Theo ông Vijaykumar Chinnasamy thuộc cơ quan dịch vụ pháp lý quận Dindigul, vào ngày chủ nhật, 30.000 công nhân tại 5 huyện của bang Tamil Nadu đã có thể gọi và báo cáo các vấn đề như quấy rối, làm việc quá sức và giữ lại tiền lương.
Ông Chinnasamy nói với Quỹ Thomson Reuters qua điện thoại: "Các điều kiện làm việc tại các nhà máy này đã được biết đến nhưng các cô gái hiếm khi khiếu nại vì sợ hãi”.
Theo ông Chinnasamy, luật sư của cơ quan dịch vụ pháp luật sẽ theo dõi những khiếu nại mà công nhân gọi đến, và nói thêm rằng dịch vụ này cuối cùng sẽ được mở rộng khắp tiểu bang.
Có hơn 1.500 doanh nghiệp ở Tamil Nadu, trung tâm dệt may và sản xuất lớn nhất ở Ấn Độ, sử dụng nhân công lên đến 400.000 người.
Theo các nhà hoạt động, nhìn từ những gia đình nghèo có thể thấy, phần lớn lao động nữ bị trả lương thấp, phải đối mặt với quấy rối bằng lời nói và tình dục hàng ngày và buộc phải làm việc đến 14 giờ.
Người lao động thường không ý thức về quyền của họ, và phải đối mặt với hậu quả nếu họ lên tiếng, vì vậy hầu hết họ đều phải chịu đựng trong im lặng.
"Ẩn danh là lợi thế trong hệ thống này", bà Barathi Palaniame của công ty Gram Vaani, công ty công nghệ xã hội đã đặt nền tảng cho hệ thống tương tác cho biết.
Mọi người có thể gọi điện thoại và chọn lựa các tùy chọn bao gồm nghe tin nhắn về các chủ đề như sức khoẻ và các quyền hợp pháp. Họ có thể chọn để nghe tin nhắn của những người khác trong các chủ đề như việc làm mới, hoặc họ có thể để lại một tin nhắn.
Nếu họ chọn báo cáo về lạm dụng tại nơi làm việc, đại diện của công đoàn hoặc luật sư sẽ liên hệ với họ để giúp đăng ký khiếu nại chính thức và theo dõi quá trình này.
Dịch vụ này đang được điều hành bởi Hiệp hội Công đoàn Dệt may Tamil Nadu, một trong những hiệp hội công nhân nữ lớn nhất trong trung tâm dệt của Ấn Độ.
Chủ tịch công đoàn bà Thivyarakhini Sesuraj cho biết các tình nguyện viên đang tuyên truyền chương trình này đến khắp hang cùng ngõ hẻm trong 5 huyện của bang Tamil Nadu nơi mà dịch vụ này hiện đang được cung cấp. Bà nói: "Các vấn đề mà công nhân gặp phải đã bị chôn giấu bấy lâu bên trong nhà máy kéo sợi, nhà máy may mặc nơi họ làm việc. Giờ đây một cú điện thoại sẽ cho các quan chức biết về những thách thức mà các công nhân phải đối mặt."
Thanh Hà
Nguồn: Reuters