Ấn Độ ra mắt chương trình trợ giúp pháp lý miễn phí thông qua truyền hình ở nông thôn

Người dân ở các vùng nông thôn tại Ấn Độ sẽ sớm kết nối trực tiếp với các luật sư thành phố và được tư vấn pháp lý miễn phí qua chương trình truyền hình. Đây là một sáng kiến của Chính phủ nhằm cải thiện việc tiếp cận công lý cho những người nghèo nhất và bị gạt ra ngoài lề xã hội.

Bộ Pháp luật cho biết, sáng kiến “trợ giúp pháp lý miễn phí qua truyền hình” (viết tắt là "Tele-Law") được đưa ra vào Chủ Nhật sẽ được thí điểm tại 500 thôn ở các bang phía bắc của Uttar Pradesh và Bihar, và sau đó được đưa ra khắp đất nước theo từng giai đoạn.

Người dùng sẽ tiếp cận các dịch vụ thông qua “Trung tâm dịch vụ công cộng” (“Common Service Centers”) mới thành lập - trung tâm một cửa, nơi cung cấp dịch vụ trực tuyến cho người dân ở các khu vực nông thôn ít kết nối với internet.

Thông qua chương trình "Tele-Law", người dân sẽ có thể tiếp cận các luật sư được chính phủ lựa chọn từ các thành phố và tìm lời tư vấn pháp luật về bất cứ điều gì, từ tranh chấp đất đai đến các vụ bạo lực gia đình thông qua chương trình truyền hình.

Bộ Pháp luật cho biết hàng trăm phụ nữ tại các thôn cũng sẽ được đào tạo như một trợ lý pháp luật tình nguyện và sẽ là người tiếp xúc đầu tiên của người dân ở các vùng nông thôn để giải thích lời tư vấn của luật sư và trợ giúp thêm nếu cần

Việc đào tạo sẽ bao gồm việc hiểu về luật công bằng xã hội và các quyền cơ bản, bao gồm quyền của phụ nữ và trẻ em cũng như luật pháp liên quan đến lao động.

"Tele-Law sẽ thực hiện đầy đủ cam kết của chúng tôi để đảm bảo tiếp cận công lý và trao quyền cho người nghèo” Ravi Shankar Prasad, Bộ trưởng Bộ Pháp luật, nói trong một tuyên bố.

"Các Trung tâm Dịch vụ công cộng (The Common Services Centers) và các trợ lý pháp luật tình nguyện sẽ cung cấp vướng mắc pháp luật đơn giản cho các đương sự ở nông thôn Ấn Độ, đồng thời làm cho họ có thêm cơ hội tiếp cận về kỹ thuật số và tài chính."

Sự bùng nổ kinh tế trong hai thập niên vừa qua đã làm cho hàng triệu người Ấn Độ thoát khỏi đói nghèo và tăng tỷ lệ biết chữ ở nước này là 1,3 tỷ người, nhưng việc tiếp cận công lý vẫn còn đắt đỏ và vượt quá khả năng của hàng trăm triệu người nghèo.

Các nhà hoạt động cho biết, sự hạn chế nhận thức của công chúng về các quyền cơ bản và quyền lợi của họ, phạm vi hoạt động hạn chế của các tổ chức trợ giúp pháp lý và quá ít tòa án và thẩm phán là một số thách thức lớn.

 

Thanh Hà

Nguồn: Reuters