Điều 6 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006 xác định chính sách trợ giúp pháp lý của Đảng và Nhà nước ta như sau:
Trợ giúp pháp lý là trách nhiệm của Nhà nước. Nhà nước giữ vai trò nòng cốt trong việc thực hiện, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý;...
Mặc dù còn một số tồn tại, hạn chế nhất định nhưng có thể nói thực tiễn tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý trong hơn 17 năm qua đã chứng minh chính sách trợ giúp pháp lý của Đảng và Nhà nước ta hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo quần chúng nhân dân, tạo cơ chế giúp đỡ pháp lý miễn phí cho người nghèo và đối tượng chính sách, nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật để họ ứng xử phù hợp với pháp luật, thực hiện pháp luật, tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi bị xâm phạm. Hoạt động trợ giúp pháp lý đã góp phần đưa chủ trương xoá đói, giảm nghèo, đền ơn, đáp nghĩa, bảo đảm công bằng xã hội của Đảng và Nhà nước vào cuộc sống; giúp các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan nhà nước khác giải quyết các vụ việc một cách chính xác, khách quan, công bằng và đúng pháp luật; góp phần giải toả những vướng mắc pháp luật của nhân dân, giữ gìn ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước; góp phần vào sự nghiệp cải cách hành chính, cải cách tư pháp và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Trợ giúp pháp lý được xác định là trách nhiệm của Nhà nước, Nhà nước giữ vai trò nòng cốt trong hoạt động trợ giúp pháp lý xuất phát từ những luận điểm sau đây:
Thứ nhất, trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo, người có công với cách mạng, đồng bào dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn và một số nhóm người yếu thế khác trong xã hội là chính sách nhất quán của Đảng.
Từ sau Đại hội đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ VI, cùng với
việc đổi mới kinh tế, Đảng và Nhà nước ta chủ trương đổi mới hệ thống chính trị, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, nhằm “
thực hiện tốt dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân”, “vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”[1]. Để góp phần thực hiện các mục tiêu trên, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã quan tâm chỉ đạo: “…
Cần phải mở rộng loại hình tư vấn pháp luật phổ thông, đáp ứng nhu cầu rộng rãi, đa dạng của các tầng lớp nhân dân nhằm góp phần nâng cao ý thức pháp luật và ứng xử pháp luật của công dân trong quan hệ đời sống hàng ngày...; cần nghiên cứu lập hệ thống dịch vụ tư vấn pháp luật không lấy tiền để hướng dẫn nhân dân sống và làm việc theo pháp luật”[2]. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII tiếp tục khẳng định cần "
tổ chức hình thức tư vấn pháp luật cho các cơ quan, tổ chức và nhân dân, tạo điều kiện cho người nghèo được hưởng dịch vụ tư vấn pháp luật miễn phí…"
[3].
Thứ hai, trợ giúp pháp lý cho người nghèo, người có công với cách mạng, đồng bào dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn và một số nhóm người yếu thế khác trong xã hội là một loại hình dịch vụ công, là chức năng xã hội của Nhà nước.
Xét về mặt bản chất, ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới đều coi trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo, người “yếu thế”, người không có khả năng chi trả các chi phí cho dịch vụ pháp lý có thu phí là một loại hình dịch vụ công thuộc chức năng xã hội của Nhà nước, là nhiệm vụ của Nhà nước. Bên cạnh chức năng quản lý nhà nước mọi mặt đời sống xã hội (còn gọi là chức năng cai trị), Nhà nước còn có chức năng phục vụ, cung ứng dịch vụ công cho cộng đồng xã hội và công dân của mình. Vì vậy, Nhà nước phải có trách nhiệm bảo đảm cung ứng dịch vụ pháp lý cho xã hội vì lợi ích chung của cộng đồng, nhằm bảo đảm sự ổn định và công bằng xã hội.
Thứ ba, hoạt động trợ giúp pháp lý hình thành và phát triển ở Việt Nam trong thời gian qua xuất phát từ chính sách xoá đói, giảm nghèo, đền ơn, đáp nghĩa, bảo đảm công bằng xã hội của Đảng, phù hợp với ý chí và nguyện vọng của nhân dân lao động.
Để thực hiện nguyên tắc hiến định “mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật”, thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế gắn liền với tiến bộ, công bằng xã hội, Đảng ta đã đề ra chủ trương gắn tăng trưởng kinh tế với xoá đói giảm nghèo, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, khắc phục những tiêu cực vốn có của nền kinh tế thị trường. Chiến lược toàn diện về tăng trưởng và xoá đói giảm nghèo đã đề ra chương trình hành động kết hợp hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội. Nhằm “
tạo môi trường tăng trưởng nhanh, bền vững và xoá đói giảm nghèo”, hoạt động trợ giúp pháp lý được coi là một trong những chính sách của Chiến lược, trong đó xác định rõ “
Hoàn thiện khuôn khổ pháp luật, tăng cường trợ giúp pháp lý và khả năng tiếp cận pháp lý cho người nghèo. Mở rộng mạng lưới trợ giúp pháp luật để người nghèo ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa có thể tiếp cận với các dịch vụ trợ giúp pháp luật”
[4]. Để thực hiện Chiến lược, cần phải tiếp tục kiện toàn tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý; tăng cường đội ngũ cán bộ (luật sư, trợ giúp viên pháp lý và cộng tác viên); khuyến khích các tổ chức xã hội tham gia hoạt động trợ giúp pháp lý cho thành viên của mình và cho người nghèo, đáp ứng các nhu cầu trợ giúp pháp lý phong phú, đa dạng và ngày một tăng của nhân dân.
Cụ thể hóa chính sách dân tộc của Đảng đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX, Nghị quyết của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) ngày 12 tháng 3 năm 2003 đã xác định: “Đ
ẩy mạnh công tác xóa đói, giảm nghèo, nâng cao mức sống của đồng bào dân tộc thiểu số, trọng tâm là đồng bào ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa; trong những năm trước mắt tập trung trợ giúp đồng bào nghèo, các dân tộc đặc biệt khó khăn giải quyết ngay những vấn đề bức xúc"[5]. Thực thi các chính sách nêu trên, thực hiện trợ giúp pháp lý cho đồng bào dân tộc là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Nhà nước và của toàn xã hội.
Trợ giúp pháp lý phát triển sẽ tạo điều kiện cho người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt không có điều kiện đến với dịch vụ pháp lý có thu phí được tiếp cận với dịch vụ pháp lý, cũng như những người khác. Mọi công dân dù giàu hay nghèo đều bình đẳng trước pháp luật, đều được tiếp cận với dịch vụ pháp lý như nhau trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường. Vì vậy, có thể nói trợ giúp pháp lý là cơ chế góp phần bảo đảm cho mọi công dân (dù nghèo) cũng được bình đẳng trước pháp luật và thực hiện công bằng xã hội.
Thứ tư, trợ giúp pháp lý được xác định là trách nhiệm của Nhà nước, xuất phát từ bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân.
Nhiều nước trên thế giới coi trợ giúp pháp lý là một trong những tiêu chí của Nhà nước pháp quyền, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người. Nhà nước pháp quyền là một Nhà nước dân chủ, quản lý mọi mặt đời sống xã hội bằng pháp luật và không ngừng tăng cường pháp chế. Nhà nước đó không chỉ có một hệ thống pháp luật thống nhất, toàn diện, đồng bộ thể hiện ý chí của nhân dân lao động, phù hợp với điều kiện khách quan, mà còn phải đảm bảo cho hệ thống pháp luật đó đi vào cuộc sống, bảo đảm cho ý chí của nhân dân trở thành hiện thực. Nhà nước pháp quyền đòi hỏi các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội và mọi công dân đều phải tuân thủ nghiêm chỉnh pháp luật. Trợ giúp pháp lý rất cần thiết để giúp đỡ pháp lý cho người nghèo và đối tượng chính sách (người không có điều kiện để đến với dịch vụ pháp lý có thu phí) nâng cao trình độ hiểu biết và ý thức pháp luật để họ thực hiện pháp luật, tự giải quyết những tranh chấp nhỏ trong cuộc sống, tự giác thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật.
Với bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân, nên càng phải đề cao các nguyên tắc tôn trọng và bảo vệ quyền công dân, quyền con người, bởi con người là thành viên của xã hội, là công dân của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và là chủ thể của quyền lực nhà nước. Mục tiêu của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta là bảo đảm và phát triển quyền công dân, quyền con người. Xuất phát từ nguyên tắc chủ quyền của nhân dân trong Nhà nước pháp quyền mà con người cũng như các quyền và tự do của con người là những giá trị xã hội cao quý nhất cần phải được tôn trọng và bảo vệ. Nhân dân cần có sự giúp đỡ của Nhà nước, cần có sự bảo vệ của pháp luật. Tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý vừa là hình thức, vừa là nội dung thể hiện mối quan hệ hữu cơ, bình đẳng giữa Nhà nước và công dân. Trợ giúp pháp lý là quyền của mỗi công dân và là chức năng xã hội, là trách nhiệm của Nhà nước. Công dân có quyền đòi hỏi Nhà nước phải cung cấp các dịch vụ pháp lý công và với bản chất vì nhân dân của mình, nên Nhà nước phải có trách nhiệm đáp ứng những yêu cầu tiếp cận với pháp luật của nhân dân. Vì vậy, xuất phát từ bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước của dân, do dân và vì dân, Nhà nước phải có trách nhiệm thực hiện trợ giúp pháp lý phù hợp, nhằm bảo đảm đưa pháp luật vào cuộc sống đối với mọi tầng lớp dân cư, góp phần thực hiện quản lý mọi mặt đời sống xã hội bằng pháp luật, tăng cường pháp chế, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam.
Hiện nay, có quan điểm cho rằng Nhà nước không nên giữ vai trò nòng cốt trong hoạt động trợ giúp pháp lý nữa mà nên giao cho một tổ chức nào đó ngoài Nhà nước làm nòng cốt, còn Nhà nước chỉ giữ vai trò quản lý điều phối nguồn lực bảo đảm cho các đối tượng thuộc diện được trợ giúp pháp lý được hưởng dịch vụ trợ giúp pháp lý kịp thời, có chất lượng...; việc chi tiêu ngân sách nhà nước đạt hiệu quả cao.
Theo quan điểm của cá nhân tôi nếu Nhà nước không đứng ra trực tiếp cung ứng dịch vụ trợ giúp pháp lý nhưng vẫn bỏ tiền ra để thuê tổ chức hoặc ai đó làm thì vẫn là Nhà nước giữ vai trò nòng cốt. Nói một cách hình ảnh, tôi bỏ tiền ra thuê ai đó làm nhà thì tôi đương nhiên là nòng cốt. Nhà nước không trở thành nòng cốt chỉ trong trường hợp một hay nhiều tổ chức nào đó tự đứng ra cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý từ chính tiền của tổ chức đó nhưng không phải do ngân sách nhà nước cấp. Đây chính là
“mô hình từ thiện- mô hình sơ khai nhất, hình thành sớm nhất vào giữa thế kỷ XIX ở Đức, Hà Lan, Anh và hiện còn tồn tại ở các nước (Pháp, Ý, Bỉ, Tây Ban Nha và Ireland ...). Theo mô hình này, các luật sư có nghĩa vụ thực hiện một số dịch vụ miễn phí cho người nghèo như là chuẩn mực đạo đức của luật sư. Các văn phòng luật sư tình nguyện cung cấp một số dịch vụ pháp lý miễn phí (thường là tư vấn) mang tính chất từ thiện, nhân đạo. Điểm mạnh của mô hình này là ở chỗ luật sư làm việc một cách nhiệt tình, vô tư trên tinh thần tự nguyện. Tuy vậy, nó có điểm hạn chế là không có nguồn kinh phí tài trợ, các luật sư làm "không công", cho nên phạm vi trợ giúp chủ yếu là tư vấn, mà không thể trợ giúp bằng đại diện, bào chữa trước Toà án - tốn nhiều công sức và tiền bạc. Theo mô hình này, luật sư tự nguyện đóng góp các dịch vụ của mình mà không thu tiền. Các tổ chức luật sư hoặc các tổ chức phi lợi nhuận cũng thường tham gia vào việc giúp đỡ người nghèo dưới hình thức này bằng cách cung cấp các dịch vụ miễn phí hoặc giảm phí”[6].
Còn quan điểm của các quý đồng nghiệp về vấn đề này như thế nào? Rất mong nhận được sự trao đổi phản hồi từ các quý đồng nghiệp.
[1] Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, Tr. 129.
[2] Thông báo số 485/CV-VPTW ngày 31/5/1995 của Văn phòng Trung ương Đảng về ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng.
[3] Nghị Quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VIII).
[4] Chiến lược toàn diện về tăng trưởng và xoá đói, giảm nghèo đến năm 2010, Tr. 69.
[5] Văn kiện Hội nghị lần thứ tám Ban chấp hành Trung ương Đảng (Khoá IX), Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2003, Tr. 37.
[6] Tài liệu Bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý. Nhà xuất bản Hồng Đức, 2013,Tr 35.
*Tài liệu tham khảo: Kỷ yếu 10 năm hoạt động trợ giúp pháp lý ở Việt Nam hướng phát triển.