- Qua quá trình công tác, trợ giúp viên pháp lý hạng II tiếp tục tích lũy nhiều kiến thức, kinh nghiệm và sẽ đảm đương một số nhiệm vụ đòi hỏi có trình độ chuyên môn, kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp cao hơn với vai trò hướng dẫn, tổ chức; đồng thời đảm đương thêm một số nhiệm vụ mới có tính chất phức tạp hơn như: thẩm định chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý, đánh giá hiệu quả vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng để xác định vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công, tham mưu cho Trung tâm trợ giúp pháp lý kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về các vấn đề liên quan đến giải quyết vụ việc trợ giúp pháp lý, nghiên cứu đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác trợ giúp pháp lý, thực hiện mọi vụ việc khó khăn, phức tạp tại Tòa án nhân dân cấp cao đạt được các vụ việc trợ giúp pháp lý tố tụng thành công…
- Trợ giúp viên pháp lý là một bên tham gia hoạt động tranh tụng cùng kiểm sát viên, thẩm phán (đều có ngạch cao cấp) nên việc xây dựng chức danh trợ giúp viên pháp lý hạng I sẽ bảo đảm sự tương quan.
Tiêu chuẩn chức danh trợ giúp viên pháp lý hạng I được xây dựng mới theo hướng đây là hạng cao nhất trong hệ thống chức danh nghề nghiệp viên chức trợ giúp viên pháp lý, cụ thể:
- Về nhiệm vụ: trợ giúp viên pháp lý hạng I có nhiệm vụ chủ trì, tổ chức thực hiện một số công việc và trực tiếp thực hiện những nhiệm vụ có tính chuyên môn cao như: Thẩm định chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý; Đánh giá hiệu quả vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng để xác định vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công; Tham mưu cho Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về các vấn đề liên quan đến việc giải quyết vụ việc trợ giúp pháp lý; Chủ trì nghiên cứu, xây dựng hoặc tổ chức thực hiện văn bản, chương trình, kế hoạch trợ giúp pháp lý; Tổ chức biên tập hoặc biên soạn chương trình, tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý; Tổ chức rà soát, nghiên cứu, đề xuất, kiến nghị nhằm hoàn thiện văn bản pháp luật có liên quan đến hoạt động trợ giúp pháp lý; Nghiên cứu đề xuất sáng kiến đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác trợ giúp pháp lý; Tổ chức hoặc tham gia bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ và kỹ năng trợ giúp pháp lý cho người thực hiện trợ giúp pháp lý; Các nhiệm vụ khác theo sự phân công.
- Về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ: Thông tư quy định 07 tiêu chuẩn về năng lực thể hiện khả năng hiểu biết sâu hơn, rộng hơn, năng lực thực hiện nhiệm vụ của chức danh trợ giúp viên pháp lý hạng I cao hơn so với chức danh trợ giúp viên pháp lý hạng II để bảo đảm đảm nhận nhiệm vụ của chức danh nghề nghiệp viên chức trợ giúp pháp lý cao nhất. Trợ giúp viên pháp lý hạng I phải đạt tiêu chuẩn:
(i) Được Cục Trợ giúp pháp lý xác nhận đã thực hiện ít nhất 02 vụ việc tham gia tố tụng thành công tại Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án quân sự Trung ương trở lên (theo Thông tư số 03/2021/TT-BTP ngày 25/5/2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 08/2017/TT-BTP ngày 15/11/2017 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý và hướng dẫn giấy tờ trong hoạt động trợ giúp pháp lý; Thông tư số 12/2018/TT-BTP ngày 28/8/2018 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn một số hoạt động nghiệp vụ trợ giúp pháp lý và quản lý chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý thì Cục Trợ giúp pháp lý có trách nhiệm tổ chức đánh giá hiệu quả vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng để xác định vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công của các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý trong phạm vi toàn quốc). Trong 5 năm qua có 138 vụ việc tham gia tố tụng thành công do trợ giúp viên pháp tham gia tại tòa án cấp cao trở lên, do vậy, quy định điều kiện này vừa bảo đảm tính khả thi đồng thời bảo đảm chọn lựa những người thực sự có năng lực nổi trội để thực hiện những vụ việc khó, phức tạp;
(ii) Đã chủ trì thẩm định chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý hoặc đánh giá hiệu quả ít nhất 20 vụ việc tham gia tố tụng của trợ giúp viên pháp lý hạng II trở lên hoặc ít nhất 20 vụ việc tham gia tố tụng do cơ quan tố tụng cấp tỉnh trở lên giải quyết.
Về tiêu chuẩn đào tạo, bồi dưỡng
Để phù hợp với Luật Trợ giúp pháp lý và Nghị định số 89/2021/NĐ-CP ngày 18/10/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 101/2017/NĐ-CP, Thông tư quy định tiêu chuẩn chung đối với các hạng trợ giúp viên pháp lý bao gồm: (1) Có bằng cử nhân luật trở lên; (2) Có giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề luật sư hoặc thuộc trường hợp được miễn đào tạo nghề luật sư; (3) Có giấy chứng nhận kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư hoặc giấy chứng nhận kiểm tra kết quả tập sự trợ giúp pháp lý, trừ trường hợp trợ giúp viên pháp lý đã được bổ nhiệm theo Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006 hoặc được miễn tập sự trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật.
Về tiêu chuẩn ngoại ngữ, tin học
Thông tư không quy định tiêu chuẩn cụ thể về trình độ ngoại ngữ, tin học đối với trợ giúp viên pháp lý. Tuy nhiên, mỗi viên chức trợ giúp viên pháp lý đều phải bảo đảm năng lực để đáp ứng nhiệm vụ chức danh mình đang giữ, do đó, Thông tư quy định theo hướng mỗi chức danh nghề nghiệp trợ giúp viên pháp lý phải có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin và sử dụng ngoại ngữ trong thực hiện các nhiệm vụ của chức danh được bổ nhiệm. Quy định này phù hợp chủ trương cắt giảm những chứng chỉ bồi dưỡng mang tính hình thức, không phù hợp, trong đó có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học.
Cách xếp lương
Điều này kế thừa quy định tại Thông tư liên tịch số 08/2016/TTLT-BTP-BNV về cách xếp lương đối với viên chức đã được xếp lương vào các ngạch theo quy định tại Thông tư số 06/2020/TT-BNV ngày 26 tháng 7 năm 20210 của Bộ Nội vụ quy định chức danh, mã số các ngạch viên chức trợ giúp pháp lý, Nghị định số 204/2004/NĐ-CP và Nghị định số 17/2013/NĐ-CP.
Đồng thời, bổ sung quy định về xếp lương đối với trợ giúp viên pháp lý hạng I, cụ thể: chức danh nghề nghiệp trợ giúp viên pháp lý hạng I được áp dụng hệ số lương viên chức loại A3, nhóm A3.1 (từ hệ số lương từ 6.20 đến hệ số lương 8.00).
Điều khoản chuyển tiếp
Thông tư quy định việc chuyển tiếp theo nguyên tắc các trường hợp đã được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp trước ngày Thông tư này có hiệu lực thì tiếp tục giữ chức danh nghề nghiệp được bổ nhiệm, không đặt ra yêu cầu đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định của Thông tư mới.
Ngoài ra, các trường hợp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt đủ điều kiện để xét hoặc thi thăng hạng trước ngày Thông tư này có hiệu lực thì áp dụng tiêu chuẩn theo Thông tư liên tịch số 08/2016/TTLT-BTP-BNV.