah Singapore). Lĩnh vực pháp luật mà trung tâm tư vấn không chỉ bao gồm Luật hồi giáo mà còn bao gồm các vấn đề pháp luật chung liên quan đến hôn nhân gia đình, phân chia tài sản, thừa kế…Người thực hiện tư vấn bao gồm Luật sư Pro bono người Hồi giáo và những người không theo đạo Hồi. Để được sắp xếp lịch tư vấn, người có yêu liên hệ tới Mdm Napsiah Rakisan theo số 67431211. Trung tâm tư vấn pháp luật cộng đồng Jamiyah hoạt động vào thứ Tư và thứ Bảy.
Nếu người nộp đơn là người cao tuổi gặp khó khăn cho việc đi lại, Trung tâm tư vấn pháp luật cộng đồng Jamiyah cung cấp dịch vụ hội nghị truyền hình tại Trung tâm Cộng đồng Kaki Bukit và Câu lạc bộ Cộng đồng Eunos. Hội nghị truyền hình là hình thức trao đổi thông tin trực tiếp giữa con người với nhau khi ở xa, có thể từ nơi này đến nơi khác, đất nước này đến đất nước khác. Người có yêu cầu chỉ cần ở tại chỗ là có thể kết nối đến tất cả các đối tác ở xa. Khi dùng Hội nghị truyền hình, người có yêu cầu có thể trao đổi bằng cuộc đối thoại, chia sẽ hình ảnh và dữ liệu. Các bên có thể nói chuyện và nhìn thấy nhau, có thể sử dụng ngôn ngữ cơ thể hoặc chia sẽ và trao đổi dữ liệu nhanh chóng như các file ppt, excel, word, pdf…
2.2.9.Trung tâm tư vấn pháp luật thuộc Tổ chức lao động di cư (giành cho lao động nhập cư)
Người lao động nhập cư có nhu cầu tư vấn pháp luật có thể sử dụng dịch vụ của Trung tâm tư vấn pháp luật thuộc Tổ chức lao động di cư thực hiện miễn phí vào mỗi thứ Bẩy đầu tiên trong tháng và thứ ba hàng tuần từ 12 giờ đến 14 giờ.
Qua mục 2.2 cho thấy, mạng lưới trung tâm pháp luật cộng đồng bao trùm các ngành, các lĩnh vực, các đối tượng cho thấy sự bảo đảm sự bình đẳng trong việc tiếp cận công lý. Sự tham gia của Trung tâm pháp lý cộng đồng – với tư cách là những tổ chức phi Chính phủ, phi lợi nhuận đã giảm khối lượng mà trợ giúp pháp lý nhà nước phải thực hiện. Đây cũng là kinh nghiệm đối với nhiều quốc gia trên thế giới. Nhu cầu tiếp cận công lý càng nhiều trong khi nguồn lực nhà nước có hạn thì sự có mặt của trung tâm pháp lý cộng đồng trên thị trường dịch vụ pháp lý có ý nghĩa quan trọng.
2.3. Đại diện pháp lý trong các vụ án hình sự theo Chương trình trợ giúp pháp lý hình sự
2.3.1. Giới thiệu về Chương trình trợ giúp pháp lý hình sự
Chương trình Trợ giúp Pháp lý hình sự được triển khai thực hiện vào tháng 9 năm 1985 do Hiệp hội Luật Singapore quản lý và điều hành. Chương trình Trợ giúp pháp lý hình sự cung cấp trợ giúp pháp lý cho người có thu nhập thấp không có khả năng chi trả chi phí pháp lý do luật sư thực hiện trong các vụ án hình sự. Cần nghiên cứu thêm tại Singapore là một quốc gia có diện tích nhỏ song hệ thống trợ giúp pháp lý có nhiều điểm đặc biệt so với các quốc gia khác trên thế giới. Trước hết, phải khẳng định Mô hình trợ giúp pháp lý tại Singapore là mô hình hỗn hợp. Nghiên cứu sâu về cấu trúc hệ thống, thuật ngữ “hỗn hợp” được hiểu ở nhiều khía cạnh[8]:
Thứ nhất, tại Singapore có hai hệ thống trợ giúp pháp lý theo vụ việc: hệ thống trợ giúp pháp lý dân sự và hệ thống trợ giúp pháp lý hình sự.
Thứ hai, Nhà nước và tư nhân cùng tham gia vào hoạt động trợ giúp pháp lý. Cục Trợ giúp pháp lý (Legal aid Bureau) là cơ quan thuộc Bộ Tư pháp quản lý và điều hành hệ thống trợ giúp pháp lý dân sự. Hiệp hội luật Singapore (Law Society of Singapore) điều hành hệ thống trợ giúp pháp lý hình sự
Thứ ba, có hai cơ chế điều chỉnh riêng biệt hai hệ thống trợ giúp pháp lý. Đạo luật trợ giúp pháp lý điều chỉnh trợ giúp pháp lý dân sự. Trong khi đó, cơ chế điều chỉnh trợ giúp pháp lý hình sự được thực hiện trên cơ sở Chương trình trợ giúp pháp lý hình sự (Criminal Legal Aid Scheme)
Như vậy, Chương trình trợ giúp pháp lý hình sự khác với Trợ giúp pháp lý dân sự do nhà nước thực hiện.
2.3.2. Đối tượng được trợ giúp pháp lý hình sự
Người được trợ giúp pháp lý hình sự bao gồm công dân singapore và người thường trú tại Singapore (còn gọi là thường trú nhân)
2.3.3. Phạm vi thực hiện trợ giúp pháp lý hình sự
Chương trình trợ giúp pháp lý hình sự cung cấp đại diện pháp lý trong các trường hợp khi hành vi phạm tội cấu thành một tội phạm được quy định trong các Văn bản quy phạm pháp luật sau đây:
So sánh với Việt Nam có thể thấy, Việt Nam và Singapore đều quy định Bộ luật hình sự là nguồn của luật hình sự nhưng khác nhau ở chỗ văn bản này có được coi là nguồn duy nhất của luật hình sự hay không. Ở Việt Nam, Bộ luật hình sự là nguồn duy nhất của luật hình sự, mọi vấn đề về tội phạm và hình phạt được quy định tập trung trong Bộ luật hình sự. Trong khi đó, nguồn của luật hình sự Singapore không chỉ là Bộ luật hình sự mà còn bao gồm Văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành khác nhau như trên.
2.3.4. Điều kiện được trợ giúp pháp lý hình sự
Thứ nhất, điều kiện về Means Test. Để đáp ứng điều kiện về thu nhập, tài sản, người nộp đơn có thu nhập khả dụng (disposable income) hàng năm không vượt quá 10.000 Đô la (trong vòng 12 tháng trước ngày nộp đơn xin trợ giúp pháp lý) và vốn khả dụng (disposable capital) không quá 10.000 Đô la (tính đến trước ngày nộp đơn xin trợ giúp pháp lý).
Thu nhập khả dụng để được trợ giúp pháp lý bao gồm thu nhập của người nộp đơn và thu nhập của vợ/chồng của người nộp đơn trong vòng 12 tháng trước ngày nộp đơn, sau khi khấu trừ đi 6.000 Đô la cho người nộp đơn, 6.000 Đô la cho Vợ/chồng của người nộp đơn, tối đa 6.000 cho mỗi người phụ thuộc, tối đa 20.000 Đô la từ việc thuê, khoản đóng góp cho Hệ thống an sinh xã hội (CPF) của người nộp đơn.
Vốn khả dụng là tài sản mà người nộp đơn được sở hữu hoặc được sử dụng. Vốn khả dụng không bao gồm tài sản thuộc thủ tục tố tụng, trang phục, công cụ lao động, đồ gia dụng của người nộp đơn được sửa dụng tại nơi cư trú của người đó.
Người nộp đơn được yêu cầu cung cấp tài liệu chứng minh về thu nhập, tài sản và các khoản khấu trừ khác nhau, chẳng hạn như giấy tờ chứng minh khoản đóng góp CPF của vợ hoặc chồng, đơn thanh toán tiền thuê nhà….Tùy theo mức độ vi phạm, nếu người nộp đơn cung cấp không trung thực có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Thứ hai, điều kiện Merits test. Đây là bài kiểm tra đánh giá tính chất vụ việc có phù hợp khi nhận trợ giúp pháp lý hay không.
2.3.4. Cách thức thực hiện
Người có yêu cầu trực tiếp nộp đơn tại Văn phòng Trợ giúp pháp lý hình sự. Hiện nay, Văn phòng trợ giúp pháp lý hình sự được đặt: Tòa án cấp bang ở Singapore, Tầng 5 (Văn phòng bên cạnh Tòa án số 5) và 1 Havelock Square, Singapore 059724.
Đơn yêu cầu được thiết kế theo 04 ngôn ngữ: tiếng Anh, tiếng Quan Thoại, tiếng Mã Lai, tiếng Tamil. Quy định này rất phù hợp vì đối tượng được trợ giúp pháp lý bao gồm cả người thường trú tại Singapore để đảm bảo người có yêu cầu được sử dụng ngôn ngữ của họ.
2.3.5. Vấn đề thu phí trợ giúp pháp lý hình sự
Về nguyên tắc, khi trợ giúp pháp lý được cấp, luật sư Pro bono sẽ không thu bất kỳ một khoản chi phí nào cho việc cung cấp dịch vụ pháp lý của mình. Tuy nhiên, luật sư có thể yêu cầu người được trợ giúp pháp lý thanh toán một số khoản chi phí hành chính như: Chi phí làm thủ tục hành chính, chuyển phát nhanh. Ngoài ra, tùy thuộc vào bài kiểm tra thu nhập, tài sản của người nộp đơn, có thể phải thanh toán một khoản chi phí trước khi được cấp trợ giúp pháp lý[9].
2.3.6. Chương trình Ad Hoc Pro Bono
Đây là Chương trình cung cấp đại diện pháp lý cho những người có hoàn cảnh đặc biệt không đáp ứng các điều kiện theo Chương trình trợ giúp pháp lý nhưng lại có nhu cầu cấp thiết cần đến sự trợ giúp pháp lý. Khi đó, Hiệp hội dịch vụ Pro bono căn cứ vào những điều kiện cụ thể của người có yêu cầu để quyết định việc cung cấp trợ giúp pháp lý.
2.4. Các chương trình tư vấn pháp luật cho tổ chức vì lợi ích cộng đồng
2.4.1.Trung tâm tư vấn pháp luật cộng đồng
Tổ chức vì lợi ích cộng đồng bao gồm tổ chức thiện nguyện, phúc lợi, doanh nghiệp xã hội. Hoạt động chính của các tổ chức này hướng tới phục vụ lợi ích của cộng đồng không phân biệt chủng tộc, màu da, tôn giáo, tính ngưỡng được tư vấn pháp luật miễn phí tại Trung tâm tư vấn pháp luật cộng đồng, thông qua luật sư trong thời gian là 45 phút/1 lượt tư vấn. Trung tâm chỉ cung cấp tư vấn pháp luật miễn phí cho các tổ chức cộng đồng mà không thực hiện việc soạn thảo tài liệu hoặc đại diện pháp lý.
2.4.2. Ủy ban Pro Bono quốc tế
Ủy ban Pro Bono quốc tế là sáng kiến của một nhóm chuyên gia luật quốc tế tại Singapore. Uỷ ban hoạt động dựa trên sự tài trợ của Hiệp hội Luật Singapore. Hoạt động của Uỷ ban nhằm nghiên cứu và phát triển Pro Bono trong các hoạt động kinh tế và xã hội tại các thị trường mới nổi để phù hợp với pháp luật quốc tế và pháp luật Singapore.
2.4.3. Trợ giúp luật dự án
Đây là dự án hợp tác giữa Hiệp hội Luật Singapore và Tập đoàn NUS Law Pro Bono[10] nhằm hỗ trợ pháp lý miễn phí cho các tổ chức phi lợi nhuận (tổ chức từ thiện, tổ chức phúc lợi tự nguyện và doanh nghiệp xã hội), phục vụ nhu cầu cộng đồng ở Singapore với nguồn lực hạn chế hoặc không có khả năng chi trả dịch vụ hỗ trợ pháp lý có thu phí. Các dịch vụ bao gồm:
Trường hợp tổ chức vì lợi ích cộng đồng không đủ kinh phí để trang trải các hoạt động trong 2 năm và Qũy của tổ chức không vượt quá 1.000.000 USD thì tổ chức được Trợ giúp Luật dự án cung cấp và hỗ trợ chi phí hành chính sau khi công ty luật được chỉ định thực hiện tư vấn pháp luật, hỗ trợ pháp lý cho tổ chức. Trường hợp tổ chức vì lợi ích cộng đồng có Qũy của tổ chức vượt quá 1.000.000 Đô la hoặc đủ kinh phí trang trải các hoạt động trong 2 năm thì tổ chức đó không được Trợ giúp Luật dự án cung cấp dịch vụ. Ủy ban Trợ giúp Luật Dự án có quyền chấp nhận hoặc từ chối bất kỳ đơn đăng ký nào theo quyết định của mình.
Trợ giúp Luật dự án còn xây dựng cuốn Cẩm nang pháp lý dành cho các tổ chức vì lợi ích cộng đồng. Cuốn Cẩm nang chứa đựng những thông tin pháp luật chung về các lĩnh vực do các luật Pro bono biên soạn. Thông tin được lấy từ các nguồn tin cậy và chính xác. Các luật sư không chấp nhận bất kỳ trách nhiệm nào đối với các thông tin trên. Thông tin được cung cấp cũng không phải là tư vấn pháp luật và do đó không nên sử dụng thay thế khi tìm đến các luật sư để tư vấn pháp luật trong những trường hợp cần thiết[11].
Bên cạnh đó, Trợ giúp Luật dự án đã xây dựng Cổng thông tin pháp lý cho các tổ chức từ thiện, tổ chức phi lợi nhuận, doanh nghiệp xã hội và các tổ chức phúc lợi tự nguyện. Cổng thông tin đi vào hoạt động năm 2012 cung cấp thông tin sơ bộ về các Đạo luật và yêu cầu tuân thủ khác nhau để điều hành một tổ chức thiện nguyện, doanh nghiệp xã hội.
3.Kết luận
Qua nghiên cứu về hoạt động Pro bono tại Singapo có thể thấy:
Thứ nhất, thông qua các chương trình, sáng kiến, Pro bono đã góp phần quan trong vào việc nâng cao ý thức pháp luật của người dân trong xã hội.
Thứ hai, hoạt động Pro bono thu hút sự tham gia có nhiều tổ chức và cá nhân trong xã hội, hình thành mạng lưới trung tâm pháp luật cộng đồng rộng khắp các lĩnh vực, các đối tượng. Điều này, thể hiện “trách nhiệm xã hội” của các tổ chức và cá nhân đối với sự phát triển chung của đất nước. Ý thức được điều này là tiền đề quan trọng để hình thành văn hóa pháp lý tại Singapore.
Thứ ba, sự tham gia của khu vực tư vào hệ thống trợ giúp pháp lý vừa góp phần đảm bảo nhu cầu TGPL ngày càng tăng của người dân trong xã hội vừa khai thác hiệu quả các nguồn lực của nhà nước mà còn phát huy những lợi thế mà xã hội đem lại và đều hướng tới mục tiêu, không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ trợ giúp pháp lý. Đó là yếu tố cốt lõi trong chiến lược phát triển của tất cả mô hình trợ giúp pháp lý trên thế giới hiện nay./.
Lê Văn Quang - Văn phòng Cục Trợ giúp pháp lý
[1] Xem thêm: Black’s Law Dictionary
[2] https://vi.talkingofmoney.com/what-does-pro-bono-mean
[3] Pro bono được thực hiện và tổ chức khá rộng rãi, thu hút được nhiều tình nguyện viên như ở: Châu Âu, Hoa Kỳ, Canada, Singapore… Ví dụ, ở Pháp, bắt nguồn từ những hoạt động công cộng và nhân đạo phi chính phủ; năm 1995, một tổ chức trợ giúp pháp lý đã được thành lập như một hiệp hội tiên phong có tên “Droit d’Urgence”
[4] ở nhiều quốc gia trên thế giới, có loại hình Công ty công cộng (public company). Loại công ty này gồm có bốn hình thức sau đây: (1) Công ty trách nhiệm hữu hạn (bởi) cổ phiếu (company limited by shares), (2) công ty trách nhiệm hữu hạn (bởi sự) bảo đảm (company limited by guarantee), (3) công ty trách nhiệm vô hạn (unlimited company with shares capital), và (4) công ty không trách nhiệm (no liability company).
[5] www.lawsocprobono.org.
[6] Xem thêm: http://www.sile.edu.sg/pro-bono-programme
[7] Xem thêm: singapore-la-quoc-gia-co-su-da-dang-ton-giao-nhat-the-gioi
[8] Xem thêm: “Điểm nhấn” trong Đạo luật Trợ giúp pháp lý 2018 (sửa đổi) ở Singapore, Lê Văn Quang, 27/02/2020
[9] Xem: CLAS2015_PRINT (updated 18jan16)
[10] Project Law Help (PLH) is a collaborative project between the Law Society of Singapore and the NUS Law Pro Bono Group, https://nusprobono.com/
[11] Xem: Lời nói đầu cuốn Cẩm nang, trang 3.