Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tỉnh Tây Ninh ban hành kế hoạch hoạt động năm 2016

26/04/2016
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Ngày 15/01/2016, Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tỉnh Tây Ninh đã ban hành kế hoạch phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng năm 2016. Trong đó chú trọng các hoạt động: kiểm tra diện người được trợ giúp pháp lý, bảo đảm người được trợ giúp pháp lý có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật; cử Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư cộng tác viên tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật; cung cấp Bảng thông tin, Tờ thông tin về trợ giúp pháp lý (người được trợ giúp pháp lý; quyền và nghĩa vụ của người được trợ giúp pháp lý; thủ tục yêu cầu trợ giúp pháp lý; địa chỉ, điện thoại liên hệ của Trung tâm, Chi nhánh), Hộp tin trợ giúp pháp lý, mẫu đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý, tờ gấp pháp luật, các tài liệu pháp luật có liên quan về trợ giúp pháp lý cho cơ quan tiến hành tố tụng, Trại tạm giam, Nhà tạm giữ; đánh giá chất lượng tham gia tố tụng của Trợ giúp viên pháp lý hoặc Luật sư là cộng tác viên.

Các hoạt động thường xuyên của các cơ quan tiến hành tố tụng: giải thích cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo và các đương sự biết về quyền và nghĩa vụ của họ theo pháp luật tố tụng; quyền được trợ giúp pháp lý và hướng dẫn họ tiếp cận các thông tin về trợ giúp pháp lý. Việc giải thích phải được ghi trong biên bản tố tụng để lưu tại hồ sơ vụ án. Khi họ có yêu cầu trợ giúp pháp lý thì cung cấp cho họ mẫu đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý và hướng dẫn họ viết đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý, địa chỉ liên lạc của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và hướng dẫn họ hoặc người thân thích, người đại diện hợp pháp của họ về thủ tục yêu cầu trợ giúp pháp lý. Trường hợp người bị tạm giam, tạm giữ không đồng ý  Trợ giúp viên pháp lý hoặc Luật sư cộng tác viên do Trung tâm trợ giúp pháp lý cử thì họ có quyền lựa chọn và đề nghị thay đổi người thực hiện trợ giúp pháp lý. Trường hợp những người này không có yêu cầu trợ giúp pháp lý thì người tiến hành tố tụng cũng ghi rõ trong biên bản;đồng thời phải giao các văn bản tố tụng cho người thực hiện trợ giúp pháp lý đã tham gia tố tụng trong vụ án đó, cụ thể như sau: Trong lĩnh vực tố tụng hình sự, cơ quan tiến hành tố tụng giao các quyết định tố tụng theo quy định cho người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự trong vụ án hình sự, cụ thể là: quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, quyết định áp dụng, thay đổi biện pháp ngăn chặn, quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, quyết định gia hạn thời hạn điều tra vụ án, gia hạn thời hạn tạm giữ, tạm giam (nếu có); kết luận điều tra; cáo trạng; quyết định đưa vụ án ra xét xử; quyết định tạm đình chỉ hoặc đình chỉ vụ án; bản sao bản án, thông báo về việc kháng nghị, quyết định kháng nghị; quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm (nếu có).

          Trong Kế hoạch năm 2016, để có số liệu cho Hội đồng báo cáo kết quả thực hiện Thông tư liên tịch số 11 cho Hội đồng ở Trung ương, Hội đồng cũng đã đề nghị các ngành thành viên Hội đồng công tác tại các cơ quan tiến hành tố tụng chỉ đạo các cơ quan tiến hành tố tụng lập sổ sách theo dõi để thống kê số vụ việc, số lượng người thuộc diện được trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật trong các vụ việc mà các cơ quan tiến hành tố tụng thụ lý giải quyết (Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, Tòa án, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) (bao gồm bị can, bị cáo, bị hại, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự; đương sự trong vụ án dân sự, lao động, hành chính).

Cũng tại Kế hoạch này, Hội đồng cũng đã dự kiến trong năm 2016,  sẽ tiến hành kiểm tra 06 cơ quan tiến hành tố tụng trên địa bàn tỉnh.

Tất cả hoạt động của Hội đồng phải nhằm mục đích tăng cường quan hệ phối hợp, phản hồi và trao đổi thông tin về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng giữa các cơ quan tiến hành tố tụng với Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước được thực hiện bằng hình thức tham gia tố tụng. Nâng cao trách nhiệm của người tiến hành tố tụng trong việc giải thích cho người đang bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người thân thích của họ và các đương sự khác về quyền được trợ giúp pháp lý, trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Bảo đảm người được trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật được thụ hưởng chính sách trợ giúp pháp lý của nhà nước khi có yêu cầu.

Sở Tư pháp là Cơ quan thường trực giúp Hội đồng tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch này.

                                                                                                   Ngọc Linh

Xem thêm »