Ngay từ khi ra đời, Đảng ta luôn xác định chính sách dân tộc có vị trí chiến lược trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, điều đó đã được khẳng định trong các văn kiện, cương lĩnh của Đảng
Chính sách dân tộc là một trong những nguyên tắc Hiến định, quy định tại Điều 5 Hiến pháp năm 1992. Những năm qua, cùng với việc nhất quán thực hiện bình đẳng, đại đoàn kết dân tộc Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách quan trọng nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của cộng đồng dân tộc Việt Nam và đặc biệt là người dân tộc thiểu số. Bên cạnh các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, trợ giúp pháp lý được xác định là chính sách ưu đãi giành cho đồng bào dân tộc thiểu số, đồng thời là một trong những chính sách “giảm nghèo về pháp luật” trong tổng thể các chính sách của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2006 - 2010, Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2006 – 2010 (Chương trình 135 giai đoạn II).
Thực hiện các chủ trương trên, Nhà nước đã ban hành Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006, chính sách trợ giúp pháp lý trong các Chương trình giảm nghèo. Gần đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/11/2008 về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo; Nghị quyết số 80/NQ-CP ngày 19/5/2011 của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011 đến năm 2020, Trên cơ sở đó, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 52/2010/QĐ-TTg ngày 18/8/2010 về chính sách hỗ trợ pháp lý nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo giai đoạn 2011 – 2020; Quyết định số 59/2012/QĐ-TTg ngày 14/12/2012 về chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã nghèo giai đoạn 2013 - 2020.
Ngoài ra, để nâng cao cao chất lượng hoạt động trợ giúp pháp lý cho đồng bào dân tộc thiểu số, ngày 17/01/2012, Bộ Tư pháp và Uỷ ban Dân tộc đã ban hành Thông tư liên tịch số 01/2012/TTLT-BTP-UBDT hướng dẫn thực hiện trợ giúp pháp lý cho người dân tộc thiểu số.
Như vậy, các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng đã được thể chế hóa kịp thời trong các văn bản quy phạm pháp luật. Điều đó thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước ta giành cho đồng bào dân tộc thiểu số.
1. Những thành tựu đạt được
Thứ nhất, các yêu cầu trợ giúp pháp lý của đồng bào dân tộc thiểu số đều được trợ giúp pháp lý kịp thời bằng các hình thức trợ giúp pháp lý cụ thể.
Tính đến tháng 6/2013 các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước (Trung tâm) trên toàn quốc đã thực hiện được gần 200.000 vụ việc cho đồng bào dân tộc thiểu số bằng các hình thức: tư vấn pháp luật, hoà giải, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng... qua đó giúp đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách khác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, giải quyết các vướng mắc pháp luật trong các lĩnh vực pháp luật: hình sự, dân sự, đất đai, hôn nhân - gia đình, hành chính - khiếu nại, tố cáo... góp phần nâng cao hiểu biết và ý thức pháp luật để họ ứng xử phù hợp với pháp luật, tôn trọng và chấp hành pháp luật, góp phần bảo đảm công lý, thực hiện công bằng xã hội, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, phòng ngừa vi phạm pháp luật.
Thứ hai, các Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý đã được thành lập và hoạt động ổn định ở tất cả các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tạo ra diễn đàn để phổ biến, giáo dục pháp luật và giải quyết các vướng mắc pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Hiện nay đã thành lập được 1.632 Câu lạc bộ tại các xã thuộc Chương trình 135 giai đoạn II, 856 Câu lạc bộ tại các xã nghèo thuộc các huyện nghèo. Các Câu lạc bộ đã tổ chức hàng nghìn buổi sinh hoạt với sự tham gia của hàng trăm nghìn người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và người thuộc diện được trợ giúp pháp lý để phổ biến, giáo dục pháp luật và thực hiện giải quyết các vướng mắc pháp luật, tham gia hòa giải và giải quyết được hàng chục ngàn vụ việc cho người dân ngay tại cơ sở. Thời gian qua, hoạt động của các Câu lạc bộ này đã góp phần tích cực trong việc giúp đỡ người dân giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ trong cộng đồng dân cư, giải tỏa những vướng mắc pháp luật, giảm bớt khiếu kiện vượt cấp, nâng cao nhận thức pháp luật, tham gia xoá đói giảm nghèo, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, góp phần giữ gìn ổn định chính trị và trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở.
Thứ ba, hoạt động trợ giúp pháp lý lưu động đã được tổ chức thường xuyên về các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tư pháp với phương châm “trợ giúp pháp lý hướng về cơ sở, bám sát địa bàn và khu vực nhiều người nghèo”, các Trung tâm đã tận dụng các nguồn kinh phí khác nhau để thực hiện hàng nghìn đợt trợ giúp pháp lý lưu động về địa bàn các xã đặc biệt khó khăn thuộc diện đầu tư của Chương trình 135 giai đoạn II. Cũng tại các đợt trợ giúp pháp lý lưu động này đã có hàng chục ngàn lượt người dân tham dự được tư vấn, giải đáp và hướng dẫn cách giải quyết các vướng mắc pháp luật cụ thể, được nghe về các nội dung pháp luật ở các lĩnh vực liên quan như đất đai, chế độ chính sách…do đó hiểu biết pháp luật của người dân được nâng cáo, họ có điều kiện lựa chọn cách ứng xử phù hợp với pháp luật, chấp hành pháp luật, thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân theo quy định của pháp luật.
Thứ tư, các thông tin pháp lý đã được cung cấp kịp thời và tương đối đầy đủ cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Trong các năm qua, bằng kinh phí hỗ trợ của các Dự án do tổ chức nước ngoài tài trợ, Bộ Tư pháp đã biên soạn, in ấn và phát hành 60 loại tờ gấp pháp luật (trên 1.500.000 bản) để thông tin, cập nhật các quy định mới nhất về các lĩnh vực pháp luật liên quan đến quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân: hình sự, dân sự, hôn nhân - gia đình, hành chính, lao động - việc làm, đất đai - nhà ở, chế độ chính sách…; phát hành 10 loại với 100.000 cuốn cẩm nang pháp luật được biên soạn dưới hình thức hỏi đáp về những vấn đề pháp luật thời sự mà người dân thường gặp và có nhiều vướng mắc để các Trung tâm phát miễn phí cho đối tượng được trợ giúp pháp lý.
Các Trung tâm đã tổ chức biên soạn nội dung các tài liệu pháp luật này bằng tiếng các dân tộc ở địa phương, tổ chức in ấn, phát cho người dân hoặc sao băng cát xét để phát trên loa truyền thanh tại các xã ít có điều kiện tiếp cận với các phương tiện thông tin đại chúng. Theo số liệu báo cáo chưa đầy đủ, các Trung tâm (Sơn La, Thanh Hoá, Lào Cai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Phú Yên, Trà Vinh v.v...) đã tổ chức biên soạn, in ấn, phát hành gần 20.000.000 tờ gấp pháp luật, sao 25.994 băng catset bằng tiếng dân tộc thiểu số (Thái, H’Mông, Cơtu, Khmer...) để phát miễn phí tại các xã có nhiều người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số.
Nhìn chung, chính sách trợ giúp pháp lý cho người dân tộc thiểu số đã được các cấp, các ngành triển khai đồng bộ tất cả các hoạt động và đạt được những kết quả quan trọng, ứng yêu cầu trợ giúp pháp lý phong phú, đa dạng của người dân tộc thiểu số và những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được tiếp cận với dịch vụ pháp lý, tìm hiểu pháp luật để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, góp phần bảo vệ công lý, bảo đảm công bằng xã hội, phòng ngừa, hạn chế tranh chấp và vi phạm pháp luật, đồng thời tham gia phát triển kinh tế, vươn lên xóa đói, giảm nghèo, thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Có được những kết quả trên là do có sự chỉ đạo sát sao của các cấp, các ngành từ Trung ương tới địa phương với sự quan tâm sâu sát trong thực hiện các chính sách của Đảng và Nhà nước cho đồng bào dân tộc thiểu số thông qua các chương trình, chính sách (Chương trình 135 giai đoạn II, chính sách hỗ trợ pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo theo Quyết định số 52/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế thông qua một số Dự án hỗ trợ phát triển; sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương cũng như sự đồng tình, ủng hộ của người dân. Mặt khác, hệ thống văn bản pháp luật về trợ giúp pháp lý nói chung và văn bản hướng dẫn thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý trong Chương trình nói riêng được hoàn thiện, bổ sung kịp thời, tạo thuận lợi cho việc triển khai chính sách trợ giúp pháp lý cho người dân tộc thiểu số được thống nhất từ Trung ương đến địa phương và giữa các địa phương trong cả nước.
2. Những khó khăn, vướng mắc
Qua thực tiễn ở địa phương cho thấy, hoạt động trợ giúp pháp lý cho người dân tộc, đặc biệt ở những địa bàn rộng, địa hình phức tạp, giao thông không thuận lợi, còn gặp không ít khó khăn.
Thứ nhất, số lượng cán bộ và cộng tác viên biết tiếng dân tộc thiểu số còn ít, do đó, các Trung tâm gặp nhiều khó khăn trong việc trợ giúp cho người dân tộc thiểu số trong trường hợp họ không sử dụng được tiếng Kinh.
Thứ hai, nhiều địa phương chưa thực sự quan tâm phát triển hệ thống tổ chức, bộ máy của các Trung tâm trợ giúp pháp lý cũng như chưa bảo đảm cấp kinh phí đầy đủ cho hoạt động trợ giúp pháp lý. Bên cạnh đó, do những khó khăn khách quan ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các tổ chức xã hội, xã hội- nghề nghiệp cũng chưa chú trọng đến việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng này. Hoạt động trợ giúp pháp lý cho đồng bào dân tộc thiểu số chủ yếu do các Trung tâm trợ giúp pháp lý thực hiện.
Thứ ba, kinh phí thực hiện trợ giúp pháp lý trên cơ sở các Chương trình, dự án thường không ổn định, do đó việc triển khai các hoạt động trợ giúp pháp lý cho người dân tộc không được thực hiện thường xuyên. Các địa phương chưa thật sự quan tâm đến công tác trợ giúp pháp lý, coi trợ giúp pháp lý là một phần trong tổng thể chính sách “giảm nghèo về pháp luật” như Chương trình giảm nghèo đã đề ra, vì vậy mà việc cấp phát kinh phí chưa trên cơ sở những đặc thù của hoạt động trợ giúp pháp lý.
Thứ tư, chính sách trợ giúp pháp lý hiện nay chưa phát triển tới tất cả các lĩnh vực có liên quan đến đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là trong lĩnh vực giao dịch kinh tế, thương mại. Vì vậy, vai trò của trợ giúp pháp lý trong thực hiện giảm nghèo nhanh và bền vững còn hạn chế.
3. Một số kiến nghị
Để công tác này có hiệu quả hơn nữa, Bộ Tư pháp đề xuất một số kiến nghị như sau:
Thứ nhất, về xây dựng thể chế: đề nghị bổ sung quyền được trợ giúp pháp lý của công dân vào Chương quy định về quyền và nghĩa vụ của công dân trong Hiến pháp sửa đổi, bổ sung.
Thứ hai, về tổ chức bộ máy của Trung tâm trợ giúp pháp lý và xây dựng nguồn nhân lực: các tỉnh cần quan tâm hơn nữa việc củng cố các Trung tâm trợ giúp pháp lý, các Chi nhánh bảo đảm cơ sở vật chất (trụ sở, trang thiết bị làm việc); bảo đảm đủ nhân lực để đáp ứng nhu cầu trợ giúp pháp lý phong phú của đồng bào dân tộc thiểu số; bảo đảm kinh phí cho hoạt động trợ giúp pháp lý. Đồng thời, cần có một chính sách lâu dài trong việc ưu đãi, thu hút người dân tộc thiểu số làm Trợ giúp viên và cộng tác viên trợ giúp pháp lý.
Thứ ba, về việc triển khai các hoạt động của các chương trình giảm nghèo: Các chương trình này cần phải được triển khai đúng kế hoạch, cấp kinh phí kịp thời để các địa phương tổ chức các hoạt động của Chương trình; đôn đốc các địa phương nhanh chóng xây dựng và ban hành Chương trình phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý cho người dân tộc hoặc xây dựng kế hoạch triển khai Thông tư liên tịch số 01/2012/TTLT-BTP-UBDT.
Lê Thúy
Phòng Quản lý nghiệp vụ