Thông tư Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp công chứng viên, đấu giá viên, hỗ trợ pháp lý và hỗ trợ nghiệp vụ trong lĩnh vực tư pháp

Ngày 26 tháng 12 năm 2024, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 15/2024/TT-BTP quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp công chứng viên, đấu giá viên, hỗ trợ pháp lý và hỗ trợ nghiệp vụ trong lĩnh vực tư pháp (sau đây gọi tắt là Thông tư số 15/2024/TT-BTP).

Thông tư số 15/2024/TT-BTP gồm 3 chương, 20 điều. Thông tư quy định về mã số, tiêu chuẩn đối với chức danh nghề nghiệp công chứng viên, đấu giá viên, hỗ trợ nghiệp vụ và hỗ trợ pháp lý trong lĩnh vực công chứng, đấu giá tài sản và trợ giúp pháp lý.
Đối tượng áp dụng gồm 4 nhóm:
- Viên chức là công chứng viên làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Tư pháp.
- Viên chức là đấu giá viên làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Tư pháp.
- Viên chức hỗ trợ pháp lý làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập thuộc đơn vị thuộc Bộ Tư pháp và đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Tư pháp.
- Viên chức hỗ trợ nghiệp vụ làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Tư pháp.
Thông tư số 15/2024/TT-BTP đưa ra những quy định cụ thể, rõ ràng về mã số, tiêu chuẩn để đảm bảo tính thống nhất, minh bạch trong việc xác định chức danh nghề nghiệp.
- Công chứng viên - Mã số: V02.02.01.
- Đấu giá viên  - Mã số: V02.03.01.
- Hỗ trợ pháp lý hạng II - Mã số: V02.04.01.
- Hỗ trợ pháp lý hạng III - Mã số: V02.04.02.
- Hỗ trợ nghiệp vụ hạng II - Mã số: V02.05.01.
- Hỗ trợ nghiệp vụ hạng III - Mã số: V02.05.02.
Thông tư số 15/2024/TT-BTP cũng quy định về tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp đối với các chức danh công chứng viên, đấu giá viên, hỗ trợ pháp lý, hỗ trợ nghiệp vụ như: Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước; Thực hiện theo các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của viên chức Ngành Tư pháp; Thực hiện theo các quy định, quy tắc đạo đức nghề nghiệp theo các chức danh nghề nghiệp (nếu có).
Ngoài các tiêu chuẩn chung, từng chức danh nghề nghiệp phải đáp ứng các tiêu chuẩn riêng của chức danh nghề nghiệp đó.
1. Tiêu chuẩn chức danh công chứng viên
- Nhiệm vụ đối với chức danh công chứng viên
Thông tư quy định nhiệm vụ đối với chức danh công chứng viên phù hợp với quy định của Nghị định số 115/2020/NĐ-CP, các nhiệm vụ tương ứng với vị trí việc làm của từng chức danh quy định tại Thông tư số 06/2023/TT-BTP và các yêu cầu, điều kiện quy định tại pháp luật công chứng.
- Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng của chức danh nghề nghiệp công chứng viên:
Thông tư quy định tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng đối với chức danh công chứng viên phù hợp với quy định pháp luật công chứng, cụ thể: Có bằng cử nhân luật; Đã được bổ nhiệm công chứng viên.
- Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của chức danh nghề nghiệp công chứng viên
Thông tư quy định tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ đối với chức danh công chứng viên phù hợp với quy định pháp luật công chứng và yêu cầu công việc đối với chức danh công chứng viên, cụ thể:
+ Nắm vững và có năng lực vận dụng, triển khai các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực công chứng và lĩnh vực có liên quan.
+ Có năng lực thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của công chứng viên theo quy định của pháp luật.
+ Có năng lực hướng dẫn, giải đáp các vấn đề về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề công chứng.
+ Có khả năng nghiên cứu, tổng hợp, phân tích, đánh giá, thuyết phục, tổ chức triển khai công việc và giải quyết các vấn đề phát sinh, xử lý các tình huống trong lĩnh vực công chứng.
+ Có kỹ năng phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan khi thực hiện nhiệm vụ công chứng.
+ Có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản và trình độ ngoại ngữ theo vị trí việc làm.
2. Tiêu chuẩn chức danh đấu giá viên
- Nhiệm vụ đối với chức danh công chứng viên
Thông tư quy định nhiệm vụ đối với chức danh đấu giá viên phù hợp với quy định của Nghị định số 115/2020/NĐ-CP, các nhiệm vụ tương ứng với vị trí việc làm của từng chức danh quy định tại Thông tư số 06/2023/TT-BTP và các yêu cầu, điều kiện quy định tại pháp luật đấu giá tài sản.
 
- Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng của chức danh nghề nghiệp đấu giá viên
Thông tư quy định tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng đối với chức danh đấu giá viên phù hợp với quy định pháp luật đấu giá, cụ thể: Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên thuộc một trong các ngành luật, kinh tế, quản trị kinh doanh, kế toán, kiểm toán, tài chính, ngân hàng; Đã được cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá.
- Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của chức danh nghề nghiệp công chứng viên
Thông tư quy định tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ đối với chức danh đấu giá viên phù hợp với quy định pháp luật đấu giá tài sản và yêu cầu công việc đối với chức danh đấu giá viên, cụ thể:
+ Nắm vững và có năng lực vận dụng, triển khai các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực đấu giá tài sản và lĩnh vực có liên quan.
+ Có năng lực thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của đấu giá viên theo quy định của pháp luật.
+ Có kiến thức, hiểu biết về hệ thống pháp luật và chuyên sâu liên quan đến tài sản đấu giá, trình tự, thủ tục đấu giá tài sản.
+ Thực hiện thành thạo các kỹ năng nghiệp vụ đấu giá tài sản; trực tiếp điều hành cuộc đấu giá tài sản theo đúng quy định của pháp luật.
+ Có năng lực hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng thực hiện nhiệm vụ về đấu giá tài sản.
+ Có kỹ năng nghiên cứu, tổng hợp, phân tích, đánh giá, thuyết phục, tổ chức triển khai công việc và giải quyết các vấn đề phát sinh, xử lý các tình huống trong lĩnh vực đấu giá tài sản.
+ Có kỹ năng phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan khi thực hiện nhiệm vụ đấu giá tài sản.
+ Có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản và trình độ ngoại ngữ theo vị trí việc làm.
3. Tiêu chuẩn chức danh hỗ trợ pháp lý
- Nhiệm vụ đối với chức danh hỗ trợ pháp lý hạng II và hỗ trợ pháp lý hạng III
Thông tư quy định nhiệm vụ đối với chức danh hỗ trợ pháp lý hạng II và hỗ trợ pháp lý hạng III phù hợp với quy định của Nghị định số 115/2020/NĐ-CP, các nhiệm vụ tương ứng với vị trí việc làm của từng chức danh quy định tại Thông tư số 06/2023/TT-BTP và các yêu cầu, điều kiện thực tiễn đối với chức danh hỗ trợ pháp lý làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập thuộc đơn vị thuộc Bộ Tư pháp và đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Tư pháp, trong đó, chức danh hỗ trợ pháp lý hạng II cơ bản thực hiện các nhiệm vụ như chức danh hỗ trợ pháp lý hạng III nhưng mức độ khó hơn là “chủ trì” thực hiện các nhiệm vụ bên cạnh các chức trách “tham gia” thực hiện các nhiệm vụ như hỗ trợ pháp lý hạng III.
- Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng đối với chức danh hỗ trợ pháp lý hạng II và hỗ trợ pháp lý hạng III
Thông tư quy định tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng đối với chức danh hỗ trợ pháp lý hạng II và hỗ trợ pháp lý hạng III phù hợp với quy định pháp luật chuyên ngành và yêu cầu công việc đối với từng chức danh, cụ thể:
Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng của chức danh nghề nghiệp hỗ trợ pháp lý hạng II, hỗ trợ pháp lý hạng III là có trình độ cử nhân luật trở lên. Riêng chức danh nghề nghiệp hỗ trợ pháp lý hạng II, hỗ trợ pháp lý hạng III trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý ngoài có trình độ cử nhân luật trở lên cần có chứng chỉ bồi dưỡng về nghiệp vụ báo chí do cơ sở đào tạo có thẩm quyền cấp. Trường hợp người có bằng cử nhân trở lên ngành báo chí thì không yêu cầu có chứng chỉ bồi dưỡng về nghiệp vụ báo chí.
- Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của chức danh nghề nghiệp hỗ trợ pháp lý hạng II, hỗ trợ pháp lý hạng III
Thông tư quy định tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ đối với chức danh hỗ trợ pháp lý hạng II và hỗ trợ pháp lý hạng III phù hợp với quy định pháp luật chuyên ngành và yêu cầu công việc đối với từng chức danh, cụ thể:
+ Nắm vững và có năng lực vận dụng, triển khai các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong công tác hỗ trợ pháp lý.
+ Có năng lực hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng thực hiện hỗ trợ pháp lý.
+ Nghiên cứu, tổng hợp, phân tích, đánh giá, thuyết phục, tổ chức triển khai công việc và giải quyết các vấn đề phát sinh, xử lý các tình huống hỗ trợ pháp lý.
+ Phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan khi thực hiện hỗ trợ pháp lý.
+ Có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản và trình độ ngoại ngữ theo vị trí việc làm.
4. Tiêu chuẩn chức danh hỗ trợ nghiệp vụ
- Nhiệm vụ đối với chức danh hỗ trợ nghiệp vụ hạng II và hỗ trợ nghiệp vụ hạng III
Thông tư quy định nhiệm vụ đối với chức danh hỗ trợ nghiệp vụ hạng II và hỗ trợ nghiệp vụ hạng III phù hợp với quy định của Nghị định số 115/2020/NĐ-CP, các nhiệm vụ tương ứng với vị trí việc làm của từng chức danh quy định tại Thông tư số 06/2023/TT-BTP và các yêu cầu, điều kiện thực tiễn đối với chức danh hỗ trợ nghiệp vụ công tác tại Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản, Phòng Công chứng và Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, trong đó, chức danh hỗ trợ nghiệp vụ hạng II cơ bản thực hiện các nhiệm vụ như chức danh hỗ trợ nghiệp vụ hạng III nhưng mức độ khó hơn là “chủ trì” thực hiện các nhiệm vụ bên cạnh các chức trách “tham gia” thực hiện các nhiệm vụ như hỗ trợ nghiệp vụ hạng III.
- Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng của chức danh nghề nghiệp hỗ trợ nghiệp vụ hạng II, hỗ trợ nghiệp vụ hạng III
Thông tư quy định tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng đối với chức danh hỗ trợ nghiệp vụ hạng II và hỗ trợ nghiệp vụ hạng III phù hợp với quy định pháp luật chuyên ngành và yêu cầu công việc đối với từng chức danh, cụ thể:
Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng của chức danh nghề nghiệp hỗ trợ nghiệp vụ hạng II, hỗ trợ nghiệp vụ hạng III là trình độ cử nhân luật trở lên đối với lĩnh vực công chứng, trợ giúp pháp lý; có bằng tốt nghiệp đại học trở lên một trong các ngành luật, kinh tế, quản trị kinh doanh, kế toán, kiểm toán, tài chính, ngân hàng đối với lĩnh vực đấu giá tài sản.
- Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của chức danh nghề nghiệp hỗ trợ nghiệp vụ
Thông tư quy định tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ đối với chức danh hỗ trợ nghiệp vụ hạng II và hỗ trợ nghiệp vụ hạng III phù hợp với quy định pháp luật chuyên ngành và yêu cầu công việc đối với từng chức danh, cụ thể:
+ Nắm vững và có năng lực vận dụng, triển khai các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong công tác hỗ trợ nghiệp vụ.
+ Có năng lực hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng thực hiện hỗ trợ nghiệp vụ.
+ Nghiên cứu, tổng hợp, phân tích, đánh giá, thuyết phục, tổ chức triển khai công việc và giải quyết các vấn đề phát sinh, xử lý các tình huống hỗ trợ nghiệp vụ.
+ Phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan khi thực hiện hỗ trợ nghiệp vụ.
+ Có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản và trình độ ngoại ngữ theo vị trí việc làm.
Việc xác định mã số, tiêu chuẩn đối với từng chức danh nghề nghiệp công chứng viên, đấu giá viên, hỗ trợ pháp lý và hỗ trợ nghiệp vụ là cần thiết nhằm phù hợp với quy định pháp luật về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của đội ngũ viên chức này. 
Chi tiết xem tại file đính kèm.