Thực hiện Nghị định số 80/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 14/2013/NĐ-CP ngày 05/02/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 07/2007/NĐ-CP ngày 12/01/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý (sau đây viết tắt là Nghị định số 80/2015/NĐ-CP), trong đó khoản 4 Điều 1 quy định: “Bộ Tư pháp quy định cụ thể về tính chất, nội dung vụ việc, cách tính buổi, tính thời gian để làm căn cứ khoán chi hoặc chi trả mức bồi dưỡng cho luật sư theo buổi hoặc theo thời gian làm việc” ngày 20/4/2017 Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 05/2017/TT-BTP sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 18/2013/TT-BTP ngày 20/11/2013 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn cách tính thời gian và thủ tục thanh toán chi phí thực hiện trợ giúp pháp lý.
Theo đó, Thông tư 05/2017/TT-BTP đã cơ bản khắc phục được những hạn chế bất cập của Thông tư số 18/2013/TT-BTP ở một số điểm sau:
- Quy định cụ thể, rõ ràng về thời gian thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý bằng hình thức tham gia tố tụng trong từng lĩnh vực hình sự, dân sự và hành chính nhằm bảo đảm việc tính thời gian làm căn cứ chi trả bồi dưỡng vụ việc trợ giúp pháp lý rõ ràng và chính xác, tạo thuận lợi cho người thực hiện trợ giúp pháp lý dễ dàng thực hiện. Theo đó, thời gian tham gia tố tụng được quy định cụ thể và bao quát xuyên suốt quá trình giải quyết vụ việc. Ở từng giai đoạn tố tụng, thời gian tham gia tố tụng sẽ do người được trợ giúp pháp lý hoặc người thân thích, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, người làm chứng, người tiến hành tố tụng và cơ quan tiến hành tố tụng có liên quan đến vụ án thực hiện xác nhận thời gian làm việc.
- Bổ sung thời gian tham gia phiên tòa, tham gia buổi hòa giải tại Tòa án và thời gian tham gia đối thoại đối với vụ án hành chính do Thẩm phán hoặc Thư ký xác nhận. Quy định này tạo điều kiện thuận lợi cho người thực hiện trợ giúp pháp lý khi yêu cầu xác nhận về thời gian tham gia được nhanh chóng và dễ dàng hơn.
- Quy định cụ thể cách tính thời gian đối với trường hợp vụ án tiếp tục được giải quyết sau tạm đình chỉ. Đối với trường hợp thay đổi người thực hiện trợ giúp pháp lý, Thông tư số 05/2017/TT-BTP quy định cách tính thời gian theo hướng là thời gian thực tế mà người thực hiện trợ giúp pháp lý đã tham gia trợ giúp pháp lý đến thời điểm thay thế và người được Trung tâm hoặc Chi nhánh cử tiếp tục thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý được thanh toán chế độ bồi dưỡng vụ việc trợ giúp pháp lý căn cứ thời gian thực tế mà người thực hiện trợ giúp pháp lý tham gia vụ việc trợ giúp pháp lý trong giai đoạn tiếp theo.
- Quy định cụ thể hình thức khoán chi vụ việc để làm căn cứ chi trả bồi dưỡng thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý. Theo đó, Thông tư đưa ra nguyên tắc áp dụng khoán chi vụ việc theo các nhóm công việc phải thực hiện để giải quyết vụ việc trợ giúp pháp lý. Khoán chi theo vụ việc được căn cứ vào tính chất vụ việc để thực hiện khoán chi. Bên cạnh việc quy định khoán chi theo vụ việc đối với các vụ việc thông thường (01 người thực hiện trợ giúp pháp lý cho 01 người được trợ giúp pháp lý), nhằm bảo đảm nguyên tắc việc thanh toán chi phí thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý phù hợp với tính chất, nội dung của từng vụ việc cũng như kịp thời động viên, khuyến khích nâng cao chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý, Thông tư số 05/2017/TT-BTP quy định khoán chi theo vụ việc trong một số trường hợp đặc biệt (01 người thực hiện trợ giúp pháp lý được phân công thực hiện cho 02 người được trợ giúp pháp lý trở lên trong cùng một vụ án) trên nguyên tắc có thể tăng nhưng không quá 130% số buổi tương ứng.
Tuy nhiên, sau 7 năm triển khai thi hành Thông tư số 18/2013/TT-BTP ngày 20/11/2013 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn cách tính thời gian thực hiện và thủ tục thanh toán chi phí thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý (sau đây viết tắt là Thông tư số 18/2013/TT-BTP); sau 03 năm triển khai thi hành Thông tư số 05/2017/TT-BTP ngày 20/04/2017 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 18/2013/TT-BTP ngày 20/11/2013 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn cách tính thời gian và thủ tục thanh toán chi phí thực hiện trợ giúp pháp lý (Thông tư số 05/2017/TT-BTP) bên cạnh việc tạo ra cơ chế để các địa phương áp dụng thống nhất, bảo đảm minh bạch, hiệu quả trong việc trình thanh toán chi phí thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý (sau đây viết tắt là TGPL) cho người thực hiện TGPL; mà các quy định của Thông tư còn góp phần quan trọng trong việc bảo đảm cho người thực hiện trợ giúp pháp lý được thanh toán mức thù lao phù hợp với công sức, thời gian thực hiện vụ việc. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Luật Trợ giúp pháp lý 2017, Thông tư số 18/2013/TT-BTP và Thông tư số 05/2017/TT-BTP đã bộc lộ những bất cập, hạn chế nhất định như sau:
Thứ nhất, Thông tư số 18/2013/TT-TTBP, ngoài điều khoản thi hành thì có đến 5 trong số 6 Điều hết hiệu lực toàn bộ hoặc 1 phần hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Cụ thể như sau: (i) Khoản 2 Điều 1 hết hiệu lực do đã được văn bản cao hơn điều chỉnh (khoản 3 Điều 13 Nghị định số 144/2017/NĐ-CP ngày 15/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý); (ii) Khoản 1 Điều 2 hết hiệu lực do Thông tư số 05/2008/TT-BTP ngày 23/9/2008 của Bộ Tư pháp hướng dẫn về nghiệp vụ trợ giúp pháp lý và quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý đã đượ thay thế bởi Thông tư số 12/2018/TT-BTP ngày 28/8/2018 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn một số hoạt động nghiệp vụ trợ giúp pháp lý và quản lý chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý; (iii) Điều 4 về thời gian tham gia tố tụng đã hết hiệu lực do đã được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 05/2017/TT-BTP ngày 20/04/2017 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 18/2013/TT-BTP ngày 20/11/2013 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn cách tính thời gian và thủ tục thanh toán chi phí thực hiện trợ giúp pháp lý; (iv) Điều 6 về thủ tục đề nghị thanh toán chi phí thực hiện trợ giúp pháp lý đã hết hiệu lực đã được văn bản cao hơn điều chỉnh (Điều 14, Điều 15 Nghị định số 144/2017/NĐ-CP ngày 15/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý).
Thứ hai, Luật trợ giúp pháp lý 2017, Nghị định số 144/2017/NĐ-CP ngày 15/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý, Thông tư số 08/2017/TT-BTP ngày 15/11/2017 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý và hướng dẫn giấy tờ trong hoạt động trợ giúp pháp lý quy định cơ chế lựa chọn, hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý giữa Sở Tư pháp với Tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật. Tuy nhiên, Thông tư số 18/2013/TT-TTBP và Thông tư số 05/2017/TT-BTP chưa điều chỉnh không quy định đối tượng áp dụng là các chủ thể này. Điều này gây khó khăn cho các địa phương trong việc thanh toán cho tổ chức ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý
Thứ ba, Về tính theo thời gian thực tế: Các căn cứ để tính thời gian tham gia tố tụng còn có nhiều cách hiểu khác nhau nên khó áp dụng, chưa thể hiện rõ thời gian bị hạn chế theo quy định tại khoản 1 Điều 13 Nghị định số Nghị định số 144/2017/NĐ-CP ngày 15/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý; Việc xác nhận thời gian làm việc cũng cần được rà soát lại để bảo đảm thuận tiện cho người thực hiện TGPL; Các quy định về: thời gian làm việc đối với các trường hợp hoãn phiên tòa, tạm ngừng phiên tòa, đình chỉ vụ án tại phiên tòa; thời gian trong trường hợp tham gia từ giai đoạn kiến nghị khởi tố, đề nghị truy tố;…….. phiên tòa diễn ra nhiều ngày chưa được điều chỉnh tại Thông tư 05/2017/TT-BTP
Thứ tư, Về khoán chi thực hiện vụ việc: Thông tư 05/2017/TT-BTP chưa điều chỉnh một số vấn đề phát sinh như: người được trợ giúp pháp lý bị truy tố với tình tiết định khung hình phạt thuộc hai (02) loại tội khác nhau thì căn cứ vào mức nào để thực hiện; Trường hợp vụ án phải điều tra bổ sung, điều tra lại hoặc tách, nhập vụ án, xét xử lại nhiều lần; Trong trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng đình chỉ, tạm đình chỉ vụ án; việc lựa chọn hình thức thanh toán chi phí, thù lao thực hiện vụ việc trong trường hợp thay đổi, thay thế người thực hiện trợ giúp pháp lý,..
Một vài định hướng sửa đổi
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, thiết nghị cần sửa đổi Thông tư số 18/2013/TT-TTBP và Thông tư số 05/2017/TT-BTP theo hướng như sau:
Một là, Ban hành 01 Thông tư để thay thế Thông tư số 18/2013/TT-BTP ngày 20/11/2013 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn cách tính thời gian và thủ tục thanh toán chi phí thực hiện trợ giúp pháp lý và Thông tư số 05/2017/TT-BTP ngày 20/04/2017 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 18/2013/TT-BTP ngày 20/11/2013 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn cách tính thời gian và thủ tục thanh toán chi phí thực hiện trợ giúp pháp lý nhằm tạo điều kiện cho các địa phương khi triển khai áp dụng trên thực tiễn;
Hai là, Do Tư vấn pháp luật được trả theo văn bản mà không tính thời gian thực hiện và không còn hình thức trợ giúp pháp lý khác, do vậy, phạm vi điều chỉnh của Thông tư thay thế sẽ hẹp hơn, chỉ điều chỉnh về cách tính thời gian thực hiện trợ giúp pháp lý trong các vụ việc tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng. Bổ sung đối tượng áp dụng là Tổ chức ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý; Sở Tư pháp và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Ba là, về thời gian tham gia tố tụng: Thời gian tham gia tố tụng cần phải sửa đổi căn bản bảo đảm rõ ràng và dễ áp dụng hơn. Theo đó, thời gian tham gia tố tụng được chia làm 02 loại: Thời gian tham gia các hoạt động tố tụng cùng với cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng ở các giai đoạn tố tụng (ví dụ trong hình sự là các loại thời gian: (a) Thời gian tham gia các hoạt động tố tụng (hỏi cung bị can hoặc lấy lời khai của người bị hại, người làm chứng, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; tham gia đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói, khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, xem xét dấu vết trên thân thể, thực nghiệm điều tra, giám định, định giá tài sản và các hoạt động tố tụng khác theo các giai đoạn tố tụng); (b) Thời gian tham gia phiên tòa (gồm cả trường hợp người thực hiện trợ giúp pháp lý đến tham dự phiên toà nhưng phiên tòa hoãn xử mà không được báo trước và không phải do yêu cầu của người thực hiện trợ giúp pháp lý) và Thời gian người thực hiện trợ giúp pháp lý thực hiện trong các giai đoạn giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật tố tụng về quyền và nghĩa vụ của người thực hiện trợ giúp pháp lý, quyền và nghĩa vụ của người được TGPL (ví dụ trong hình sự là các loại thời gian: (a) Thời gian gặp gỡ, làm việc với người được trợ giúp pháp lý; Gặp gỡ, làm việc với người bị buộc tội hoặc người thân thích của họ; Gặp gỡ, làm việc với người bị hại, người thân thích của người bị hại; Gặp gỡ, làm việc với người làm chứng, ngyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan và những người tham gia tố tụng khác; (b) Thời gian làm việc với người tiến hành tố tụng, cơ quan tiến hành tố tụng do người trực tiếp làm việc xác nhận; Thời gian xác minh, thu thập, đánh giá tài liệu, đồ vật, chứng cứ cần thiết có liên quan do cơ quan, tổ chức, cá nhân nơi người thực hiện trợ giúp pháp lý đến xác minh, thu thập chứng cứ xác nhận; (c) Thời gian nghiên cứu hồ sơ, sao chụp và chuẩn bị tài liệu tại cơ quan tiến hành tố tụng theo các giai đoạn tố tụng; (d) Thời gian chuẩn bị luận cứ bào chữa, bảo vệ; (đ) Thời gian thực hiện các công việc hợp lý khác trong quá trình thực hiện vụ việc để phục vụ việc bào chữa, bảo vệ (đề nghị giám định, giám định lại, định giá, định giá lại tài sản; đề nghị tiến hành các hoạt động tố tụng; đề nghị thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người định giá tài sản, người thẩm định, đề nghị thay đổi biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế,…); (e) Thời gian thực hiện các công việc cần thiết liên quan đến thủ tục kháng cáo, kháng nghị bản án sơ thẩm, bản án phúc thẩm, thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.
Việc phân chia các loại thời gian theo cách nêu trên sẽ bảo đảm được áp dụng linh hoạt hơn, phù hợp với tính chất, vụ việc trong từng vụ việc cụ thể. Đồng thời cũng giúp có thể quy định rõ những thời gian bị khống chế theo quy định tại khoản 1 Điều 13 Nghị định 144/2017/NĐ-P để bảo đảm thuận lợi khi áp dụng.
Ngoài ra, cũng cần quy định rõ cách thức xác định thời gian trong một số trường hợp như: khi vụ án tạm đình chỉ được tiếp tục lại; thực hiện bảo vệ cho người bị tố giác, người bị kiến nghịu khởi tố; người bị hại trong giai đoạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố. Bên cạnh đó, cũng bổ sung tính thời gian thực hiện vụ việc trong trường hợp tách, nhập vụ án hoặc xét xử lại nhiều lần mà không thuộc trường hợp kết thúc vụ việc theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 10 Thông tư 12/2018/TT-BTP của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ngày 28/8/2018 hướng dẫn một số hoạt động nghiệp vụ trợ giúp pháp lý và quản lý chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý; bổ sung nguyên tắc áp dụng phương thức thanh toán trong trường hợp thay thế, thay đổi người thực hiện trợ giúp pháp lý nhằm bảo đảm quyền lựa chọn của người thực hiện TGPL theo quy định của Nghị định số 144/2017/NĐ-CP.
Bốn là, về khoán chi thực hiện vụ việc
- Việc thực hiện khoán chi cần phải xác định rõ thời điểm thực hiện, theo đó khoán chi chỉ được áp dụng đối với vụ việc tham gia tố tụng và phải do chính người thực hiện TGPL lựa chọn ngay từ khi được phân công và “Không thay đổi trong suốt quá trình thực hiện trợ giúp pháp lý”.
- Đối với tham gia tố tụng hình sự thì cần phải bổ sung nguyên tắc xác định mức khoán chi người được TGPL bị truy tố với tình tiết định khung thuộc 02 loại tội phạm khác nhau; quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức ký hợp đồng với Sở Tư pháp, Giám đốc Sở Tư pháp trong việc quyết định mức khoán chi thực hiện vụ việc;…
- Các công việc cần thực hiện cần phải được rà soát cho phù hợp với các quy định về căn cứ tính thời gian làm việc khi thanh toán theo thời gian thực tế. Đồng thời số buổi tối đa cho mỗi công việc áp dụng trong việc khoán chi cũng cần được điều chỉnh nhằm bảo đảm vừa khuyến khích, ghi nhận đóng góp của người thực hiện trợ giúp pháp lý vừa bảo đảm tính linh hoạt khi áp dụng trên thực tiễn cũng như bảo đảm có thể áp dụng cho việc cho trả thù lao, bồi dưỡng cho Trợ giúp viên pháp lý và Luật sư ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý một cách công khai, minh bạch.
Cần phải bổ sung quy định về Khoán chi trong trường hợp vụ án phải điều tra bổ sung, điều tra lại hoặc tách, nhập vụ án, xét xử lại nhiều lần theo hướng tăng số buổi khoán chi nhưng không quá 130% tổng số buổi; Bổ sung quy định về Khoán chi trong trường hợp thay đổi, thay thế người thực hiện trợ giúp pháp lý theo hướng: Thù lao, bồi dưỡng vụ việc trợ giúp pháp lý của người được cử thay thế căn cứ vào công việc thực tế mà người thực hiện trợ giúp pháp lý tiếp tục thực hiện sau khi được cử thay thế và có quy định để bảo đảm quyền lựa chọn thanh toán thù lao, bồi dưỡng vụ việc trợ giúp pháp lý cho người được cử thay thế./.
Trần Nguyên Tú
Phó Trưởng phòng – Phòng TC&QLCL TGPL