Theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý và các văn bản có liên quan, để được công nhận là trợ giúp viên pháp lý, thì phải là công dân của Việt Nam thường trú tại Việt Nam và đáp ứng các yêu cầu, điều kiện sau đây:
- Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
- Phẩm chất đạo đức tốt;
- Có bằng cử nhân luật;
- Có Chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý. Để được tham dự lớp bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý phải thỏa mãn thêm điều kiện sau: “Người có bằng cử nhân luật, đã tốt nghiệp khóa đào tạo nghề luật sư, đang làm việc tại các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, được cử tham dự khóa bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý; nếu đạt yêu cầu kiểm tra khóa bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý thì được Học viện Tư pháp, Bộ Tư pháp cấp Chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật.
Người đã từng là luật sư theo quy định của Luật Luật sư hoặc được miễn khóa đào tạo nghề luật sư theo quy định của Luật Luật sư, đang làm việc tại các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, được cử tham dự kiểm tra bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý; nếu đạt yêu cầu kiểm tra khóa bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý thì được Học viện Tư pháp, Bộ Tư pháp cấp Chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật”.
(Trích khoản 1, Điều 1 Nghị định số 80/2015/NĐ-CP ngày 17/9/2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 14/2013/NĐ-CP ngày 05/02/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 07/2007/NĐ-CP ngày 12/01/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý).
- Có thời gian làm công tác pháp luật từ hai năm trở lên; có sức khoẻ.
Trợ giúp viên pháp lý thực hiện trợ giúp pháp lý bằng các hình thức đa dạng, phong phú, cụ thể là: tư vấn pháp luật; tham gia tố tụng với tư cách pháp lý là người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo để thực hiện việc bào chữa; người bảo vệ quyền lợi của đương sự trong vụ án hình sự; người đại diện hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính; đại diện ngoài tố tụng cho người được trợ giúp pháp lý để thực hiện các công việc có liên quan đến pháp luật; thực hiện các hình thức trợ giúp pháp lý khác.
Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Tây Ninh hiện có 05 viên chức đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh bổ nhiệm Trợ giúp viên pháp lý. Sau khi được bổ nhiệm, tất cả Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm đều tích cực tham gia tố tụng để bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người thuộc diện được trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh. Trung bình mỗi năm, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Tây Ninh thụ lý và tiếp nhận khoảng 150 vụ tham gia tố tụng từ các cơ quan tiến hành tố tụng chuyển sang và từ người dân đến yêu cầu. Số lượng vụ án có Trợ giúp viên pháp lý tham gia chiếm hơn 50% trên tổng số vụ việc. Số lượng vụ việc trợ giúp pháp lý bằng hình thức tham gia tố tụng của Trợ giúp viên pháp lý được thực hiện tăng đều theo các năm. Chất lượng từng bước được nâng cao và bảo đảm.
Sự tích cực và nhiệt tình tham gia tố tụng của Trọ giúp viên pháp lý trong thời gian vừa qua đã mang lại nhiều hiệu quả ngoài mong đợi. Việc tham gia tố tụng của Trợ giúp viên pháp lý đã góp phần quan trọng bảo đảm để các vụ án được giải quyết, xét xử khách quan, chính xác, đúng pháp luật, là cơ sở thực tiễn cho việc đưa ra định hướng có ý nghĩa quan trọng nhằm thúc đẩy và đảm bảo việc tranh tụng giữa Kiểm sát viên và Trợ giúp viên pháp lý, bước đầu hình thành cơ chế phán quyết của Tòa án phải xuất phát từ kết quả tranh tụng tại phiên tòa. Đồng thời bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp các đương sự là người được TGPL.
Khi tham gia tố tụng, đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý luôn thực hiện các phương pháp nghiên cứu hồ sơ theo nguyên tắc toàn diện, nắm vững hồ sơ một cách đầy đủ, đồng thời luận cứ bào chữa phải dựa trên những căn cứ được phản ảnh trong hồ sơ kết hợp các yếu tố pháp lý và yếu tố tâm lý để có cơ sở bào chữa, bảo vệ cho người được trợ giúp pháp lý.
Có thể nói rằng, nhiệm vụ của Trợ giúp viên pháp lý cũng tương tự như của Luật sư. Tuy nhiên, nhiều người dân trên địa bàn tỉnh còn chưa quen với cụm từ “Trợ giúp viên pháp lý”. Chính vì vậy, trong những năm qua, đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm đã tích cực, nhiệt tình và hăng hái trong việc thực hiện trợ giúp pháp lý cho nhân dân bằng hình thức tham gia tố tụng. Nhiều vụ án có sự tham gia của Trợ giúp viên pháp lý đã giúp cho người thuộc diện trợ giúp pháp lý lấy lại được sự công bằng và giành được quyền nuôi con, quyền về tài sản trong các vụ án lý hôn được đảm bảo. Hay có những trường hợp người dân bị lừa dối trong vay tiền bằng việc ký chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Khi họ đến với Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước Tây Ninh để yêu cầu được trợ giúp pháp lý thì họ đã là người trắng tay, tài sản đã bị mất hết. Khi tiếp xúc với những vụ án này, Trợ giúp viên pháp lý phải nghiên cứu nhiều văn bản pháp luật để tìm ra được hướng bảo vệ phù hợp với quy định của pháp luật và giúp họ phần nào giành lại tài sản đã bị lừa dối.
Từ những kết quả đạt được đã khẳng định công tác trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh đã và đang phát triển theo chiều hướng tích cực, hoạt động trợ giúp pháp lý mang sứ mệnh thiêng liêng thể hiện chính sách nhân đạo, dân chủ của nước ta, bằng sự tâm huyết với nghề và sự nhiệt tình với công việc, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Tây Ninh đang từng bước khẳng định là người bạn đồng hành của người nghèo, người có công với cách mạng, người khuyết tật… trên con đường dẫn đến sự công bằng, tôn nghiêm của pháp luật./.
Ngọc Linh