Xem cỡ chữ
Đọc bài viết
In trang
Tuổi thơ bị đánh cắp Thời gian gần đây, tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục có xu hướng tăng cao đáng báo động. Trong đó, có không ít vụ việc mà người phạm tội là trẻ vị thành niên và có những vụ người phạm tội ở độ tuổi 70 – 80, nạn nhân thì còn rất nhỏ và hành vi vi phạm có cả sự đồng thuận của nạn nhân.T sinh năm 2013, K sinh năm 2007 quen nhau qua một lần đi chơi cùng bạn bè. Sau một thời gian nhắn tin qua lại, T và K có tình cảm yêu đương và quan hệ tình dục với nhau khi T mới 11 tuổi, còn K thì hơn 17 tuổi. Lúc mới quen, T và K đều không biết tuổi thật của đối phương; do thân hình phổng phao, nên T trông lớn hơn tuổi rất nhiều.
T và K đều nghĩ mình yêu nhau nên việc quan hệ tình dục với nhau là hoàn toàn tự nhiên và tự nguyện, không ai bị đe dọa hay bị ép buộc quan hệ tình dục trái ý muốn. Sự việc được gia đình T phát hiện, trình báo cơ quan chức năng. Sau đó, K đã bị khởi tố về tội “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi” theo quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 142 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Tại phiên tòa sơ thẩm, sau khi nghe phân tích, đánh giá, xem xét các tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật đối với K, tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên phạt K mức án 11 năm tù giam về tội “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi”. Đây là một hình phạt nghiêm khắc không những đối với K, mà còn để lại sự day dứt đối với T cũng như các bậc cha mẹ và những người có mặt tại phiên tòa.
Mặc dù được Hội đồng xét xử giải thích về quyền được yêu cầu bị cáo K và gia đình K có trách nhiệm bồi thường thiệt hại về sức khỏe bị xâm hại và bù đắp về tổn thất tinh thần cho bị hại T theo quy định tại Điều 584 và Điều 590 Bộ Luật dân sự năm 2015 nhưng mẹ T không yêu cầu bồi thường mà còn xin bãi nại cho hành vi của bị cáo K đối với T. Bởi bà cho rằng, trong sự việc này con mình cũng có lỗi và bản thân bà cảm thấy day dứt vì đã không dành nhiều thời gian làm bạn để chia sẻ quan tâm khi con gái bước vào độ tuổi dậy thì; chưa giáo dục cho con về chuyện tình yêu, hôn nhân, sức khỏe sinh sản và hậu quả của việc yêu đương, quan hệ tình dục quá sớm…
Có thể thấy, những trường hợp yêu sớm như K và T hiện nay khá phổ biến. Đó có thể là cảm xúc tâm sinh lý ở lứa tuổi dậy thì, sự tò mò, muốn tìm hiểu, thích khám phá những thay đổi về cơ thể, muốn được làm người lớn… trong khi chưa được giáo dục sức khỏe sinh sản vị thành niên.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các vụ phạm tội nêu trên là do, không ít cha mẹ nuông chiều con cái quá mức, đáp ứng mọi nhu cầu của con, cho con sử dụng điện thoại hoặc các thiết bị hiện đại quá sớm, mặc những trang phục quá ngắn, gợi cảm, không phù hợp với độ tuổi đi đến những nơi đông người. Bên cạnh đó, vì lý do bận rộn trong công việc, cuộc sống và sự phát triển của xã hội quá nhanh nên một số gia đình đã chưa quan tâm, để ý theo dõi những thay đổi của con trong giai đoạn dậy thì. Từ đó dẫn đến việc các em tự mày mò tìm hiểu trên mạng xã hội ngoài việc tiếp nhận những thông tin tốt xấu lẫn lộn, các em còn vướng vào các mối quan hệ qua việc làm quen trên mạng xã hội Zalo và Facebook.
Một phần nữa là do các đối tượng phạm tội có nhận thức pháp luật kém, một bộ phận có ý thức xem thường pháp luật, đạo đức, gia đình, xã hội; bên cạnh đó nhiều cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt công tác phòng, chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em; sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường, xã hội và các ban, ngành, đoàn thể trong phòng, chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em đôi lúc thiếu chặt chẽ, bị động, cộng với sự buông lỏng quản lý, thiếu ý thức trách nhiệm, thậm chí bất lực, bỏ mặc của nhiều gia đình đối với công tác giáo dục, quản lý, chăm sóc trẻ em nói chung, trẻ em gái nói riêng; nhiều trẻ em chưa được giáo dục về giới tính dẫn đến sống dễ dãi, buông thả và chủ động cho người khác quan hệ tình dục, đây là các điều kiện thuận lợi dẫn đến phát sinh tội phạm xâm hại tình dục trẻ em.
Bên cạnh đó, thiếu hiểu biết về pháp luật khiến không chỉ các em mà cả người lớn cũng bất ngờ khi hậu quả xảy ra. Ví dụ như về tội hiếp dâm, không ít người suy nghĩ chỉ khi “dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được, hoặc dùng những thủ đoạn bỉ ổi để bắt buộc, cưỡng ép người khác quan hệ tình dục trái ý muốn của họ” thì mới phạm tội. Tuy nhiên, suy nghĩ đó chưa đầy đủ theo quy định của pháp luật.
Tại khoản 1 Điều 142 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định: “Người nào có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi trái với ý muốn của họ” hoặc “người nào có hành vi giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người dưới 13 tuổi” thì cũng đều phạm tội “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi” và “bị xử phạt tù từ 07 năm đến 15 năm tù”.
Khoản 2 Điều 142 của bộ luật này cũng quy định những trường hợp phạm tội “có tính chất loạn luân”, “làm nạn nhân có thai”, “phạm tội 02 lần trở lên”, “phạm tội với 02 người trở lên”.. thì “sẽ bị xử phạt tù từ 12 năm đến 20 năm” và hình phạt cao nhất đối với tội danh này là “tù chung thân hoặc tử hình”.
Thiết nghĩ, để ngăn chặn các vụ việc liên quan đến xâm hại tình dục đối với trẻ, đảm bảo cho các em được phát triển một cách toàn diện thì gia đình, nhà trường và các tổ chức xã hội cần chú trọng trang bị cho các em những kiến thức cơ bản về sức khỏe sinh sản, pháp luật hình sự, an ninh mạng, hôn nhân gia đình, phòng, chống xâm hại tình dục…
Cha mẹ, hãy là những người bạn tin cậy, là nơi con có thể chia sẻ những tâm tư, tình cảm, suy nghĩ, quan điểm của mình. Từ đó, cha mẹ sẽ nắm bắt và đưa ra những biện pháp, định hướng đúng đắn để trẻ không có những suy nghĩ lệch chuẩn về quan hệ tình dục, sức khỏe sinh sản ở tuổi vị thành niên. Đừng đánh cắp tuổi thơ của con, đừng để nỗi đau đeo bám con suốt cuộc đời chỉ vì cha mẹ thiếu quan tâm, thiếu hiểu biết về pháp luật.
Mọi trẻ em đều có quyền được TGPL miễn phí, Người tử đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự, nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình, nạn nhân của hành vi mua bán người có khó khăn tài chính, hoặc các trường hợp khác theo quy định tại Điều 7 Luật Trợ giúp pháp lý thì cũng được trợ giúp pháp lý miễn phí.
Trẻ em, người dưới 18 tuổi khó khăn về tài chính được trợ giúp pháp lý miễn phí thông qua các hình thức:
- Tư vấn pháp luật: Cung cấp thông tin, giải đáp vướng mắc pháp luật; giúp soạn thảo đơn từ, văn bản; hướng dẫn các bên hòa giải, thương lượng,...
- Tham gia tố tụng: Là người bào chữa hoặc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trước các cơ quan có thẩm quyền giải quyết vụ việc như Tòa án, Viện Kiểm sát, Công an,...
- Đại diện ngoài tố tụng: Trợ giúp viên pháp lý đại diện cho người được TGPL làm việc với các cơ quan nhà nước có liên quan để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.
Khi phát hiện hoặc có thông tin về hành vi xâm hại trẻ em, hãy liên hệ ngay đến địa chỉ
- Trung tâm TGPL Nhà nước và các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý khác tại địa phương
- Số điện thoại đường dây nóng về trợ giúp pháp lý: 024.6273.9631
- Đường dây nóng về bảo vệ trẻ em 111
- UBND cấp xã nơi xảy ra vụ việc
- Số điện thoại 113 để báo công an/ cảnh sát
Hoặc tìm hiểu thêm thông tin về trợ giúp pháp lý tại:
- Cổng Thông tin điện tử Bộ Tư pháp: https://www.moj.gov.vn/Pages/home.aspx
- Trang Thông tin điện tử trợ giúp pháp lý Việt Nam: https://tgpl.moj.gov.vn/Pages/TrangChu.aspx
- Trang thông tin điện tử của Sở Tư pháp tỉnh, thành phố
Đặng Hợi
(Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Đắk Lắk)