Ở Phần Lan, hoạt động trợ giúp pháp lý được điều chỉnh bởi Đạo luật Trợ giúp pháp lý, Luật về các văn phòng trợ giúp pháp lý của Nhà nước và 3 Nghị định của Chính phủ: Nghị định về trợ giúp pháp lý, Nghị định về phí trợ giúp pháp lý và Nghị định về các văn phòng trợ giúp pháp lý của Nhà nước. Hoạt động trợ giúp pháp lý do các văn phòng trợ giúp pháp lý của Nhà nước quản lý và bằng các quyết định của các Toà án. Nguồn kinh phí được cấp thông qua Bộ Tư pháp.
Trợ giúp pháp lý do các luật sư trợ giúp pháp lý (luật sư công) và luật sư tư cung cấp. Luật sư tư là các luật sư tư vấn hoặc các luật sư tư khác. Luật sư trợ giúp pháp lý là luật sư làm việc tại một văn phòng trợ giúp pháp lý của Nhà nước. Các hoạt động của luật sư trợ giúp pháp lý được giám sát như các hoạt động của luật sư tư. Đối tượng thụ hưởng dịch vụ trợ giúp pháp lý có cơ hội lựa chọn người trợ giúp trong bất kỳ vụ việc nào được giải quyết tại Toà án. Đối với những vụ việc không phải giải quyết tại Toà án (ngoài tố tụng) thì chỉ do luật sư trợ giúp pháp lý giải quyết.
Với dân số khoảng 5,2 triệu người và diện tích khoảng 340.000 km2 Phần Lan có 66 văn phòng trợ giúp pháp lý. Các văn phòng này được đặt chủ yếu ở những nơi có Toà án cấp quận. Các văn phòng có 16 Chi nhánh và 112 điểm trợ giúp pháp lý, nơi người dân dễ dàng tiếp cận. Các văn phòng tương đối nhỏ: có từ 4 - 26 cán bộ được trả lương. Các văn phòng thuê 480 nhân viên, một nửa trong số họ là luật sư (luật sư công) và ½ còn lại là nhân viên hành chính.
Phần Lan chia thành 6 quận trợ giúp pháp lý, mỗi quận có người đứng đầu tổ chức trợ giúp pháp lý. Mỗi giám đốc văn phòng khu vực được chỉ định làm giám đốc văn phòng quận với nhiệm kỳ tối đa là 5 năm. Giám đốc văn phòng quận có nhiệm vụ quản lý hành chính, bao gồm thảo luận, đề xuất việc sử dụng các chi nhánh và điểm trợ giúp pháp lý và đề xuất việc chỉ định luật sư trợ giúp pháp lý. Giám đốc khu vực cũng chịu trách nhiệm về việc phát triển các văn phòng khu vực trong phạm vi quận. Bộ Tư pháp được giao nhiệm vụ quản lý chung và giám sát các văn phòng trợ giúp pháp lý của Nhà nước. Tuy nhiên, khi thực hiện trợ giúp pháp lý các luật sư trợ giúp pháp lý độc lập và chỉ chịu sự giám sát của Đoàn luật sư Phần Lan.
2. Tổng quan về trợ giúp pháp lý2.1. Các loại vụ việc được trợ giúp pháp lý Tất cả các loại vụ việc đều được trợ giúp pháp lý, ví dụ: - Ly hôn, phân chia tài sản của vợ chồng, cấp dưỡng, giải quyết quan hệ hôn nhân; - Di chúc, đánh giá tài sản, phân chia tài sản của người chết; - Giúp đỡ con nợ, chủ nợ, người bảo lãnh; - Thu hồi lương còn nợ, chấp dứt việc thuê mướn lao động, thông báo nghỉ việc; - Thu hồi tiền nợ thuê nhà, thông báo thu hồi, thu hồi tài sản hợp pháp; - Chứng thực việc mua bán, huỷ việc mua bán, thương lượng giá cả; - Giúp đỡ người bị tình nghi, nạn nhân của tội phạm; - Kiến nghị liên quan đến phúc lợi như chi trả bảo hiểm xã hội. Một người không được cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý khi họ đã có bảo hiểm hợp pháp mà đã bao gồm các vụ việc nêu trên. Bảo hiểm bao gồm: chính sách bảo hiểm nhà ở, chính sách lao động hoặc chính sách nông nghiệp. Tuy nhiên, trợ giúp pháp lý cũng có thể được cung cấp để khấu trừ bảo hiểm với điều kiện thu nhập và tài sản của người đề nghị trợ giúp pháp lý phải đáp ứng điều kiện về trợ giúp pháp lý miễn phí. Trợ giúp pháp lý không được cung cấp cho công ty và các tập đoàn. Cá nhân đang kinh doanh có thể được trợ giúp pháp lý trong những vụ việc phải giải quyết tại Toà án có liên quan đến việc kinh doanh; đối với những vụ việc khác liên quan đến kinh doanh nhưng không phải giải quyết tại Toà án thì chỉ được trợ giúp pháp lý khi có lý do đặc biệt.
2.2. Vụ việc tranh tụng và vụ việc không tranh tụng Bản chất và tầm quan trọng của vụ việc có ảnh hưởng đến những dịch vụ mà trợ giúp pháp lý cung cấp. Nếu người đề nghị bị từ chối thì văn phòng trợ giúp pháp lý phải thông báo lý do cho người đề nghị. Người bị từ chối có thể kiến nghị lên Toà án về việc bị từ chối.
Các vụ việc được giải quyết tại Toà án Thông thường, tất cả mọi người đều cần sự giúp đỡ của luật sư có uy tín, chẳng hạn khi muốn đưa một vụ việc ra toà để bảo vệ cho một người vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, người yêu cầu sẽ không được chỉ định luật sư trong những vụ việc đơn giản, ví dụ như việc ly hôn không có tranh chấp hoặc những vụ án hình sự đơn giản. Trong những vụ án như vậy Văn phòng trợ giúp pháp lý vẫn tư vấn. Khách hàng có quyền lựa chọn luật sư làm việc tại Văn phòng trợ giúp pháp lý của Nhà nước hay luật sư tư vấn hoặc luật sư tư khác. Nếu trợ giúp pháp lý được cung cấp cho một người thì Nhà nước sẽ trả toàn bộ hay một phần chi phí thuê luật sư tùy thuộc vào điều kiện tài chính của người đó. Thù lao trả cho luật sư tối đa là 100 đô la/giờ làm việc. Người được trợ giúp không phải thanh toán lệ phí Toà án và các khoản chi phí tương tự.
Các vụ việc khác Dịch vụ trợ giúp pháp lý cũng được cung cấp trong những vụ việc không cần phải giải quyết tại Toà án. Có thể có những yêu cầu giúp đỡ như thu thập tài liệu, việc định giá tài sản hoặc việc thoả thuận chia tài sản trong hôn nhân. Trong một số vụ việc pháp lý nhất định, sự giúp đỡ là sự tư vấn của luật sư. Trong những vụ việc này dịch vụ trợ giúp pháp lý do luật sư công cung cấp. Người đề nghị không thể lựa chọn luật sư tư. Đối với các vụ việc Văn phòng trợ giúp pháp lý của Nhà nước thực hiện, người có nhu cầu có thể nộp đơn tại bất kỳ văn phòng nào. Trong đa số các vụ việc, người đầu tiên mà họ có thể tiếp xúc là luật sư mà họ lựa chọn, luật sư đó sẽ tiếp nhận đơn. Người nộp đơn phải xuất trình các bằng chứng về điều kiện kinh tế của mình cũng như các tình tiết liên quan đến vụ việc đang yêu cầu được giúp đỡ. Thu nhập và chi tiêu của khách hàng cũng như tài sản, các khoản nợ phải được thể hiện qua hoá đơn hoặc các giấy tờ, tài liệu khác. Các thông tin cần thiết có thể được tìm thấy trong tài khoản ngân hàng, bảng lương, hoá đơn thuế hoặc từ quyết định của cơ quan phúc lợi xã hội . Văn phòng trợ giúp pháp lý có quyền liên lạc với chính quyền và công ty bảo hiểm để kiểm tra các thông tin về tài chính mà khách hàng đã cung cấp. Ngân hàng có trách nhiệm cung cấp các thông tin mà văn phòng trợ giúp pháp lý cần nếu có lý do nghi ngờ những thông tin do khách hàng cung cấp. Nếu văn phòng trợ giúp pháp lý yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin thì khách hàng được báo trước về việc này.
3. Kiểm tra điều kiện trợ giúp pháp lý Trợ giúp pháp lý được cung cấp trên cơ sở thu nhập, chi tiêu, sức khoẻ và trách nhiệm trả nợ của khách hàng. Văn phòng trợ giúp pháp lý tính toán nguồn thu nhập của khách hàng như sau: Thu nhập bao gồm: lương, lương hưu và phụ cấp cũng như trợ cấp cho trẻ em, trợ cấp nuôi dưỡng. Thu nhập của chồng, vợ thành viên trong gia đình hoặc thành viên có đăng ký của người nộp đơn cũng được tính vào tổng thu nhập của gia đình trừ khi đó là bên có quyền lợi đối lập trong vụ việc đó. Thuế sẽ được khấu trừ vào tổng thu nhập hàng tháng. Các khoản khấu trừ là các khoản chi tiêu cho tiền nhà, chi phí hàng ngày, chi phí nuôi dưỡng, các khoản chi tiêu định kỳ theo quy định. Ngoài thu nhập, tài sản tích luỹ được của người đề nghị trợ giúp pháp lý cũng ảnh hưởng đến việc được nhận trợ giúp pháp lý. Bất kỳ tài sản nào cũng được tính vào giá trị thuế của họ. Trách nhiệm cũng được khấu trừ từ tài sản. Nhà cửa và xe ô tô phục vụ cho việc đi làm không được tính toán vào tổng thu nhập.
4. Chi phí trợ giúp pháp lý Chi phí mà người được trợ giúp pháp lý phải nộp bao gồm khoản khấu trừ và phí trợ giúp pháp lý. Giảm phí Người được trợ giúp pháp lý phải trả chi phí bằng tỷ lệ % chi phí thuê luật sư. Tỷ lệ phần trăm phụ thuộc vào thu nhập hàng tháng của người đề nghị trợ giúp pháp lý như sau: Người sống một mình, mức khấu trừ tuỳ theo giá trị tài sản, cụ thể: 650 EUR: phải trả 0% 850 EUR: phải trả 20% 1.000 EUR: phải trả 30% 1.200 EUR: phải trả 40% 1.300 EUR: phải trả 55% 1.400 EUR: phải trả 75% Khi thu nhập hàng tháng vượt quá 1.400 EUR thì không được trợ giúp pháp lý Đối với vợ chồng, mức khấu trừ tuỳ theo giá trị tài sản, cụ thể: 1.100 EUR: phải trả 0% 1.300 EUR: phải trả 20% 1.600 EUR: phải trả 30% 2.000 EUR: phải trả 40% 2.200 EUR: phải trả 55% 2.400 EUR: phải trả 75% Nếu thu nhập hàng tháng của vợ chồng vượt quá 2.400 EUR thì không được trợ giúp pháp lý
5. Vụ việc trợ giúp pháp lý ở Văn phòng trợ giúp pháp lý Trong số những vụ việc do Văn phòng trợ giúp pháp lý thực hiện, phần lớn liên quan đến lĩnh vực hôn nhân gia đình và thừa kế. Năm 2004 gần một nửa số vụ việc do các Văn phòng luật sư công giải quyết liên quan đến lĩnh vực hôn nhân gia đình và thừa kế. Việc phân chia này đã lớn hơn vào đầu thế kỷ thứ 21, lúc đó tỷ lệ này là 41%. Trong những năm qua, cứ 6 vụ do Văn phòng luật sư công thực hiện thì có 1 vụ liên quan đến vi phạm hình sự. Tỷ lệ số vụ hình sự do Văn phòng luật sư công giải quyết đã tăng gấp đôi trong vòng 10 năm. Tỷ lệ số vụ dân sự khác tương đương với số vụ hình sự. So với đầu những năm 1990 thì tỷ lệ số vụ việc này đã giảm đáng kể, đầu những năm 1990 tỷ lệ này là ¼ trong tổng số những vụ việc do Văn phòng luật sư công trợ giúp. Từ năm 1999 những vụ việc liên quan đến lương và các vấn đề xã hội khác được xếp vào nhóm những vụ việc đặc biệt. Tỷ lệ vụ việc thuộc nhóm này chiếm 4% trong tổng số những vụ việc được trợ giúp. Tỷ lệ số vụ việc thương lượng nợ nần chỉ chiếm 1% trong khi đó từ năm 1993 - 1995 tỷ lệ này là 12 -17%. Sự thay đổi tỷ lệ loại việc này phản ảnh sự biến động về kinh tế, vấn đề nợ nần liên quan đến việc lập pháp, giải quyết nợ nần và tư vấn về nợ. Nhóm những vụ việc khác bao gồm những vụ việc liên quan đến việc thu hồi nợ cũng như những vụ việc hành chính khác. Tỷ lệ những vụ việc này trong năm qua khoảng 10%. Tất cả những số liệu thống kê từ việc cải cách pháp luật năm 2002 cho đến cuối năm 2004 không cho thấy sự thay đổi lớn nào về đặc điểm các vụ việc do Văn phòng trợ giúp pháp lý giải quyết.
6. Đặc điểm của khách hàng của Văn phòng trợ giúp pháp lý công Hầu như 2 trong số 3 khách hàng của Văn phòng trợ giúp pháp lý nhận dịch vụ trợ giúp pháp lý hoàn toàn miễn phí. Khoảng 1/3 khách hàng trả một phần chi phí trợ giúp pháp lý. Một xu hướng hiển nhiên trong suốt thập kỷ qua là tỷ lệ khách hàng trả một phần chi phí cho dịch vụ này đã tăng từ dưới 1/10 lên 1/3. Tỷ lệ khách hàng nhận dịch vụ miễn phí hoàn toàn đã giảm từ 4/5 xuống 2/3. Có một điều thú vị liên quan đến việc thanh toán là có sự thay đổi trong cơ cấu khách hàng từ khi cải cách pháp luật năm 2002. Tỷ lệ khách hàng phải trả một phần chi phí trợ giúp pháp lý đã tăng lên trong khi đó số người thụ hưởng dịch vụ miễn phí lại giảm. Trong số những khách hàng của Văn phòng trợ giúp pháp lý năm 2004 tỷ lệ khách hàng có thu nhập trung bình là 14%. Những người này được trợ giúp pháp lý công theo việc cải cách pháp luật năm 2002 khi quy định về chuẩn tài chính để nhận trợ giúp pháp lý đã tăng lên, mở rộng quyền được trợ giúp pháp lý cho một nhóm khách hàng mới. Tỷ lệ khách hàng phải trả chi phí cho dịch vụ của Văn phòng trợ giúp pháp lý công được phân bố đồng đều trong toàn quốc. Nhìn vào các khu vực thì thấy rằng số khách hàng thuộc nhóm có thu nhập trung bình hầu như đồng đều trong cả nước. Chỉ có một ngoại trừ nhỏ ở Văn phòng trợ giúp pháp lý ở miền Tây Phần Lan, tỷ lệ khách hàng thuộc nhóm này nhỏ hơn so với tỷ lệ trung bình trong toàn quốc. Thông thường các vụ việc liên quan đến lương hưu, các vấn đề xã hội và hình sự thì miễn phí. Các vụ việc về hôn nhân gia đình, thừa kế khách hàng phải trả một phần chi phí. Nhóm người có thu nhập trung bình được miễn phí trợ giúp pháp lý theo cải cách pháp luật năm 2002 thường quan tâm nhiều đến những vụ việc liên quan đến gia đình, thừa kế và hôn nhân gia đình. Nhóm người này có ít nhu cầu trợ giúp pháp lý nhất trong lĩnh vực lương hưu, hình sự và các vấn đề xã hội, việc thuê mướn. Mục tiêu của cải cách là làm cho việc mở rộng trợ giúp pháp lý đến những người có thu nhập trung bình trở thành hiện thực, ít nhất là đến một bộ phận nhóm người này. Mặt khác, việc mở rộng này cũng diễn ra tương tự đối với những người được trợ giúp pháp lý miễn phí. Thật là rất khó khi xác định lý do xu hướng này mà không xem xét và phân tích cơ cấu khách hàng và công việc thực tế của các Văn phòng trợ giúp pháp lý. Một lý do có thể đưa ra là các văn phòng trợ giúp pháp lý đã từ chối giải quyết những vụ việc ít quan trọng. Có thể là việc mở rộng trợ giúp pháp lý mà không quan tâm đến việc tăng nguồn lực dẫn đến tình trạng là những vụ việc ít quan trọng không được trợ giúp pháp lý. Mặt khác, lý do có thể đơn giản hơn. Có thể giả thiết rằng mặc dù phạm vi khách hàng được mở rộng thông qua việc cải cách, tuy nhiên, quá trình chọn lọc khách hàng đã dẫn tới việc số khách hàng được tiếp cận dịch vụ trợ giúp pháp lý tương đương với trước. Trong hoàn cảnh này cần lưu ý rằng với việc cải cách nhiệm vụ quyết định trợ giúp pháp lý đã chuyển từ toà án sang các văn phòng trợ giúp pháp lý. Kết quả là sự quá tải công việc, đặc biệt là các thư ký. Tóm lại, cần phải phân tích sâu hơn nữa để đưa ra những kết luận chính xác hơn nữa về những thay đổi đã diễn ra trong cơ cấu khách hàng. Có thể đưa ra kết luận liên quan đến vấn đề này là có thể sự phát triển này là do việc sử dụng nguồn lực một cách không đúng mức, thiếu ngân sách hoặc sự kết hợp cả hai lý do nêu trên khi nhìn vào viễn cảnh trong khu vực.
7. Những hình thức trợ giúp pháp lý do văn phòng trợ giúp pháp lý thực hiện Hình thức trợ giúp pháp lý chủ yếu do văn phòng trợ giúp pháp lý thực hiện là tư vấn hoặc thu thập tài liệu. Những hình thức này chiếm hơn một nửa. Số vụ tư vấn chiếm 1/3, trong khi đó việc thu thập tài liệu và những công việc liên quan khác chiếm ¼. Trong số những vụ việc do văn phòng trợ giúp thực hiện thì có 1/5 số vụ kết thúc tại toà án chung. Tổng số vụ phải đưa đến Toà hành chính hoặc Toà án đặc biệt chiếm 2% trong số những vụ việc do văn phòng trợ giúp pháp lý thực hiện. Những vụ việc được thực hiện theo phương thức nêu trên chiếm 80% trong tổng số những vụ việc do văn phòng thực hiện. Hầu như 1/5 những công việc do văn phòng thực hiện liên quan đến những vụ việc nêu trên. Cho đến nay việc cải cách trợ giúp pháp lý năm 2002 dường như chưa đưa đến kết quả rõ ràng nào đối với việc phân bổ công việc của văn phòng. Việc giúp đỡ những người là khách hàng mới theo cải cách trợ giúp pháp lý năm 2002, những người có thu nhập trung bình, liên quan đến việc thu thập tài liệu và những công việc khác có liên quan. Đây cũng là những vụ việc liên quan đến các vấn đề về thừa kế. Những vụ việc phải giải quyết trước Toà án hành chính hoặc Toà án đặc biệt hoặc phải giải quyết trước cơ quan hành chính thì hầu như được miễn phí. Những khách hàng là người có thu nhập trung bình thì không được đại diện, bào chữa miễn phí. Từ khi công cuộc cải cách pháp luật được thực hiện đã có một chút thay đổi trong việc phân chia các hình thức trợ giúp pháp lý do các Văn phòng thực hiện. Tỷ lệ số vụ việc do Toà án giải quyết đã giảm, trong khi đó những vụ việc tư vấn và thu thập tài liệu đã tăng lên. Một vài giả thiết với việc giới thiệu chương trình cải cách mở rộng đối tượng sẽ làm tăng số vụ việc phải giải quyết tại Toà án không có tính khả thi./.
Quang Minh