Quy định trợ giúp pháp lý trong trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân và trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc

Năm 2022, Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XV ban hành Pháp lệnh số 01/2022/UBTVQH15 ngày 24/3/2022 quy định trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và Pháp lệnh số 03/2022/UBTVQH15 ngày 12/12/2022 quy định về trình tự, thủ tục xem xét quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân. Tại các Pháp lệnh này đã quy định về nội dung trợ giúp pháp như sau:

 

1.   Nội dung trợ giúp pháp lý trong quy định trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc

Pháp lệnh quy định trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; trình tự, thủ tục xem xét, quyết định việc hoãn, miễn chấp hành, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành thời gian còn lại trong quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị và giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị trong việc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Về nguyên tắc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, người bị đề nghị, cha mẹ hoặc người giám hộ của người bị đề nghị có quyền tự mình hoặc nhờ luật sư, người khác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị đề nghị.

Trường hợp người bị đề nghị không có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp thì Tòa án yêu cầu Đoàn luật sư phân công tổ chức hành nghề luật sư cử luật sư; Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước cử Trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý cho người được trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

2.   Nội dung trợ giúp pháp lý trong quy định trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân

Pháp lệnh quy định trình tự, thủ tục tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; trình tự, thủ tục xem xét, quyết định việc hoãn, miễn chấp hành, giảm thời hạn, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian áp dụng biện pháp xử lý hành chính còn lại; khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị và giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị trong việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

Về bảo đảm quyền được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị đề nghị xử lý hành chính, khoản 3 Điều 2 Pháp lệnh quy định: Người bị đề nghị thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý được đề nghị tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý. Trường hợp người bị đề nghị là người chưa thành niên mà không có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp thì Tòa án yêu cầu tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý cử trợ giúp viên pháp lý, luật sư theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý hoặc Đoàn luật sư phân công tổ chức hành nghề luật sư cử luật sư để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

Người được trợ giúp pháp lý trong quá trình xem xét áp dụng biện pháp xử lý hành chính quy định tại Điều 7 Luật Trợ giúp pháp lý như: Người có công với cách mạng; Trẻ em; Người thuộc hộ nghèo; Người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; Người thuộc một trong các trường hợp sau đây có khó khăn về tài chính (là người thuộc hộ cận nghèo hoặc người đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng): Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ; Người nhiễm chất độc da cam; Người cao tuổi; Người khuyết tật; Nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình; Nạn nhân của hành vi mua bán người theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người; Người bị nhiễm HIV.

Khả Hân