Giới thiệu hướng dẫn của Liên hợp quốc về tiếp cận trợ giúp pháp lý trong tư pháp hình sự

Ngày 20/12/2014 Đại hội đồng Liên Hợp quốc đã thông qua bản quy tắc và hướng dẫn tiếp cận trợ giúp pháp lý trong tư pháp hình sự. Đại hội đồng kêu gọi các Quốc gia Thành viên, phù hợp với luật pháp quốc gia của mình, áp dụng và tăng cường các biện pháp để đảm bảo rằng trợ giúp pháp lý có hiệu quả được cung cấp, phù hợp với tinh thần của các Nguyên tắc và Hướng dẫn, ghi nhớ sự đa dạng của các hệ thống tư pháp hình sự giữa các nước và các vùng lãnh thổ khác nhau trên thế giới và thực tế là trợ giúp pháp lý được xây dựng phù hợp với việc cân đối tổng thể hệ thống tư pháp hình sự, cũng như các điều kiện của các nước và các khu vực; Khuyến khích các Quốc gia Thành viên xem xét, nếu phù hợp, việc cung cấp trợ giúp pháp lý và cung cấp sự trợ giúp đó đến mức tối đa có thể.

Cục Trợ giúp pháp lý xin giới thiệu nội dung của 18 hướng dẫn.
Hướng dẫn 1
       Thực hiện trợ giúp pháp lý
Bất cứ khi nào các Quốc gia áp dụng biện pháp thẩm tra thu nhập (means test) để xác định đủ điều kiện trợ giúp pháp lý, họ cần đảm bảo:
(a) Người có điều kiện tài chính vượt quá mức kiểm tra nhưng không đủ khả năng thuê luật sư hoặc không thể tiếp cận luật sư và khi công lý đòi hỏi thì cần được trợ giúp pháp lý;
(b) Các tiêu chí thẩm tra thu nhập phải được công bố rộng rãi;
(c) Những người có yêu cầu trợ giúp pháp lý khẩn cấp tại các đồn cảnh sát, nơi giam giữ hoặc tòa án cần được cung cấp trợ giúp pháp lý ban đầu trong khi chờ xác định đủ điều kiện được trợ giúp. Trẻ em luôn được miễn thẩm tra thu nhập;
(d) Những người bị từ chối trợ giúp pháp lý trên cơ sở thẩm tra thu nhập có quyền khiếu nại quyết định đó;
(e) Tòa án có thể căn cứ vào điều kiện cụ thể của một người sau khi xem xét lý do từ chối trợ giúp pháp lý để quyết định một người cần được trợ giúp pháp lý hoàn toàn miễn phí hoặc có đóng góp chi phí khi công lý đòi hỏi;
 (f) Nếu việc thẩm tra thu nhập được tính toán trên cơ sở thu nhập của hộ gia đình, nhưng các thành viên cá nhân trong gia đình mâu thuẫn với nhau hoặc không có quyền bình đẳng tiếp cận thu nhập gia đình thì chỉ sử dụng thu nhập của người xin được trợ giúp pháp lý cho mục đích thẩm tra thu nhập.
Hướng dẫn 2
        Quyền được thông báo về trợ giúp pháp lý
Nhằm bảo đảm quyền của mọi người được thông báo về quyền được trợ giúp pháp lý của mình, các quốc gia cần đảm bảo rằng:
a) Thông tin về quyền được trợ giúp pháp lý và những nội dung của trợ giúp pháp lý, bao gồm sự sẵn có của các dịch vụ trợ giúp pháp lý và cách thức tiếp cận các dịch vụ đó và các thông tin có liên quan khác cần được phổ biến cho cộng đồng và công chúng nói chung tại các cơ quan chính quyền địa phương và các tổ chức giáo dục và tôn giáo và thông qua các phương tiện truyền thông, bao gồm Internet, hoặc các phương tiện thích hợp khác;
(b) Các thông tin cần được phổ biến tới các nhóm bị cô lập và các nhóm yếu thế có thể qua đài phát thanh, truyền hình, các báo địa phương, khu vực, internet và các phương tiện khác, đặc biệt là những thông tin về sự thay đổi của luật pháp có ảnh hưởng đến cộng đồng;
(c) Cảnh sát, công tố viên, nhân viên tư pháp và cán bộ trong bất kỳ cơ sở nào có người bị tạm giam hoặc bị tù giam cần thông báo cho những người không có người đại diện về quyền được trợ giúp pháp lý của họ và các biện pháp đảm bảo tố tụng khác;
(d) Thông tin về quyền lợi của một người bị tình nghi hoặc bị truy tố về tội  hình sự trong một quá trình tư pháp hình sự và sự sẵn có của các dịch vụ trợ giúp pháp lý cần được cung cấp tại các đồn cảnh sát, cơ sở giam giữ, tòa án và nhà tù, ví dụ, thông qua việc cung cấp thư thông báo về các quyền hoặc dưới bất kỳ hình thức chính thức nào khác cho người bị cáo buộc. Các thông tin này phải được cung cấp dưới hình thức có thể đáp ứng được nhu cầu của người mù chữ, dân tộc thiểu số, người khuyết tật và trẻ em; và thông tin đó phải bằng một ngôn ngữ mà những người đó có thể hiểu được. Các thông tin được cung cấp cho trẻ em phải được cung cấp một cách phù hợp với lứa tuổi và sự trưởng thành của trẻ;
(e) Phải có các biện pháp khắc phục hiệu quả cho những người không được thông báo đầy đủ về quyền được trợ giúp pháp lý của họ. Các biện pháp này có thể bao gồm việc cấm tiến hành các hành động tố tụng, phóng thích khỏi trại giam, loại bỏ các bằng chứng, xem xét của tòa án và bồi thường thiệt hại;
(f) Cần phải có phương tiện kiểm tra để biết rằng một người đã thực sự được thông báo.
Hướng dẫn 3
        Các quyền khác của người bị tạm giam, bị bắt giữ, bị tình nghi hoặc bị cáo buộc, hoặc bị truy tố về tội  hình sự
Các Quốc gia nên áp dụng các biện pháp:
(a) Kịp thời thông báo cho mỗi người bị tạm giam, bị bắt giữ, bị tình nghi hoặc bị cáo buộc, hoặc bị truy tố về  tội hình sự về quyền được giữ im lặng; quyền được tham khảo ý kiến ​​với luật sư hoặc, nếu đủ điều kiện, với một người thực hiện trợ giúp pháp lý tại bất kỳ giai đoạn tố tụng nào, đặc biệt là trước các nhà chức trách thẩm vấn; và quyền được trợ giúp bởi một luật sư hoặc người thực hiện trợ giúp pháp lý độc lập trong khi bị thẩm vấn và trong các hoạt động tố tụng khác;
(b) Khi không có lý do chính đáng thì cảnh sát không được thẩm vấn một người trừ khi người đó đã được thông báo và tự nguyện từ bỏ quyền có luật sư của mình ; thiết lập cơ chế thẩm tra mức độ tự nguyện về sự đồng ý của người đó. Một cuộc thẩm vấn không nên bắt đầu cho đến khi người thực hiện trợ giúp pháp lý có mặt;
(c) Thông báo cho tất cả những người bị giam giữ hoặc tù nhân là người nước ngoài bằng một ngôn ngữ mà họ hiểu về quyền được yêu cầu liên lạc với các cơ quan lãnh sự của họ mà không có sự chậm trễ;
(d) Để đảm bảo rằng mọi người được gặp gỡ với một luật sư hay một người thực hiện trợ giúp pháp lý kịp thời sau khi bị bắt giữ với sự bí mật hoàn toàn; tính bảo mật của các liên lạc tiếp theo được đảm bảo;
(e) Cho phép mọi người bị giam giữ vì bất kỳ một lý do nào được kịp thời thông báo cho một thành viên gia đình, hoặc bất kỳ người nào khác thích hợp do người đó lựa chọn về việc giam giữ và địa điểm giam giữ mình và về bất kỳ sự thay đổi địa điểm giam giữ nào sắp xảy ra; tuy nhiên, các cơ quan có thẩm quyền có thể trì hoãn việc thông báo khi điều đó hoàn toàn cần thiết, nếu pháp luật quy định và nếu việc truyền tải thông tin sẽ cản trở việc điều tra hình sự;
(f) Cung cấp dịch vụ thông dịch viên độc lập, bất cứ khi nào cần thiết, và dịch các tài liệu khi thích hợp;
(g) Chỉ định một người giám hộ bất cứ khi nào cần thiết;
(h) Các đồn cảnh sát và các nơi giam giữ có sẵn các phương tiện để liên hệ với người thực hiện trợ giúp pháp lý;
(i) Đảm bảo rằng những người bị tạm giam, bị bắt giữ, bị tình nghi hoặc bị cáo buộc, hoặc bị truy tố về tội hình sự được thông báo về các quyền của họ và hậu quả của việc từ bỏ các quyền một cách rõ ràng và đơn giản; cần phải nỗ lực để đảm bảo rằng người đó hiểu cả hai vấn đề này;
(j) Đảm bảo rằng mọi người được thông báo về các cơ chế hiện có để nộp đơn khiếu nại khi bị tra tấn hoặc đối xử tàn tệ;
(k) Đảm bảo rằng việc một người thực hiện các quyền này không gây phương hại đến vụ án của anh ta hoặc cô ta.
Hướng dẫn 4
       Trợ giúp pháp lý trong giai đoạn trước khi xét ​​xử
Để đảm bảo rằng những người bị tạm giam có thể tiếp cận nhanh chóng với dịch vụ trợ giúp pháp lý phù hợp với pháp luật, các Quốc gia cần có biện pháp:
(a) Đảm bảo rằng cảnh sát và các cơ quan tư pháp không tự ý hạn chế quyền tiếp cận trợ giúp pháp lý của những người bị tạm giam, bị bắt giữ, bị tình nghi hoặc bị cáo buộc, hoặc bị truy tố về tội hình sự, đặc biệt là tại các đồn cảnh sát;
(b) Tạo điều kiện cho những người thực hiện trợ giúp pháp lý thực hiện trợ giúp pháp lý cho người bị tạm giam tại đồn cảnh sát và những nơi giam giữ khác;
(c) Bảo đảm có đại diện pháp lý trong tất cả các thủ tục tố tụng trước khi xét xử và các phiên tòa;
(d) Theo dõi và thực thi giới hạn về thời gian tạm giam ở các phòng giam của cảnh sát hoặc các cơ sở giam giữ khác, ví dụ, bằng cách hướng dẫn các cơ quan tư pháp sàng lọc các vụ tạm giam trong các trại giam một cách thường xuyên để đảm bảo rằng những người đang bị giam giữ là bị tạm giam một cách hợp pháp, rằng vụ án của họ được giải quyết một cách kịp thời và rằng các điều kiện giam giữ họ đáp ứng các tiêu chuẩn pháp luật có liên quan, bao gồm cả các tiêu chuẩn quốc tế;
(e) Cung cấp cho mọi người, khi mới vào một cơ sở giam giữ các thông tin về quyền lợi của mình theo pháp luật, các quy định của nơi giam giữ và các giai đoạn đầu tiên của quá trình chờ xét xử. Các thông tin này phải được cung cấp dưới hình thức có thể đáp ứng được nhu cầu của người mù chữ, dân tộc thiểu số, người khuyết tật và trẻ em; và thông tin đó phải bằng một ngôn ngữ mà những người đó có thể hiểu được. Các thông tin được cung cấp cho trẻ em phải được cung cấp một cách phù hợp với lứa tuổi và sự trưởng thành của trẻ. Các tài liệu thông tin cần được hỗ trợ bởi các công cụ nghe nhìn đặt ở một vị trí dễ nhận thấy tại mỗi cơ sở giam giữ;
(f) Yêu cầu đoàn luật sư hoặc các hội luật gia và các tổ chức đối tác khác lập một danh sách các luật sư và người thực hiện trợ giúp pháp lý để hỗ trợ một hệ thống pháp lý toàn diện cho những người bị tạm giam, bị bắt giữ, bị tình nghi hoặc bị cáo buộc, hoặc bị truy tố về tội hình sự, đặc biệt là tại các đồn cảnh sát;
(g) Đảm bảo rằng mọi người bị truy tố về một tội hình sự có đủ thời gian, phương tiện hỗ trợ kỹ thuật và tài chính, trong trường hợp người đó không có đủ điều kiện để chuẩn bị cho việc biện hộ cho mình và có thể tham khảo ý kiến luật sư của mình một cách hoàn toàn bí mật.
Hướng dẫn 5
       Trợ giúp pháp lý trong quá trình tố tụng tại tòa án

Để đảm bảo rằng người nào bị truy tố về một tội hình sự mà có thể bị tòa án kết án tù hoặc án tử hình có quyền tiếp cận trợ giúp pháp lý trong tất cả các thủ tục tố tụng tại tòa án, bao gồm thủ tục phúc thẩm và thủ tục liên quan khác, các Quốc gia cần đưa ra các biện pháp:
(a) Đảm bảo rằng các bị cáo hiểu về cáo buộc chống lại mình và những hậu quả có thể có của phiên toà;
(b) Đảm bảo rằng mọi người phạm tội hình sự có đủ thời gian, phương tiện và hỗ trợ kỹ thuật và tài chính, trong trường hợp người đó không có đủ điều kiện, để chuẩn bị cho việc biện hộ cho mình và có thể tham khảo ý kiến luật sư của mình một cách hoàn toàn bảo mật;
(c) Đại diện pháp luật miễn phí bởi một luật sư do người đó lựa chọn trong bất kỳ thủ tục tố tụng nào tại tòa án, khi thích hợp, hoặc bởi một luật sư có năng lực do Tòa án chỉ định hoặc cơ quan trợ giúp pháp lý khác cử khi người đó không có đủ phương tiện để thanh toán và/hoặc khi công lý đòi hỏi;
(d) Đảm bảo rằng luật sư của bị cáo có mặt trong tất cả các giai đoạn quan trọng của quá trình tố tụng. Các giai đoạn quan trọng là tất cả các giai đoạn trong thủ tục tố tụng hình sự mà khi đó lời khuyên của một luật sư là cần thiết để đảm bảo quyền của bị cáo được xét xử công bằng hoặc khi đó sự vắng mặt của luật sư có thể làm giảm hiệu quả việc chuẩn bị hoặc trình bày lý lẽ biện hộ;
(e) Yêu cầu các đoàn luật sư hoặc các hội luật gia và các tổ chức đối tác khác xây dựng một danh sách các luật sư và các trợ giúp viên pháp lý để hỗ trợ một hệ thống pháp lý toàn diện cho những người bị tạm giam, bị bắt giữ, bị tình nghi hoặc bị cáo buộc, hoặc bị truy tố về tội hình sự; những hỗ trợ như vậy có thể bao gồm, ví dụ, xuất hiện trước tòa án vào những ngày cố định;
(f) Cho phép các trợ giúp viên pháp lý và sinh viên luật có thể cung cấp các hình thức hỗ trợ thích hợp cho các bị cáo tại tòa án, với điều kiện là họ hoạt động dưới sự giám sát của các luật sư có trình độ phù hợp với pháp luật quốc gia;
(g) Đảm bảo rằng các đối tượng bị tình nghi và bị cáo không có người đại diện hiểu rõ quyền lợi của họ. Điều này có thể bao gồm, nhưng không giới hạn ở việc yêu cầu thẩm phán và công tố viên phải giải thích các quyền của họ cho họ bằng ngôn ngữ rõ ràng và đơn giản.
Hướng dẫn 6
        Trợ giúp pháp lý trong giai đoạn sau khi xét xử
Các Quốc gia cần đảm bảo rằng những người bị tù giam và trẻ em bị tước đoạt tự do được tiếp cận với trợ giúp pháp lý. Trong trường hợp không có trợ giúp pháp lý, các Quốc gia phải đảm bảo rằng những người đó đang được giam giữ tại trại giam theo đúng pháp luật.
Nhằm mục đích này, các Quốc gia cần đưa ra các biện pháp:
(a) Cung cấp cho tất cả mọi người khi mới vào cơ sở giam giữ và trong thời gian bị giam giữ các thông tin về các quy định của cơ sở giam giữ và quyền của họ theo pháp luật, trong đó có quyền được trợ giúp pháp lý, tư vấn và hỗ trợ một cách bảo mật; các khả năng vụ án của họ được tiếp tục xem xét; quyền lợi của họ trong các thủ tục tố tụng liên quan đến kỷ luật và thủ tục khiếu nại, kháng cáo, mãn hạn tù sớm, ân xá hay khoan hồng. Các thông tin này phải được cung cấp dưới hình thức có thể đáp ứng được nhu cầu của người mù chữ, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật và trẻ em; thông tin đó phải được cung cấp bằng một ngôn ngữ mà những người đó có thể hiểu được. Các thông tin được cung cấp cho trẻ em phải được cung cấp một cách phù hợp với lứa tuổi và sự trưởng thành của trẻ. Các tài liệu thông tin cần được hỗ trợ bởi các công cụ nghe nhìn đặt ở một vị trí dễ nhận thấy tại trại giam mà các phạm nhân có thể tiếp cận thường xuyên;
(b) Yêu cầu đoàn luật sư hoặc các hội luật gia và các tổ chức trợ giúp pháp lý khác xây dựng danh sách các luật sư, pháp chế, khi thích hợp, đến thăm các trại giam nhằm tư vấn pháp lý và hỗ trợ miễn phí cho các phạm nhân;
(c) Đảm bảo rằng các tù nhân có khả năng tiếp cận trợ giúp pháp lý nhằm mục đích gửi khiếu nại và nộp các yêu cầu liên quan đến chế độ đối xử và những điều kiện giam giữ của họ, kể cả khi họ phải đối mặt với các án kỷ luật nghiêm trọng và nộp các đề nghị xin ân xá, đặc biệt là đối với những tù nhân phải đối mặt với án tử hình, cũng như xin mãn hạn tù sớm và có đại diện tại phiên tòa xét mãn hạn tù sớm;
(d) Thông báo cho các tù nhân người nước ngoài về khả năng, nếu có, về việc di chuyển để thi hành án tại đất nước họ mang quốc tịch, tùy thuộc vào sự đồng ý của Quốc gia liên quan.
Hướng dẫn 7
       Trợ giúp pháp lý cho nạn nhân
Bằng cách không gây ảnh hưởng hoặc thiếu nhất quán với quyền của bị cáo và phù hợp với luật pháp liên quan của quốc gia các Quốc gia cần thực hiện các biện pháp đầy đủ, khi thích hợp, để đảm bảo:
(a) Tư vấn, giúp đỡ, chăm sóc, phương tiện và hỗ trợ thích hợp cho các nạn nhân của tội phạm trong suốt quá trình tư pháp hình sự, theo một cách thức nhằm ngăn chặn việc lặp lại tình trạng nạn nhân và biến họ thành nạn nhân thêm một lần nữa; [1]
(b) Các nạn nhân là trẻ em nhận được trợ giúp pháp lý theo quy định phù hợp với Hướng dẫn về công lý trong các vấn đề liên quan đến nạn nhân là trẻ em và nhân chứng của tội phạm; [2]
(c) Các nạn nhân được tư vấn pháp luật về bất kỳ khía cạnh nào liên quan tới sự tham gia của họ trong quá trình tư pháp hình sự, bao gồm khả năng khởi kiện dân sự hoặc yêu cầu đòi bồi thường trong các thủ tục pháp lý riêng biệt, phù hợp với luật pháp có liên quan của quốc gia;
(d) Cảnh sát và các nhân viên trực tiếp khác (tức là các cán bộ cung cấp dịch vụ y tế, xã hội và phúc lợi cho trẻ em) thông báo kịp thời cho các nạn nhân quyền được thông tin và quyền được trợ giúp pháp lý, hỗ trợ và bảo vệ và cách thức tiếp cận các quyền đó;
(e) Các quan điểm và mối quan tâm của các nạn nhân được trình bày và xem xét tại các giai đoạn thích hợp trong quá trình tư pháp hình sự khi mà lợi ích cá nhân của họ bị ảnh hưởng hoặc khi các lợi ích của công lý đòi hỏi như vậy;
(f) Các cơ quan hỗ trợ nạn nhân và các tổ chức phi chính phủ có thể trợ giúp pháp lý cho các nạn nhân;
(g) Các cơ chế và thủ tục được thiết lập để đảm bảo sự hợp tác chặt chẽ và hệ thống chuyển tuyến thích hợp giữa những người thực hiện trợ giúp pháp lý và các chuyên gia khác (ví dụ như, y tế, xã hội và phúc lợi cho trẻ em) để có được một sự hiểu biết toàn diện về nạn nhân, cũng như đánh giá về tình trạng hoặc nhu cầu pháp lý, tâm lý, xã hội, tình cảm, tình trạng thể chất và nhận thức và nhu cầu của họ.
Hướng dẫn 8
       Trợ giúp pháp lý cho nhân chứng
49. Các quốc gia cần có các biện pháp thích hợp, khi thích hợp, để đảm bảo rằng:
(a) Các nhân chứng được cơ quan chức năng kịp thời thông báo về quyền được thông tin, quyền được hỗ trợ và bảo vệ và cách thức tiếp cận các quyền đó;
(b) Tư vấn, giúp đỡ, điều kiện chăm sóc và hỗ trợ phù hợp cho các nhân chứng của tội phạm trong suốt quá trình tư pháp hình sự;
(c) Nhân chứng là ​​trẻ em nhận được trợ giúp pháp lý theo quy định phù hợp với Hướng dẫn về công lý trong các vấn đề liên quan đến nạn nhân và trẻ em là nhân chứng của tội phạm;
(d) Tất cả các lời khai hoặc lời chứng của các nhân chứng ở tất cả các giai đoạn của quá trình tư pháp hình sự được biên dịch và phiên dịch một cách chính xác.
50. Các Quốc gia, khi thích hợp, nên thực hiện trợ giúp pháp lý cho người làm chứng.
51. Các hoàn cảnh thích hợp để cung cấp trợ giúp pháp lý cho nhân chứng bao gồm, nhưng không giới hạn ở các tình huống trong đó:
(a) Các nhân chứng có nguy cơ buộc tội chính bản thân mình;
(b) Có một nguy cơ đối với sự an toàn và sức khỏe của người làm chứng xuất phát từ vị thế này của họ;
(c) Các nhân chứng đặc biệt dễ bị tổn thương do xuất phát từ các nhu cầu đặc biệt của họ.
Hướng dẫn 9
       Thực hiện quyền tiếp cận trợ giúp pháp lý của phụ nữ
52. Các Quốc gia cần có các biện pháp khả thi và thích hợp để đảm bảo quyền tiếp cận trợ giúp pháp lý của phụ nữ, bao gồm:
(a) Áp dụng một chính sách tích cực trong việc lồng ghép giới vào tất cả các chính sách, luật, thủ tục, chương trình và thực tiễn liên quan đến trợ giúp pháp lý để đảm bảo bình đẳng giới và tiếp cận công lý bình đẳng và công bằng;
(b) Tiến hành các bước tích cực để đảm bảo rằng, khi có thể, có nữ luật sư đại diện cho bị cáo, bị can và nạn nhân nữ;
(c) Thực hiện trợ giúp pháp lý, tư vấn các dịch vụ hỗ trợ của tòa án trong tất cả các thủ tục pháp lý cho các nạn nhân của bạo lực là nữ giới để đảm bảo việc tiếp cận công lý và tránh biến họ thành nạn nhân một lần nữa và các dịch vụ khác như dịch các tài liệu pháp lý khi có yêu cầu.
Hướng dẫn 10
       Các biện pháp đặc biệt cho trẻ em
53. Các quốc gia phải đảm bảo các biện pháp đặc biệt đối với trẻ em để thúc đẩy sự tiếp cận hiệu quả công lý cho trẻ em và ngăn chặn tình trạng kỳ thị và các tác động tiêu cực khác từ việc tham gia vào hệ thống tư pháp hình sự, bao gồm:
(a) Bảo đảm quyền của trẻ em được có luật sư đại diện nhân danh trẻ trong các thủ tục tố tụng, khi có hoặc có thể có xung đột về lợi ích giữa trẻ và cha mẹ của mình hoặc các bên liên quan khác;
(b) Cho phép các trẻ em đang bị tạm giam, bị bắt, bị tình nghi, bị cáo buộc, hoặc truy tố về tội hình sự liên hệ với cha mẹ hoặc người giám hộ của trẻ ngay lập tức và nghiêm cấm bất kỳ cuộc thẩm vấn nào đối với trẻ em khi không có mặt của luật sư của trẻ em hoặc người thực hiện trợ giúp pháp lý khác, và cha mẹ hoặc người giám hộ nếu có, vì lợi ích tốt nhất của trẻ em;
(c) Bảo đảm quyền của trẻ em được quyết định vấn đề với sự hiện diện của cha mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp của trẻ, trừ khi điều đó không được coi là vì lợi ích tốt nhất của trẻ em;
(d) Bảo đảm rằng trẻ em có thể tham khảo ý kiến ​​một cách tự do với sự bí mật hoàn toàn với cha mẹ và/ hoặc người giám hộ và đại diện hợp pháp;
(e) Cung cấp thông tin về các quyền pháp lý một cách phù hợp với lứa tuổi và sự trưởng thành của trẻ, bằng một ngôn ngữ mà trẻ có thể hiểu được và theo một cách tiếp cận nhạy cảm giới và nhạy cảm về văn hóa. Cung cấp thông tin cho cha mẹ, người giám hộ hoặc người chăm sóc là việc làm bổ sung chứ không phải là sự thay thế cho việc truyền đạt thông tin cho trẻ;
(f) Thúc đẩy, khi phù hợp, việc chuyển hướng không xử lý vi phạm qua hệ thống tư pháp hình sự chính thức và đảm bảo rằng trẻ em có quyền được trợ giúp pháp lý ở mọi giai đoạn của quá trình chuyển hướng xử lý;
(g) Khuyến khích, khi phù hợp, việc sử dụng các biện pháp và chế tài thay thế cho việc tước quyền tự do và đảm bảo rằng trẻ em có quyền được trợ giúp pháp lý để sao cho việc bị tước quyền tự do là biện pháp cuối cùng và chỉ được áp dụng trong một giai đoạn thích hợp ngắn nhất;
(h) Thiết lập các biện pháp để đảm bảo rằng các thủ tục tư pháp và hành chính được tiến hành trong một môi trường và cách thức cho phép trẻ em được nêu ý kiến trực tiếp hoặc thông qua một đại diện hoặc cơ quan thích hợp theo một cách thức phù hợp với các quy tắc tố tụng của pháp luật quốc gia. Việc tính đến độ tuổi và sự trưởng thành của đứa trẻ cũng có thể đặt ra yêu cầu cần sửa đổi các thủ tục và thông lệ về tư pháp và hành chính.
54. Sự riêng tư và dữ liệu cá nhân của một trẻ em đang hoặc đã liên quan với các thủ tục tố tụng tư pháp hoặc phi tư pháp và can thiệp khác cần được bảo vệ ở tất cả các giai đoạn, và việc bảo vệ như vậy cần được pháp luật bảo đảm. Nhìn chung, điều này có nghĩa là thông tin hay dữ liệu cá nhân không được phổ biến hoặc công bố, đặc biệt là trên các phương tiện truyền thông, mà có thể tiết lộ hoặc gián tiếp cho phép tiết lộ danh tính của trẻ, bao gồm các hình ảnh của trẻ, mô tả chi tiết trẻ em hay gia đình của trẻ, tên hoặc địa chỉ của các thành viên gia đình của trẻ và các bản ghi tiếng và hình.
Hướng dẫn 11
       Hệ thống trợ giúp pháp lý trên toàn quốc
55. Để khuyến khích hoạt động của một hệ thống trợ giúp pháp lý trên toàn quốc các Quốc gia, khi phù hợp, nên thực hiện các biện pháp:
(a) Đảm bảo và thúc đẩy việc cung cấp trợ giúp pháp lý có hiệu quả ở tất cả các giai đoạn của quá trình tư pháp hình sự đối với người bị tạm giam, bị bắt giữ hoặc bị tù giam, bị tình nghi hoặc bị cáo buộc, hoặc bị truy tố về tội hình sự và đối với các nạn nhân của tội phạm;
        (b) Thực hiện trợ giúp pháp lý cho những người bị bắt giữ và bị tạm giam bất hợp pháp hoặc những người đã nhận được phán quyết cuối cùng của tòa án do việc thực thi sai công lý, để thực hiện quyền được xét xử lại, sửa chữa, bao gồm bồi thường, phục hồi và bảo đảm không tái diễn việc bị xét xử oan;
(c) Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan tư pháp và các chuyên gia khác như nhân viên y tế, dịch vụ xã hội và hỗ trợ nạn nhân để tối đa hóa hiệu quả của các hệ thống trợ giúp pháp lý mà không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của bị cáo;
(d) Thiết lập quan hệ đối tác với các đoàn luật sư hoặc hội luật gia để đảm bảo giúp pháp lý trong tất cả các giai đoạn của quá trình tư pháp hình sự;
(e) Cho phép các trợ lý pháp chế (paralegal) cung cấp các hình thức trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật hoặc thực tiễn để những người bị tạm giam, bị bắt giữ, bị tình nghi, hoặc bị kết tội phạm tội hình sự, đặc biệt là tại các đồn cảnh sát hoặc các trung tâm giam giữ khác;
(f) Thúc đẩy việc thực hiện trợ giúp pháp lý phù hợp với mục đích phòng chống tội phạm.
56. Các quốc gia cần có các biện pháp:
(a) Khuyến khích các đoàn luật sư hoặc hội luật gia hỗ trợ thực hiện trợ giúp pháp lý bằng cách cung cấp một loạt các dịch vụ, bao gồm dịch vụ hoàn toàn miễn phí (pro bono), phù hợp với yêu cầu nghề nghiệp và bổn phận đạo đức của họ;
(b) Xác định các biện pháp khuyến khích luật sư làm việc trong các khu vực có điều kiện kinh tế và xã hội khó khăn (ví dụ miễn thuế, cấp học bổng và trợ cấp đi lại và sinh hoạt phí);
(c) Khuyến khích các luật sư tổ chức mạng lưới luật sư thường xuyên trên toàn quốc cung cấp trợ giúp pháp lý cho những người có nhu cầu.
57. Khi thiết kế các chương trình trợ giúp pháp lý trên toàn quốc, các Quốc gia cần phải tính tới nhu cầu của các nhóm cụ thể, bao gồm nhưng không giới hạn ở những người cao tuổi, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, người bị bệnh tâm thần, người sống chung với HIV và các bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng khác, người sử dụng ma túy, người dân bản địa và thổ dân, người không quốc tịch, người xin tị nạn, các công dân nước ngoài, người tị nạn và người di tản, phù hợp với hướng dẫn 9 và 10.
58. Các quốc gia cần có các biện pháp thích hợp để thiết lập hệ thống trợ giúp pháp lý thân thiện[3] và nhạy cảm với trẻ em, có tính đến năng lực đang phát triển của trẻ em và sự cần thiết phải cân bằng một cách thích hợp giữa lợi ích tốt nhất của trẻ em và quyền của trẻ em được có tiếng nói trong các thủ tục tư pháp, bao gồm:
(a) Thiết lập, nếu có thể, các cơ chế dành riêng để trợ giúp pháp lý chuyên biệt cho trẻ em và hỗ trợ hòa nhập hệ thống trợ giúp pháp lý thân thiện với trẻ em vào các cơ chế chung và không chuyên biệt;
(b) Đề ra pháp luật, chính sách và các quy định về trợ giúp pháp lý có tính đến các quyền và nhu cầu phát triển đặc biệt của trẻ em, trong đó có quyền được trợ giúp pháp lý và hỗ trợ phù hợp khác trong việc chuẩn bị và trình bày lý lẽ biện hộ cho mình; quyền được có tiếng nói trong tất cả các thủ tục tố tụng tư pháp ảnh hưởng đến trẻ; các thủ tục đạt chuẩn để xác định lợi ích tốt nhất; sự riêng tư và việc bảo vệ các dữ liệu cá nhân; quyền được xem xét để chuyển hướng xử lý;
(c) Thiết lập các tiêu chuẩn về dịch vụ trợ giúp pháp lý và quy tắc ứng xử chuyên môn thân thiện với trẻ em. Người thực hiện trợ giúp pháp lý làm việc với trẻ em và cho trẻ em, khi cần thiết, nên phải được kiểm tra thường xuyên để đảm bảo họ phù hợp cho làm việc với trẻ em;
(d) Thúc đẩy các chương trình đào tạo trợ giúp pháp lý chuẩn. Người thực hiện trợ giúp pháp lý đại diện cho trẻ em cần được đào tạo và có kiến ​​thức về quyền trẻ em và các vấn đề liên quan, được đào tạo thường xuyên và chuyên sâu và có khả năng giao tiếp với trẻ em ở mức độ hiểu biết của trẻ. Tất cả những người thực hiện trợ giúp pháp lý làm việc với trẻ em và cho trẻ em cần được đào tạo cơ bản liên ngành về quyền và nhu cầu của trẻ em thuộc các lứa tuổi khác nhau và thủ tục tố tụng được điều chỉnh cho trẻ, và đào tạo về tâm lý và các khía cạnh khác về sự phát triển của trẻ em, đặc biệt chú ý tới các trẻ em gái và trẻ em là thành viên của các nhóm dân tộc thiểu số hoặc bản địa, và các biện pháp sẵn có để thúc đẩy việc bảo vệ trẻ em vi phạm pháp luật;
(e) Thiết lập các cơ chế và thủ tục để đảm bảo sự hợp tác chặt chẽ và hệ thống chuyển gửi phù hợp giữa các những người thực hiện trợ giúp pháp lý và các chuyên gia khác để có được một sự hiểu biết toàn diện về trẻ cũng như sự đánh giá về tình trạng pháp lý, tâm lý, xã hội, tình cảm, thể chất và nhận thức và nhu cầu của trẻ.
59. Để bảo đảm thực hiện có hiệu quả các chương trình trợ giúp pháp lý trên toàn quốc, các Quốc gia nên xem xét việc thành lập một cơ quan trợ giúp pháp lý hoặc cơ quan cung cấp, quản lý, điều phối và giám sát các dịch vụ trợ giúp pháp lý. Một cơ quan như vậy nên:
(a) Không bị can thiệp về chính trị hoặc tư pháp trái pháp luật, được độc lập với Chính phủ trong việc đưa ra quyết định liên quan đến trợ giúp pháp lý và không phải chịu sự chỉ đạo, kiểm soát, đe dọa về tài chính của bất kỳ cá nhân hay cơ quan nào trong việc thực hiện chức năng của mình, bất kể cơ cấu hành chính của cơ quan đó như thế nào;
(b) Có các quyền hạn cần thiết để thực hiện trợ giúp pháp lý, bao gồm nhưng không giới hạn ở việc bổ nhiệm cán bộ; chỉ định những người thực hiện trợ giúp pháp lý cho các cá nhân; thiết lập các tiêu chuẩn và công nhận những người thực hiện trợ giúp pháp lý, bao gồm cả yêu cầu đào tạo; giám sát những người thực hiện trợ giúp pháp lý và thành lập các cơ quan độc lập để giải quyết khiếu nại đối với họ; đánh giá nhu cầu trợ giúp pháp lý trên toàn quốc; và thẩm quyền xây dựng ngân sách riêng của mình;
(c) Trên cơ sở tham vấn với các bên liên quan chủ chốt trong lĩnh vực tư pháp và các tổ chức xã hội dân sự, xây dựng một chiến lược dài hạn nhằm định hướng phát triển và sự bền vững của trợ giúp pháp lý;
(d) Báo cáo định kỳ cho cơ quan có trách nhiệm.
Hướng dẫn 12
        Ngân sách cho hệ thống trợ giúp pháp lý trên toàn quốc
60. Thừa nhận rằng những lợi ích của các dịch vụ trợ giúp pháp lý bao gồm các lợi ích về tài chính và tiết kiệm chi phí trong suốt quá trình tư pháp hình sự, các Quốc gia, khi thích hợp, nên cung cấp ngân sách đầy đủ và riêng biệt cho các dịch vụ trợ giúp pháp lý tương xứng với nhu cầu của các dịch vụ, bao gồm cả việc cung cấp các cơ chế tài chính dành riêng và bền vững cho hệ thống trợ giúp pháp lý quốc gia.
61. Nhằm mục đích đó, các Quốc gia có thể thực hiện các biện pháp:
(a) Thành lập một quỹ trợ giúp pháp lý nhằm tài trợ cho các kế hoạch trợ giúp pháp lý, bao gồm các kế hoạch chỉ định luật sư, hỗ trợ việc cung cấp trợ giúp pháp lý bởi các đoàn luật sư hoặc hội luật gia; hỗ trợ phòng tư vấn miễn phí của đại học luật; và tài trợ cho các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức khác, bao gồm cả các tổ chức hỗ trợ pháp lý, trong việc cung cấp các dịch vụ trợ giúp pháp lý trong cả nước, đặc biệt là ở các khu vực nông thôn và khu vực có điều kiện khó khăn về kinh tế và xã hội;
(b) xác định cơ chế tài chính cho phép phân bổ ngân sách cho trợ giúp pháp lý, chẳng hạn như:
(i) Phân bổ một tỷ lệ phần trăm trong ngân sách tư pháp hình sự của Nhà nước dành cho các dịch vụ trợ giúp pháp lý tương xứng với nhu cầu thực hiện trợ giúp pháp lý có hiệu quả;
(ii) Sử dụng kinh phí thu hồi từ các hoạt động phạm tội thông qua việc phong tỏa hoặc phạt tiền để trang trải chi phí trợ giúp pháp lý cho nạn nhân;
(c) Xác định và hình thành các hình thức khuyến khích cho các luật sư làm việc ở khu vực nông thôn và các khu vực có điều kiện kinh tế và xã hội khó khăn (ví dụ miễn, giảm thuế, giảm thanh toán các khoản vay sinh viên);
(d) Đảm bảo phân phối công bằng và cân đối ngân sách giữa các cơ quan công tố và cơ quan trợ giúp pháp lý.
62. Ngân sách trợ giúp pháp lý phải bao gồm đầy đủ các dịch vụ được cung cấp cho người bị tạm giam, bị bắt giữ, bị tình nghi hoặc bị cáo buộc, hoặc bị truy tố về tội hình sự và các nạn nhân. Cần dành riêng kinh phí đầy đủ cho các chi phí phục vụ biện hộ như: chi phí cho việc sao chép các tập tin, hồ sơ có liên quan và chi phí thu thập chứng cứ, các chi phí liên quan đến nhân chứng chuyên môn, các chuyên gia pháp y và nhân viên xã hội và các chi phí đi lại. Việc thanh toán cần kịp thời.
Hướng dẫn 13
        Nguồn nhân lực
63. Các Quốc gia, khi thích hợp, nên quy định đầy đủ và cụ thể về biên chế cho hệ thống trợ giúp pháp lý trên toàn quốc tương xứng với nhu cầu của mình.
64. Các Quốc gia cần đảm bảo rằng các chuyên gia làm việc cho hệ thống trợ giúp pháp lý quốc gia có trình độ và được đào tạo phù hợp cho các dịch vụ mà họ cung cấp.
65. Trong trường hợp thiếu các luật sư có trình độ, việc cung cấp các dịch vụ trợ giúp pháp lý còn có thể thực hiện bởi những người không phải là luật sư hoặc trợ lý pháp chế (paralegals). Đồng thời, các Quốc gia cần thúc đẩy sự phát triển của nghề luật và loại bỏ các rào cản tài chính đối với việc đào tạo chuyên ngành luật.
66. Các Quốc gia cũng nên khuyến khích cơ hội tiếp cận rộng rãi công việc liên quan đến ngành luật, bao gồm cả các hành động dứt khoát để đảm bảo quyền tiếp cận dành cho phụ nữ, dân tộc thiểu số và các nhóm có điều kiện kinh tế khó khăn.
 
Hướng dẫn 14
       Trợ lý pháp chế (Paralegals)
67. Phù hợp với luật pháp quốc gia của mình và khi thích hợp, các quốc gia nên công nhận vai trò của các trợ lý pháp chế (paralegals) hoặc những người thực hiện dịch vụ tương tự trong việc cung cấp các dịch vụ trợ giúp pháp lý ở những nơi người dân khó tiếp cận với luật sư.
68. Nhằm mục đích này, các Quốc gia, trên cơ sở tham khảo ý kiến ​​với các tổ chức xã hội dân sự và các cơ quan tư pháp và các hiệp hội nghề nghiệp, áp dụng các biện pháp:
(a) Xây dựng, khi thích hợp, một kế hoạch quốc gia về các dịch vụ trợ lý pháp chế (paralegals) với các chương trình đào tạo và cấp chứng chỉ được chuẩn hóa, bao gồm hoạt động tuyển chọn và kiểm tra thích hợp;
(b) Đảm bảo rằng các tiêu chuẩn chất lượng cho các dịch vụ trợ lý pháp lý được thiết lập và rằng các trợ lý pháp chế (paralegals) được đào tạo đầy đủ và hoạt động dưới sự giám sát của luật sư có trình độ;
(c) Đảm bảo sự tồn tại của các cơ chế theo dõi và đánh giá nhằm đảm bảo chất lượng của các dịch vụ được cung cấp bởi trợ lý pháp chế (paralegal);
(d) Trên cơ sở tham khảo ý kiến ​​với các tổ chức xã hội dân sự và các cơ quan tư pháp đẩy mạnh, phát triển quy tắc ứng xử mang tính ràng buộc với tất cả các trợ lý pháp chế làm việc trong hệ thống tư pháp hình sự;
(e) Xác định các loại hình dịch vụ pháp lý có thể được cung cấp bởi trợ lý pháp chế và các loại dịch vụ chỉ các luật sư được quyền cung cấp, trừ khi việc xác định này thuộc thẩm quyền của toà án hoặc đoàn luật sư;
(f) Đảm bảo khả năng tiếp cận các trợ lý pháp chế (paralegals) được công nhận, những người được giao nhiệm vụ trợ giúp pháp lý cho các đồn cảnh sát và trại giam, các cơ sở tạm giam hoặc các trung tâm tạm giam chờ khi xét xử, vv;
(g) Cho phép các trợ lý pháp chế được tòa án công nhận và được đào tạo phù hợp để tham gia tố tụng và tư vấn cho các bị can khi không có luật sư thực hiện các hoạt động này, phù hợp với luật pháp và các quy định quốc gia,.
Hướng dẫn 15
Quy định điều chỉnh và giám sát những người thực hiện trợ giúp pháp lý
69. Để phù hợp với nguyên tắc 12, và tùy thuộc vào luật pháp quốc gia về đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm giải trình, các Quốc gia, thông qua việc hợp tác với các hiệp hội chuyên môn, nên:
(a) Đảm bảo thiết lập các tiêu chuẩn cho việc công nhận những người thực hiện trợ giúp pháp lý;
(b) Đảm bảo rằng những người thực hiện trợ giúp pháp lý phải tuân theo quy tắc ứng xử chuyên môn hiện hành với các hình phạt thích hợp đối với các vi phạm;
(c) Thiết lập các quy tắc để đảm bảo rằng những người thực hiện trợ giúp pháp lý không được phép yêu cầu bất kỳ khoản thanh toán nào từ các đối tượng thụ hưởng trợ giúp pháp lý, trừ khi được ủy quyền để làm như vậy;
(d) Đảm bảo rằng khiếu nại kỷ luật đối với những người thực hiện trợ giúp pháp lý được xem xét bởi các cơ quan độc lập;
(e) Thiết lập cơ chế giám sát thích hợp đối với những người thực hiện trợ giúp pháp lý, đặc biệt để ngăn chặn tham nhũng.
Hướng dẫn 16
Quan hệ đối tác với các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý không thuộc Nhà nước và các trường đại học
70. Các Quốc gia, khi thích hợp, nên thiết lập quan hệ đối tác với các tổ chức thực hiện dịch vụ trợ giúp pháp lý không thuộc Nhà nước, bao gồm cả các tổ chức phi chính phủ và các nhà cung cấp dịch vụ khác.
71. Nhằm mục đích này, các Quốc gia cần thực hiện các biện pháp, trên cơ sở tham khảo ý kiến ​​với các tổ chức xã hội dân sự và các cơ quan tư pháp và các hiệp hội nghề nghiệp:
(a) Công nhận trong hệ thống pháp luật của mình vai trò của các tổ chức không thuộc Nhà nước trong việc cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý nhằm đáp ứng nhu cầu của nhân dân;
(b) Thiết lập các tiêu chuẩn chất lượng cho các dịch vụ trợ giúp pháp lý và hỗ trợ xây dựng các chương trình đào tạo chuẩn hóa cho các tổ chức thực hiện dịch vụ trợ giúp pháp lý không thuộc Nhà nước;
(c) Thiết lập cơ chế giám sát và đánh giá để đảm bảo chất lượng của các dịch vụ trợ giúp pháp lý, đặc biệt là những dịch vụ được cung cấp miễn phí;
(d) Làm việc với tất cả các tổ chức thực hiện dịch vụ trợ giúp pháp lý nhằm nâng cao khả năng tiếp cận cộng đồng, chất lượng và tác động của dịch vụ và tạo điều kiện tiếp cận trợ giúp pháp lý ở mọi vùng của đất nước và ở tất cả các cộng đồng, đặc biệt là ở vùng nông thôn và khu vực có điều kiện kinh tế và xã hội khó khăn và trong các nhóm dân tộc thiểu số;
(e) Đa dạng hóa các tổ chức, cá nhân thực hiện dịch vụ trợ giúp pháp lý bằng cách áp dụng một cách tiếp cận toàn diện, ví dụ, bằng cách khuyến khích thành lập các trung tâm cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý có nhân sự là các luật sư và trợ lý pháp chế và bằng cách thỏa thuận với hội luật gia và các đoàn luật sư, trung tâm thực hành thuộc đại học luật và các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức thực hiện dịch vụ trợ giúp pháp lý khác.
72. Các Quốc gia, khi thích hợp, cũng cần thực hiện các biện pháp:
(a) Khuyến khích và hỗ trợ việc thành lập các trung tâm thực hành trợ giúp pháp lý thuộc khoa luật của các trường đại học để thúc đẩy chương trình luật thực hành và phục vụ công ích cho các giảng viên và sinh viên, bao gồm trong chương trình giảng dạy được công nhận của các trường đại học;
(b) Khuyến khích và ưu đãi cho sinh viên luật tham gia, dưới sự giám sát thích hợp và phù hợp với luật hoặc thực tiễn quốc gia, tại một trung tâm thực hành trợ giúp pháp lý hoặc một chương trình trợ giúp pháp lý cộng đồng khác, như một phần của chương trình học tập hoặc phát triển nghề nghiệp của họ;
(c) Xây dựng, ở những nơi chưa có, các quy tắc thực hành cho sinh viên cho phép họ thực tập tại các tòa án dưới sự giám sát của luật sư có trình độ hoặc các giảng viên, với điều kiện các quy tắc như vậy được xây dựng trên cơ sở tham vấn và được chấp nhận bởi các tòa án có thẩm quyền hoặc các cơ quan quản lý hành nghề luật chịu trách nhiệm trước Toà án;
(d) Xây dựng, tại các nước đòi hỏi sinh viên luật phải thực tập pháp luật, các quy tắc cho họ được phép hành nghề tại các tòa án dưới sự giám sát của các luật sư có trình độ.
Hướng dẫn 17
       Nghiên cứu và số liệu
73. Các Quốc gia cần đảm bảo rằng các cơ chế theo dõi, giám sát và đánh giá trợ giúp pháp lý được thành lập và phải liên tục phấn đấu để cải thiện việc thực hiện trợ giúp pháp lý.
74. Nhằm mục đích này, các Quốc gia có thể áp dụng các biện pháp:
(a) Thường xuyên tiến hành nghiên cứu và thu thập số liệu phân chia theo giới tính, tuổi tác, tình trạng kinh tế xã hội và phân bố địa lý của đối tượng trợ giúp pháp lý và công bố kết quả của các nghiên cứu như vậy;
(b) Chia sẻ những thực hành tốt trong việc thực hiện trợ giúp pháp lý;
(c) Theo dõi việc thực hiện trợ giúp pháp lý hiệu quả và hiệu suất cao theo các tiêu chuẩn quốc tế về quyền con người;
(d)  Đào tạo, tập huấn giao thoa văn hóa, phù hợp về văn hóa, nhạy cảm về giới và phù hợp với lứa tuổi đối với những người thực hiện trợ giúp pháp lý;
(e) Cải thiện thông tin liên lạc, phối hợp và hợp tác giữa các cơ quan tư pháp, đặc biệt là ở cấp địa phương để xác định các vấn đề của địa phương và thống nhất các giải pháp cải thiện việc thực hiện trợ giúp pháp lý.
Hướng dẫn 18
      Hỗ trợ kỹ thuật
75. Hỗ trợ kỹ thuật dựa trên nhu cầu và ưu tiên được xác định bởi các Quốc gia đề nghị nên được cung cấp bởi các tổ chức liên chính phủ có liên quan, chẳng hạn như Liên Hợp quốc, các nhà tài trợ song phương và các tổ chức phi chính phủ có năng lực, cũng như bởi các Quốc gia trong khuôn khổ hợp tác song phương và đa phương nhằm xây dựng và tăng cường năng lực và thể chế quốc gia cho sự phát triển các hệ thống trợ giúp pháp lý và cải cách tư pháp hình sự khi phù hợp.
 

[1] "Lặp lại tình trạng nạn nhân" và "biến thành nạn nhân thêm một lần nữa" được hiểu theo quy định tại các khoản 1.2 và 1.3 của Phụ lục kèm theo Khuyến nghị Rec (2006)8 của Ủy ban Bộ trưởng của Hội đồng châu Âu với các Quốc gia thành viên về trợ giúp nạn nhân của tội phạm.
[2] Nghị quyết của Hội đồng Kinh tế và Xã hội 2005/20, phụ lục.
[3] "Trợ giúp pháp lý thân thiện với trẻ em" là việc cung cấp trợ giúp pháp lý cho trẻ em trong quá trình tố tụng hình sự, dân sự, hành chính mà mọi người có thể tiếp cận được, phù hợp với độ tuổi, đa ngành và có hiệu quả, và đáp ứng một loạt các nhu cầu pháp lý và xã hội đối mặt với trẻ em và thanh thiếu niên. Trợ giúp pháp lý thân thiện với trẻ em được thực hiện bởi các luật sư và những người không phải luật sư nhưng được đào tạo về pháp luật liên quan đến trẻ em và sự phát triển của trẻ em và vị thành niên và người có khả năng giao tiếp hiệu quả với trẻ em và người chăm sóc của trẻ.