Hội thảo tham vấn Bộ công cụ khảo sát, đánh giá nhận thức và hiểu biết về trợ giúp pháp lý của các đối tượng yếu thế

Ngày 12/9/2019, Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo tham vấn Bộ Công cụ khảo sát, đánh giá nhận thức và hiểu biết về trợ giúp pháp lý của các đối tượng yếu thế. Tham dự Hội nghị có lãnh đạo, Trợ giúp viên pháp lý một số Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước phía Bắc; đại diện Ủy ban dân tộc; đại diện Đoàn Luật sư, Hội Luật gia, Hội Phụ nữ, Hội người khuyết tật, Hội Nông dân Hà Nội.

Ông Cù Thu Anh, Phó Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý chủ trì hội thảo. Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Cù Thu Anh cho biết Luật TGPL năm 2017 đã mở rộng diện người được TGPL gồm 14 nhóm đối tượng, khẳng định sự quan của Quốc hội, Chính phủ đối với người nghèo, người có công với cách mạng và nhóm các đối tượng yếu thế. Tuy nhiên, khi hiện thực hóa các chính sách này trên thực tế nhìn chung còn gặp một số khó khăn như kiến thức pháp luật của một bộ phận không nhỏ của người dân nói chung, người được trợ giúp pháp lý như: người dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, người khuyết tật, trẻ em, người nhiễm HIV… nói riêng cònhạn chế, kể cả nhận thức về quyền được bảo vệ trước pháp luật, đặc biệt là quyền được trợ giúp pháp lý không mất tiền, chính vì vậy quyền được giúp đỡ về pháp luật nói chung, được trợ giúp pháp lý nói riêng của không ít người thuộc diện nhóm đối tượng dễ bị tổn thương này trên thực tế chưa được đảm bảo.

Vì vậy, để xây dựng những hoạt động hỗ trợ, trong đó có hoạt động đưa thông tin pháp luật nói chung, thông tin về trợ giúp pháp lý nói riêng đến những nhóm đối tượng này thì cần phải có một nghiên cứu để đo lường cụ thể mức độ nhận thức của họ về pháp luật để từ đó có phương pháp truyền tải thông tin đến họ cho hiệu quả nhất. Mục tiêu Hội thảo nhằm lấy ý kiến các đại biểu để nhóm chuyên gia hoàn thiện Bộ công cụ tiến hành khảo sát tại 6 tỉnh.

Phát biểu tại Hội nghị, bà Bùi Phương Trà, cán bộ phụ trách phòng Quản trị và tham gia của UNDP cũng đồng tình cho rằng tăng cường pháp quyền, tiếp cận công lý là một trong những mục tiêu của phát triển bền vững, người dân đặc biệt là các đối tượng yếu thế cần biết và tiếp cận TGPL để bảo vệ quyền của mình; tiếp cận TGPL là một phần tiếp cận công lý. Để giúp nâng cao nhận thức pháp luật và nhu cầu TGPL của người dân cần nắm rõ nhu cầu của họ là gì, mức độ hiểu biết của họ đến đâu.

Giáo sư, tiến sỹ Lê Hồng Hạnh thay mặt nhóm chuyên gia trình bày một số vấn đề chung và nhận thức pháp luật của người dân, mục đích, yêu cầu khi xây dựng Bộ Công cụ.

Qua công tác quản lý, theo dõi, nắm bắt tình hình hoạt động trợ giúp pháp lý trong toàn quốc, Cục Trợ giúp pháp lý cũng cung cấp thông tin đánh giá sơ bộ về hiểu biết của người dân về hoạt động trợ giúp pháp lý, nhu cầu trợ giúp pháp lý của người dân. Nhìn chung hiểu biết của người dân về hoạt động trợ giúp pháp lý còn hạn chế và có sự khác nhau trong nhận thức của người đã sử dụng dịch vụ trợ giúp pháp lý và người chưa sử dụng dịch vụ. Nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ cả hai phía, từ phía người dân và từ tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý. Về phía người dân thì trình độ dân trí của một số người thuộc diện được TGPL còn thấp (đặc biệt người dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, không biết nghe, nói, đọc, viết tiếng phổ thông  nên gây nhiều khó khăn trong công tác tuyên truyền, thực hiện TGPL) hiểu biết pháp luật chưa cao, tâm lý còn e ngại nên khi có vướng mắc, tranh chấp pháp luật không biết tìm đến Trung tâm, Chi nhánh để được trợ giúp pháp lý miễn phí. Họ dành sự quan tâm nhiều hơn đến mưu sinh, ít có thói quen sử dụng dịch vụ pháp lý. Từ phía tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý có thể thấy là công tác truyền thông về trợ giúp pháp lý còn có những nơi chưa thật sự hiệu quả, chưa đa dạng hóa các phương thức phù hợp với đặc thù vùng, miền, đặc thù của từng nhóm người dân.

Thảo luận tại Hội thảo đã có 14 ý kiến tựu chung đều nhất trí cần có bộ công cụ để đánh giá cụ thể về mức độ hiểu biết của người dân, đồng thời có những đóng góp cụ thể vào nội dung bộ công cụ, đề nghị Bộ công cụ cần được thiết kế ngắn gọn hơn, số lượng các phương án lựa chọn vừa phải; có thể nghiên cứu thiết kế phù hợp với từng nhóm đối tượng, sử dụng ngôn ngữ dễ hiểu.

Kết thúc Hội thảo, ông Cù Thu Anh Phó Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý cảm ơn và tiếp nhận đầy đủ các ý kiến đóng góp của đại biểu, Cục Trợ giúp pháp lý sẽ trao đổi với nhóm chuyên gia để nghiên cứu có chỉnh lý, hoàn thiện Bộ công cụ.

 

Phan Thị Thu Hà

Trưởng phòng Phòng Chính sách và Quản lý nghiệp vụ TGPL