Một số kết quả thực hiện Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC

Ngày 29/6/2018, liên ngành Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ký kết ban hành Thông tư liên tịch số 10/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC quy định về phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý (TGPL) trong hoạt động tố tụng (sau đây gọi tắt là Thông tư liên tịch số 10), qua 5 năm triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 10 đã đạt được những kết quả quan trọng sau đây:

1. Kết quả xây dựng văn bản, kế hoạch triển khai
1.1. Xây dựng, ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 10; xây dựng, ban hành kế hoạch, công văn hướng dẫn… trong từng ngành thành viên
Triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 10, ngày 28/12/2018, Hội đồng phối hợp liên ngành (HĐPHLN) Trung ương ban hành Quyết định số 3148/QĐ-HĐPH triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 10, đồng thời, các thành viên HĐPHLN Trung ương đã kịp thời có các công văn chỉ đạo[1]. Ở các địa phương, HĐPHLN luôn bám sát các mục tiêu, kế hoạch hoạt động của HĐPHLN Trung ương, nhiệm vụ chính trị và tình hình thực tiễn của địa phương để chỉ đạo kịp thời, triển khai thực hiện nghiêm túc dưới nhiều hình thức (công văn hướng dẫn, chỉ đạo, kế hoạch kiểm tra hoạt động phối hợp…), 100% HĐPHLN địa phương đã ban kế hoạch triển khai tại địa phương. Trong quá trình thực hiện, Sở Tư pháp - cơ quan thường trực của HĐPHLN và Trung tâm TGPL nhà nước các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là Trung tâm) luôn duy trì mối quan hệ thường xuyên với các thành viên của HĐPHLN để nắm bắt tình hình, theo dõi, hướng dẫn, kịp thời giải đáp những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 10 cũng như đánh giá việc thực hiện để đề ra các giải pháp phù hợp, sát với tình hình thực tiễn địa phương.
1.2. Việc kiện toàn HĐPHLN về TGPL trong hoạt động tố tụng
HĐPHLN Trung ương và HĐPHLN địa phương thường xuyên chủ động rà soát các thành viên Hội đồng và Tổ giúp việc (do chuyển công tác, nghỉ hưu…) để kịp thời kiện toàn, bổ sung theo quy định. Ở Trung ương, Cục TGPL tham mưu, báo cáo Bộ trưởng Bộ Tư pháp - Chủ tịch HĐPHLN Trung ương kiện toàn Hội đồng và Tổ giúp việc cho Hội đồng[2]… Ở các địa phương, trên cơ sở đề nghị của các ngành thành viên, Giám đốc Sở Tư pháp - Chủ tịch HĐPHLN tham mưu báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh ban hành  Quyết định thay thế thành viên Hội đồng, Giám đốc Sở Tư pháp ban hành Quyết định thay thế thành viên Tổ giúp việc Hội đồng.
1.3. Tổ chức hội nghị triển khai, quán triệt, tập huấn Thông tư liên tịch số 10
Ở Trung ương, Cục TGPL đã giúp HĐPHLN Trung ương xây dựng tài liệu tập huấn về Thông tư liên tịch số 10, Luật TGPL và các Bộ luật, luật tố tụng và trực tiếp cử cán bộ của Cục TGPL, mời thành viên Tổ giúp việc Hội đồng hoặc luật sư có kinh nghiệm tham gia giảng dạy các lớp tập huấn do Cục TGPL hoặc các địa phương tổ chức tại Lạng Sơn, Yên Bái, Long An, Phú Yên... Ở các địa phương, HĐPHLN tổ chức hội nghị tập huấn, quán triệt nội dung Thông tư liên tịch số 10, các quy định của Luật TGPL 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành, các lớp tập huấn kỹ năng tham gia tố tụng cho người thực hiện TGPL. Một số địa phương tổ chức hội nghị, giao ban trao đổi, rút kinh nghiệm giữa người thực hiện TGPL và người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mỗi cơ quan, tổ chức để tìm ra biện pháp phối hợp có hiệu quả nhất giữa các cơ quan, tổ chức... nhằm tăng cường sự phối hợp thực hiện TGPL trong hoạt động tố tụng và nâng cao năng lực, kỹ năng cho cán bộ của các cơ quan tiến hành tố tụng, đồng thời giúp người dân tiếp cận TGPL.
1.4. Ban hành kế hoạch hoạt động hàng năm
Hàng năm, HĐPHLN Trung ương xây dựng kế hoạch hoạt động, làm cơ sở cho các HĐPHLN địa phương ban hành Kế hoạch hoạt động năm ở các địa phương. HĐPHLN địa phương đều ban hành kế hoạch ở địa phương mình để triển khai thực hiện kế hoạch hàng năm của HĐPHLN Trung ương.

 
Đoàn KTLNTW làm việc với VKSND tỉnh Hưng Yên

1.5. Ban hành kế hoạch kiểm tra và triển khai việc kiểm tra hàng năm
Ở Trung ương: hàng năm, HĐPHLN Trung ương tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành[3] ở đại diện các vùng, miền, các địa phương có kinh nghiệm, cách làm hay để chia sẻ cho các địa phương khác, lựa chọn kiểm tra các địa phương còn tồn tại, hạn chế để giải quyết những khó khăn của địa phương, hướng dẫn, chỉ đạo khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác phối hợp, qua đó nâng cao hiệu quả công tác phối hợp ở các địa phương này. Ở địa phương: HĐPHLN địa phương đều xây dựng Kế hoạch kiểm tra công tác phối hợp tại địa phương, hàng năm triển khai việc kiểm tra theo dõi, đánh giá việc thực hiện Thông tư liên tịch số 10 tại cấp huyện của Hội đồng. Mỗi địa phương lựa chọn một số cơ quan tiến hành tố tụng cấp huyện, trại tạm giam, nhà tạm giữ… để thực hiện việc kiểm tra hàng năm). Thông qua các đợt kiểm tra hàng năm tại các cơ quan tiến hành tố tụng, Đoàn kiểm tra đã biểu dương kịp thời các cá nhân, tổ chức thực hiện tốt công tác phối hợp thực hiện các nội dung theo thẩm quyền quy định tại Thông tư liên tịch số 10. Qua kiểm tra đã giúp HĐPHLN nắm bắt thực tế việc thực hiện trách nhiệm phối hợp của các đơn vi được kiểm tra, kịp thời giải đáp khó khăn, vướng mắc, qua đó nâng cao tinh thần, trách nhiệm của các ngành thành viên tại địa phương cũng như các cơ quan tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

 
Đoàn KTLNTW làm việc với Cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh Hưng Yên 

1.6. Phối hợp giữa các ngành thành viên của HĐPHLN ở Trung ương
Để tăng cường hơn nữa khả năng tiếp cận TGPL cho người bị buộc tội, đương sự, bị hại tại Tòa án, ngày 19/5/2022, Bộ Tư pháp và Tòa án nhân dân tối cao đã ký ban hành Chương trình phối hợp số 1603/CTPH-BTP-TANDTC về người thực hiện TGPL trực tại Tòa án. Triển khai Chương trình này, một số Sở Tư pháp đã chủ động phối hợp với Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện Chương trình phối hợp. Tính đến nay, 58 địa phương[4] đã ký kết chương trình/kế hoạch phối hợp giữa Sở Tư pháp và Tòa án nhân dân cấp tỉnh. Một số địa phương triển khai việc trực tại trụ sở Tòa án: tại Ninh Bình, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận TGPL của người dân, Tòa án đã thống nhất hỗ trợ Trung tâm TGPL nhà nước bố trí bàn trực TGPL đặt bên cạnh bàn tiếp nhận khởi kiện, yêu cầu tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh. Tại Ninh Thuận, Trung tâm TGPL nhà nước đã cử viên chức trực tại Tòa án 02 huyện. Tại Kiên Giang, Trung tâm TGPL nhà nước đã cử người thực hiện TGPL trực tại Tòa án nhân dân tỉnh...
Thực hiện Nghị quyết số 33/2021/QH15 ngày 12/11/2021 của Quốc hội khóa XV về tổ chức phiên tòa trực tuyến, ngày 15/12/2021, Tòa án nhân dân tối cao Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Viện kiểm sát nhân dân tối cao ký kết Thông tư liên tịch số 05/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành tổ chức phiên tòa trực tuyến, trong đó có quy định điểm cầu thành phần tại Trung tâm giúp trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện TGPL của Trung tâm cũng như người bị hại, đương sự là người được TGPL thuận lợi hơn trong việc tham gia phiên toà trực tuyến, kịp thời bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.
Để tăng cường hơn nữa công tác phối hợp giữa Trung tâm TGPL nhà nước với các cơ quan công an, giúp người bị buộc tội, bị hại, đương sự… thuộc diện được TGPL tiếp cận sớm trong giai đoạn thụ lý vụ án từ giai đoạn điều tra, Cục TGPL đang phối hợp với Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an) nghiên cứu xây dựng Chương trình người thực hiện TGPL trực trong điều tra hình sự. Mặc dù văn bản này chưa hoàn thiện (đang dự thảo) nhưng một số địa phương Sở Tư pháp đã chủ động ký kết Quy chế phối hợp với Công an tỉnh ban hành Chương trình/quy chế trực kết nối trong tố tụng hình sự (Quảng Trị, Bạc Liêu, Cần Thơ, Ninh Thuận, Tuyên Quang...).
Đồng chí Nguyễn Văn Tiến - Phó Chánh án TANDTC, Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành Trung ương làm việc với HĐPHLN tỉnh Tuyên Quang
Đồng chí Nguyễn Văn Tiến - Phó Chánh án TANDTC, Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành Trung ương làm việc với HĐPHLN tỉnh Tuyên Quang
 
2. Kết quả thực hiện việc phối hợp trong TGPL
2.1. Kết quả thực hiện nhiệm vụ phối hợp của Trung tâm TGPL Nhà nước
Thực hiện nhiệm vụ quy định tại Thông tư liên tịch số 10, với vai trò là đơn vị giúp việc trực tiếp cho cơ quan thường trực của HĐPHLN ở địa phương, Trung tâm TGPL nhà nước đã chủ động tham mưu các chương trình, kế hoạch triển khai Thông tư liên tịch số 10 và các biện pháp cần thiết để giải quyết các vướng mắc, bất cập. Từ 2019-2021, Trung tâm TGPL nhà nước đã phối hợp, kịp thời cung cấp cho các cơ quan tiến hành tố tụng 10.237 Bảng thông tin về TGPL, 146.443 Tờ thông tin về TGPL, 1.820 Hộp thông tin về TGPL (chi tiết tại Phụ lục IV). Bên cạnh việc cung cấp mẫu Đơn yêu cầu TGPL, mẫu Biên bản giải thích về quyền được TGPL, mẫu Thông báo, Thông tin về TGPL và Sổ theo dõi về TGPL trong hoạt động tố tụng… đến các cơ quan tiến hành tố tụng cấp tỉnh, cấp huyện để triển khai thực hiện việc giải thích, thông báo, thông tin, yêu cầu TGPL cho người bị buộc tội, người bị hại, đương sự và lưu hồ sơ vụ án, Trung tâm còn cung cấp danh sách và số điện thoại của người thực hiện TGPL để người có thẩm quyền tiến hành tố tụng liên hệ khi có vụ việc/người thuộc diện được TGPL.
2.2. Kết quả thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan tiến hành tố tụng
Về cơ bản các cơ quan tiến hành tố tụng ở địa phương đã thực hiện đúng trách nhiệm phối hợp thực hiện TGPL trong hoạt động tố tụng quy định tại Thông tư liên tịch số 10, cụ thể:
- 100% các cơ quan tiến hành tố tụng đã niêm yết Bảng thông tin về TGPL, đặt Hộp tin TGPL tại trụ sở ở nơi thuận tiện, dễ quan sát và nơi sinh hoạt chung của người bị tạm giữ, tạm giam; phát miễn phí tờ gấp pháp luật, đơn yêu cầu TGPL cho bị can, bị cáo, bị hại và đương sự đến làm việc tại trụ sở. Trong quá trình thực hiện, một số Bảng thông tin, Hộp tin TGPL bị hư hỏng, thất lạc đã được cơ quan tiến hành tố tụng kịp thời đề nghị Trung tâm TGPL cung cấp bổ sung, thay thế.
- Việc thông tin, thông báo, giới thiệu người thuộc diện TGPL đến Trung tâm TGPL: cơ quan tiến hành tố tụng các cấp đã thực hiện đúng theo quy định của Luật TGPL, Thông tư liên tịch số 10 và các văn bản pháp luật có liên quan.  Theo đó, đa số các cơ quan tiến hành tố tụng ở các địa phương đã thực hiện việc giải thích về quyền được TGPL, lập biên bản về việc giải thích và lưu hồ sơ vụ án; gửi thông báo, thông tin về TGPL cho Trung tâm TGPL; thực hiện thống kê vào Sổ theo dõi vụ việc TGPL trong hoạt động tố tụng theo quy định.
- Đa số các cơ quan tiến hành tố tụng cấp tỉnh, cấp huyện đã thực hiện giao các văn bản tố tụng cho người thực hiện TGPL tham gia tố tụng trong vụ án đúng thời hạn theo quy định của pháp luật về tố tụng, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình phối hợp thực hiện TGPL: đơn giản thủ tục đăng ký bào chữa, ghi nhận quan điểm bào chữa, bảo vệ của người thực hiện TGPL trong bản án, quyết định của tòa án; thông báo lịch và tạo điều kiện thuận lợi cho người thực hiện TGPL tham gia hỏi cung bị can; thông báo lịch hòa giải, xét xử.
3. Kết quả thực hiện TGPL thông qua hình thức tham gia tố tụng
Theo số liệu báo cáo của các địa phương trong 3 năm (2019 - 2021) trong toàn quốc đã thụ lý 79.046 vụ việc, hoàn thành 47.550 vụ việc tham gia tố tụng, trong đó trợ giúp viên pháp lý thực hiện 39.403 vụ việc, luật sư ký kết hợp đồng với Trung tâm, luật sư của tổ chức tham gia TGPL thực hiện 8.147 vụ việc.
Về kết quả lượt người được TGPL: Tổng số người bị buộc tội, người bị hại, đương sự trong vụ án, vụ việc do các cơ quan tiến hành tố tụng thụ lý tiếp nhận là 1.243.261 vụ (Công an: 162.205; Toà án: 770.993; Viện kiểm sát: 319.229; các cơ quan điều tra khác: 896); trong đó người thuộc diện được TGPL là 78.932 vụ việc (Công an: 27.875; Toà án: 35.222; Viện kiểm sát: 15.254; các cơ quan điều tra khác: 581).
4. Kết quả thực hiện chế độ báo cáo, thống kê
Thực hiện quy định tại Điều 20 Thông tư liên tịch số 10 về chế độ thông tin, báo cáo, hàng năm HĐPHLN địa phương báo cáo về việc triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 10 gửi về cơ quan thường trực của HĐPHLN Trung ương để tổng hợp, thống kê, trong đó, đánh giá những kết quả đạt được, khó khăn, vướng mắc và đề xuất tháo gỡ.
Trên đây là một số kết quả thực hiện Thông tư liên tịch số 10 quy định về phối hợp thực hiện TGPL trong hoạt động tố tụng./.
Vũ Hồng Tuyến - Cục TGPL
(Mời các bạn đọc tiếp Bài 2: đánh giá việc thực hiện Thông tư liên tịch số 10, một số kiến nghị và giải pháp thực hiện trong thời gian tới).
 

[1]Bộ Quốc phòng có Công văn số 9314/BQP-PC ngày 26/8/2019 về việc triển khai thực hiện trong Quân đội công tác TGPL trong hoạt động tố tụng gửi Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, Tòa án quân sự trung ương, Viện kiểm sát quân sự trung ương, Cục Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng, Cục Bảo vệ an ninh Quân đội/TCCT; Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành Kế hoạch số 161/KH-VKSTC ngày 18/9/2019 triển khai Thông tư liên tịch số 10 trong ngành Kiểm sát nhân dân chỉ đạo, đôn đốc trong ngành mình từ năm 2019; Tòa án nhân dân tối cao có Công văn số 244/TANDTC-PC ngày 05/11/2019 về việc thi hành Thông tư liên tịch số 10 gửi Chánh án Toà án nhân dân các cấp, Chánh án Toà án quân sự các cấp, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao; Bộ Công an có Công văn số 481/BCA-V03 ngày 17/01/2020 về việc đôn đốc triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về TGPL gửi các đơn vị trực thuộc Bộ Công an và Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
[2] Quyết định số 1886/QĐ-BTP ngày 09/9/2020 và Quyết định số 178/QĐ-BTP ngày 10/02/2022 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc kiện toàn HĐPHLN Trung ương và Tổ giúp việc cho Hội đồng.
[3] Năm 2019, tổ chức 04 đoàn kiểm tra tại Hà Nội (11/4/2019), Thanh Hóa và Nghệ An (11/7-12/7/2019), Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu (31/7-01/8/2019) Tây Ninh và Bình Dương (24/10-25/10/2019). Năm 2020 tổ chức 01 đoàn kiểm tra tại Đắk Lắk và Đắk Nông (29/10-30/10/2020), do dịch Covid-19 bùng phát nên hoãn 2 đoàn. Năm 2021 cũng do dịch Covid-19 nên hoãn 03 đoàn (Lào Cai, Yên Bái; Hà Tĩnh, Quảng Bình; Khánh Hòa, Lâm Đồng). Năm 2022 đã tổ chức 3 đoàn kiểm tra: Nghệ An và Ninh Bình (04/7-06/7/2022); Bình Thuận và Ninh Thuận (14/9-15/9/2022); Hà Giang và Tuyên Quang (27/10-28/10/2022).
[4] Còn 5 tỉnh chưa ký kết: An Giang, Bình Phước, Bình Định, Khánh Hòa, Nghệ An.