Việc thu phí trong hoạt động Trợ giúp pháp lý

1. Tính chất miễn phí

1.1. Nhóm các nước miễn phí hoàn toàn cho tất cả đối tượng thuộc diện trợ giúp pháp lý như Trung Quốc, Hy Lạp, chiếm thiểu số trong các nước nghiên cứu. Theo quy định của các nước này, đối tượng được trợ giúp pháp lý được miễn phí hoàn toàn, không đặt ra vấn đề thu phí hay một phần tài sản mà người được trợ giúp pháp lý nhận được thông qua vụ việc.

1.2. Nhóm miễn phí đối với một số đối tượng và thu phí đối với một số đối tượng(Hungary, Nauy, Bỉ, Brazil, Litva, Đài Loan, Đức, bang Queensland (Úc), Phần Lan, Nepal, Bang Manitoba - Canada). Theo quy định của các nước này thì căn cứ vào mức thu nhập, khả năng tài chính, các điều kiện cụ thể của từng đối tượng mà các tổ chức trợ giúp pháp lý xác định đối tượng đó được miễn phí hoàn toàn hay thu phí. Quy định này vừa bảo đảm giúp đỡ một phần kinh phí cho những người khó khăn về kinh tế, đồng thời bảo đảm một phần kinh phí cho hoạt động này.

Ở Hungary, các đối tượng sau được miễn phí hoàn toàn:

- Người có thu nhập thực hàng tháng (lương, trợ cấp hoặc các khoản trợ cấp tiền mặt thường xuyên khác) dưới mức trợ cấp hưu trí tối thiểu được quy định căn cứ vào thời gian làm việc và không có tài sản;

- Người nhận trợ cấp xã hội thường xuyên;

- Người được chăm sóc sức khỏe công cộng miễn phí;

- Người vô gia cư;

- Người tị nạn, người đang nộp đơn xin tị nạn;

- Người có tổ tiên là công dân Hungary;

- Những người chăm sóc trẻ em nhận được trợ cấp bảo vệ trẻ em thường xuyên.

Những người mà thu nhập thực có của họ hàng tháng dưới 43% thu nhập bình quân đầu người hàng tháng của quốc gia do Cơ quan thống kê trung ương công bố vào năm trước đó và người đó không có tài sản thì được trợ giúp pháp lý nhưng phải trả phí. Tuy nhiên, mức phí thấp hơn nhiều so với dịch vụ pháp lý có thu.

Ở Nauy, người được trợ giúp pháp lý mà không cần kiểm tra điều kiện thì được miễn phí hoàn toàn. Những trường hợp phải kiểm tra điều kiện thì phải nộp phí theo quy định.

 Ở Bỉngười đơn thân có thu nhập hàng tháng dưới từ 666 UER thì được trợ giúp pháp lý hoàn toàn miễn phí. Nếu thu nhập từ 666 đến 857 UER/tháng thì phải trả một phần phí. Tùy thuộc vào thu nhập, mức đóng góp có thể từ 50 đến 125 UER (Mức đóng góp do Trưởng văn phòng trợ giúp pháp lý quyết định).

Người đã kết hôn, người có người sống chung hoặc người đơn thân có người sống phụ thuộc mà có thu nhập vượt quá 857 UER/tháng thì được trợ giúp pháp lý miễn phí hoàn toàn (mỗi người sống phụ thuộc được cộng thêm 78 UER. Nếu thu nhập của đối tượng này từ 857 - 1.011 UER/tháng (mỗi người sống phụ thuộc được cộng thêm 78 UER) thì phải trả một phần phí trợ giúp pháp lý. Mức phí đóng góp do Trưởng văn phòng trợ giúp pháp lý quyết định.

Ở Bang Manitoba (Canada) người được miễn phí hoàn toàn là người thuộc gia đình với quy mô và thu nhập như sau:

 

Quy mô gia đình Mức thu nhập của cả gia đình
1 người 14.000 USD
2 người 18.000 USD
3 người 23.000 USD
4 người 27.000 USD
5 người 31.000 USD
6 người 34.000 USD
Nhiều hơn 6 người 37.000 USD


Những người thuộc gia đình với quy mô và thu nhập như sau thì phải trả toàn bộ chi phí thuê luật sư cộng với 25% phí trợ giúp pháp lý.

 

Quy mô gia đình Mức thu nhập của cả gia đình
1 người 16.000 USD
2 người 20.000 USD
3 người 25.000 USD
4 người 29.000 USD
5 người 33.000 USD
6 người 36.000 USD
Nhiều hơn 6 người 39.000 USD

 

Ở Thụy Điển có đặc thù là Nhà nước chi trả những loại chi phí sau đây:

-         Chi phí luật sư tư vấn tối đa là 100 giờ, trừ khi tòa án quyết định khác;

-         Chi phí hợp lý để đưa ra chứng cứ tại tòa án;

-         Chi phí điều tra hợp lý để bảo đảm quyền của người được trợ giúp pháp lý, tối đa là 1.503 UER;

-         Chi phí hòa giải phù hợp với quy định tại phần 17 Chương 42 Bộ luật tố tụng tư pháp;

-         Chi phí thụ lý đơn và thi hành bản án.

Những chi phí khác do người được trợ giúp pháp lý chi trả. Tuy nhiên, nếu người được trợ giúp pháp lý thắng kiện thì bên có quyền lợi đối kháng phải thanh toán lại cho người được trợ giúp pháp lý. Mức phí được chia làm 6 mức và tính theo thu nhập của người được trợ giúp pháp lý. Tùy theo mức thu nhập mà mức phí phải trả từ 2 đến 40% phí thuê luật sư. Thu nhập hàng năm, trách nhiệm nuôi dưỡng và tài sản là những tiêu chí để tính toán điều kiện kinh tế của người được trợ giúp pháp lý.

1.3. Nhóm thu phí một phần như Thụy Điển, Hà Lan, Ailen, Đài Loan: Ở những nước này không thực hiện trợ giúp pháp lý miễn phí hoàn toàn cho bất cứ đối tượng nào, tất cả các đối tượng phải trả một phần kinh phí căn cứ vào mức thu nhập hàng năm phải chịu thuế và thu nhập của người được trợ giúp pháp lý sau khi khấu trừ các khoản phải nộp.

Ở Đài Loan người được trợ giúp pháp lý chỉ được miễn phí một phần nếu tài sản và thu nhập vượt quá giới hạn quy định 20%. Trong một số trường hợp đặc biệt người được trợ giúp pháp lý phải đóng góp ½ đến 1/3 chi phí trợ giúp pháp lý. Nếu nhờ có trợ giúp pháp lý mà khách hàng được nhận tài sản có giá trị lớn hơn chi phí thực hiện trợ giúp pháp lý 1.000.000 nhân dân tệ thì phải trả lại toàn bộ chi phí trợ giúp pháp lý. Nếu giá trị tài sản thu được vượt quá chi phí thực hiện trợ giúp pháp lý từ 500.000 đến 1.000.000 nhân dân tệ thì phải trả ½ chi phí trợ giúp pháp lý. Nếu khoản tiền khách hàng nhận được là tiền bồi thường và tổng giá trị nhận trong 2 năm trên 500.000 nhân dân tệ thì người được trợ giúp pháp lý phải trả phí sau 2 năm.

2. Mức thu phí

Việc thu phí của các nước nhằm bù đắp một phần chi phí thực hiện trợ giúp pháp lý và để đối tượng cân nhắc lựa chọn vụ việc mà lợi ích thu được tương xứng với chi phí do tổ chức trợ giúp pháp lý bỏ ra. Mức thu phí do Quy chế riêng của từng nước quy định và thực hiện trên nguyên tắc mức thu căn cứ vào thu nhập, tài sản của người được trợ giúp pháp lý và tài sản, tiền nhận được từ vụ việc (nếu có)

Tùy theo điều kiện kinh tế của mỗi nước, pháp luật sẽ quy định mức thu phí khác nhau (thường thì tính theo tỷ lệ %) trên thu nhập bình quân đầu người hàng tháng.

3. Cách thức thu phí

3.1. Newzealand

Người được trợ giúp pháp lý có thể được yêu cầu thanh toán theo nhiều cách khác nhau và có thể thanh toán theo nhiều hơn 1 cách:

- Thanh toán thường xuyên hàng tuần, 2 tuần hoặc hàng tháng;

- Trả toàn bộ bằng cách khấu trừ từ tài khoản tiết kiệm hoặc khi bán nhà hoặc tài sản khác;

- Bất cứ tiền hoặc tài sản nào nhận được thông qua vụ việc trợ giúp pháp lý.

Nếu người được trợ giúp pháp lý được yêu cầu thanh toán thường xuyên thì có thể thanh toán ngay lập tức. Mẫu trả tiền tự động sẽ được gửi cho người được trợ giúp pháp lý để thực hiện. Nếu người được trợ giúp pháp lý không thanh toán đúng theo kế hoạch thì thông báo khấu trừ hoặc khoản nợ có thể được thông báo cho cơ quan thu thuế. Kế hoạch thanh toán có thể được điều chỉnh. Trong một số trường hợp một phần hoặc toàn bộ nợ phí trợ giúp pháp lý có thể bị hủy bỏ nếu người được trợ giúp pháp lý không có khả năng trả nợ. Nếu người được trợ giúp pháp lý  không có khả năng trả thì có thể làm đơn yêu cầu xin không phải trả nhưng vẫn phải trả nợ cho đến thời điểm được phép hủy nợ.

3.2. Lít va

- Người đề nghị trợ giúp phải cam kết hoàn trả chi phí trợ giúp pháp lý thứ cấp trong đơn đề nghị trợ giúp pháp lý thứ cấp, nếu tài sản và thu nhập được xác định ở mức độ thứ hai. Nếu đơn đề nghị trợ giúp được người thực hiện trợ giúp pháp lý hướng dẫn viết hoặc viết hộ thì người thực hiện trợ giúp có nghĩa vụ giải thích cho người đề nghị trợ giúp về việc phải hoàn trả 50% chi phí trợ giúp pháp lý thứ cấp và người được trợ giúp cần được cho biết thông tin đầy đủ về khoản chi phí đó.

- Nếu 50% chi phí trợ giúp pháp lý thứ cấp được hoàn trả, người đề nghị trợ giúp pháp lý sẽ trả 50% chi phí trợ giúp pháp lý thứ cấp liên quan đến việc bào chữa và đại diện trong vụ án khi việc cung cấp trợ giúp pháp lý thứ cấp hoàn tất. Luật sư sẽ thông báo cho các Ban về việc hoàn thành trợ giúp pháp lý thứ cấp. Ban này sẽ thông báo cho người được trợ giúp về khoản chi phí trợ giúp pháp lý thứ cấp, số tài khoản mà anh ta/cô ta sẽ chuyển tiền và thời hạn thanh toán.

- Người được trợ giúp sẽ hoàn lại các chi phí trong thời hạn không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo.

- Đối với trường hợp có đóng góp 50% chi phí trợ giúp pháp lý thứ cấp, người đề nghị trợ giúp sẽ trả 50% các chi phí kiện tụng khác (các chi phí liên quan đến việc giải quyết vụ việc) phù hợp với thời hạn cuối và các thủ tục được pháp luật tố tụng quy định.

3.3. Bang Manitoba (Canada)

Nếu người được trợ giúp pháp lý phải trả phí thì phải ký hợp đồng thanh toán. Ban đầu phải trả 300 USD và tiếp tục trả hàng tháng cho đến khi trả hết phí trợ giúp pháp lý cộng với 25% phí chương trình

Ngay sau khi người được trợ giúp pháp lý trả phí theo tháng thì tổ chức trợ giúp pháp lý tiếp tục trả cho luật sư. Nếu người được trợ giúp pháp lý không trả và không liên hệ với tổ chức trợ giúp pháp lý thì tổ chức trợ giúp pháp lý có thể kiện để đòi lại số đang nợ và hậu quả là từ đó trở đi người được trợ giúp pháp lý sẽ bì từ chối trợ giúp pháp lý.

Nếu trong trường hợp người được trợ giúp pháp lý có khó khăn về tài chính thì cần liên hệ ngay với tổ chức trợ giúp pháp lý để có thể được hoãn trả, giảm số tiền phải trả hoặc trong một số trường hợp có thể hủy bỏ số nợ, ví dụ khi mất việc làm. Nếu số tiền người được trợ giúp pháp lý trả lớn hơn chi phí thực hiện trợ giúp pháp lý thì tổ chức trợ giúp pháp lý sẽ trả lại số tiền thừa.

Nếu người được trợ giúp pháp lý có sở hữu nhà thì tổ chức trợ giúp pháp lý  có thể yêu cầu người đó ký một thỏa thuận về trách nhiệm. Việc ký kết này cho phép tổ chức trợ giúp pháp lý thiết lập nghĩa vụ trả nợ trên tài sản của người được trợ giúp pháp lý. Nghĩa vụ này có nghĩa là nếu bán nhà thì phải thanh toán chi phí trợ giúp pháp lý từ tiền bán nhà. Tiền thanh toán bao gồm phí luật sư và 25% phí trợ giúp pháp lý, tổng tối đa là 300 đô. Thời điểm thanh toán là sau khi vụ việc kết thúc và thanh toán toàn bộ hoặc theo tháng mà không tính lại. Lưu ý rằng tổ chức trợ giúp pháp lý không thể yêu cầu người được trợ giúp pháp lý bán nhà.

Trong điều kiện nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước đầu tư cho hoạt động trợ giúp pháp lý còn hạn chế thì khi nghiên cứu đổi mới công tác trợ giúp pháp lý thì có thể đặt ra vấn đề thu phí. Tuy nhiên, đây là sự chuyển đổi căn bản về tính chất của hoạt động này do đó, cần có nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo về tính khả thi, về sự phù hợp, các điều kiện thu, mức thu cụ thể,... Đồng thời, sau khi nghiên cứu đưa vào triển khai thực hiện thì cần thí điểm thực hiện ở một số địa phương.

Phan Hà