Thực hiện Kế hoạch hoạt động liên ngành về trợ giúp pháp lý (TGPL) trong hoạt động tố tụng năm 2023 của tỉnh Hòa Bình, ngày 20/7/2023 Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng tỉnh Hòa Bình (sau đây gọi tắt là Hội đồng) đã ban hành Kế hoạch số 1609/KH-HĐPHLN về kiểm tra công tác phối hợp về TGPL trong hoạt động tố tụng năm 2023 nhằm kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện công tác phối hợp TGPL trong hoạt động tố tụng được quy định tại Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC (Thông tư liên tịch số 10) năm 2023 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Hội đồng đã thành lập Đoàn kiểm tra theo Quyết định 138/QĐ-HĐPHLN ngày 15/11/2023 TGPLtrong hoạt động tố tụng năm 2023 để tiến hành kiểm tra công tác phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng tại các cơ quan: Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, Nhà tạm giữ và Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện của 02 huyện Yên Thủy và huyện Lạc Thủy. Nội dung kiểm tra tập trung vào trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc phối hợp thực hiện các hoạt động truyền thông và hướng dẫn về TGPL.
Đoàn kiểm tra đã tiến hành kiểm tra trực tiếp hồ sơ, sổ theo dõi vụ việc trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng, biên bản giải thích quyền được TGPL cho các đối tượng; Kiểm tra thực tế tại các địa điểm niêm yết Bảng thông tin về trợ giúp pháp lý, danh sách người thực hiện trợ giúp pháp lý trực tại Tòa án; Kiểm tra thực tế tại Nhà tạm giam, tạm giữ Công an 02 huyện vềtiếp cận người bị tạm giữ, tạm giam để hỏi về các quyền được trợ giúp pháp lý như: đã được các điều tra viên giải thích cho biết về quyền được trợ giúp pháp lý và hướng dẫn họ tiếp cận các thông tin về trợ giúp pháp lý chưa.
Các cơ quan tiến hành tố tụng tại 02 huyện được kiểm tra đều đánh giá cao ý nghĩa, vai trò quan trọng của công tác TGPL trong hoạt động tố tụng, các yêu cầu, đề nghị cử người bào chữa, người bảo vệ cho đối tượng được TGPL đều được Trung tâm thực hiện nhanh chóng, đúng thời hạn quy định. Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng vẫn còn một số hạn chế như: số lượng vụ việc TGPL trong lĩnh vực dân sự, hành chính vẫn còn thấp so với số lượng các vụ việc thụ lý trên địa bàn; hình thức truyền thông chưa thực sự tiếp cận được phần đông các đối tượng phong phú. Cuối buổi kiểm tra, đồng chí trưởng đoàn đã đề nghị các đồng chí lãnh đạo các cơ quan tiến hành tố tụng tiếp tục chỉ đạo cán bộ, chiến sỹ của cơ quan, đơn vị mình trong quá trình tiến hành tố tụng thực hiện giải thích quyền được TGPL cho các đối tượng, đương sự. Khi có người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, bị can, bị cáo hoặc đương sự trong các vụ án hình sự, dân sự, hành chính thuộc đối tượng được TGPL miễn phí theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý có trách nhiệm giải thích cho họ quyền được TGPL và hướng dẫn họ hoặc người đại diện hợp pháp làm đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý hoặc cơ quan tiến hành tố tụng có văn bản đề nghị Trung tâm TGPL cử người thực hiện TGPL tham gia tố tụng để đảm bảo tốt nhất quyền và nghĩa vụ của người được TGPL.
Đối với Toà án hai cấp, căn cứ Chương trình phối hợp số 1603/CTPH-BTP-TANDTC ngày 19/5/2022 giữa Bộ Tư pháp và Tòa án nhân dân tối cao về người thực hiện trợ giúp pháp lý trực tại Tòa án nhân dân, Trung tâm TGPL đã niêm yết danh sách Trợ giúp viên pháp lý trực tại Toà án nên khi có đối tượng thì có thể hướng dẫn họ gọi cho các Trợ giúp viên để được hướng dẫn thủ tục về trợ giúp pháp lý.
Đối với các khó khăn, vướng mắc, các đề xuất của các các cơ quan tiến hành tố tụng, Đoàn kiểm tra ghi nhận để xem xét và sẽ có giải pháp khắc phục trong thời gian tới./.
Nguyễn Hương Giang - Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Hoà Bình