Tính đến tháng 11/2015, Trung tâm đã tham mưu giúp Giám đốc Sở Tư pháp xây dựng và trình UBND, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành 05 văn bản có liên quan đến hoạt động TGPL; thực hiện 1.624 vụ việc TGPL (có 120 vụ việc đại diện, bào chữa và 1.504 vụ việc tư vấn pháp luật) cho 1.640 lượt người được trợ giúp pháp lý (trong đó, 448 người nghèo, 200 người có công với cách mạng, 67 trẻ em, 883 đồng bào dân tộc thiểu số và 42 đối tượng khác); phối hợp với Phòng Tư pháp của 14 huyện, thành phố tổ chức thành công 138 đợt TGPL lưu động về cơ sở (các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn thuộc vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và hải đảo), với hơn 11.000 lượt người tham dự; tổ chức 03 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng nghiệp vụ TGPL cho đội ngũ người thực hiện TGPL với hơn 170 người tham gia; tham mưu giúp Giám đốc Sở Tư pháp trình Chủ tịch UBND tỉnh bổ nhiệm 04 Trợ giúp viên pháp lý (TGV) và cử 03 viên chức Trung tâm có đủ điều kiện tham gia lớp đào tạo nghề luật sư nhằm tạo nguồn bổ nhiệm TGV.
Bên cạnh đó, qua các đợt TGPL lưu động, TGV của Trung tâm đã kịp thời tư vấn, giải đáp vướng mắc pháp luật cho 1.242 đối tượng có yêu cầu (chủ yếu thuộc các lĩnh vực pháp luật: Đất đai, dân sự, hình sự, khiếu nại, chế độ chính sách, hôn nhân và gia đình, giao thông đường bộ…); lắp đặt 70 Bảng thông tin về TGPL; cấp phát miễn phí hơn 8.000 sổ tay, tờ gấp pháp luật,... Hoạt động TGPL về cơ sở thời gian qua đã góp phần không nhỏ vào việc giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân, kịp thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đối tượng được TGPL.
Đối với công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng vụ việc, trong năm 2015, các TGV của Trung tâm đã tiến hành đánh giá chất lượng vụ việc TGPL với 451 vụ việc. Qua công tác thẩm định, đánh giá chất lượng vụ việc có 100% vụ việc đạt chất lượng và chất lượng tốt (theo Thông tư số 02/2013/TT-BTP ngày 05/01/2013 của Bộ Tư pháp); việc thiết lập và lưu hồ sơ vụ việc đảm bảo theo quy định của pháp luật.
Còn trong công tác phối hợp theo Thông tư liên tịch số 11/2013/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC ngày 04/7/2013, Trung tâm đã tham mưu giúp lãnh đạo Sở Tư pháp làm tốt công tác của cơ quan thường trực (xây dựng chương trình, kế hoạch, kiện toàn thành viên Hội đồng và Tổ giúp việc, thống kê, xây dựng báo cáo,...); chủ động liên hệ, phối hợp đặt 25 Bảng thông tin về TGPL tại các cơ quan tiến hành tố tụng và kiến nghị với các cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động tham gia tố tụng của TGV và luật sư cộng tác viên (LSCTV). Nhờ đó, số lượng vụ việc do cơ quan tiến hành tố tụng giới thiệu cho Trung tâm tăng cao (tăng so với năm 2014 là gần 20 vụ), hoạt động cấp giấy chứng nhận tham gia tố tụng và tham gia nghiên cứu hồ sơ, hỏi cung của người thực hiện TGPL luôn kịp thời, đúng pháp luật.
Những kết quả nêu trên đã phần nào phản ánh sự đóng góp tích cực của hoạt động TGPL trong việc thực hiện chính sách giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân, nhất là người nghèo, người đồng bào dân tộc thiểu số và gia đình chính sách, giúp họ kịp thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Mặt khác, hoạt động TGPL đã tác động tích cực đến tinh thần trách nhiệm với nhân dân trong hoạt động công vụ của cán bộ, công chức, viên chức; góp phần quan trọng vào sự nghiệp cải cách hành chính, cải cách tư pháp và xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương. Thông qua các hoạt động TGPL ở địa phương, nhất là hoạt động TGPL lưu động đến cơ sở đã góp phần giải tỏa những vướng mắc về pháp luật, hạn chế những phát sinh mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư, giúp người dân nâng cao ý thức và thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của mình, tham gia đấu tranh phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật, giữ gìn sự đoàn kết trong cộng đồng dân cư vì mục tiêu xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Để phát huy những kết quả đạt được nêu trên và thực hiện có hiệu quả Đề án đổi mới công tác TGPL giai đoạn 2015 - 2025 trong thời gian đến, kịp thời đáp ứng 100% yêu cầu TGPL của các đối tượng; trong giai đoạn 2016 - 2021, Trung tâm chú trọng thực hiện các nhiệm vụ sau: Triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 4921/KH-UBND ngày 24/9/2015 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi triển khai thực hiện Đề án đổi mới công tác TGPL giai đoạn 2015 - 2025 trên địa bàn tỉnh (Đề án) nhằm xây dựng, kiện toàn tổ chức, bộ máy và biên chế Trung tâm theo đúng định hướng Đề án và phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đảm bảo 100% người dân biết về TGPL và 90% đối tượng được TGPL biết về quyền được TGPL; xây dựng đội ngũ TGV, LSCTV đảm bảo về số lượng, chất lượng đáp ứng 100% yêu cầu TGPL của các đối tượng khi có yêu cầu (nhất là yêu cầu TGPL bằng hình thức tham gia tố tụng) và nâng cao chất lượng dịch vụ pháp lý miễn phí của Nhà nước ngang bằng với dịch vụ mà luật sư cung cấp trên thị trường; tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai thực hiện chính sách TGPL cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc và miền núi, ven biển và hải đảo; chính sách TGPL cho người khuyết tật trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh hoạt động TGPL theo Chương trình phối hợp giữa Sở Tư pháp với Thanh tra tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Ban Dân tộc, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Sở Y tế, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh,…và trước hết, trong năm 2016, đẩy mạnh thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thứ nhất, kiện toàn tổ chức bộ máy, biên chế của Trung tâm TGPL theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội ở địa phương và đúng với lộ trình của Đề án.
Thứ hai, tăng cường công tác tuyền thông, thông tin về TGPL và quản lý hoạt động TGPL trên địa bàn tỉnh.
Thứ ba, tập trung thực hiện vụ việc, chú trọng các vụ việc tham gia tố tụng, đặc biệt là trong lĩnh vực tố tụng hình sự; thực hiện các vụ việc đại diện ngoài tố tụng, tư vấn pháp luật tại trụ sở, tư vấn pháp luật tiền tố tụng bảo đảm quyền TGPL của người được TGPL./.
PTQ